March 29, 2024, 6:05 pm

Về một bài thơ được chép tay của Nguyễn Bính

Sau khi hết phổ thông, tôi có nhiều lần đi chơi ra Hà Nội, đến nhà bạn Đào Thái Phượng ở số 47 phố Văn Miếu, và đến chỗ anh Tạ Đức Thành ở tập thể của đài truyền hình Giảng Võ. Bạn Phượng là người bạn học thân thiết với tôi khi bạn về Chúc Sơn - Chương Mỹ sơ tán tránh máy bay Mỹ đánh phá thủ đô từ giữa năm 1972. Còn anh Thành vốn là bạn học với anh trai tôi, sau này anh thân quí với tôi. Anh Thành làm quay phim của đài truyền hình. Anh để tóc dài như thi sĩ và nói chuyện khá hấp dẫn người nghe. Có lần tôi rủ Phượng cùng đến Giảng võ thăm anh Thành, và cũng có lần anh Thành cùng tôi đến chơi thăm nhà Phượng.

Gia đình nhà bạn Phượng thuộc dân lao động thành phố sống chất phác, tình cảm. Họ đồng ý để cho chúng tôi đi lại chơi bời và thân thiết với nhau. Nhà bạn lui sâu vào bên trong mặt phố với nhiều căn phòng nhỏ nối tiếp nhau thành dãy dài và bẻ ngang ra tại 1 phòng to ở cuối dãy, tạo hình chữ L ngược. Căn phòng cuối dãy rộng nhất có gác xép bằng gỗ, che đi khoảng 1/3 phần diện tích trần nhà. Sàn gác có kê chiếc bàn học và trải được dư 2 chiếc chiếu đôi. Phượng là anh cả trong nhà gồm 6 anh em, nhưng bạn được bà nội và bố mẹ cưng chiều nhất. Chúng tôi đi lại nhà Phượng thì được dành riêng cả khoang gác xép để thoải mái chuyện trò và ngủ nghỉ. Ở trên đó bạn có 1 cây đàn ghi ta, 1 quyển sổ tay chép thơ và tập bưu ảnh phong cảnh của nước ngoài.

Quyển sổ tay chép thơ của Phượng phần lớn là những bài thơ tình của nhà thơ Nguyễn Bính. Thời bấy giờ thơ Nguyễn Bính thuộc loại bị cấm nên chỉ có thể là truyền tay nhau sao chép giữa những người yêu thích thơ. Chẳng giấu diếm, Phượng giở sổ tay chép thơ của mình cho chúng tôi xem. Rồi bạn đọc thơ đầy hứng thú, nhất là đối với những câu thơ mà bạn thấy tâm đắc: - Cái ngày cô chưa có chồng/ Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/ - Từ ngày cô đi lấy chồng,/ Gớm sao có một quãng đồng mà xa.(Bài thơ: Qua nhà)

 - Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa:/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng./ - Ðêm nay mới thật là đêm

Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè.

(Bài thơ: Thời trước)

...

Lần đầu tiên tôi được biết đến thơ tình của Nguyễn Bính, còn anh Thành thì đã biết trước một số bài ở đâu đó rồi. Cầm xem những bài thơ Phượng chép, anh Thành bình phẩm: “Thảo nào họ cấm thơ Nguyễn Bính, vì ai lại viết như vầy: “Tôi thấy quanh tôi và tất cả, kinh thành Hà Nội chít khăn xô”. Như thế thì khác nào nhà thơ bảo tất cả dân Hà Nội đều cùng chịu tang một cô trinh nữ nào đó. Cả Hà Nội bỗng dưng phủ trắng một màu khăn tang làm sao được! Nếu như ở thời đại bây giờ mà ví von chữ nghĩa kiểu như vậy thì chỉ có mà... vào tù mọt gông! Còn nữa, thơ toàn những cảnh chết chóc với buồn sầu. Đây này: “Người ta: pháo đỏ rượu hồng, mà trên hồn chị: một vòng hoa tang”; hoặc: “Đêm qua nàng đã chết rồi, nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng” ; hay như “Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt, buồn ở đâu hơn ở chốn này?”...

Riêng tôi thì nhập tâm ngay bài thơ Trường huyện của Nguyễn Bính vì bài thơ đong đầy tình bạn rất ngây thơ trong trắng và rất quyến luyến của đôi bạn học trò trường huyện, để lại niềm nhớ nhung da diết và cả sự hờn dỗi, sầu riêng của tác giả. Rất tiếc sau này, khi mà thơ của nhà thơ Nguyễn Bính được chính thức xuất bản, tôi đã không thể tìm thấy trong bất cứ sách thơ hay trên các website điện tử nào một bài thơ Trường huyện gồm 7 khổ thơ, mà tôi đã nhớ được từ năm 1976 như sau:

 

Trường huyện

 

Trường huyện ngày xưa ở bên sông

Mỗi khi hoa phượng nở rực hồng

Áo trắng đôi bờ ai thấp thoáng

Để tiếng ve sầu gọi mênh mông.

 

Học trò trường huyện ngày năm ấy

Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ

Những buổi học về không có nón

Che đầu chung một lá sen tơ.

 

Lá sen vương vấn, hương sen ngát

Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ

Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc

Theo về tận ngõ mới tan mơ.

 

Thuở ấy trong anh còn nhớ mãi

Thơm ngát hương quê những trái bàng

Mỗi buổi trưa về anh thường hái

Tặng em cuối lớp mỗi thu sang.

 

Anh nhớ trưa vàng trải trên đê

Trống tan từng tốp nhỏ đi về

Áo nâu ai đó dừng trên bến

Nón trắng che dài mái tóc quê.

 

Rồi hôm nắng đỏ tràn trên lối

Mẹ đón em về học trường bên

Sân trường phẳng lặng như hờn dỗi

Để ánh mắt ai đọng bên thềm.

 

Em đi phố huyện tiêu điều lắm

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi

Cho đến hôm nay tôi mới hiểu

Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!

Bài thơ Trường huyện của Nguyễn Bính hiện chỉ đăng chính thức 3 khổ thơ (tương ứng là các khổ thơ 2,3,7 của bài thơ trên đây). Không rõ nguyên do từ đâu mà bài thơ đã bị cắt xén một cách quá mức đến độ khập khiễng, hẫng hụt, thiếu nhiều cung bậc tình cảm của đôi bạn học trò trường huyện. Đã có lần tôi gửi mail vào hộp thư điện tử của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định, về bài thơ gồm 7 khổ thơ được chép trong sổ tay của người bạn đam mê thơ Nguyễn Bính từ năm 1976. Nhưng tôi đã không nhận được hồi âm trả lời. Tôi cũng đã có vài lần đưa bài thơ này lên các nhóm bạn thơ facbook để nhiều người cùng biết và quan tâm.

Viết ra những điều này tôi chỉ mong có cách nào để bài thơ Trường huyện của cố nhà thơ Nguyễn Bính được xem xét, thẩm định và hiệu đính vốn dĩ đủ 7 khổ thơ như đã có từ trước?

Đoàn Hồng Châu

Tổ 5, khu 4, Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh

Nguồn Văn nghệ số 24/2021


Có thể bạn quan tâm