April 25, 2024, 11:51 am

Về bài thơ “KHÓC ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG” của Hồ Xuân Hương

Ông phủ Vĩnh Tường là ai và vì sao Hồ Xuân Hương lại khóc ông phủ Vĩnh Tường?

Ở Viễn đông bác cổ có lưu trữ tập Hán văn chép tay Dương Hạo đỉnh tập quốc sử dĩ biên, số hiệu A-1045, do thám hoa Phan Thúc Trực, nguyên tên là Dương Hạo, người Nghệ An, soạn vào năm 1862. sách này nói đến việc quan Tham hiệp trấn Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay), là Trần Phúc Hiển, do tham ô, bị Gia Long kết án tử hình vào năm 1819. Điều quan trọng với chúng ta là sách này cho biết người vợ bé của quan Tham hiệp bị tử hình ấy chính là nhà thơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nguyên tác chữ Hán, Đào Thái Tôn trích dịch: “Quan Tham hiệp trấn Yên Quảng bị tử hình vì dọa nạt dân để lấy của. Riêng tại châu Vạn Ninh, ruộng đất bị bỏ hoang nhiều, quan Tham hiệp ép dân vỡ đất để làm ruộng cày. Nhân đó đòi dân đút tiền để mua đất, kể đến bạc nghìn. Dân châu này đâm đơn kiện, viên án thủ, tên là Dung, cũng đứng ra tố cáo. Ông Tham hiệp bị bắt giam và bị kết án tử hình”. Đoạn đáng chú ý với chúng ta trong sách Dương Hạo là đoạn này: “Quan Tham hiệp trấn có người vợ bé tên là Xuân Hương, giỏi về văn chương và chính trị. Bấy giờ nổi tiếng là thi nữ, quan Tham hiệp thường sai nàng vào việc quan. Viên Án thủ Dung vốn sợ và rất ghét nàng”.

Sách chính sử Đại Nam thực lục chính biên, quyển số 57, trang 12a, chép như sau: “Quan Tham hiệp trấn Yên Quảng là Trần Phúc Hiển ăn hối lộ của dân đến 700 quan. Sự ấy lộ ra, đến tai vua (Gia Long), vua nói: “Tham nhũng đến như thế mà không giết chết thì lấy gì mà khuyến liêm? Vua sai quan Bắc thành chiếu luật, trị tội. Hiển bị tử hình năm Kỷ mão, 1819”.

Trần Phúc Hiển là con trai Trần Phúc Nhàn, giữ chức Tham mưu trong quân đội trước khi Chúa Nguyễn khôi phục Phú Xuân. Để đền công cho một công thần đã tử trận, tháng 7 năm Quý hợi, Gia Long thứ 2, 1803, vua cho con là Phúc Hiển làm Hàn lâm thủ thư. Sau đó, năm 1813, Hiển được thăng lên làm tri phủ Tam Đái (Vĩnh Phúc ngày nay). Theo Dư địa chí thì năm 1822, phủ Tam Đái đổi tên thành phủ Vĩnh Tường.

Như vậy, năm 1822, Trần Phúc Hiển đã chết (1819) không thể làm “ông phủ Vĩnh Tường” được nữa! Vả lại, bài thơ của Hồ Xuân Hương có câu “Hăm bảy tháng trời là mấy chốc”, chứng tỏ Hồ Xuân Hương khóc Trần Phúc Hiển khi đã hết tang khó ở trên đầu, nghĩa là bài thơ này được viết sau năm 1822, lúc đó mới có phủ Vĩnh Tường.

Vì sao Hồ Xuân Hương không khóc ông Tham hiệp trấn Yên Quảng? Không khóc ông phủ Tam Đái mà lại khóc ông phủ Vĩnh Tường? Chúng ta thấy rõ, Trần Phúc Hiển không liên quan gì đến hai chữ Vĩnh Tường, đến cái tên Vĩnh Tường ông ta cũng không biết vì ông ta đã chết năm 1819.

Rõ ràng là  đang có vấn đề khúc mắc và chưa hợp lý ở đây!

Nên suy nghĩ và giải quyết vấn đề chưa hợp lý ấy như thế nào?

Bài thơ của Hồ Xuân Hương mở đầu bằng câu “Trăn năm ông phủ Vĩnh Tường ơi”, làm người ta nghĩ rằng đây là bài thơ khóc ông phủ Vĩnh Tường! Thật ra, đây là bài thơ sưu tầm, không có bản chính, không thấy Hồ Xuân Hương chép lại trong Lưu hương ký. Tôi nghĩ rằng đầu đề bài thơ này là do người sưu tầm bịa ra.

Bài thơ Hồ Xuân Hương khóc chồng thì rõ rồi. Chồng bà là Trần Phúc Hiển bị án tử hình và đã chết năm 1819, cũng rõ rồi. Sao bài thơ lại có tên bài là Khóc ông phủ Vĩnh Tường?

Ngày còn làm Tri phủ Tam Đái, Trần Phúc Hiển đã nhiều lần về Thăng Long, đến Cổ nguyệt đường làm thơ xướng họa với Hồ Xuân Hương. Các lần ông đến, các bài thơ xướng họa giữa Hồ Xuân Hương và Trần Phúc Hiển đều có ghi lại trong Lưu hương ký. Chúng ta có thể nghĩ rằng, trong quá trình quen biết, đi lại lâu dài ấy, chắc cũng có lần Trần Phúc Hiển mời Hồ Xuân Hương về thăm phủ Tam Đái nơi ông ngồi nhậm chức? Cũng có thể, ngay cả lễ vu quy của bà cũng đã được tổ chức trang trọng ở đây? Tuy nhiên, kể cả khi không có những chuyện đó thì phủ Tam Đái vẫn là một dấu ấn kỷ niệm sâu đậm trong tâm hồn Hồ Xuân Hương bởi bà đã yêu và lấy ông tri phủ ở phủ này làm vợ.

Sau cái chết của chồng, Hồ Xuân Hương rời Yên Quảng, bước vào một cuộc đời đi đây, đi đó, gần như vô định. Tôi nghĩ rằng hẳn phải có lần bà trở về Tam Đái chốn xưa và đã gặp ông đương kim tri phủ Vĩnh Tường ở đó. Trong cuộc gặp gỡ này, ông đương kim tri phủ Vĩnh Tường đã thông cảm và đã yên ủi bà về câu chuyện đau thương của tâm hồn mình. Từ sự cảm thông đó, Hồ Xuân Hương đã  thổ lộ nỗi đau đớn và bất bình của mình với ông phủ. Theo tôi nghĩ thì Hồ Xuân Hương đã thổ lỗ lòng mình với đương kim tri phủ Vĩnh Tường qua tiếng khóc chồng, chứ không phải bà khóc ông phủ Vĩnh Tường như người sưu tầm bài thơ đã hiểu và đã đặt tên cho bài thơ này.

Hồ Xuân Hương khóc chồng bà, khóc nỗi đau của bà, chứ không phải khóc ông phủ. Mấy tiếng “ông phủ Vĩnh Tường ơi”, cũng chỉ là mấy từ cảm thán tương tự như “trời ơi”, “đất ơi”, “ông phủ ơi” vậy thôi.  

Tôi nghĩ, tên bài thơ đặt là KHÓC ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG là chưa hợp lý, có thể do người sưu tầm đã hiểu nhầm về nội dung bài thơ và làm chúng ta cũng hiểu nhầm theo.

Nên chăng, chúng ta nên đặt lại tên bài thơ này là GỬI ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG, lúc đó, mọi điều đều được lý giải một cách hợp lý và sáng rõ?

Nguồn Văn nghệ số 21/2018

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm