April 17, 2024, 12:00 am

Về kĩ năng đọc trong môn học Ngữ văn

Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mĩ - nhân văn, giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Môn Ngữ văn cũng là công cụ để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc, phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha. Nhiệm vụ của hoạt động dạy học Ngữ văn là giúp học sinh biết vận dụng kiến thức tiếng Việt và kiến thức về lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết học và quan niệm thẩm mĩ để hiểu các văn bản phức tạp. Hoạt động này chỉ đạt hiệu quả khi học sinh biết phân tích, đánh giá nội dung và hình thức biểu đạt của văn bản, có những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ về cách viết. Học sinh có cách nhìn, cách nghĩ về con người và cuộc sống theo cảm quan riêng, từ đó biết vận dụng kiến thức tổng hợp để đọc hiểu tác phẩm văn học, tích hợp kiến thức liên ngành. Từ đó, các em biết cách tạo lập được các kiểu văn bản; thể hiện khả năng biểu đạt cảm xúc và ý tưởng bằng hình thức ngôn từ mang tính thẩm mĩ.

 

Đọc hiểu là hoạt động kết hợp đọc với sự hình thành các năng lực giải thích, phân tích, bình luận, so sánh, khái quát, đánh giá đúng- sai, nghĩa là kết hợp đọc với năng lực tư duy và khả năng biểu đạt.

 

Những vấn đề chung liên quan đến kĩ năng đọc

Đọc là hoạt động giải mã các kí tự, các biểu tượng của văn bản để lĩnh hội ý nghĩa của văn bản, chia sẻ thông tin từ những gì chúng ta tiếp thu được. Việc lĩnh hội ý nghĩa phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng, thái độ… của người đọc.

Đọc hiểu là hoạt động kết hợp đọc với sự hình thành các năng lực giải thích, phân tích, bình luận, so sánh, khái quát, đánh giá đúng - sai, nghĩa là kết hợp đọc với năng lực tư duy và khả năng biểu đạt.

 Đọc hiểu là phải nắm chắc nội dung của văn bản đọc, phân tích được mối quan hệ giữa nội dung và hình thức thể hiện văn bản. Đọc phải theo trình tự các cấp độ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, đọc thông thường, đọc chuẩn về ngữ âm, biết ngừng nghỉ đúng chỗ, lên giọng xuống giọng đúng mục đích phát ngôn của câu; đọc kĩ, đọc sâu, hiểu được ý tác giả trong việc sắp xếp ý, dùng từ, đặt câu; đọc hiểu được thông điệp mà văn bản gửi đến người đọc.

Đọc hiểu còn là để cảm, để thưởng thức, để tự phát triển bản thân, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn, hoàn thiện nhân cách. Trong quá trình đọc, học sinh phải phát hiện được ý nghĩa mà tác giả thể hiện kín đáo trong văn bản, tìm thấy điều mà người đọc trước chưa thấy, đó mới thực sự là đọc sáng tạo.

Yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc của học sinh

Đối với văn bản văn học, các em phải phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết; phát hiện được các giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, đạo đức, văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản. Các em đọc phải có sự liên hệ, so sánh, kết nối với các tác phẩm khác cùng tác giả, cùng thời, cùng chủ đề, cùng đề tài ở các giai đoạn, các nền văn học… Nội dung của văn bản đã làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn, cách thưởng thức và đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống như thế nào. Các em vận dụng được tri thức nào vào đánh giá và phê bình văn học.

Đối với văn bản nghị luận, học sinh dựa vào các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để nhận biết mục đích, quan điểm, thái độ và tình cảm của người viết, biết tiếp nhận, đánh giá nội dung với tư duy phê phán. Các em phân tích được vai trò của các yếu tố biểu cảm, thuyết minh, tự sự trong văn bản nghị luận. Học sinh biết cách so sánh, kết nối để nhận biết và phân tích được bối cảnh lịch sử hoặc bối cảnh văn hoá, xã hội, từ đó liên hệ nội dung văn bản với một tư tưởng, quan niệm, xu thế của giai đoạn mà văn bản ra đời để hiểu rõ sự tác động của văn bản đối với quan niệm sống, thái độ sống của bản thân.

Đối với văn bản thông tin, các em phải biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản, đánh giá được đề tài, cách đặt nhan đề của tác giả, nhận biết, phân tích, đánh giá được mục đích, quan điểm của người viết. Các em đánh giá được cách chọn lọc, sắp xếp các thông tin và cách đưa tin, đánh giá được tính mới mẻ, cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu sơ cấp, thứ cấp trong văn bản. Đọc phải có sự liên hệ, so sánh, kết nối để nêu được ý nghĩa hay tác động của văn bản thông tin đã đọc đối với bản thân. Ý kiến của bản thân đối với nội dung của văn bản hay quan điểm của người viết như thế nào.

Rèn cách đọc cho học sinh

Đọc để thỏa mãn niềm yêu thích thơ văn. Các em say sưa với hoạt động đọc. Các em bị cuốn hút bởi những trang sách, những bài thơ, những câu chuyện, đọc đến quên ăn, quên ngủ. Đọc trong trường hợp này là việc tự giác, việc của sở thích cá nhân. Các em đọc những cuốn sách mà mình thích, phù hợp với cảm xúc, tâm trạng ngay lúc đọc. Các em đọc để hiểu nội dung chính, nhớ tên các nhân vật, cốt truyện.

Đọc để hoàn thành chương trình bộ môn Ngữ văn trong trường học. Các em phải đọc hết các văn bản vốn có trong sách giáo khoa. Đọc để nắm chắc lượng thông tin trong văn bản, hệ thống các luận điểm, luận cứ. Đọc hiểu nội dung, nghệ thuật và ý đồ sáng tác của tác giả. Đọc có sự nhận xét, đánh giá văn phong của các nhà văn, nhà thơ. Đọc hiểu được hình tượng nghệ thuật hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đọc để phát hiện ra những mâu thuẫn tiềm ẩn trong hình tượng nghệ thuật và hiểu được sự lôgic bên trong của chúng. Các em phải biết tưởng tượng, biết “cụ thể hóa” các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát. Các em đọc theo sự hướng dẫn của giáo viên, của các câu hỏi gợi ý sau mỗi văn bản để từ đó có thể liên hệ mở rộng đến các văn bản khác cùng tác giả, cùng thời, cùng chủ đề, cùng đề tài, cùng trào lưu… Học thuộc lòng các bài thơ, các dẫn chứng theo yêu cầu của bài học.

Đọc để tích lũy vốn tri thức văn chương. Các em phải nghiên cứu, nghiền ngẫm sâu kĩ văn bản. Đọc gắn với sự trải nghiệm, vận dụng hết vốn sống của bản thân để hiểu văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau. Mỗi văn bản là một tiếng nói, tiếng nói thức tỉnh tâm hồn, thức tỉnh con tim. Sách triết học là ánh sáng dõi vào trong đầu. Các cuốn sách về kinh tế, lịch sử, văn hóa cho ta kiến thức về kinh doanh và thực tế xã hội, về sự phát triển qua từng thời kỳ nhân loại. Các cuốn sách viết về khoa học, các cuốn văn học trong nước, ngoài nước, các cuốn sách viết về gia đình, tình cảm, về kĩ năng sống, về các bản tin thời sự,… tất cả đều chứa đựng nguồn kiến thức súc tích, tinh hoa văn hóa nhân loại, đều có thể vận dụng vào viết văn. Các cuốn tiểu thuyết cho ta biết được cuộc đời, các sự kiện hay biến cố của một nhân vật, đây có thể là một bài học quý giá cho chúng ta trong thực tế cuộc sống. Đọc là để sống và trải nghiệm thực tế giống như nhân vật trong sách. Đọc để chắt lọc tinh hoa của các dân tộc, các thời đại.

Muốn vậy, các em không thể tùy tiện mà phải có sự chọn lựa sách kĩ càng. Các em nên đọc những tác phẩm có nội dung tích cực, giàu giá trị nhân văn, nhân bản. Các em phải đọc những tác phẩm kinh điển của các nền văn học từ châu Á đến châu Âu, châu Mĩ; các tác phẩm thuộc các thời kì, giai đoạn văn học khác nhau trong tiến trình phát triển của văn học nhân loại; các tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau. Không chỉ những văn bản chuyên ngành mà cả các văn bản lĩnh vực khác. Các em đọc có bình phẩm, thể hiện rõ quan điểm cá nhân về thể loại, nhân vật, phương thức hư cấu, điểm nhìn trần thuật, mâu thuẫn, bi kịch, hài kịch, tình huống… Đọc là để bắt chước họ mạch tư duy, cách cảm thụ và cách viết để rèn kĩ năng viết. Đọc để chọn lọc dẫn chứng, các dẫn chứng đắt giá và săp xếp chúng theo một trình tự nhất định để phục vụ cho các bài thi học sinh giỏi.

Học sinh có thể đọc các sách tham khảo, các bài văn mẫu nhưng phải hết sực thận trọng vì nếu không có bản lĩnh và năng lực tư duy độc lập sẽ bị phụ thuộc trở thành mối nguy hại khó tránh khỏi những hậu họa khôn lường.

Đọc phải có ghi chép, phải làm sao mà ngấm vào từng trang sách, vừa đọc vừa tư duy, phân tích theo diễn biến câu chuyện. Đọc có kế hoạch, có mục đích rõ ràng, đọc có sự phân loại, xác định kiến thức nào cần cho những bài viết về lí luận văn học, kiến thức nào cần để viết bài về văn học sử, về tác gia văn học, kiến thức nào dùng để phê bình văn học, kiến thức nào dùng cho văn thuyết minh, văn nghị luận xã hội hay viết báo cáo, bài phát biểu…

Đọc phải biết kết hợp với thưởng thức văn học để có trạng thái tinh thần sảng khoái. Các em không chỉ bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác phẩm mà còn rung động với sự biểu hiện tài nghệ của nhà văn. Đọc như hưởng thụ ấn tượng sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm.

Đọc càng nhiều kiến thức thu được càng nhiều. Đọc càng nhiều cách diễn đạt, kể chuyện càng logic, thu hút người nghe bởi khả năng tư duy và vốn từ ngữ phong phú, ấn tượng. Đồng thời kĩ năng viết cũng tiến bộ rõ rệt.

Kết luận

Đọc là một trong bốn kĩ năng quan trọng của hoạt động dạy học Văn. Đọc để tích lũy tri thức vận dụng vào bài viết. Đọc là hoạt động giao tiếp giữa độc giả với tác giả, giao tiếp giữa người đọc với người dạy, giao tiếp giữa người học với người học. “Nghệ thuật đòi hỏi những ý nghĩ và tình cảm đặc biệt như là sự dấn thân, nếu không, một tác phẩm đối với chúng ta hoàn toàn chỉ là đối tượng quan sát. Nhìn thấy đó mà vô hồn sẽ không tiếp cận được và không thể hiểu sâu sắc những gì mà nhà nghệ sĩ suy nghĩ về cuộc sống” (Nguyễn Thanh Hùng)

Đọc thể hiện được tri thức về văn hóa và con người, kiểu văn chương của người đọc. Đọc là để trải nghiệm nhiều sự thú vị, là cơ hội để chúng ta được sống một cuộc đời khác. “Tất cả mọi tác phẩm, dù được sáng tác theo thi pháp tất yếu nào cũng mở theo các kiểu đọc, mỗi kiểu đọc mang lại cho đời sống tác phẩm một đời sống mới từ một triển vọng nào đó theo thị hiếu cá nhân người đọc” (Nguyễn Viết Chữ).

Đọc còn giúp chúng ta thay đổi cách nhìn, quan điểm sống và thái độ sống để có thể hoàn thiện nhân cách của bản thân, từ đó kiến tạo con người văn chương, kiến tạo nên chính tâm hồn mình. “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp, chỉ có đọc sách là cao thượng).

 ________                                        

* Giáo viên trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Tp Phan Thiết, Bình Thuận.

Nguồn Văn nghệ số 15/2020


Có thể bạn quan tâm