April 26, 2024, 4:40 am

Về những kẻ “vượt biên trái phép”

Đúng vào thời điểm cả nước đang hối hả chuẩn bị kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), sau 99 ngày Việt Nam tự hào không có ca nhiễm Covid-19 nào mới trong cộng đồng, và trong bối cảnh sau gần 3 tháng đấu tranh với cơn đại dịch đang làm điêu đứng toàn thế giới, với hơn 18 triệu người nhiễm bệnh, gần 700 ngàn người tử vong; thì chúng ta vẫn chưa có ca tử vong nào. Không những vậy còn điều trị thành công cho bệnh nhân số 91, phi công người Anh, ca bệnh nổi tiếng thế giới, tạo nên một hình ảnh đẹp về lòng nhân ái, một vị thế xứng đáng của Việt Nam: “Như một cuộc biểu dương lực lượng của đội quân áo trắng đang thực sự làm chủ những tiến bộ kỹ thuật trong y học và cả những giá trị đạo đức cao quý cùng sự tận tụy của lòng nhân ái…” (nhận định của các chuyên gia WHO); và khi cuộc sống bình yên những tưởng đang dần trở lại, “nỗi sợ” Covid-19 đã có vẻ nhạt nhòa đi phần nào trong cộng đồng; những chuyến bay cả nội địa lẫn quốc tế đã và đang bắt đầu tấp nập, các điểm du lịch như vừa trở mình sau một giấc ngủ dài đầy thấp thỏm; thì vào ngày 25/7, không phải Hà Nội, cũng không phải Thành phố Hồ Chí Minh, Covid-19 đột nhiên bùng lên tại Đà Nẵng. Một địa danh hết sức “nhạy cảm” của đất nước nhìn từ nhiều góc độ, nhiều thời điểm.

Sự xuất hiện của bệnh nhân số 416 ở Đà Nẵng trở thành ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại nước ta sau 99 ngày an toàn giống như một tiếng chuông báo động cho một cuộc chiến đấu mới, hay tiếng chuông báo thức để kết thúc một giấc mơ đẹp? Điều đó phụ thuộc vào việc đánh giá lại thời gian 99 ngày vừa qua chúng ta đã có những ứng xử thế nào với “kẻ thù” Covid-19. Nhưng trước mắt, sự xác định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cũng như của giới chuyên môn, đều thống nhất sự tái bùng phát dịch lần này là hết sức phức tạp bởi chủng mới của virus đã khác, và quan trọng hơn nữa là chúng ta chưa (hoặc không thể) xác định được F0, điều kiện tiên quyết để sàng lọc, khoanh vùng khống chế dịch.

Mầm bệnh len vào cộng đồng đã hoàn toàn mất dấu trong một thành phố 1,6 triệu dân giữa mùa du lịch với chiến dịch “kích cầu” bằng vô số ưu đãi. Ngay sau khi dịch tái bùng phát, cơ quan chức năng ở các địa phương đã thống kê sơ bộ: “Chưa dừng lại ở con số hơn 53.000, sang đến hôm nay, 1.8, số người từ Đà Nẵng trở về của Hà Nội tăng vọt lên 72.275 người” (https://thanhnien.vn); “hơn 18.000 người đã bay từ Đà Nẵng tới sân bay Tân Sơn Nhất trong 3 ngày gần nhất” (https://zingnews.vn, 28/7). Đến 2/8, “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đã ghi nhận khai báo y tế của 32.070 người rời khỏi Đà Nẵng từ đầu tháng 7” (https://nhadautu.vn)... Những con số chồng lên con số càng hiển hiện rõ hơn “nét mặt” của “kẻ thù/giặc” lần này…

*

Cũng bởi tình trạng “mất dấu F0” nên nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Khoa học có, “thuyết âm mưu” cũng có. Mỗi câu chuyện, mỗi giả thuyết đều mang cái tâm và cái tầm của người đưa ra và sử dụng nó. Song nổi lên trên hết, và cũng là sự giao thoa của tất cả các giả thuyết đó, vẫn là câu chuyện “tiên trách kỷ”. Đó là bài học về sự cảnh giác và sự ích kỷ.

Câu chuyện vẫn bắt đầu từ Đà Nẵng.

Tin trên báo: “Công an TP Đà Nẵng vừa bắt ba người liên quan đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép”. (https://plo.vn, 21/7)

Cũng liên quan đến nội dung trên, theo thông tin từ Công an Thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 25/7, tổng số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến Đà Nẵng là 52 người. Công an đã bắt giam một người, khởi tố ba bị can (gồm một người Trung Quốc, một người Đà Nẵng và một người Quảng Nam) vì tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam.

“Chiều 26-7, Công an TP Đà Nẵng cho hay, sau thời gian khẩn trương điều tra, tối 25-7 đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện bắt giữ đối tượng Gao Liang Gu (Cao Lượng Cố, sinh 04-06-1978) tại một khách sạn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng.

Cao Lượng Cố được xác định là đối tượng trong đường dây tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian qua”. (https://plo.vn/)

Vì có chuyện Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng mà câu chuyện người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc, tổ chức và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng và Quảng Nam, mới trở nên “nóng” trên truyền thông đến vậy. Song thực tế, lâu nay tình trạng này vẫn diễn ra với số lượng khá lớn...

Theo báo cáo của lực lượng Biên phòng, từ đầu năm đến nay, bộ đội biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ án với 70 người liên quan. Riêng trong tháng 7 đã có trên 2.400 người bị bắt giữ khi cố tình xâm nhập qua các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Lãnh đạo Bộ đội biên phòng cũng lý giải, đường biên giới đất liền Việt Nam dài trên 5.000km trong khi lực lượng Biên phòng bám biên của ta khá mỏng, khó có thể quán xuyến hết.

Nhiều nhà văn, nhà thơ đã lên tiếng về những vấn đề này. Nhà thơ Thanh Thảo bình luận: “Không phải những người nhập cảnh trái phép ấy giàu có gì, họ cũng thuộc “giai cấp làm thuê” thôi, và họ tìm đường sang Việt Nam, tới Nam Hội An không phải để đánh bạc, dù địa chỉ họ tới cũng là tổ hợp Casino to vật vã tại đây. Họ tới Casino Nam Hội An để… làm thuê. Ở đó đang xây dựng, cần mỗi ngày khoảng 3000 nhân công làm đủ thứ việc. Những người nhập cảnh trái phép ấy tìm đến để làm “thợ đụng”. Vậy thôi. Nhưng đang thời Covid-19 hoành hành trở lại, không ai dám bảo đảm những người làm thuê ấy, dù thuộc giai tầng lao động, liệu có thể bảo đảm không mang mầm dịch bệnh trong người? Ai cũng có thể mang virus corona mà, nhất là những người nghèo.

Những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ấy, họ không khác mấy với dòng người nhập cư vào châu Âu, vào Mỹ mấy năm gần đây. Với những người làm thuê nghèo khổ từ Trung Hoa, nếu ở Việt Nam không có những công trình to vật như Casino Nam Hội An, chắc họ cũng không sang làm gì…”.

Nói vậy không phải nhà thơ Thanh Thảo “bênh vực” gì cho chuyện vượt biên trái phép, mà trong thâm tâm, ông muốn nói đến cái gốc của vấn đề. Đó là mục đích của hành động. Nhu cầu lao động của con người là chính đáng. Và đúng là lực lượng Biên phòng, thậm chí có phối hợp cả với nhân dân vùng biên giới, dù có nỗ lực đến bao nhiêu đi nữa thì vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng vượt biên trái phép này nếu như ở đâu đó vẫn còn những cơ hội cho họ, như một “sức hút” không thể nào cưỡng lại, thì bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, họ sẽ tìm cách để đạt được mục đích.

Để làm rõ hơn những bình luận của mình, nhà thơ Thanh Thảo nói tiếp: “Tôi đã đọc một phóng sự rất hay và rất vui trên báo Quảng Nam online, nhan đề Cà kê cạnh Casino Nam Hội An. Thì ra, vùng cát trắng thuộc địa phận thành phố Hội An này sắp thành “thiên đường cờ bạc” với những công trình cỡ 5 sao và thu hút những người giàu đến vui chơi đen đỏ?

Hội An, nơi mỗi góc phố mỗi con đường nhỏ đều ngập tràn những dấu ấn văn hóa và lịch sử, nơi sự thật thà trung hậu đã từng lên ngôi, chẳng lẽ sắp thành “thiên đường bài bạc” sao? Khách năm châu tới Hội An là để thưởng thức những tinh hoa của văn hóa, để ăn một bát cao lầu thơm thảo, ăn một chén chè mè đen ngon độc đáo, chứ không phải để chơi những trò chơi mà ngay cả người Hội An cũng không mong mỏi con em mình chơi.

Chúng ta luôn nói phải xây dựng văn hóa mới lành mạnh, nhưng nên gọi hoạt động Casino là thuộc “dạng văn hóa” gì? Hội An liệu có thích hợp cho “dạng văn hóa” ấy phát triển không? Ngay báo Quảng Nam, khi đăng phóng sự về việc Casino Nam Hội An thu hút nhân công xây dựng, đã tỏ ra không tán thành về sự hiện diện của Casino này tại một thành phố văn hóa và yên bình như Hội An.

Chỉ có điều, báo Quảng Nam online đã không nói rõ, chủ nhân của Casino Nam Hội An này là ai?...”

Câu hỏi bỏ lửng của một nhà thơ về một dự án “văn hóa” tại thời điểm này, xem ra có gì đó không “đắc địa” cho lắm. Song cứ ngẫm kỹ lại thì thấy, chẳng có gì là không phải cả, khi mà lòng tham của con người cũng giống như một thứ virus, đã tìm ra những “đường mòn, lối mở” trên bức tường của tinh thần cảnh giác để trở thành những kẻ “vượt biên trái phép”…

V.N

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm