April 20, 2024, 2:14 am

Về những tấm “giấy thông hành” trong lao động

Mấy ngày nay, dư luận xã hội không ngừng nóng lên với vụ việc tại trường Đại học Đông Đô tổ chức đào tạo, cấp văn bằng 2 Ngoại ngữ cho trên 600 học viên khi chưa có sự đồng thuận chính thức bằng văn bản từ Bộ Giáo dục & Đào tạo là trái luật, đồng thời đề nghị công khai danh tính của trên 600 học viên tham dự các khóa học để phục vụ cho các mục đích khác nhau... Trắng đen của vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ và những sai phạm (nếu có) của nhà trường và phía người học cũng sẽ được xử đúng người, đúng tội. Nhưng, nếu chỉ như vậy, ai dám chắc sẽ lại không có trường hợp “vượt rào” khác như Đông Đô khi không chỉ trong lĩnh vực công mà rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác vẫn duy trì luật bất thành văn trong tuyển dụng và bố trí vị trí công tác, lao động. Đó là bằng cấp.

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc  trong ngày 15/12 đã chỉ đạo:

Không bỏ lọt tội phạm trong vụ cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng; xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cho phép Đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng hai; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra sai phạm tương tự.

Thủ tướng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Quy trình quản lý lỏng lẻo

Thực ra, không phải đến thời điểm hiện tại Đại học Đông Đô mới có sai phạm, mà trước đó hoạt động đào tạo tại trường đã phát hiện nhiều sai phạm, khiến cho trường từ vị trí top đầu trong hệ thống giáo dục ngoài công lập của các tỉnh phía Bắc trở nên bết bát vào đầu những năm 2002, khi Công an Hà Nội ra lệnh khởi tố vụ án Lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 281, Bộ luật Hình sự) ở trường này trong tuyển sinh năm 2001 với nhiều bài thi được chấm nâng điểm, tuyển sinh vượt 2,8 lần số lượng cho phép… Thay vì  dừng lại sửa sai bằng việc khắc phục hậu quả trong tuyển sinh, thì đến năm 2012, trường tiếp tục vi phạm và bị đình chỉ tuyển sinh với lý do: tỷ lệ sinh viên/ giáo viên quá cao: 4.276 sinh viên/ 77 giáo viên (55%). Kèm theo quyết định dừng tuyển sinh, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng yêu cầu cơ sở giáo dục nếu không khắc phục các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục... Ngoài những sai phạm nói trên, trong nhiều năm qua, Đại học Đông Đô đã trở thành cơ sở đào tạo bị tụt hạng cả về danh tiếng lẫn chất lượng đào tạo, và gần đây nhất là vụ vi phạm về đào tạo văn bằng 2 môn tiếng Anh nói trên.

Hiện cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý những người đã sử dụng bằng, còn các trường hợp chưa sử dụng thì đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo có quyết định huỷ bỏ, thu hồi. Song, cũng tại kết luận điều tra, đã cho thấy hậu quả đáng tiếc đã xảy ra từ sự lỏng lẻo trong quản lý hành chính của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vào thời điểm năm 2015, Bộ cho phép cơ sở đào tạo này đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy, khi chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2. Sự lỏng lẻo trong quản lý của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngay lập tức được trường Đông Đô biến thành cơ hội để “xé rào” tuyển sinh văn bằng 2. Và học viên vì tin tưởng vào những thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đã nộp hồ sơ, lệ phí theo học. Không bàn đến những tiêu cực như nộp tiền là thi đỗ, chịu chi tiền là có bằng mà không phải theo học... như báo giới và dư luận xã hội bàn luận, chỉ nhìn vào sự dễ dãi, xuê xoa trong quản lý, thiếu hậu kiểm, thậm chí không hậu kiểm... dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: Giáo dục đang bị làm giả, giả từ bằng cấp đến học hàm, học vị...

Nhu cầu về một “giấy thông hành” trong lao động?

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, phía Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có phản hồi chính thức về những thông tin nói trên, kèm theo đó là quyết tâm xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, nhưng những xử lý dù có nghiêm khắc đến đâu, thiết nghĩ đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, thể hiện bề nổi trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Việc tìm ra gốc rễ dẫn đến sai phạm và giải quyết dứt điểm sai phạm là điều mà dư luận trông đợi từ cơ quan chủ quản, bởi những sai phạm này chỉ là sự khởi đầu, hay nói đúng hơn là điểm xuất phát của những sai phạm có tính dây truyền trong xã hội hiện nay.

Tại sao lại nói như vậy?.

Thực tế trong cuộc sống, vấn đề “bằng cấp” đang chi phối hoạt động tuyển dụng lao động ở hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị có sử dụng và phát sinh hợp đồng lao động. Bằng cấp được xem là tấm “giấy thông hành”, thậm chí là “giấy phép con” để gia nhập thị trường lao động. Tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề, bằng cấp còn là “thước đo” để bố trí vị trí làm việc. Chính điều này đã tạo điều kiện cho thị trường bằng giả và các cơ sở đào tạo “xé rào” tuyển sinh bất chấp luật pháp và những quy định ngặt nghèo trong đạo đức nghề nghiệp.

Mới đây Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức bỏ quy định bắt buộc giáo viên phái có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... đã mang lại niềm vui cho hầu hết giáo viên bậc mầm non và phổ thông. Do đây là một trong những nội dung nằm trong thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn để đánh giá chức danh nghề nghiệp của giáo viên tại các cấp học học. Họ vui vì không phải ai cũng đang ở độ tuổi để bắt đầu học máy tính, học ngoại ngữ để có thể thi lấy chứng chỉ. Và nếu quy định không được bãi bỏ, nhiều giáo viên đã không ngần ngại cho biết họ sẽ tìm cách mua chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ…

Từ những thực tế trên cho thấy, bằng cấp được sử dụng không đúng mục đích đã và đang trở thành rào cản trong những nỗ lực về đổi mới mối quan hệ lao động cũng như những vấn đề về đạo đức trong xã hội. Và có cầu ắt có cung, việc làm sai phạm của trường Đại học Đông Đô nói trên vì vậy khó có thể coi chỉ là những sai phạm thuần túy về thủ tục hay công tác quản lý.

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm