March 29, 2024, 2:24 pm

Văn xuôi chính luận của Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969

 

1. Từ ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946) đến khi vĩnh biệt chúng ta để về với “thế giới người hiền” (2/9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác không nhiều. Đất nước liên tục trải qua những thời khắc cam go, phải chống lại hai kẻ thù hùng mạnh là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, trong vai trò của Chủ tịch nước, phải dồn tâm sức cho những quyết sách lớn liên quan đến vận mệnh dân tộc, Người ít có thời gian để viết văn, làm thơ. Các tác phẩm chính luận của Người cũng không nhiều, một số trong đó thường được viết ra trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng lại thể hiện sâu sắc những tư tưởng lớn về tự do, độc lập dân tộc và tương lai của đất nước.

2. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ sau nhiều lần chúng ta cố gắng nhân nhượng để cứu vãn nền hòa bình. Cả dân tộc Việt Nam lại đứng trước một thử thách mới. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên như lời hiệu triệu của non sông đất nước, như lời thề quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do đã phải đổ bao xương máu mới giành lại được:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!”

Nhiều người coi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là bài hịch cứu nước, thể hiện sâu sắc ý chí quyết chiến, quyết thắng của một dân tộc, với lời văn ngắn gọn, xúc động, tâm huyết, đi thẳng vào lòng người.

Lời hịch lịch sử của Hồ Chí Minh 20 năm sau lại vang lên khi đế quốc Mĩ ào ạt đưa quân vào miền Nam và điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi chống Mĩ Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Lời của Người đã gói trọn ý chí và quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được ý chí sắt đá, quyết tâm chống Mĩ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”

Ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử, những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh vang lên kịp thời, soi đường, chỉ lối, đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi. Những lời kêu gọi lịch sử của Hồ Chí Minh sống mãi cùng với những chiến công hiển hách, những trang lịch sử oai hùng của Đảng ta, của nhân dân ta.

3. Cùng với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thấm sâu trong nhiều tác phẩm chính luận thì tư tưởng về xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh, nhân dân sống tự do, hạnh phúc luôn hiện diện trong nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh. Từ những lời kêu gọi đồng bào, đồng chí đến các diễn văn đọc tại những buổi lễ long trọng của Đảng và Nhà nước, từ những bức thư gửi các tầng lớp nhân dân cho đến bản Di chúc trước lúc đi xa, ở đâu Người cũng nêu cao truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc Việt Nam, động viên ý chí, sức mạnh của các tầng lớp nhân dân để hoàn thành mục tiêu cao cả là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc). Đúng như nhận xét của đồng chí Trường Chinh: “Nhiều lời kêu gọi hoặc bài văn của Hồ Chủ tịch, nhất là từ Cách mạng tháng Tám trở đi, động viên tinh thần và cổ vũ lòng hăng hái của nhân dân một cách mãnh liệt.” Với tầm nhìn xa rộng, Hồ Chí Minh hiểu rằng, sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới và con người mới là một công việc hết sức khó khăn, gian khổ. Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên một mảnh đất nghèo nàn, lạc hậu, lại còn rất nhiều tàn tích phong kiến không phải là công việc một sớm một chiều. Người xác định: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc gác sâu xa hàng ngàn năm.” Người ý thức sâu sắc rằng, tất cả phải bắt đầu từ con người, bởi vì con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội mới. Người căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” (Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, bài nói chuyện tại Hội nghị chỉnh huấn Trung ương, tháng 3/1961).

Để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng Đảng vững mạnh. Người luôn nhắc nhở rằng sự vững mạnh của Đảng luôn xuất phát từ đường lối đúng, từ sự gắn bó máu thịt với nhân dân, từ sự gương mẫu của đảng viên cộng sản. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951, Người nói: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân.” Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người cũng căn dặn rằng: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”

Xem sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục ý thức làm chủ, “tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Người đặc biệt chú ý đến việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ để kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông. Người chăm lo vun đắp những cái hay, cái đẹp của con người, kịp thời biểu dương những anh hùng, chiến sĩ thi đua, những người tốt, việc tốt trong các phong trào cách mạng của quần chúng. Người cũng lưu ý đến việc đối phó với những lực lượng cản trở và phá hoại chủ nghĩa xã hội. Trong những lực lượng đó, theo Người, chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh nguy hiểm vì “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó” (Đạo đức cách mạng). Nhiều cán bộ, đảng viên “do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền” (Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân). Những bài viết của Người như Cách viết, Sửa đổi lối làm việc, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân… là những lời giáo huấn quý báu, có lí có tình, sâu sắc và thấm thía, không chỉ có ý nghĩa giáo dục cán bộ và đảng viên lúc đó, mà còn có ý nghĩa thời sự nóng hổi đối với cuộc sống hôm nay.

4. Trong các trước tác của Hồ Chí Minh, bản Di chúc là một trong những đỉnh cao tư tưởng của Người, một bản cương lĩnh xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Di chúc là sự thể hiện đầy đủ, cô đúc những mục tiêu cao đẹp, những giá trị văn hóa, đạo đức bền vững của dân tộc Việt Nam và của loài người. Toàn bộ Di chúc toát lên tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, thể hiện sự gắn bó giữa lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, giữa xây dựng đất nước và xây dựng nền văn hóa cho con người và vì con người. Tư tưởng tất cả vì con người bao trùm và xuyên suốt bản Di chúc. Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ, cả cộng đồng và từng cá nhân con người. Người nhắc nhở việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; phê bình và tự phê bình trong Đảng phải dựa trên “tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Người căn dặn phải chăm lo cho lớp trẻ vì “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Người mong muốn Đảng “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người lưu ý phải chăm lo cho nông dân, phụ nữ, các gia đình liệt sĩ, thương binh, “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”. Với tấm lòng rộng lượng, khoan dung, Người không quên những nạn nhân của xã hội cũ: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.” Mỗi lời, mỗi việc đề cập đến trong bản Di chúc vừa chứa đựng những tư tưởng lớn, vừa thể hiện sâu sắc và cảm động chủ nghĩa nhân văn cao cả - chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

5. Cũng như nhiều tác phẩm chính luận ở các giai đoạn trước, những tác phẩm chính luận của Hồ Chí Minh từ 1946 đến 1969 luôn đa dạng nhưng nhất quán, từ quan điểm, mục đích viết đến nội dung, hình thức tác phẩm. Người có lần tâm sự: “Về nội dung viết mà các cô, các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.” Hồ Chí Minh đã kết hợp được một cách hài hòa giữa chính trị và văn học, lí luận và thực tiễn, phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại. Những bài viết của Người luôn bám sát những vấn đề lớn lao của dân tộc, của thời đại, với một tầm nhìn rộng lớn, một trí tuệ sắc sảo. Từ những lời kêu gọi nhân dân đến những lời đối thoại, buộc tội kẻ thù, từ những bài nói chuyện đến một câu vui đùa, một lời đón bạn… bao giờ cũng chứa đựng một tư tưởng lớn, một nhân sinh quan cách mạng, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhiều câu nói của Người đã trở thành những khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta như: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”… Nhiều khi chỉ bằng một câu nói dí dỏm, pha một chút hài hước, Hồ Chí Minh đã làm cho người nghe, người đọc phải suy nghĩ trước những vấn đề không nhỏ.

Cùng với những nội dung tư tưởng lớn là một cách viết đậm đà màu sắc tình cảm. Ngòi bút của Hồ Chí Minh luôn bộc lộ tâm hồn giàu yêu thương của mình trên từng trang viết. Đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo: nội dung khảng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc của người ta.” Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng khẳng định: “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút (...) mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người.” Đối với kẻ thù, Hồ Chí Minh thể hiện thái độ kiên quyết, công phẫn (Thư trả lời tổng thống Mĩ L.B. Giôn xơn; Thư trả lời tổng thống Mĩ R.M. Ních xơn…) Còn đối với nhân dân, Người luôn thể hiện thái độ trân trọng, yêu thương, với cách nói nhẹ nhàng, thấm thía. Vì thế, trong những trang viết của Người, những vấn đề rất lớn lao cũng trở nên gần gũi, dễ hiểu. Nói về vai trò của chủ nghĩa Lênin, Người không hề thuyết lí dài dòng mà chọn thể văn hồi kí pha chính luận với những lời lẽ chân thành, xúc động: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ những mảnh hồi ức, những hình ảnh máu thịt của cuộc đời, Người đi đến kết luận giản dị mà sâu sắc: “Ở nước ta và Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái cẩm nang đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kì, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi…” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin).

Đối với Hồ Chí Minh, viết ngắn gọn, giản dị là một nguyên tắc nghiêm ngặt. Đây không phải chỉ là vấn đề hình thức đơn thuần mà có nguyên nhân ở tính nhân dân, ở quan điểm quần chúng của Người. Với quan điểm “nói ít mà ý nghĩa nhiều, hơn là nói nhiều mà ý nghĩa ít”, Người châm biếm lối văn dài dòng, trống rỗng: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài. Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch thế?” (Chống thói ba hoa).

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét lối dùng chữ nước ngoài không cần thiết. Người cũng không đồng tình với những người khi viết dẫn quá nhiều lời Các Mác, Lênin. Người nói: “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin” (Cách viết). Để cho mọi người dễ hiểu, Người thường hay vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, tập Kiều và vận dụng rất chính xác, sáng tạo.

6. Văn tức là người. Văn thơ Hồ Chí Minh luôn thể hiện sâu sắc trí tuệ lỗi lạc, tấm lòng giàu yêu thương và tâm hồn cao đẹp của Người. Ngay từ năm 1923, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam đã viết về Người: “Từ Nguyễn Ái Quốc toát ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa của Tây Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai.” Rơnê de Pêtơrô (nhà thơ Haiti) ca ngợi Người: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thật sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lí trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta.” Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đấu tranh không mệt mỏi cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, cho sự chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người. Văn thơ, trong đó có mảng văn chính luận, chỉ là bộ phận rất nhỏ trong sự nghiệp cao cả và vĩ đại của Người. Nhưng ở đó, nhiều thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm thấy những giá trị tinh thần cao quý, những bài học bổ ích. Những bài viết của Người về công tác xây dựng Đảng, về dân vận, về đạo đức cách mạng, về chăm lo cho thế hệ trẻ… vẫn giàu ý nghĩa nóng hổi đối với cuộc sống hôm nay.

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm