April 20, 2024, 6:48 am

Về lại Đồng Măng

Tôi vội vội khăn gói rồi cắm đầu một mạch về xóm Đồng Măng vì nhận được tin đứa em dì qua đời. Gọi là em nhưng nó hơn tôi ngót chục tuổi, vai vế truyền thống vẫn gọi thế bởi nó là con ông chú bên vợ tôi. Đến đầu khu ruộng Đồng Xào lối rẽ về xóm Đồng Măng thì thấy cái bệ cổng xây to tướng có hình như cái cổng trào ở trên có dòng chữ đỏ: Làng Văn Hóa Thôn Quyết Tiến. Tôi ngẩn nhìn, trong đầu tự nhiên nhì nhằng những ký ức xa ngái, đang tần ngần nghĩ ngợi thì tiếng kèn trống trong xóm vẳng lên thê thiết. Tiếng kèn trống xóa biệt những ý nghĩ vừa nhen trong tôi từ cái cổng có dòng chữ đỏ. Tôi cắm cổ đi một mạch về nhà dì. Ngôi nhà vẫn ở yên trên quả đồi dọc lối về Ao Phai nhưng giờ đã được xây cao đổ mái bằng, bốn bề phủ xanh cây trái…

Minh họa của VŨ ĐÌNH TUẤN

Cha con tôi lẳng lặng vào thắp hương vĩnh biệt dì. Việc xong, tôi ngồi xuống long sàng cùng các cháu, nhìn khói nhang nghi ngút tôi lại thấy cái thân hình mảnh dẻ như nhánh gừng của dì hiện lên. Nó đơn sơ như thảo cỏ. Nhớ ngày nhà dì còn ngụ ở xóm Cây Sấu làng tôi, mẹ dì mất, khi ấy dì khoảng mười ba, mười bốn tuổi, tôi còn bé nhưng cũng theo dân xóm đi đám tang của mẹ dì. Khi bà con xóm ngõ đã hoàn thiện công việc mồ yên mả đẹp cho người khuất núi dì vẫn giang hai tay ôm chặt nấm đất miệng gào gọi mẹ, tiếng gào từ thuở ấy mà bây giờ vẫn vẳng bên tôi. Sau ngày mẹ mất, cha dì lâm bệnh cũng đi theo, dì đành rời xóm Cây Sấu theo ông bác về Ngụ tại xóm Đồng Măng. Ba chị em dựa vào bóng người bác (cha vợ tôi) nuôi nhau. Lớn lên phải thời loạn lạc, cậu em trai của dì đi bộ đội đánh Mỹ, đi suốt đến ngày giải phóng miền nam mới về, có em út thì thoát ly lên rừng làm cô giáo rồi lập nghiệp ở đó. Dì ở nhà lấy chồng giữ ngọn lửa nồng trong gia quyến làm chốn cho các em trở về, Chồng dì cũng là nông dân, bé loắt choắt nhưng nhanh nhẹn chịu thương chịu khó. Dựa bóng ông bác hai vợ chồng cũng dựng được ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái và sinh nở được đàn con hai giai, năm gái. Thời hợp tác xã vui mà gian nan lắm, vợ chồng dì phải thắt lưng buộc bụng nuôi con. Ngày đứa em cậu về vợ chồng dì lại dè sẻn lấy vợ, dựng nhà cho em, việc đâu vào đấy lại cặm cụi ruộng đồng. Các con dì cứ lốc nhốc như hạt mít rồi phổng lớn, dân làng ai cũng nói câu cửa miệng: Vợ chồng nhà Chu Sỉu (tên vợ chồng dì) như hai cái nhánh gừng mà con cái đứa nào cũng đẹp như phỗng. Dì coi đó là của giời cho nên chả quản gian nan vất vả. Các cháu lớn lên đứa nào cũng được dì nuôi cho ăn học hết phổ thông trung học. Đứa nào cũng chịu khó, biết gia cảnh và bổn phận không thể bơi đi xa các cháu đều bám ruộng đồng sinh sống. Vợ chồng, chung tay gây dựng cho các con mỗi đứa đều ấm bề bổn phận. Xong việc vợ chồng dì về ở với thằng Đức, con giai trưởng theo cái lẽ truyền thống ở quê, được mấy năm thì chồng dì mất, mất do vừa có tuổi, vừa bệnh tật. Dì lại lủi thủi một mình nom nhà trông cháu cho con. Nhớ đận tôi chuyển nhà lên tỉnh, chắc là nhớ chị, dì bắt các con lặn lội đưa lên thăm. Thấy dì đến cổng, cả nhà chạy ra. Dì vẫn mặc quần thâm, áo gụ, chân đi đất. Thương em nhà tôi cười ra nước mắt.

- Khổ, ra phố chơi cũng phải đi đôi dép vào chứ, ai lại...

- Em có đi dép bao giờ, trừ tối rửa chân đi ngủ, di cười vô tư. Nhà tôi quệt tay ngang mắt rồi kéo dì vào nhà. Hôm dì về, nhà tôi đưa cho đôi dép vừa thở dài vừa nói:

- Dì đi vào cho nó êm chân. Dì lại cười.

- Em xin nhưng để mang về tối đi ngủ rửa chân, đôi guốc mộc bác đẽo cho từ hồi bé mòn quá rồi!... vừa nói dì vừa bỏ đôi dép vào cái làn, chân đất cùi cũi đi! Cả nhà tôi nhìn theo thở dài! Bây giờ dì nằm đây! Quanh dì khăn trắng, khăn xanh vây kín! Thôi cũng trọn vẹn kiếp người trên trần thế! Tôi chép miệng giấu tiếng thở dài. Đội Đô Tùy cũng đánh phách báo giờ đưa dì đi. Tang lễ ở quê vẫn đậm nét truyền thống, linh thiêng mà đơn giản. Dân làng không vắng mặt một ai, tội nghiệp lại đang trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành phải phòng tránh, mỗi người giữ khoảng cách hai mét nên dòng người nối dài từ nhà ra đến tận nghĩa trang. Tôi lẫn vào đám con cháu cùng bà con chầm chậm bước theo linh kữu của dì. Khi chiếc áo gỗ đã được đặt yên dưới lòng đất, mọi người đứng lặng rồi lần lượt vốc cho dì nắm đất vĩnh biệt. Đám con cháu cứ giang tay ôm nấm đất kêu gào: Mẹ ơi, suốt đời mẹ nhọc nhằn, bây giờ làng quê đổi mới sao mẹ lại bỏ ra đi!... Mẹ ơi! tiếng khóc nao lòng, mọi người ai cũng quệt tay ngang mắt rồi lẳng lặng quay đầu trở lại nhà dì để chia sẻ chén rượu nhạt theo lệ ở làng quê. Tôi vẫn lững thững từng bước theo dòng người, đến lối dẽ về xóm Đồng Măng lại thấy cái cổng to, ở trên lồ lộ dòng chữ đỏ: Làng Văn Hóa Thôn Quyết Tiến. Tôi không đứng lại nhưng ngước nhìn, lại thấy vẳng bên tai tiếng gào khóc của các cháu: “Mẹ ơi!...” 

Tiếng khóc và dòng chữ đỏ trên cái cổng làm lòng dạ tôi nao nao vơi đầy bao chuyện cũ mới! Làng Văn Hóa Thôn Quyết Tiến là cái tên hiện hữu bây giờ. Xưa nó là xóm Đồng Măng - Xóm Đồng Măng - Lứa tôi nhớn dậy chỉ vẹn khoảng hơn chục nóc nhà. Ấy là nhà cụ Ba Dụ, cụ Quản Cúc, cụ Sùng Phái, Cụ Tôn Thịnh, cụ Tô Đọc, cụ Thủ Trấn, cụ Túc Thước, Cụ Trung Tình, Cụ Đáo Tiếp, Cụ Nguyên Ngữ, Cụ Lân Cảnh và cha vợ tôi. Ngần ấy nóc nhà ngụ dưới thung lũng toàn là măng vầu, lau sậy. Beo hùm nhảm tối về rình mò khắp xóm nên nhà ai cũng rào cao, cổng kín. Họ liên kết với nhau khai khẩn biến cái thung lũng đầy măng vầu, lau sậy thành cánh đồng trù phú có bờ vở phân chia cho từng nhà vậy mới có những cái tên:  Ruộng nhà ông Phái, ruộng nhà ông Quản, ruộng nhà ông Ba Dụ... và cái tên Xóm Đồng Măng được ra đời. Thời ta nắm được chính quyền, trong kháng chiến chống pháp công đoàn của chiến khu về đây vận động bà con đánh giặc, xóm đổi tên từ Đồng Măng thành Xóm Đoàn, kháng pháp thành công hợp với làng Thông gọi là thôn Cự Lộc, khi thôn quê hợp thành hợp tác lớn lại chia ra thành Cự Lộc 1 và Cự Lộc 2 rồi đổi là Quyết Tiến, Quyết Thắng và bây giờ được gắn dòng chữ đỏ: Làng Văn Hoa Thôn Quyết Tiến. Ngần ấy cái tên bám dọc mấy đời người, lớp các cụ tiền thân rồi đến lớp cha vợ tôi đều đã nối nhau về giời, bây giờ đến lớp chúng tôi, dì là một trong những người đi trước. Tôi lững thững vừa đi vừa lần nhớ những kỷ niệm ở chốn này thì một bàn tay khẽ vỗ nhẹ vào vai. Tôi ngoảnh lại.

- Ôi! anh Còm à...

- Ừ, tôi đi sau chú nhưng thấy chú nhiều nỗi niềm...

- Vâng, lâu không về quê, lại xót thân phận người em...

- Ờ, nhưng đành thôi, vả bà ấy cũng thất thập cổ lai hy rồi, con cháu cũng đã vẹn bề, chỉ tội mồ côi từ bé, khổ mãi, đến lúc có tý sướng lại đi. Kiếp người chú ạ. Rồi cũng đến lượt mình mà. Anh Còm chép miệng. Nếu giời bắt đi cũng yên lòng, cũng được nhìn thấy xóm Đồng Măng đổi mới, được công nhận là làng văn hóa rồi đấy, Ai đi ngược về xuôi, đến bến Măng này là thấy cái cổng to, và con đường bê tông chạy thẳng về xóm, thật mát mặt. Ngày xưa chỗ bến Măng này toàn chuyện ma quỷ, thuồng luồng, hà bá, lặn mặt giời chả ai dám bén mảng. Tôi nhớ ngày cô chú còn tuổi hẹn hò, Đêm trời đầy trăng sao mà chú sợ cái bến Măng phải lách cái lõng các cụ đi gánh lá cọ ở rừng Rui rồi xắn quần móng lợn lội qua ruộng Đầm để đến gặp nhau ở chỗ cây nhội cổng vào nhà cụ Ngữ. Có bận chú gặp tôi đi đánh lờ còn nép vào bụi ắn, tôi bảo: “Cứ đi đi, tao không tò te chuyện đâu mà ngại, lõm bõm mãi đấy cô ý chờ lâu là hỏng bét…”. Tôi cười khà khà, chú cũng cười theo rồi lủi đi...

Mới đấy mà giờ đã con đàn, cháu đống. Chú giỏi nên thoát làng, còn tôi sau đời lính lại về xóm Đồng Măng bám ruộng. Vất vả nhưng nhờ giời cũng không đến nỗi nào.

- Vâng, mỗi người một phận, ai cũng bỏ làng thoát ly như em thì con cháu lấy đâu chỗ về, ai làm ra hạt gạo để nuôi sống đời. Quê hương vẫn là chùm khế ngọt mà...

- Ờ, người ta vẫn hát thế nhưng nghĩ cũng phải vì người Việt ta dù có lên giời, xuống biển ở vẫn phải ăn hạt gạo, củ khoai, khách đến nhà thì mời uống nước, thân tình thì mời ở lại ăn cơm chứ có mời ăn vàng, ăn bạc đâu. Nôm na vậy nhưng nó là truyền thống văn hóa và cũng là cốt lõi sinh tồn của người Việt phải không chú.

- Dạ, phải.

- Phải, nhưng Quê hương cứ mãi là trùm khế ngọt mà quả ngon thì họ hái hết rồi!... Anh Còm lại chép miệng. Thực tế ở quê thì mãi khổ, người ta bảo: Phú quý tứ quê... mà chú. Đấy như Làng văn hóa thôn Quyết Tiến mình đây, mới được cái cổng và con đường đổ bê tông chạy từ bến Măng về chân núi Láo, có điện mắc dọc đường, điện là do mỗi nhà tự góp vào mà có. Tốn một tý nhưng cứ đêm đến ông trưởng thôn chỉ cần ấn nút là cả làng sáng rực, lại xây được ngôi nhà văn hóa làm nơi hội họp cả làng khi có công to việc lớn... Sướng thì sướng thật, có hơn xưa một tý thật nhưng cũng còn đầy nhếch nhác, bì sao ngoài phố, chú nhìn xem, con đường đê trục liên với Phủ Đoan, Lập Thạch vẫn đất cát, mưa là lội ngập mắt cá chân. Giá cứ bổ đầu cho dân cùng nhà nước làm thì xong lâu rồi. Đàng này... Anh Còm chép miệng. Được cái danh làng văn hóa thôn Quyết Tiến thật nhưng cơ sở cũng mới có vậy. Xét về bề mặt so với các nơi chắc chưa ổn nhưng đổi lại cả thôn không có hộ nghèo, không tệ nạn, mọi người đoàn thuận một lòng - Vẫn đậm truyền thống xóm Đồng Măng xưa. Vậy nên cả xã không ai thắc mắc tị nạnh gì...

Câu chuyện giữa tôi và anh Còm dài dài. Về đến nhà, nghi lễ phần cuối đám tang của dì cũng chu đáo, gọn nhẹ, vì đang trong những ngày phòng chống dịch mặc dù xóm vẫn yên bình nhưng mọi người vẫn chấp hành nghiêm quy định, chỉ chia sẻ chén rượu nhạt rồi lặng lẽ chia tay tang chủ. Tôi cũng vào án thắp nhang vái di rồi một công đôi việc tranh thủ ghé thăm mấy ông bạn đồng lứa một thời. Hỏi anh Tịnh thì bảo mất rồi, hỏi anh Thủ cũng bảo mới đi hồi trong năm, tôi ngần người rồi ghé nhà anh Tuân. Anh Tuân cũng là lính cùng thời nhưng nhập ngũ trước tôi mấy đợt. Ngày thống nhất hai miền anh về bám ruộng. Vừa đến cổng thấy anh đang lọ mọ chỗ bể nước, ngôi nhà vẫn nguyên sơ như cũ nhưng gọn gàng ngăn nắp. Anh bảo:

- Vào nhà đi. Ấm nước ủ sẵn, anh rót đầy hai chén giọng bùi ngùi: Chú về là trọn nghĩa đôi bề, nội ngoại bất phân mà. Tôi là hàng xóm mà từ lúc cô ấy đi cũng cứ bùi ngùi mãi. Khổ cô ấy tần tảo suốt đời, nuôi em, nuôi con vất vả mà chả hé kêu, người như thế là hiếm chú ạ. Bây giờ con cái phương trưởng lại đi. Anh Tuân thở dài.

- Vâng, người như dì ấy là hiếm thật, tần tảo, lễ phép, hơn em sáu bẩy tuổi nhưng cứ một điều anh, hai điều bác, mỗi lần em về dì ấy đều đón rước. Nghĩ càng thương!...

- Ừ, cô ấy hiền thảo nên giời phù, suốt đời vẹn tròn việc nhà việc xóm, tham gia đủ phong trào qua các thời kỳ. Nào là phong trào phụ nữ ba đảm đang, đội chuyên canh, dân công hỏa tuyến... việc nào cũng được thưởng, được khen về nhà thì chu tất nên đàn con ngoan ngoãn, biết thân, biết phận, bới đất lật cỏ mà làm nên gia nghiệp, đứa nào cũng xây được nhà cửa rồi. Xem chừng ở quê biết lam làm, biết tính đếm vẫn ổn. Nhiều người có tý máu mặt coi rẻ đất lề quê thói cạy cục đi, người thành đạt như cô chú, như con nhà Loan Dụng chả nói làm gì, là cái việc phải đi nhưng nhiều người bỏ tiền chạy công chức, chạy đi lao động nước ngoài, ra phố làm công ty, cũng có người được nhưng đa phần vẫn cáo chết ba năm quay đầu về núi. Người được thì cũng đằng đẵng bao năm xa quê về cũng xây được ngôi nhà là hết... Đám con nhà cô Sỉu đấy, nó biết thân biết phận cứ ở nhà bám ruộng giờ cũng chả kém ai. Đứa nuôi gà sạch, đứa nuôi lợn sạch, đứa trồng rau sạch... tự tạo thương hiệu, phiên chợ nào thương gia ngoài phố chả về, chả thành ông chủ nhưng chúng nó có giá, lại thằng cháu Lập con ông Khoa đấy, có đứa con cũng đỗ đạt nhưng bảo thi công chức, thi phải có hàng trăm triệu, nó bảo thôi, ở nhà với bố, thế là cha con thành ông chủ rừng. Từ rừng nó nuôi chim gâu, chim sạch, bao nhiêu lái ngoài phố về đặt hàng, nó ổn lắm. Đám con anh cũng vậy, cũng nắm tay đoàn kết với nhau cùng học hỏi anh em làm ăn giờ ổn, đứa nào êm ấm đứa ấy, còn hai vợ chồng già tao ở với nhau cũng chả thiếu gì. Xóm Đồng Măng lại êm ấm, nhất Lâm Xuyên, à Trường Sinh chứ, mới hợp nhất Lâm Xuyên với Sâm Dương thành Trường Sinh, cái tên trong khai sinh của lứa anh em mình đấy. Khổ, ngày xưa hình thế làng xã các cụ đã tạc thế rồi, tách ra nhập vào mãi giờ lại quay về như cũ...

- Có ổn không anh?

- Sao chả ổn, dân ai cũng vui, chỉ có đám chức sắc là tiu nghỉu tý, trên làm thế là phải, lắm quan chức chỉ nhiễu dân, nhập vào bớt tốn kém lại thêm sức khai khẩn ruộng vườn làm ra của cải, cứ để hàng đàn ngồi giữ ghế, việc dân lo ít, tính toán tư túi nhiều, kiện tụng om xòm cả, mệt. Anh Tuân thở dài. Mà thôi không nói chuyện xã hội nữa, hôm nay ở ăn cơm với tớ, chả ngại đâu, gọi thằng cả bắt con vịt anh em thức với nhau một đêm... anh Tuân chân tình.

- Thôi, để em về với các cháu, mẹ chúng vừa mất...

- Ừ nhỉ! anh Tuân ngẩn người rồi mở tủ lấy chai rượu, rượu nút chuối đổ đầy hai chén, cạch... rồi chia tay. Ra khỏi nhà anh tôi lững thững tắt qua dốc Cây Ổi về nhà dì, đến chỗ trang trại của nhà Lập thấy chim sà về tíu tít, Chim bậu kín mái nhà, kín bụi tre, bụi hóp... vợ chồng nhà nó thì tất bật với đàn bò, đàn heo trong vườn. Phong cảnh gợi vẽ một xóm Đồng Măng vừa xưa, vừa nay quen gần, ấm áp. Tôi tần ngần bước như người trong cõi mộng. Về đến nhà dì chiều cũng sẫm, các cháu đang cơm nước cúng mẹ bữa tối. Điện cũng bừng sáng, căn nhà càng trang nghiêm, tôi đảo nhìn khắp ba gian nhà thứ gì cũng có, tủ lạnh, máy điều hòa, quạt điện, bình nóng lạnh... chả kém gì phố xá. Thằng Đức bê mâm cơm từ bếp lên đặt ngay ngắn trước án thờ. Anh em, con cháu cúi đầu đứng lặng. Nhìn đám con cháu của dì, tự nhiên lòng tôi ngậm ngùi. Chắp tay vái dì một vái rồi đứng lặng, lại thấy bên tai thầm thì giọng anh Còm, anh Tuân: “Đàn con cô ấy hiền thảo, biết thân, biết phận, chịu thương chịu khó bới đất lật cỏ mà làm nên cơ nghiệp...”. Tiếng thì thầm cuộn lên cùng nhang khói làm lòng tôi trộn rộn vừa xót thương, vừa tự hào cứ ngát lên theo cùng nhang khói.

Việc xong, cả nhà ngồi quanh cái bàn nước, điện ngoài trục đường làng từ bến Măng về xóm cũng bừng sáng, ánh điện lấp lánh soi ngời những thửa ruộng trên cánh đồng Măng lúa đang thì bén đất. Thằng cháu Đức tần ngần bảo tôi. Bây giờ nhờ có ánh điện, làng quê thay đổi nhanh, làm việc gì cũng dễ, bác nhìn ra cánh đồng mà xem, điện sáng thế mùa gặt, mùa cấy bọn cháu còn đi làm cả đêm ấy. Giờ nhà cửa chả bằng ai nhưng cũng đủ dùng.Vậy mà mẹ cháu chả ở thêm... Cổ nó nghẹn lại, hai dòng nước mắt ứa ra. Nhìn nó, tôi muốn khóc theo nhưng tự nhiên bên tai lại vọng lên lời bài hát Quê hương là chùm khế ngọt... Tôi bấm lòng lặng nhìn nó, nhìn gia cảnh. Trên án thờ dì khói nhang vẫn nghi ngút. Khói nhang như bàn tay phật tiễn biệt người đi và xoa dịu lòng người ở lại. Tôi ngồi lặng nhìn khói nhang và trong lòng lại hiện lên một xóm Đồng Măng từ thuở còn khai hoang lập hóa cho đến bây giờ được gắn dòng chữ: Làng Văn Hóa Thôn Quyết Tiến!...

Nguồn Văn nghệ số 10/2021

 


Có thể bạn quan tâm