March 29, 2024, 2:21 pm

Vàng trong tâm thức người Việt

Người Việt Nam ta xưa nay vẫn thích giữ vàng. Dù nghèo cũng cố tằn tiện, ky cóp mua bằng được chút vàng để phòng thân nhiều hơn là chưng diện. Hầu hết mọi bà mẹ đều muốn có chút vàng cho con cái khi dựng vợ, gả chồng. Hồi nhỏ tôi nghe thầy giáo nói: - “được bạc thì sang, được vàng thì xúi” nên cứ dửng dưng với vàng và hiểu rằng các cụ chỉ muốn nhắc nhở con cháu làm ăn cần cù lương thiện, không tham lam. Nhưng lớn lên tôi chứng kiến khá nhiều chuyện liên quan đến vàng mới giật mình nghiệm ra sự tổng kết của dân gian là có cơ sở, vì tham vàng quá dễ bị vàng mắt, váng đầu, mất sáng suốt, làm những việc xấu xa, dẫn đến hậu họa, bi kịch… Năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng, tôi đặc biệt quan tâm đến sự kiện 16 tấn vàng dự trữ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nên được đặt hàng viết kịch bản phim truyện và tiểu thuyết về việc 16 tấn vàng được giữ lại, thông qua một chuyện tinh - tình báo ly kỳ. Thực ra 16 tấn vàng thỏi này từng được Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu muốn chuyển sớm ra nước ngoài để mua vũ khí chống đỡ khi mà Mỹ không thể tăng viện trợ. Nhưng vì không một ngân hàng lớn nào trên thế giới chấp nhận bảo hiểm, nên mãi đến ngày 25 tháng 4 năm1975, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ mới điều gấp một chiếc máy bay vận tải C130 đến chở 16 tấn vàng đi. Vàng đã được chất lên máy bay, nhưng sân bay đã bị pháo của quân giải phóng cày nát nên không thể cất cánh được... Khi viết xong tiểu thuyết 16 tấn vàng (Sài Gòn hấp hối) tôi mới biết tính vào thời giá 1975 thì 16 tấn vàng chỉ tương đương 220 triệu USD, một con số nhỏ nhoi so với hàng ngàn tỷ USD Mỹ đã chi phí vào chiến tranh Việt Nam. Còn ngày nay có năm nước ta đã nhập gấp 4 lần số vàng dự trữ của VNCH 1975 Có một thực tế cần phải thừa nhận, thời Mỹ - Ngụy, vàng ở Sài Gòn rất rẻ và rất sẵn. Ngày tết, kỷ niệm sinh nhật các cô gái thường được cha mẹ, ông bà tặng dây chuyền, lắc vàng… Mọi sự mua bán, hối lộ đều quy ra vàng… Chuyện vàng ở Sài Gòn xưa và nay luôn hấp dẫn, ly kì, đem lại niềm vui cũng lắm, đem đến ưu phiền, xui xẻo cũng nhiều. Biết bao chuyện tìm kho vàng của thế giới đã thành phim bom tấn và vẫn đang tiếp tục được người ta bỏ công sức, tiền của đào bới. Có bao gia đình đã tan cửa nát nhà, bỏ mạng trên những bãi vàng. Có nhiều người vốn lương thiện, tài hoa chỉ vì lao vào buôn vàng, nhắm mắt huy động vốn với lãi suất cao, trở thành kẻ lừa đảo, phải trốn chạy, sống chui lủi rồi cũng tơi tả vào tù, hủy hoại cả tương lai con cái. Sắc vàng lấp lánh có thể hút hết tinh lực, trí tuệ đàn ông; tàn phá nhan sắc, tâm hồn cao đẹp của đàn bà… Hình như trong vàng có ma lực khiến con người dễ mù quáng, trở nên thủ đoạn, xảo trá, keo kiệt, tàn nhẫn… Trong tâm thức người Việt Nam bao đời nay vẫn coi vàng là của để dành sau nhà đất và các tiện nghi sinh hoạt. Đại đa số người Việt xưa nay không quen cất giữ ngoại tệ và dù lãi suất tiền tiết kiệm có tăng cao thì xu hướng cất giữ vàng vẫn không hề sụt giảm. Châu Á vẫn là nơi “nghiện vàng” nặng, tác động cả thế giới mà đồng USD lên xuống tùy thuộc rất nhiều ở giá vàng và càng ngày sức mua vàng của thế giới tăng nhanh với những kho vàng dự trữ mạnh hơn mọi kho vũ khí - nó đồng nghĩa với mức thu nhập tăng lên rất đáng mừng nhưng cũng rất cần phải có sự hướng dẫn, điều chỉnh thế nào cho hợp lý mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là với những nước đang phát triển. Chẳng phải riêng người Việt Nam mà nhiều dân tộc ở Châu Á có thói quen tích trữ vàng để phòng thân, coi những trang sức bằng vàng là thước đo của sự sang trọng, quý phái. Khi kinh tế tăng trưởng, những ngoại tệ mạnh đang suy yếu không chỉ người dân mà nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã mua thêm nhiều vàng dự trữ. Thật khó kiềm chế sức tiêu thụ vàng khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp. Có điều cần tìm ra những giải pháp sáng suốt, hữu hiệu để làm sao vẫn bảo đảm quyên được mua vàng, sử dụng vàng của người dân, giúp họ sinh lời và không phải lo cất giữ . Tôi nhớ cuối thế kỷ 20, vàng thế giới dao động trên dưới 400 đôla/ ounce, còn ở Việt Nam trên dưới 5 triệu đồng/lạng. Nay vàng thế giới đã tăng trên, dưới 4 lần, vàng ở nước ta tăng từ 8 đến 10 lần… Ngoài lý do lạm phát, cần thừa nhận sức mua vàng của dân ta tăng quá nhanh và chính sách quản lý vàng còn bộc lộ những bất cập. Chưa thể thống kê đầy đủ được số vàng dân ta cất giữ, nhưng theo dự đoán cũng lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn. Thị trường vàng Việt Nam với gần 100 triệu dân luôn sôi động, có lúc đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà Nước. Ngân hàng vẫn chưa thể đưa ra được những phương cách giữ hộ vàng cho dân hấp dẫn, sinh lời, tin cậy, thuận lợi. Sở dĩ đồng đôla Mỹ trở thành ngoại tệ mạnh nhờ một thời được bảo đảm bằng vàng… Thị trường vàng ngày càng trở nên sôi động và có tầm ảnh hưởng đến mọi thứ hàng hóa. Sàn giao dịch vàng thế giới tác động mạnh mẽ vào thị trường vàng của mọi quốc gia, Việt Nam không thể là ngoại lệ khi nước ta đang hội nhập toàn cầu. Dù thế nào cũng phải bình thường hòa sàn giao dịch vàng Việt Nam. Không thể vì yếu kém, không quản lý được thì cấm. Ở ta có những thứ càng cấm càng phát triển, càng khó quản lý hơn, thậm chí mất nguồn thu lớn và khiến cho giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 10 đến 15%. Nhu cầu tiêu dùng vàng của nhân dân, dù làm đồ trang sức hay cất giữ làm của để danh, đều chính đáng, được nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Không thể dễ dàng thay đổi thói quen trong tâm thức người Việt Nam. Nhưng có thể giúp người dân có những cách nhìn mới đem lại những lợi ích thiết thực trong những thứ của cải để dành phòng thân và cho con cháu. Nước ta có nhiều thợ kim hoàn giỏi, nhiều làng nghề chế tác vàng bạc lâu đời, rất cần được phát huy, cho nhập vàng nguyên liệu, xuất khẩu vàng đã chế tác. Được biết Ngân hàng Nhà nước đang có những quyết sách mới trong việc quản lý vàng đáp ứng mong muốn của nhân dân, bảo đảm sự an toàn cần thiết cho giao dịch vàng. Chúng ta không nên cấm mà phải lấy làm mừng khi vàng được nhập nhiều hơn, xuất nhiều hơn theo quy luật cung cầu - không nên đưa số lượng ngoại tệ nhập vàng vào chỉ tiêu nhập siêu vì vàng còn mạnh hơn bất cứ ngoại tệ mạnh nào. Cũng nên coi việc gửi vàng như gửi ngoại tệ với lãi suất như đôla Mỹ và nên khuyến khích, mở rộng hình thức quy đổi các sổ tiết kiệm tiền đồng Việt Nam ra vàng nếu người dân yêu cầu, sẽ giảm được những người muốn rút tiền để mua vàng. Ngân hàng cần nhanh chóng có cơ chế hợp lý, thuận tiện để đông đảo người Việt tin tuởng gửi vàng vào Ngân hàng Nhà nước, tạo thêm tiềm lực kinh tế mà vẫn phát huy được thói quen tích trữ vàng của mọi người Việt Nam. Rất nhiều người Việt Nam không muốn giữ vàng trong nhà vì thiếu điều kiện bảo đảm an ninh và cũng rất muốn chút vàng của mình đươc sinh lời, nhưng có lẽ chưa thật sự tin cậy và còn thấy nhiều thủ tục phiền phức ở ngân hàng. Vào cuối thế kỷ 20, cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á làm cho nhiều quốc gia khốn khó. Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi toàn dân bán vàng cho nhà nước và họ đã thành công huy động được hàng trăm tấn vàng và thu được ngoại tệ, không cần phải vay nợ. Với Việt Nam ta chưa cần phải làm thế, nhưng trong những năm đầu xây dựng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều người dân đã cúng vàng cho Nhà nước với Tuần Lễ Vàng. Người có nhiều vàng mong vàng cứ tăng giá nhưng đông đảo người nghèo chỉ mong vàng giảm giá và ổn định cùng với tỷ giá ngoại tệ như thập niên cuối của thế kỷ 20. Hồi ấy nhuận bút một bài Tết của tôi mua được một đến hai chỉ vàng. Còn bây giờ… chỉ đủ một chầu bia. Tôi bỗng nhớ đến lời khuyên của cố đạo diễn NSƯT Thanh An: - Làm gì cũng phải cố dắt lưng 10 cây vàng và đưa cho vợ 10 cây, rồi tha hồ rong ruổi mà sáng tác… Bây giờ tôi mới thấm thía lời khuyên quý báu ấy, nhưng hiện thực đã xa dần, xa dần... 


Có thể bạn quan tâm