April 19, 2024, 3:05 pm

Văn xuôi Nga đương đại một vài phác thảo

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Bức tranh toàn cảnh văn học Nga thời hậu Xô-viết vẫn đang được vẽ nên với những đường nét đa dạng và phức tạp, không còn dễ nắm bắt. Nhiều chiều hướng, nhiều tác giả, tác phẩm mới khác lạ thời Xô-viết xuất hiện kế tục và thay thế nhau. Định hình văn học Nga như trước đây là việc không dễ dàng. Nhưng một nước Nga mới đang xuất hiện, ở đó có sự kế thừa và phát triển, giống như mọi hiện tượng khác của lịch sử. 

Nước Nga đã thay đổi, thế giới đã thay đổi, những thay đổi đau đớn và sâu sắc. Từ đó sẽ lại hình thành nên những giá trị mới. Tôi tin vào những giá trị nhân văn của một dân tộc đã hi sinh rất nhiều cho một cuộc thử thách có thể nói là bi kịch nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại. Văn hóa Nga sẽ lại phát triển. Văn học Nga sẽ lại được đọc”. Bắt nhịp được tinh thần tích cực đó, tôi muốn phác thảo đôi nét về diện mạo văn học đương đại Nga, qua những thăng trầm của lịch sử để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Văn học Nga từ sau cuộc tan rã của Liên bang Xô-viết, tồn tại nhiều thế hệ sáng tác. Tác giả thuộc thế hệ những năm sáu mươi, họ tuyên bố mình đang trong thời kì “tan băng” (Voinovich, Aksyonov, Rasputin, Iskander...). Họ luôn mang trong mình nỗi nhớ và thường sử dụng thể loại hồi kí để bộc lộ tư tưởng của mình. Tác giả những năm bảy mươi, thế hệ văn học Xô-viết (Bitov, Yerofeyev, Makanin, Tokarev...) là những người bắt đầu con đường văn học trong điều kiện trì trệ, khủ#ng hoảng. Tiếp đó là thế hệ chuyển đổi, bắc cầu (Tolstaya, Slavnikova, Pelevin, Sorokin...). Trên thực tế, họ là những người đã mở ra kỉ nguyên mới cho văn học mà không bị kiểm duyệt, đồng thời họ tham gia vào các thí nghiệm văn học táo bạo. Cuối cùng là những nhà văn cuối thập niên chín mươi đến nay (Kochergin, Gutsko, Prilepin...) - những gương mặt trẻ nhất của nền văn học đương đại. Sự hội tụ của nhiều thế hệ sáng tác này vừa tồn tại những mâu thuẫn nhất định vừa có mối liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một bức tranh văn học đương đại phong phú đa dạng nhưng thống nhất.

Một dấu hiệu đặc biệt trong văn học thời đại mới là sự phát hiện và phát triển những vấn đề mới trên nền tảng của những đề tài, chủ đề, cảm hứng truyền thống. Nếu như văn học cổ điển Nga trong các thế kỉ trước đây, chủ đề chính của các tác phẩm văn học là viết về Kavkaz và chiến tranh thì nay biên giới được mở rộng hơn. Các tác phẩm đi theo từng khía cạnh đời sống con người trong đó đời sống tinh thần, nội tâm con người được khai khác sâu hình thành những đối nghịch giữa văn học thực tế và phi thực tế, văn học trí thức và văn học đại chúng, văn học và ngoài văn học. Đặc biệt, xuất hiện khái niệm mới “ceteratura” nghĩa là văn học internet, thứ mà ngày nay một lượng độc giả lớn lựa chọn để đọc. Văn học Nga hiện đại là hiện tượng đa trung tâm, không chỉ tồn tại văn học mang tính chất “cao, trang trọng” mà còn tồn tại văn học mang tính chất đại chúng, thương mại.

Trong vấn đề văn xuôi đương đại Nga, do giới hạn của bài viết, tôi muốn đề cập sâu đến chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hậu hiện đại. Đây là hai khuynh hướng, xét về nội hàm không có sự tương xứng. Nhưng, nếu xét về tính nổi bật thì chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hậu hiện đại đang là những điểm nhấn đặc biệt, mang tính “điển hình” trong nền văn chương Nga thế kỉ XXI.

Chủ nghĩa hiện thực là trào lưu nghệ thuật lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác. Chủ nghĩa hiện thực hướng tới cung cấp cho công chúng những bức tranh chân thực, sống động, quen thuộc về cuộc sống, về môi trường xã hội xung quanh. Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga hiện đại được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau nhưng nằm trong một hệ thống phổ quát: chủ nghĩa hiện thực cổ điển, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa hậu hiện thực, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện thực bản thể và chủ nghĩa hiện thực mới. Những khía cạnh trên của chủ nghĩa hiện thực đã, đang cùng tồn tại, phát triển, không loại trừ mà hỗ trợ lẫn nhau đi khai phá tìm tòi hiện thực cuộc sống.

Chủ nghĩa hiện thực cổ điển là nền tảng của chủ nghĩa hiện thực, nay vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học Nga hiện đại. Phần lớn những nhà văn lựa chọn khuynh hướng này thuộc “bề trên” có sự thừa kế những thành tựu nghệ thuật từ giai đoạn trước đó. V.Astafyev, I.Davydov, À.Akimov, V.Rasputin, V.Astafyev, G.Vladimov... là những gương mặt tiêu biểu. Đặc biệt, nổi lên giữa khuynh hướng này là A.Solzhenitsyn- “bậc trưởng lão của văn học Nga”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã viết về ông như là “một trong những lương tâm vĩ đại nhất của Nga”, rằng “Sự đấu tranh không khoan nhượng, ý tưởng và cuộc đời dài với những biến cố đã biến Solzhenitsyn thành một hình tượng trong sách vở, kế thừa Dostoevsky”.

Chủ nghĩa hiện thực phê phán là một khuynh hướng khá nổi bật trong văn học Nga đương đại. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là hai nhà văn Sergey Kaledin, Oleg Pavlov. Sergey Kaledin viết Nghĩa trang khiêm nhường trong đó khắc họa cuộc sống, thói quen, phong tục của những người làm việc ở nghĩa trang một cách sát thực nhất. Cùng với đó, tác phẩm Tiểu đoàn xây dựng miêu tả cuộc sống gian nan điển hình trong quân đội, những người lính được ví như “người ngoài hành tinh”. Ngoài ra ông còn có những tác phẩm như Ghi chú của người đào mộ, Hành lang, Phim đen trắng... Tất cả những câu chuyện mà Sergey Kaledin kể luôn thu hút bạn đọc bởi chất liệu văn chương khác thường, hình ảnh cụ thể, tính nét, sắc, sát đã kéo hiện thực về với bạn đọc. Còn Oleg Pavlov, bạn đọc sẽ gặp “những tác phẩm văn xuôi mang tính phản tỉnh, thấm nhuần sức mạnh thẩm mĩ và sự cảm thông, vì những tìm kiếm ý nghĩa triết học và nghệ thuật của sự tồn tại con người trong những hoàn cảnh giáp ranh”. Với những tác phẩm như Cuốn sách thảo nguyên, Vụ án Matiushin, Câu chuyện của những ngày cuối cùng, Nhật kí của một bảo vệ bệnh viện, Trong làn đường vô thần… chúng ta dễ tìm thấy lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết mà Oleg Pavlov đã khắc họa. Nhà văn nhìn cuộc sống với màu sắc bi thảm. Con người sinh ra để chịu đựng những đau khổ, mất mát. Và, ông đã viết về những đau khổ ấy như một sự tự do của cuộc đời mình: “Tự do sáng tạo là tất cả những gì tôi có. Nghệ thuật nói chung là biểu hiện cao nhất của tự do của con người”.

Chủ nghĩa hậu hiện thực là một nhánh khuynh hướng nằm trong hệ thống của chủ nghĩa hiện thực. Trước khi chúng ta nói về chủ nghĩa hậu hiện thực và sự tồn tại của nó, cần phải tìm ra đâu là chủ nghĩa hiện thực, mặc dù có vẻ như mọi người đều đã biết điều này. Dường như từ thời nghệ thuật Aristote, đặc biệt là văn học, đã được coi là một sự bắt chước của cuộc sống. Nói cách khác, nghệ thuật ngôn từ mô tả hiện thực cuộc sống. Nhưng gần đây, tiêu chí đánh giá một tác phẩm văn học là tư tưởng của tác giả qua các nhân vật của mình trong tác phẩm. 

Dù nằm trong khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực, mỗi nhà văn cần được phân biệt bởi tính nguyên bản, tính độc đáo và “không giống” với người khác. Quay trở lại với chủ nghĩa hậu hiện thực, chúng ta thấy sự khác biệt giữa các nhà văn tăng lên nhiều lần so với chủ nghĩa hiện thực. Điều này là do sự cá nhân hóa tăng mạnh của từng tác giả. Chúng di chuyển xa nhau như những nhánh cây, chuyển hướng theo những hướng khác nhau.

Vladimir Makanhin chẳng hạn, với những tác phẩm Ngầm, hay là anh hùng của thời đại chúng ta, Kẽ hở... là những câu chuyện thể hiện rõ phản ứng của nhà văn đối với những thay đổi thảm khốc trong cuộc sống ở Nga vào đầu những năm 1980 - 1990. Mikhail Shishkin cũng là nhà văn rất thành công trong khuynh hướng này. Ông là nhà văn duy nhất đoạt ba giải thưởng văn học danh giá ở Nga - “Giải thưởng Booker Nga”, “Giải thưởng Cuốn sách lớn” và “Sách bán chạy nhất quốc gia” với những cuốn tiểu thuyết: Mọi người mong đợi một đêm. Ghi chú của Larionov, Nhà văn, Nhạc sĩ mù, Bài học thư pháp..

Thành công trong những sáng tác của Shishkin là sự tài tình khi kết hợp hài hòa giữa tính chất Nga và phong cách châu Âu, cách viết giàu tính nhạc và khả năng phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, rất tự nhiên. Một đặc trưng trong văn xuôi của Shishkin là cách sử dụng thời gian đặc biệt: làm mờ địa điểm và thời gian. Các dòng sự kiện không chỉ xảy ra song song mà khung thời gian được xóa nhòa bởi những giới hạn. Những tác giả thành công ở chủ nghĩa hậu hiện thực, còn phải kể đến Olga Slavnikova, Maya Kucherskaya, Germanovich Vodolazkin, Alexei Ivanov...

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một nhánh phát triển của văn học hiện thực, là một trong những thành tựu quan trọng nhất của văn học hiện đại. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học nói chung và đối với văn học Nga nói riêng rõ ràng xuất phát từ những nền tảng văn hóa, triết học, tôn giáo, lịch sử, những điều kiện tự nhiên đặc thù của quốc gia đó. Đây là phương pháp nghệ thuật trong đó các yếu tố huyền bí được đưa vào bức tranh hiện thực trong một tác phẩm nghệ thuật. 

Nền tảng của chủ nghĩa kì ảo này ở Nga là văn xuôi làng quê. Yuri Mamleev là minh chứng rõ nét. Ông là người sáng lập chủ nghĩa hiện thực siêu hình và học thuyết triết học Nước Nga vĩnh cửu. Tác phẩm của Yuri Mamleev được dịch sang nhiều ngôn ngữ châu Âu, tiêu biểu như: truyện ngắn Ngôi nhà vĩnh cửu, tiểu thuyết Hòa bình và tiếng cười, tiểu thuyết Đôi cánh của sự kinh hoàng, Hành trình của người Nga đến thế giới phẳng... Sáng tác của Mamleev bộc lộ rất rõ những tính chất của văn học hiện đại huyền ảo Nga.

Đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực bản thể là nhà văn Lydia Sycheva với những tác phẩm Bí ẩn của nhà thơ, Đã hết bệnh kết hôn, Bản chất của hình ảnh Nga (Cuốn sách nói về thơ Nga và từ nghệ thuật), Con đường của nhà thơ (Cuốn sách nói về cuộc sống và công việc), Chúng tôi vẫn là người Nga, Thời Boyana... Nữ nhà văn đi sâu khai thác, nghiên cứu hiện thực đời sống, tâm lí con người nói chung và người viết văn nói riêng. 

Nguồn gốc của sự sáng tạo là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu làng quê xứ sở sâu sắc. Nổi bật là truyện ngắn Ba nhà cầm quyền. Đây là tác phẩm lí giải cho bí ẩn trong linh hồn con người Nga, là một câu chuyện đầy cảm hứng và trung thực về con đường tìm kiếm hạnh phúc, tình yêu, sắc đẹp, sự bình yên và công lí. Thật đáng tiếc khi không phải con đường nào cũng dẫn đến một kết thúc ngọt ngào. Cuộc sống thật bi thảm và ngắn ngủi! Chủ nghĩa hiện thực bản thể với bản chất chính là triết học và thẩm mĩ đã được Lydia Sycheva chứng minh rõ nét trong những tác phẩm của mình.

Một nhánh khuynh hướng không thể không nhắc đến là chủ nghĩa hiện thực mới. Đây là một thuật ngữ xuất hiện muộn hơn trong hệ thống của chủ nghĩa hiện thực. Roman Senchin, một tiểu thuyết gia đồng thời là một nhà phê bình văn học của Nga viết: “Người viết trẻ đang chín dần đối với một hiện tại đầy sự mới mẻ. Càng ngày càng thú vị khi phát hiện nhiều phong cách mới lạ và tìm ra được những cốt truyện phức tạp. Trong đó vẫn xuất hiện một sự đơn giản - đơn giản trong lời kể sinh động, có khả năng chạm trực tiếp đến cảm xúc người đọc bằng một sự chân thành”. 

Những trang viết luôn tìm kiếm điều tích cực, đến gần như tự nhiên, giống như những trang tài liệu về cuộc sống thực, sự hiện diện của nhân vật gần như là hiện thân của chính tác giả. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực mới cũng vấp phải những hạn chế trong ngôn ngữ, thiếu tính ổn định trong phong cách thể hiện. Đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng này là Sergey Shargunov với những tác phẩm: Kataev. Sự theo đuổi của mùa xuân vĩnh cửu, Phủ nhận đám tang... 

Đây gần như là những bản tuyên ngôn cho sự xuất hiện khuynh hướng văn học hiện thực mới mà Sergey Shargunov chính là người tiên phong. Cùng với đó, Roman Senchin với tiểu thuyết Eltyshev, Khu vực bị ngập lụt đã ghi lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng độc giả nói chung và giới phê bình văn học nói riêng. Đặc biệt, tiểu thuyết Eltyshev lọt vào danh sách của “Giải thưởng Booker Nga” bởi tác phẩm như “cuốn tạp chí mạn tàu của các nạn nhân trong một vụ đắm tàu”. 

Một nhà văn khác là Pavel Sanaev với truyện vừa Hãy chôn tôi sau chân tường, hướng về đề tài muôn thuở là tình yêu, viết về những bi kịch của tình yêu. Tuy nhiên, tình yêu trong câu chuyện lại là sự khắc nghiệt giữa những mối quan hệ. Tác phẩm là một góc khuất không mới trong hiện thực nhưng mới trong văn chương, về một sự yêu thương đầy nghiệt ngã. Đó là bài học giáo dục cho người lớn khi để lại những ám ảnh cuộc đời trong tâm trí con trẻ. Dòng văn học này còn phải kể đến Zakhar Prilepin nổi tiếng với những tác phẩm: Tu viện, Sanya, Tội lỗi, Cư dân, Hồi sinh...

Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Tu viện. Sau khi cuốn sách được xuất bản, độc giả lẫn các nhà phê bình đều ghi nhận Zakhar Prilepin với danh hiệu “nhà văn đương đại tiêu biểu”. Thế giới nhân vật trong tác phẩm thật sự khổng lồ, những phác thảo về đời sống sinh hoạt con người đậm màu sắc Nga truyền thống, tính nhân văn, nhân đạo của một tác phẩm nghệ thuật cũng được bộc lộ nhẹ nhàng, tự nhiên.

Chủ nghĩa hậu hiện đại, một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi đương đại Nga, được thể hiện đa dạng theo nhiều cách khác nhau. Giới nghiên cứu, phê bình văn học Nga bàn luận rất nhiều về chủ nghĩa hậu hiện đại. Họ đi sâu khai thác, phân tích, so sánh làm rõ sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một xu hướng trong nền văn hóa đương đại được đặc trưng bởi sự chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự. Khuynh hướng này gắn với sự vận động của thời đại từ Xô-viết đến hậu Xô-viết, thời đại của những thảm họa mà nước Nga rơi vào ở cuối thập niên 1980. 

Những tác giả ghi lại dấu ấn của mình trong khuynh hướng này là Vladimir Sorokin, Victor Pelevin, Mikhail Elizarov, Julia Kisina, Ihab Hassan... Nếu như phương Tây đã rời bỏ những lí thuyết để sáng tạo tự nhiên thì ở Nga, văn học vẫn đang nằm trong một khuôn khổ khép kín, bị giới hạn về mặt xã hội. Thế nhưng có một điều không thể chối bỏ là hiện tại như một sự vận động tự nhiên, đang chuyển sang một thời kì văn hóa mới.

So với thơ ca, văn xuôi đương đại ở Nga đã có những định hình khá rõ nét trong hành trình đổi mới. Điều này có điểm giống với nền văn học Việt Nam đương đại. Mặc dù, cả hai nền văn hóa đều có những giới hạn bởi những thành tựu nghệ thuật trước đó, thậm chí là những đỉnh cao nghệ thuật. Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan, thì sự tồn tại của những giới hạn đó là điều tất yếu. Bởi vậy, giới nghiên cứu phê bình sẽ có những nghi ngại về sự “đổ bóng” nghệ thuật. Văn học Nga sẽ đi lại một thời kì vàng son, sống lại thế kỉ bạc? 

Thế nên, nhà văn phải là một người can đảm, thừa nhận bản chất của những tồn tại, lấy nó làm nguyên lí của sự sống, đấu tranh, tìm kiếm cái mới để khẳng định sự có mặt của mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận, những thành tựu mà văn học đương đại Nga đã xây dựng trong những thập niên qua là rất to lớn, thậm chí đã mở rộng những giới hạn mới, thênh thang hơn.

Văn học Nga đương đại đang trong quá trình vận động và phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhiều nhánh được mở rộng, nhiều hứa hẹn đầy mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn rất Nga. Văn học Nga vẫn được độc giả Việt Nam ưu tiên trong những tìm kiếm của mình. Bây giờ không chỉ là những kiệt tác của đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin, tiểu thuyết gia vĩ đại Lev Nikolayevich Tolstoy và Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, hay nhà truyện ngắn và viết kịch hàng đầu thế giới Anton Pavlovich Chekhov... mà họ còn hướng về tác phẩm của những nhà văn đương đại như Tuần đêmcủa Sergey Lukianenko (do Phạm Ngọc Thạch dịch); Ra đời của Alexei Varlamov; Nhật kí mẹ chồng và vợNgười tình và quý ông hoàn hảo của Maria Metlitskaya; Những nhân chứng cuối cùng của Svetlana Alexievich và một số tác phẩm khác do nữ dịch giả Phan Xuân Loan chuyển ngữ đã có mặt ở Việt Nam. 

Qua quá trình dịch, họ nhận thấy các sáng tác của nhà văn Nga đương đại vẫn luôn mang một màu sắc riêng, ngòi bút của các tác giả Nga vẫn không bị hòa lẫn, luôn mang một phong vị đặc biệt, thậm chí mới mẻ, hấp dẫn và gần gũi hơn. Tuy vậy, cùng với sự vận động của thời đại, sự du nhập văn chương các nước và những xáo trộn trong nhận thức của quá trình sáng tạo... đã khiến cho số lượng tác phẩm của các nhà văn đương đại Nga được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam ít hơn so với sự phát triển thực tế của nó. Ở thời điểm hiện tại, dịch giả văn học Nga hầu hết là những người nhiều tuổi, thế hệ dịch giả trẻ đang còn thưa bóng, nên có những hạn chế nhất định trong số lượng lẫn chất lượng của các tác phẩm được dịch.

Là một du học sinh tại Nga, tôi luôn hi vọng rằng, sẽ có một sự thay đổi tích cực trong tương lai gần khi xuất hiện nhiều hơn nữa trong tay bạn đọc Việt Nam những tác phẩm văn chương Nga nói chung và văn chương đương đại Nga nói riêng. Hãy để văn chương là cầu nối nhẹ nhàng nhưng bền vững gắn kết giữa hai đất nước Nga - Việt lâu dài và sâu sắc!

Nguồn VNQD      
 

Có thể bạn quan tâm