March 28, 2024, 4:11 pm

Về mình

Cương bắt đầu viết tên mình với bột mầu vải màn. Cương vẫn tiếp tục viết tên trên bột mầu vải màn, mặc cho những nét tên đã rất đậm qua sơn dầu hay điêu khắc. Cương “bịa ra” chất liệu mới từ kỹ thuật bồi giấy cổ truyền. Mà không phải chỉ chất liệu, đó cũng chính là hội họa của Cương, “bịa ra” cái mới từ cái gốc rất cổ và rất sâu. Cương rút cuộn chỉ văn hóa Việt trong lòng mình ra để làm nghệ thuật hiện đại, tối giản từ gốc rễ những tối đa.

Hai mươi tranh bột mầu vải màn “đặc biệt”, “tuyển chọn” để bầy kỷ niệm bốn mươi năm làm nghệ thuật, bốn mươi năm tình bạn, bốn mươi năm một con đường. Có những bức vừa vẽ năm nay, 2021. Có những bức từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, hay từ đầu những năm hai nghìn. Nhưng không có bức nào của những năm hai nghìn mười mấy. Bởi Cương đã bỗng dưng nghỉ, bỗng dưng tạm dừng, bỗng dưng tạm cất bột mầu để rong chơi chốn khác, trong hơn chục năm. Để rồi khi quay lại, cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Cái gì đã là một phần của cơ thể mình, thì quay lại lúc nào cũng vẫn nguyên, vẫn vậy, vẫn là mình, một “mình” mới.

Cương chưa bao giờ vẽ “cũ”, từ chối nệ thực, tả thực, dù rất kỹ. Cương luôn tìm cái mới, cái chưa từng có, chưa từng làm, từ chất liệu, tới kỹ thuật, tới ngôn ngữ hình.

 

Bột mầu của Cương lớp lang, kỹ càng. Ánh đỏ trên mình vàng của ông ba mươi gợi nhớ đến kỹ thuật sơn mài, như thể lớp son lấp lánh tinh tế hiện ra sau khi mài kỹ lớp vàng thếp. Cương “mài” vải màn bằng bột mầu. Những sợi vải xô xệch được tận dụng triệt để tạo nên cảm giác, matière cũng là một phần của tác phẩm. Sự kết hợp giữa các kỹ thuật khác nhau một cách nhuần nhuyễn, như không, làm nên cái tinh tế của tranh Cương. Có những bức mầu mướt, mềm mại. Hai bức vẽ năm 05 lại có lớp nền dùng mầu khô, lộ rõ những ô sợi vải, lộ giấy dó. Ganh vải là nơi để bột mầu bấu víu vào, cũng là nơi để cảm xúc của người xem neo lại. Hay bức vẽ năm 03, sau khi dùng đầu lông để đi mầu, Cương lại xoay ngược, dùng cán bút để đi những nét không mầu. Nét không mầu lại chính là điểm để khi mắt người xem chạm tới, thì tim lỡ một nhịp. Nó là cái đặc biệt, cái mới, cái lạ, cái tinh tế, không ồn ào, mà đã nhận ra thì găm ghim cảm xúc, không rời ra nổi. Cương có kiểu vẽ như thế. Hội họa của Cương là mặc như lôi. Im lặng sấm sét.

Chủ đề tranh tưởng như vu vơ. Người mang trong mình những bậc thang, người mang trong mình chìa khóa, người tìm chữ, người tự làm một bậc thang cho chính bản thân mình. Cương vẽ người, vẽ trâu, vẽ hổ, vẽ nhà thờ, thực ra đều là vẽ tư tưởng, không có một bức nào của Cương là đèm đẹp vui mắt, bức nào cũng là ẩn dụ. Cương dùng ngôn ngữ hội họa hiện đại, hình nét mảng đều chỉ để biểu đạt văn hóa Việt, để diễn đạt lại tư tưởng nhà Phật, nói lên tình cảm nhà Việt. Một ông ba mươi mang trong mình cầu Long Biên, một Tết Trung thu nhảy múa trong lòng phố cổ, người chăn trâu, ngắm sen, sống dầu đèn chết kèn trống … những chủ đề Việt, cảm xúc Việt. Cương yêu và hiểu văn hóa Việt tới mức ngôn ngữ hội họa hiện đại cũng chỉ là công cụ để Cương tôn vinh cái lòng Việt đậm sâu của mình.

Có con trâu chỉ có vài nét chân. Có người khâu miệng. Có cánh tay giơ ra từ đâu đó. Hay cô gái – đám mây thiên thanh. Tất cả đều vô lý, đều không thực, vô lý một cách không cố gắng. Có những bức chỉ toàn các sắc độ của ghi xám, hay là xám và tím. Lại có những bức tươi vui, xanh đỏ tím vàng. Có những bức kết hợp mảng và nét như vốn dĩ Cương vẫn thế, viền nét đen cho mảng. Lại có bức tách bạch phố là nét, người nhảy múa rước đèn là mảng, người trong phố, phố trong người. Hai mươi bức là hai mươi ẩn dụ và tìm tòi khác nhau. Nhưng có điểm chung như tranh Cương xưa nay vẫn thế, là phi lý, là không thực, là mộng mơ. Mà nếu không mộng mơ, thì thôi ra bảng tin đọc thông báo chứ tìm tới nghệ thuật để làm gì? Xét cho cùng thì đi đường nào, bằng phương tiện nào, cái đích tới của nghệ thuật chẳng phải chính là để mơ mộng và sống đẹp hơn sao?

Tranh Cương treo lên không phải chỉ để ngắm, để xem, mà còn để cảm thấu được tinh thần sau những nét mầu, như hậu vị của một chén trà. Tranh không phải chỉ để đẹp không gian, mà để đứng lặng, nhìn vào đó, và tìm được cái đẹp trong chính cảm xúc của mình, để đẹp cho chính mình.

Triển lãm 40 của 2 họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ và Lê Thiết Cương trưng bày 40 tác phẩm trên cùng một chất liệu bột màu. Riêng tranh của hs Lê Thiết Cương là chất liệu bột màu trên vải màn, bồi giấy dó.

Triễn lãm diễn ra từ ngày 22/12/2021 đến hết ngày 02/01/2022 tại Gallery Thăng Long, 41 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nguồn Văn nghệ số 51/2021


Có thể bạn quan tâm