April 26, 2024, 6:11 am

Về một lực lượng sáng tác trong trường đại học

Hiện nay trên văn đàn, lực lượng sáng tác trẻ vẫn còn khá ít ỏi. Các hội văn học nghệ thuật tỉnh/ thành phố vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ để bổ khuyết lực lượng viết trẻ của tỉnh nhà nói riêng, của diện mạo văn học Việt Nam nói chung. Thời gian gần đây, không chỉ Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật tỉnh/ thành phố trên cả nước không ngừng “tìm kiếm nhân tài”, mà tại các trường Đại học, những sự kiện giao lưu giữa các tác giả với sinh viên cũng được tổ chức sôi nổi. Mục đích của những sự kiện chính là truyền cảm hứng, truyền lửa đam mê và tình yêu văn chương, chia sẻ kinh nghiệm viết văn, công bố tác phẩm qua các phương tiện truyền thông từ những người đi trước.

Không khí sáng tác trong trường Đại học

Một buổi giao lưu tại trường Đại học Cần Thơ - 2022

Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều cây bút trẻ (hoặc cây bút nay đã trưởng thành và bước đi vững chắc trên con đường văn chương) đã bước ra từ các trường Đại học. Những cây bút đó tỏ ra có năng lực và đam mê văn chương từ khi còn là sinh viên, ngồi trên giảng đường. Không chỉ riêng sinh viên ngành Ngữ văn (các trường Đại học trên cả nước) hoặc Sáng tác văn học (Khoa Viết văn - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), khi theo học những ngành nghề khác, thậm chí là những ngành khoa học tự nhiên, sinh viên vẫn cầm bút sáng tác nếu có năng lực và sự thôi thúc từ bên trong. Những sinh viên thực sự tâm huyết đã nỗ lực tìm hướng đi, khẳng định tên tuổi và sống đúng với đam mê của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít sinh viên có khả năng sáng tác nhưng không tự định hướng được con đường, có tài nhưng không được phát hiện và chăm bồi, đã “bỏ cuộc chơi” để tập trung vào chuyên môn. Như thế, những tài năng triển vọng có khả năng bị mai một, bị khuất lấp.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, nhiều cây bút trẻ đã nổi lên ngay từ khi còn đang là sinh viên và giữ vững tên tuổi, đam mê sau nhiều năm cầm bút, đến tận hôm nay. Đại học Cần Thơ được biết đến là một trong những trường đại học danh tiếng nhất Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời cũng là “cái nôi” ươm mầm nhiều tài năng văn học trẻ. Từ ngôi trường này, cái tên Phan Duy - từng là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và ngành Văn học - văn bằng 2 (nhà thơ), Tô Ngọc Duy Quý - từng là sinh viên ngành Kỹ thuật - cơ - điện tử (tác giả thơ ca)… đã thành danh. Hay Đại học An Giang, “cội nguồn” của rất nhiều cây bút trẻ, triển vọng như Lê Quang Trạng - từng là sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn (nhà văn, nhà thơ). Lê Quang Trạng cũng là một trong những “hạt phù sa” đang tỏa sáng, có những đóng góp quan trọng cho văn học An Giang và văn học Việt Nam hiện đại. Ngày nay, có rất nhiều sinh viên đam mê văn chương, thích viết lách, sáng tác nhưng chưa được định hướng hoặc dẫn dắt một cách bài bản. Vì thế, những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước có ý nghĩa to lớn trong việc vun bồi một thế hệ viết trẻ kế thừa.

Hành trình tìm kiếm “hạt ngọc ẩn giấu”

Để những tài năng trẻ không bị khuất lấp, trong các trường Đại học, cuộc hành trình tìm kiếm “hạt ngọc ẩn giấu” đã và đang bắt đầu. Bằng rất nhiều những việc làm, hành động thiết thực, sự kiện được tổ chức, các em sinh viên như được tiếp thêm ngọn lửa đam mê, được gợi dẫn bằng kinh nghiệm của thế hệ đi trước để từ đó có thể “nhận đường” và bước đi trên con đường văn chương mà các bạn đã chọn lựa. Với vai trò là diễn giả, những người truyền cảm hứng, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình văn học… đã chia sẻ kinh nghiệm, hành trình dấn thân của mình đến các em sinh viên. Từ đó khơi dậy ngọn lửa trong các em được cháy bùng, cùng với những định hướng, các em sẽ biết được mình sẽ làm thế nào để “đứa con tinh thần” được chỉn chu, hoàn hảo hơn, đồng thời đưa sáng tác cá nhân lên báo chí, thậm chí xuất bản sách.

Hòa cùng hành trình khuấy động không khí sáng tác trong các trường Đại học trên cả nước, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều trường Đại học cũng đã tiến hành tổ chức những sự kiện giao lưu mà khách mời là những nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi trong giới văn chương. Chẳng hạn như tại trường Đại học Cần Thơ, năm 2015, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn của trường này đã mời một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh về “truyền lửa” văn chương và khơi dậy đam mê sáng tác cho sinh viên. Tại Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhà văn Tiểu Quyên, nhà thơ Minh Đan đã chia sẻ kinh nghiệm viết lách, cách gửi tác phẩm đến các đơn vị báo chí, xuất bản, đồng thời ký tặng sách cho sinh viên. Cũng từ buổi giao lưu này, nhiều sinh viên đã nhận thức được niềm đam mê văn chương và dũng cảm dấn thân trên con đường chữ nghĩa.

Năm 2022, sau khoảng thời gian im ắng vì đại dịch Covid-19, Câu lạc bộ Văn học - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Cần Thơ) đánh dấu sự trở lại bằng hoạt động giao lưu cùng diễn giả với chủ đề Sáng tác và Nghiên cứu văn học. Chương trình có sự góp mặt của các diễn giả nhiều kinh nghiệm trong sáng tác, nghiên cứu văn học, đã có một số thành tích nhất định trong sự nghiệp của mình như: PGS.TS. Nguyễn Kim Châu (nhà văn, nhà nghiên cứu) - tác giả của tập truyện ngắn Gió trên đồng (được chuyển thể thành phim), Huệ Thi (nhà thơ), Phan Duy (nhà thơ, soạn giả), Hoàng Khánh Duy (tác giả văn xuôi). Làm nên thành công của chương trình là sự góp mặt của hơn 150 sinh viên hai ngành: Văn học và Sư phạm Ngữ văn. Tại đây, các em sinh viên đã sôi nổi đặt câu hỏi, nhờ sự giải đáp của diễn giả, xoay quanh vấn đề: làm thế nào để đưa hiện thực đời sống và tác phẩm văn học, các bước để sáng tác đến được với độc giả… PGS.TS. Nguyễn Kim Châu có nhấn mạnh: “Hiện nay, văn học Đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu hai mảng là tiểu thuyết và lý luận phê bình văn học. Vì thế rất cần được bổ khuyết - bởi những cây bút trẻ. Tiểu thuyết chính là điểm sáng của một nền văn học”.

Tại trường Đại học An Giang cũng có nhiều sự kiện ý nghĩa liên quan đến văn chương. Gần nhất là sự kiện diễn ra vào tháng 5/2022, sinh viên Đại học An Giang có buổi giao lưu, trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Tấn Phát - Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nguyên giám đốc Đại học Quốc gia - TP. Hồ Chí Minh. Thông qua buổi giao lưu này, nhà văn Nguyễn Tấn Phát cũng đã bộc lộ tình cảm của mình đối với văn chương, ý nghĩa của văn chương - từ góc nhìn của nhà văn này. Có thể xem Đại học Cần Thơ và Đại học An Giang là hai trường Đại học có không khí sáng tác văn chương và khuấy động bằng những sự kiện văn chương sôi nổi nhất nhì Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong tương lai, rất cần thiết lan tỏa không khí viết lách đến những trường Đại học khác. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học vùng miền, văn học nước nhà. 

Việc tìm kiếm, bồi dưỡng những cây bút trẻ nói chung và sinh viên có năng lực sáng tác nói riêng là điều cần thiết, nhằm hình thành đội ngũ sáng tác trẻ sung sức, khả năng sáng tạo cao. Lực lượng sáng tác trẻ chính là thế hệ kế thừa xuất sắc những người đi trước, gánh trên vai sứ mệnh đưa văn học vùng miền vươn tầm quốc gia, thậm chí đưa văn học quốc gia vươn ra tầm thế giới.

Nguồn Văn nghệ số 43/2022


Có thể bạn quan tâm