April 24, 2024, 12:10 am

Về một sự vận động cho văn học, nghệ thuật

 

Đã có gần 200 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, Ban, ngành, các Nhà xuất bản và tỉnh Quảng Ninh cùng tham gia hội thảo “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, thực trạng và định hướng phát triển”.  Đây là cuộc hội thảo cấp quốc gia vừa được tổ chức vào đầu tháng12 vừa qua tại Quảng Ninh, được kỳ vọng sẽ đưa ra được một tổng kết chính xác về tình hình phát triển, cũng như xu hướng phát triển của văn học, nghệ thuật sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 về phát triển văn học nghệ thuật của Bộ Chính trị (khóa X).

Ghi nhận chung tại hội thảo, sau khi đã xới xáo nhiều vấn đề về tình hình phát triển của văn học, nghệ thuật hiện nay như: Chưa phát triển tương xứng với đầu tư của Nhà nước, chưa có tác phẩm đỉnh cao, còn chạy theo hình thức, thẩm mỹ cũng như hưởng thụ văn hóa của một bộ phận công chúng còn lệch lạc, tiêu cực, hoạt động lý luận, phê bình còn trầm lắng, thiếu tính tích cực… Cho thấy cần phải có một quyết tâm cao trong đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo của các cơ quan Đảng, trong mỗi bản thân văn nghệ sĩ, nhằm tạo động lực mới và những xung lực mới cho đội ngũ văn nghệ sĩ, phát huy năng lực sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển của đời sống kinh tế, chính trị xã hội hiện nay…

Văn học nghệ thuật đứng ở đâu trong sự phát triển chung của đất nước

Cần phải khẳng định ngay rằng, đây không phải là lần đầu tiên một cuộc hội thảo quy mô cấp quốc gia được tổ chức nhằm xác định lại vị trí của văn học, nghệ thuật trong tình hình phát triển chung của đất nước. Nhưng con số ấn tượng về lượng học giả, chuyên gia và nhà quản lý tham gia hội thảo đã cho thấy sự cần thiết và cấp bách của việc xác định vị trí và tiên lượng xu hướng phát triển của văn học nghệ thuật hiện nay là vô cùng quan trọng. Nhất là khi nhiều quốc gia, nhiều tổ chức chính trị trên thế giới đã coi văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng làm phương tiện để quảng bá hình ảnh đất nước và không loại trừ cả việc dùng văn hóa để thực hiện mưu đồ thống trị chính trị. Trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) trước đó, đã xác định, mục tiêu và những nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn học, nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng. Đồng thời nghị quyết cũng nhấn mạnh, tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định… Song nếu soi chiếu vào đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay thì thấy đang bộc lộ khá nhiều yếu kém, khuyết điểm. Trong đó không loại trừ cả khuynh hướng chạy theo hình thức, xem nhẹ các giá trị thẩm mỹ và nhân văn của văn học, nghệ thuật chưa được khắc phục mà có lúc, có nơi còn chiều hướng gia tăng.

Tại hội thảo, đã có nhiều quan điểm cho rằng, đời sống văn học, nghệ thuật hiện đã và đang phát triển khá đa dạng. Song vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng sự trông đợi và kỳ vọng của công chúng. Theo số liệu từ Cục Quản lý xuất bản, chỉ trong năm 2017 lượng sách xuất bản đã gần như đạt mức kỷ lục với 4.190 giấy đăng ký với 58.029 xuất bản phẩm. Nhưng cũng trong năm, Cục này cũng đã tiến hành xử phạt 129 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 96 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, 33 xuất bản phẩm vi phạm khác. Cục đã ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 745 triệu đồng. Tất nhiên ai cũng hiểu khi sách đã bị thu hồi thì những sai phạm đã được gọi đích danh. Nhưng để lọt lưới những tác phẩm này ra với công chúng thì có một phần trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý. Song việc xử phạt chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng trên vẫn chưa thể chấm dứt. Hậu quả, thị hiếu thẩm mỹ văn hóa, văn học, nghệ thuật của một bộ phận công chúng đang chịu những tác động theo khuynh hướng lệch lạc, thiếu lành mạnh, thậm chí tiêu cực.

Tìm đến những xu hướng sáng tác mới

Chỉ ra xu hướng sáng tác đề cao cái tôi, kéo theo hoạt động lý luận, phê bình ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia đề cập đến hoạt động phê bình hiện nay đang có xu hướng phong trào, khen chê, thậm chí mang tính hội đồng. Lấy dẫn chứng về đời sống hoạt động lý luận, phê bình hiện nay đang thiếu lửa, thậm chí trầm lắng một cách đáng quan ngại, nhà văn Văn Giá đã chia sẻ một thực tế là nhiều năm nay, khoa Viết văn trường Đại học Văn hóa không tuyển nổi sinh viên cho chuyên ngành lý luận, phê bình của trường. Thực tế này, không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của chuyên ngành đối với người trẻ đang ở mức thấp nếu như không muốn nói là phê bình văn học nghệ thuật đang rơi vào cảnh chợ chiều do sự thiếu lửa, và thiếu chuyên nghiệp.

Đã có gần 70 bài tham luận của các chuyên gia hàng đầu, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình lĩnh vực văn học, nghệ thuật được gửi đến và trình bày tại hội thảo. Đa số các tham luận tập trung vào mổ xẻ thực trạng hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật hiện nay. Nhiều tham luận đã mạnh dạn chỉ ra những xu hướng sáng tác mới sẽ tác động đến khuynh hướng vận động của thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, của từng lĩnh vực nghệ thuật nói riêng trên tất cả các phương diện hoạt động từ sáng tác, tiếp nhận, thưởng thức, lý luận, phê bình đến quản lý, lãnh đạo văn học, nghệ thuật. Song nếu chỉ dừng lại ở những quyết định, tổng kết thì văn học, nghệ thuật sẽ thiếu tính thực tiễn, thiếu lửa và càng không thể có những đột phá trong hoạt động sáng tác hiện nay.

Chính vì vậy, dự báo, cảnh báo các xu hướng vận động và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm xây dựng, định hướng phát triển văn học, nghệ thuật hiện rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi văn hóa đang trở thành một mặt trận quan trọng không kém mặt trận kinh tế, thậm chí ở một khía cạnh nào đó còn mang tính chất sống còn với bất kỳ một quốc gia dân tộc, trong đó không loại trừ có Việt Nam. Văn học, nghệ thuật được khẳng định một vị thế lớn lao như vậy, nhưng rõ ràng các cơ chế, chính sách để bảo đảm cho văn học, nghệ thuật có thể đảm đương được vị thế đó thì còn manh mún, bấp cập. Do đó, những vấn đề về nhận thức, về lý luận cơ bản, quan trọng của văn học, nghệ thuật, trong đó có cả sáng tạo, quảng bá VHNT trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong cơ chế thị trường chưa được làm rõ thì đời sống văn học nghệ thuật vẫn chỉ là sự giao thoa mờ nhạt giữa các loại hình nghệ thuật mà thiếu những tác phẩm có sức lan tỏa, mang hơi thở thời đại, toàn diện và sâu sắc.

Nguồn Văn nghệ số 52/2017


Có thể bạn quan tâm