April 19, 2024, 12:40 pm

Về công trình Lịch sử văn học dân gian Việt Nam

Từ những năm 70 của thế kỷ XX tới nay, khoa nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã có những thành tựu tự hào. Có thể dẫn ra nhiều “chỉ số” có ý nghĩa như cột mốc đánh dấu bước phát triển của khoa nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam giai đoạn này. Đó là những công trình sưu tầm tác phẩm của một hay một số thể loại hoặc toàn bộ các thể loại của một tộc người hay một số tộc người trên phạm vi cả nước hoặc tại từng vùng miền, từng địa phương cụ thể…

Là các chuyên luận, giáo trình, bài báo có ý nghĩa đột phá trong việc tìm hiều bản chất, đặc trưng, giá trị của văn học dân gian; phương pháp luận, phương pháp sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa dân gian nói chung hay từng thể loại văn học dân gian nói riêng… Đó còn là sự phát triển cả về bề rộng lẫn bề sâu của đội ngũ các nhà folklore học Việt Nam, những người được đào tạo, trưởng thành từ các trường phái nghiên cứu folklore của Pháp, Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Hoa Kỳ và từ thực tiễn đào tạo, sưu tầm, nghiên cứu foklore Việt Nam. V.v…

Riêng về nghiên cứu lịch sử văn học dân gian Việt Nam, cũng đã xuất hiện những công trình nhiều ý nghĩa, như Văn học dân gian, tập 1 (năm 1972) của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (năm 1974) của Cao Huy Đỉnh, Nghiên cứu tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam (1978) và Văn học dân gian Việt Nam, tập 1 (năm 1991) của Đỗ Bình Trị. Cuốn sách Lịch sử văn học dân gian Việt Nam của Nguyễn Xuân Kính và Bùi Thiên Thai (Nxb Văn hóa Dân tộc, H.,năm 2020) là nỗ lực, cột mốc đáng trân trọng tiếp theo của hướng nghiên cứu về con đường vận động, phát triển của văn học dân gian Việt Nam.

Nguyễn Xuân Kính và Bùi Thiên Thai công phu, thận trọng nhìn lại việc nghiên cứu lịch sử văn học dân gian. Phần thứ nhất của cuốn sách đã cung cấp cái nhìn lịch sử, hệ thống, có những thông tin mới về vấn đề này. Lần đầu tiên, ở Việt Nam, tình hình nghiên cứu lịch sử văn học dân gian Trung Quốc được giới thiệu. Cũng lần đầu tiên, việc nghiên cứu lịch sử văn học dân gian Nga được khái quát hệ thống hóa. Phần thứ nhất này có thể hiểu như là những vấn đề lí luận chung, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trong nghiên cứu tiến trình lịch sử văn học dân gian, những thành tựu, hạn chế và sự lựa chọn, xác định đối tượng cũng như phương pháp nghiên cứu của các tác giả.

Về đối tượng, tư liệu nghiên cứu, các tác giả công trình đã sử dụng những khái niệm của Lưu Thủ Hoa, nhà nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng của Trung Quốc: “Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là văn học dân gian nguyên sinh, văn học dân gian tái sinh và cả văn học dân gian tân sinh (tức văn học dân gian đương đại” (tr.16)… Việc xác định đối tượng nghiên cứu như vậy, một mặt chỉ rõ công trình sẽ không đưa vào khảo sát những trường hợp không phải là “dân gian”, mặt khác, chú ý đặc thù từng loại hình văn học dân gian, đồng thời giúp giải đáp phần nào những khó khăn và dụng ý của các tác giả khi cố gắng dựng lại tiến trình lịch sử văn học dân gian Việt Nam… Để nhận thức rõ hơn về văn học dân gian, các tác giả còn “nghiên cứu nó trong quan hệ với văn học viết theo cả hai hướng nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu song song” (tr.16). Đặc biệt, nếu như công trình nghiên cứu lịch sử văn học dân gian của các tác giả trước mới chỉ khảo sát văn học dân gian của người Việt, thì cuốn sách của Nguyễn Xuân Kính, Bùi Thiên Thai “không chỉ trình bày lịch sử văn học dân gian người Việt, mà còn ở mức độ nhất định đã phân tích folklore ngôn từ các dân tộc thiểu số” (tr.19). Và, nếu phác thảo của các tác giả khác chủ yếu dừng ở giới hạn từ nguồn gốc tới thời cận đại (từ năm 1945 trở về trước), thì công trình của Nguyễn Xuân Kính, Bùi Thiên Thai đã cố gắng dựng lại tiến trình lịch sử văn học dân gian Việt Nam từ cội nguồn tới ngày nay. Đây là những đóng góp đáng quý!...

Trong các phần tiếp theo của công trình, các tác giả đã phác họa cuộc sống lịch sử của văn học dân gian Việt Nam trong các thời kì như đã nói. Riêng văn học dân gian thời kì hình thành nền tảng văn hóa Việt Nam và thời kì Tiền Đại Việt, Chămpa, Phù Nam được trình bày chung trong Phần thứ hai. Cần nhấn mạnh, các tác giả đã vận dụng nhất quán phương pháp nghiên cứu liên ngành. Nhiều tư liệu được các tác giả trình bày khi miêu tả bức tranh lịch sử, văn hóa các giai đoạn, trong đó có không ít những tư liệu mới được công bố của các nhà nghiên cứu sử học, dân tộc học, văn hóa học. Thế mạnh về tư liệu và sự công phu, nghiêm cẩn khi sưu tầm, lựa chọn tư liệu sao cho tin cậy nhất có thể, đã giúp các tác giả có những trang viết vừa khái quát vừa cụ thể, giảm tối đa tính tức thuyết về cuộc sống lịch sử, văn hóa các giai đoạn. Và cũng từ tư liệu mang tính khoa học và những tiền đề lí luận tiếp thu từ các học giả trong và ngoài nước, các tác giả đã có những kết luận thuyết phục hoặc kết luận khác với công trình của người đi trước về văn học dân gian trong từng giai đoạn của lịch sử văn hóa Việt Nam.

Phần thứ baVăn học dân gian thời kì văn hóa truyền thống trong quốc gia Đại Việt – là nội dung phong phú nhất của cuốn sách, dày 275 trang. Điều đó hợp lí. Vì đây là thời kì văn học dân gian nở rộ nhất, cũng là thời kì, so với trước, còn lưu giữ được nhiều nhất các chứng tích về đời sống lịch sử của văn học dân gian. Công trình đã miêu tả, phân tích lịch sử văn học dân gian dưới góc nhìn các thể loại tự sự, trữ tình, sân khấu dân gian và trong quan hệ với văn học viết cũng như mối quan hệ giữa văn học dân gian người Việt với văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Thể loại luôn là nhân vật chính trong đời sống lịch sử của văn học dân gian. Các tác giả có những nhận xét xác đáng rằng, nhiều tác phẩm của các thể loại đã ra đời từ những thời kì trước, đến thời kì này tiếp tục được truyền tụng và bổ sung những tình tiết mới; cố gắng định vị mốc thời gian tương đối của hoặc thể loại hoặc tiểu loại hay nhóm tác phẩm… Đặc biệt, các tác giả có chủ ý cung cấp những tư liệu tác phẩm mà do điều kiện khách quan, trước đây giới nghiên cứu và người đọc ít có điều kiện tiếp cận, như những tác phẩm trong Chuyện giải buồn (in lần thứ hai, Sài Gòn, năm 1887), Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn (Sài Gòn, năm 1896) và Câu hát góp (Sài Gòn, năm1897) của Huỳnh Tịnh Của. Những đặc điểm nổi bật nhất của các thể loại cũng đã được trình bày khái quát; bên cạnh đó các tác giả đã bổ sung một số đặc điểm thể loại mà các công trình đi trước chưa đề cập.

Các chương viết về quan hệ mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học viết và mối quan hệ giữa văn học dân gian người Việt với văn học dân gian các dân tộc thiểu số cũng có những đóng góp về tư liệu và kết luận khoa học. Công trình đã trình bày vừa cụ thể vừa khái quát vai trò của văn học dân gian đối với các thể loại tự sự, trữ tình của văn học viết, vai trò ngược lại của văn học viết đối với văn học dân gian; sự khác nhau giữa văn học dân gian và văn học viết về nhiều lĩnh vực, như ngôn ngữ, thể văn, thể thơ và một số biểu tượng, hình ảnh. Là tác giả của những công trình cụ thể về tục ngữ, ca dao, GS. Nguyễn Xuân Kính, người trực tiếp viết Chương 5 của Phần thứ ba, có thế mạnh về những vấn đề đã nêu. Tác giả cũng đã có những nhận định lí thú về cái chung và cái riêng, tiếp xúc và ảnh hưởng trong văn học dân gian giữa người Việt và các dân tộc thiểu số… Cái chung, tính thống nhất trong văn học dân gian các dân tộc “không làm mất đi nét riêng, nét bản sắc của văn học dân gian từng dân tộc, thậm chí trong khi cùng đúc kết một vài kinh nghiệm, cùng kể lại một cuộc giao tranh, cùng cụ thể hóa một cốt truyện, các dân tộc thường thể hiện nét riêng” (tr.442-443). Các tác giả cũng đã sơ bộ tổng thuật những quan niệm đáng chú ý của một số chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về sử thi, miêu tả luật tục của các dân tộc thiểu số, nêu sự khác nhau giữa luật tục của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và lệ mường của người Mường và người Thái ở phía Bắc, giữa luật tục của các dân tộc thiểu số và hương ước của người Việt, v.v…

Phần thứ tư của cuốn sách viết về văn học dân gian thời kì chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại. Giai đoạn thứ nhất của thời kì này - giai đoạn Pháp thuộc, chống Pháp thuộc và tiếp thu văn hóa phương Tây - đầy những biến động về lịch sử, văn hóa. Tác giả đã chỉ ra những mặt tồn tại song song trong chế độ thuộc địa, “một mặt là các nhân tố thực dân, và một mặt là các nhân tố tiến bộ của văn hóa Pháp, của nhân loại nói chung” (tr.482), sự tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp để tạo nên những thành tựu rực rỡ của văn hóa Việt Nam. Cuộc sống của văn học dân gian giai đoạn này gắn với những đề tài thế sự, đề tài tố cáo tội ác, kêu gọi đấu tranh chống Pháp, Nhật và tay sai của chúng. Sự xuất hiện của văn học dân gian công nhân là cái mới của văn học dân gian giai đoạn này, đem tới những thay đổi, những cái mới trong nội dung cũng như hình thức vốn đã ổn định, đã thành truyền thống của văn học dân gian Việt Nam…

Với giai đoạn kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phát triển và hội nhập (từ năm 1945 đến nay), tác giả giới thiệu, phân tích văn học dân gian những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn học dân gian từ sau ngày đất nước thống nhất đến cuối 1986 và văn học dân gian từ ngày đổi mới đến nay, trong đó có cả văn học dân gian của các dân tộc thiểu số và của một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Nhiều hiện tượng mới của văn học dân gian xuất hiện. Công phu sưu tầm, tập hợp các tư liệu từ nhiều nguồn, vẫn tiếp tục được tác giả thể hiện. Người đọc thấy, văn học dân gian tân sinh khá dồi dào, đắc dụng trong cuộc sống hiện đại, đi vào nhiều đề tài, thể hiện tâm tư, tiếng nói phản biện xã hội sắc sảo của nhân dân trước các vấn đề cuộc sống.

Phần Phụ lục của cuốn sách, Một số bản kể của cùng một kiểu truyện ở những thời gian khác nhau (Kiểu truyện Sự tích trầu, cau và vôi; Kiểu truyện Người thiếu phụ ở Nam Xương; Tấm Cám; Bốn anh tài) là tập hợp tư liệu công phu, lí thú. Có thể xem đây như những minh chứng sinh động về cuộc sống trên “văn bản” và phần nào đó cũng phản ánh cuộc sống trong dân gian của các tác phẩm.

Tóm lại, công trình của Nguyễn Xuân Kính và Bùi Thiên Thai là đóng góp đáng kể trong nỗ lực phục dựng tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam. Những đóng góp nổi bật của các tác giả thể hiện tập trung ở các mặt sau: (i). Phân kì lịch sử văn học dân gian theo lịch sử văn hóa Việt Nam; (ii). Là công trình đầu tiên phác thảo lịch sử văn học dân gian không chỉ của người Việt, mà cả của đồng bào các dân tộc thiểu số; công trình đầu tiên trình bày lịch sử văn học dân gian từ cội nguồn cho đến hiện nay; (iii). Có những kết luận mới về cuộc sống lịch sử của một số thể loại, tiểu loại hay hệ thống tác phẩm; bổ sung thêm một số đặc điểm thể loại mà các công trình đi trước chưa đề cập; (iv). Hệ thống tư liệu đưa vào khảo sát miêu tả phong phú, tin cậy; không ít tư liệu mới hoặc những tư liệu bạn đọc ít có điều kiện tiếp xúc đã được giới thiệu…

Phục dựng lịch sử văn học dân gian Việt Nam, như đã nói, là công việc khó khăn, phức tạp. Công trình của Nguyễn Xuân Kính và Bùi Thiên Thai là nỗ lực đáng trân trọng, có nhiều đóng góp khoa học. Lịch sử vấn đề nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam nói chung, các thể loại của văn học dân gian Việt Nam nói riêng, từ nay, chắc chắn không thể không nhắc tên công trình rất có ý nghĩa lý luận và thực tiễn này.

Nguồn Văn nghệ số 50/2020


Có thể bạn quan tâm