April 18, 2024, 8:23 am

VĂN TÀI VÀ DŨNG KHÍ

 

Vì sao khi nhà văn dám ngoái đầu nhìn lại được đề cao như thế và được chọn làm nhan đề của một cuốn sách phê bình văn học luôn mang tính thời sự nóng hổi, mặt khác đó cũng là một tên gọi đầy thách thức và hối thúc?

Câu trả lời nằm ngay trong cuốn sách viết về năm nhà văn Trung Quốc đương đại nổi tiếng nhất, có thể gọi đó là "Văn lâm ngũ bá" hiện nay, gây chấn động văn đàn trong nước và thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Xin nói thêm, tất cả các tác phẩm của năm nhà văn này được khảo sát trong công trình phê bình đều đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. "Dám ngoái đầu nhìn lại" là những chữ của nhà văn Mạc Ngôn lừng lẫy.

Họ là năm tiểu thuyết gia kiệt hiệt gồm: Lý Nhuệ, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn và Cao Hành Kiện, trong đó hai nhà văn sau cùng đều đoạt giải Nobel văn chương. Họ, bằng tài năng và dũng khí phi phàm, mỗi người một vẻ đã dám mổ xẻ quá khứ và hiện tại đến tận cùng, giải mã lịch sử và tâm hồn con người, tái hiện những biến động dữ dội của đất nước bằng hình tượng văn học đặc sắc, tạo nên những góc nhìn hiện thực chân xác mà đau đớn, táo bạo và mới mẻ. Nói như Ts. Nguyễn Thị Minh Thương trong lời giới thiệu: "Lý Nhuệ phản tư, Mạc Ngôn dấn thân, Cao Hành Kiện hồi cố, Dư Hoa phẫn nộ, Diêm Liên Khoa nghịch dị".

Vậy giải mã những hiện tượng văn chương đỉnh cao đã tạo nhiều dư chấn như trên thế nào mới phải? Ts. Nguyễn Thị Tịnh Thy ngay lời mở đầu cuốn sách của mình đã tường minh: "Trong cuốn sách này, từ phẩm cách dám ngoái đầu nhìn lại của họ, chúng tôi chọn những vấn đề chung nhất thuộc về lịch sử, hiện thực, nhân sinh, sinh mệnh qua sự tham chiếu với các lý thuyết văn học hiện đại để giải mã sức hấp dẫn của tác phẩm và sức ảnh hưởng của tác giả. Xuất phát điểm và mục đích tối thượng của cuốn sách là khoa học văn chương, vì thế, mọi yếu tố nghệ thuật đều được phân tích, chứng minh và kiến giải đến tận cùng, không tránh né  những vấn đề được cho là "nhạy cảm" về văn hóa lẫn chính trị".

Nhờ thái độ dấn thân và năng lực thẩm thấu của nhà phê bình mà người đọc được cảm nhận khá đầy đủ tâm huyết và tài năng của các nhà văn này.

Đã có một Lý Nhuệ viết không giống ai, không đu trend theo kiểu phong trào. Trong lúc nhiều nhà văn chú mục vào việc chăm chút từng hình tượng nhân vật cụ thể (và đó là điều rất cần thiết) thì Lý Nhuệ ngoài việc như vậy còn có mối bận tâm cao nhất về một nhân vật lớn hơn rất nhiều, bao trùm lên tất cả, có tên là: Lịch Sử, đó mới là câu thúc lớn nhất chiếm mọi tâm lực của nhà văn. Nhưng Lịch Sử cũng không hiện lên theo quy luật tất yếu, theo logic thông thường của cuộc sống như nhiều nhà văn khác vẫn quan niệm và phản ánh. Không, không phải như thế, Lịch Sử mà Lý Nhuệ theo đuổi, mô tả và tái hiện đầy những bất ngờ, ngẫu nhiên và vô lý, không thể cắt nghĩa nổi, nhưng chính những điều đó lại chi phối tất cả, quyết định mọi thứ. Lịch sử không phải là cái tất nhiên như người ta thường quan niệm mà là cái không ai nghĩ tới, tình cờ đầy bất ngờ và không thể đoán biết làm thay đổi mọi cục diện mà con người dày công sắp đặt, mặc dù nhân vật có đủ tài trí, khát vọng, thời cơ... nghĩa là đủ những yếu tố cần thiết nhưng rốt cuộc vẫn không thành công vì những lý do bỗng nhiên đâu đó rơi vào cục diện, khiến mọi sự đổi thay khôn lường mà không thể nào cắt nghĩa nổi (Chốn xưa, Ngân Thành cố sự). Hơn thế, nhân vật của ông dù tài ba, mưu lược, khát vọng đến đâu cũng không phải và không thể trở thành những anh hùng, mà hầu hết cũng chỉ là nạn nhân bởi những dục vọng của chính mình rồi bị cuốn trôi vô tăm tích cũng vì chính những ước muốn của bản thân. Mặt khác, không giống rất nhiều nhà văn khi khai quật quá khứ đớn đau và ngập tràn bất trắc thường mượn giọng văn suồng sả, dung tục, thậm chí dùng cả những lời chửi bới khó nghe, những câu văng tục... thì trái lại Lý Nhuệ tái hiện dĩ vãng như thế nhưng lại bằng một ngôn phong sang trọng: tinh tế và tao nhã khiến ông khác hẳn số đông trước đó và cùng thời. Những đặc tính riêng mình như thế trong phong cách sáng tác đã làm nên một Lý Nhuệ khác người, độc đáo, hấp dẫn và không thể đoán định khi khám phá tác phẩm của nhà văn. "Vì vậy, tiểu thuyết của ông là sự lồng lộng, uy nghiêm, bí ẩn, vô tình, tàn nhẫn của lịch sử và sự cô độc, nhỏ nhoi, chơi vơi, đau khổ của con người. Hầu như tất cả các tình tiết trong hai cốt truyện Chốn xưaNgân Thành cố sự đều là những tình tiết tai ương, đều kết thúc ở sự bế tắc..." (tr.54, Dám ngoái đầu nhìn lại)

Còn Mạc Ngôn, người theo tác giả có mối quan tâm lớn nhất đến nông dân và lịch sử, người có "bút lực mạnh nhất Trung Quốc hiện nay", người đoạt giải Nobel văn chương năm 2012 thì được nhà phê bình tâm đắc ở "điểm nhìn dân đen" của nhà văn khi xây dựng tiểu thuyết và nhân vật, thể hiện cả ở ngôn ngữ thế tục của ông, rất đời thường, nhiều khi thô tục khác hẳn với Lý Nhuệ. Nhân vật dân đen của ông thường phải chịu vô vàn cay đắng, có khi sống chẳng được, chết không xong, nhưng cuối cùng họ cũng vượt qua, hay nói đúng hơn phải vượt qua hết những bi kịch cuộc đời. Nói như nhà phê bình đã dẫn, nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị trong tiểu thuyết Báu vật của đời từng thốt lên: "Chết thì dễ, sống mới khó, càng khó càng phải sống" trong những hoàn cảnh phi nhân nghiệt ngã. Nhà văn viết theo lối trần thuật nhiều điểm nhìn, nhiều người kể chuyện, tạo nên cấu trúc đa thanh và biến hóa, khai thác hiện thực đến mức tới hạn mà có nhà nghiên cứu định danh là "trần thuật ma trận" theo kiểu "mô hình ngăn kéo Tàu". Nhà phê bình nhận định: "Các trạng thái cảm xúc mà tác phẩm của ông mang lại cho người đọc hoặc thán phục, ngưỡng mộ hoặc ghê tởm, sợ hãi, hoặc xót xa, tiếc nuối, hoặc kinh hãi, ngỡ ngàng..."; "Đó cũng là nội lực, là "quỷ tài", là sự cực đoan, nghiệt ngã của Mạc Ngôn. Nhưng đằng sau sự cực đoan, nghiệt ngã ấy là cả một tấm lòng trăn trở và sự hoài nghi đầy trách nhiệm của nhà văn đối với "căn bệnh tinh thần của dân tộc", đối với lịch sử, hiện tại và tương lai của đất nước Trung Hoa" (tr.180,181 sđd).

Cuốn sách phê bình văn học đi từ khái quát đến cụ thể theo lối thực hành tác phẩm một cách điềm tĩnh, sâu sắc và tinh tế. Văn phong mạch lạc, dễ tiếp thu, biến những điều khó hiểu thành dễ hiểu, duy trì một phong cách khoa học hàn lâm nhưng cũng thể hiện rõ chính kiến, hừng hực một nhiệt tình khám phá và chia sẻ. Một tác phẩm chứa trong mình phẩm tính học thuật và nghệ thuật.

Một tác phẩm phê bình văn học nhưng lại luôn gắn kết với thời sự và thời sự nhất là khao khát đề cập và mong muốn sứ mệnh của nhà văn là phải giải phẫu quá khứ và cả hiện tại bằng nghệ thuật của ngôn từ, bằng những trang văn không chỉ bằng mực mà còn như là máu của người viết. Ts. Nguyễn Thị Tịnh Thy đã dẫn lời của một trong năm chân dung văn học đặc sắc của Trung Quốc mà mình đã giải mã, đó là Diêm Liên Khoa: "Đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị...điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại, đừng lấy những danh nghĩa đẹp đẽ để che đậy trách nhiệm và năng lực của nhà văn". Từ đó, nhà phê bình ao ước "Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những lời bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì vẫn mãi chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền "văn học phải đạo". Và nếu như thế, ký ức của họ vẫn là thứ ký ức phải đạo của kẻ "ăn mày dĩ vãng", họ không thể và không nên truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai". Mong mỏi nhà văn nước ta thể hiện tinh thần công dân cao độ, bản lĩnh và tài năng để dũng cảm giải phẫu quá khứ minh định rạch ròi, sòng phẵng với lịch sử, trăn trở với hiện tại bằng tác phẩm đích thực của mình, ngõ hầu đàng hoàng, tử tế bước tới tương lai. Đây quả thực là thông điệp vĩnh cữu mà thời sự, nóng hổi và tràn đầy ý nghĩa nhân văn. Nói chuyện văn chương tưởng xa xôi hóa ra lại sát thực cuộc đời, đặt ra những vấn đề hệ trọng và thiết thân cho những ai cầm bút.

Bài viết nhỏ này cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", có chăng nói được chút ít về một cuốn sách bao quát nhiều điều quan trọng, gây men cho độc giả cùng luận bàn và suy ngẫm. Những điều chưa nói được, thì chắc hẳn đó cũng là hạn chế của người viết một khi chưa thể "vẽ mây nẩy trăng", nên đành dám xin tạ lỗi cùng bạn đọc mà hẹn vào dịp khác.

 

 Dám ngoái đầu nhìn lại, tập phê bình văn học của Ts. Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb Hội Nhà văn, 2021


Có thể bạn quan tâm