March 29, 2024, 2:08 pm

Văn nghệ sĩ Đà Nẵng xông đất Thaco Chu Lai

 

Như chưa thỏa mãn với chuyến  thăm và giao lưu với Thaco Chu Lai- một trung tâm công nghiệp ô tô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc tốp đầu trong khu vực Asean ở các lĩnh vực cơ khí, ô tô, logistics.. cùng các nhà văn trong Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2022, đầu năm mới 2023, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tiếp tục " xông đất" đơn vị ăn nên làm ra nhất trong khu vực duyên hải miền Trung, kể cả trong đại dịch Covid-19.

 

 Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tiếp tục " xông đất"  Thaco Chu Lai

Xe Thaco 25 chỗ ngồi đón tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng. Ăn vội vàng tô mỳ Quảng niêu di sản lạ, ngon, nổi tiếng của Công ty Xứ Quảng Xanh của nghệ nhân Cảnh Lê, sát đường ven biển Hội An đi Núi Thành. Hơn nửa giờ đồng hồ, Thaco Chu Lai đã hiện ra trước mặt. Tại cầu vượt nút giao Chu Lai biểu tượng cây xương rồng nở hoa hiện ra đẹp một cách ấn tượng. Họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Hạnh tán thán:" Ngoạn mục, ý nghĩa lịch sử, văn hóa quá. Xương rồng nở hoa trên cát thể hiện khát vọng vươn lên của cả vùng đất nghèo khốc liệt trong chiến tranh có căn cứ Chu Lai, nay đã thay da đổi thịt và khát vọng vươn lên làm giàu. Không biết ai đã cho xây dựng biểu tượng độc đáo này?" Chị Phan Thạch Lựu, Phó trưởng phòng truyền thông Thaco Chu Lai vui vẻ: "Của Thaco Chu Lai chúng em thực hiện đó, trước hết để tri ân vùng đất có Kinh tế mở Chu Lai, sau đó là làm đẹp cảnh quan cả các khu công nghiệp đồ sộ này". Quả đúng là Thaco Chu Lai rộng bát ngát mênh mông. Xe bus điện chở đoàn văn nghệ sĩ vòng quanh một lượt các điểm chính của các nhà máy sản xuất lăp ráp các loại ô tô. Tất cả làm theo dây chuyền công nghệ hiện đại. Không thấy có mồ hôi nhễ nhại. Không thấy kiểu vai u thịt bắp, mồ hôi dầu. Mà sạch sẽ, thoáng đãng và nghiêm ngặt. Đi qua các nhà máy, là cựu chiến binh hiểu rõ về điều lệnh mà tôi cũng giật mình vì bảo vệ đứng nghiêm mắt nhìn thẳng giơ tay chào đoàn xe cái rốp. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm hỏi tiếp" Thế Covid 19 có ảnh hưởng gì đến Thaco Chu Lai?". Ở đâu không biết, chứ Thaco Chu Lai chúng tôi có các biện pháp bảo về không để covid thâm nhập, vẫn vận hành nhịp nhàng, vẫn xuất khẩu lô hàng 870 sơri rơmoóc qua Mỹ ngày 15 tháng 12 năm 2021. Các anh đọc báo sẽ biểt rõ và kỹ hơn. Trên đường đi ra cảng Chu Lai, Trương Thị Minh Thư còn " khoe": Xin báo với các nhà văn tin vui, chúng tôi vừa khánh thành Trung tâm cơ khí sản xuất các linh kiện cơ khí phục vụ cho nông nghiệp và xây dựng với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn trước" . Xe chạy qua khu vực Văn phòng Nhà điều hành, chị Thạch Lựu "bật mí": Khu vực này, 1200 ha, trong thời gian gần sẽ là khu đô thị, chung cư, nhà ở xã hội, bên trong là Trường Cao đẳng nghề. Xe đến Cảng Chu Lai do Thaco xây dựng từ năm 2010, chúng tôi thấy cơ man nào là container. Đoàn nhà văn chúng tôi "cưỡi ngựa xem hoa một vòng" những nhà máy chính mà cũng đã " thỏa mãn bần cố nông" rồi. Chúng tôi cũng đã đời no mắt bởi bắt gặp nhiều khuôn viên cây cảnh, có dàn nước phun cải thiện môi trường sinh thái ở đây.

Lạ nhỉ, về các nhà máy sản xuất mà không thấy bụi bẩn, ống khói ô nhiễm. Đường đi lối lại thông thoáng, nhẹ nhàng. Về phòng họp, chúng tôi được anh Trần Nhật Quang, đại diện Đảng ủy, Công đoàn Thaco Chu Lai và anh Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề tiếp đón, nghe giới thiệu tổng thể về Thaco Chu Lai, được xem phim "Hành trình cùng ước mơ" về quê nhà, quá trình từ tuổi thơ ở vùng đất nghèo lam lũ, đến tiến thân cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khát vọng cháy bỏng của "ông chủ lớn" Trần Bá Dương, người sáng lập và vận hành Thaco Chu Lai. Thay mặt đoàn, nhà thơ Bùi Xuân cảm ơn và cảm kích trước thịnh tình của Thaco Chu Lai với văn nghệ sĩ. Anh bộc bạch: "Tôi muốn mỗi năm một lần được đến Thaco Chu Lai để càng thấy nhịp độ phát triển và sự đổi thay nhanh chóng của xứ Quảng, để càng thêm mến yêu cuộc sống công nghệ tuyệt vời nơi đây" . Là người con của huyện Núi Thành, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, xúc động: " Trong chiến tranh, nơi đây là vùng tranh chấp, có căn cứ Chu Lai, sân bay Chu Lai nơi đậu đỗ máy bay B52 của giặc Mỹ. Chỗ đoàn đi tham quan xưa kia là Trảng Bà Mù, quanh năm nắng nóng cát bỏng mịt mù đến lính Mỹ còn phải sợ. Tôi nhờ nhà văn Mai Bá Ấn người cùng quê đến viết bài cho Chu Lai, Núi Thành để đưa vào in sách. Xin tri ân Thaco Chu Lai đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập và làm giàu đẹp thêm quê tôi. Nêu cảm nhận của mình, tác giả bài thơ Hành khúc ngày và đêm ( nhạc Phan Huỳnh Điểu), Tiến sĩ, nhà thơ Bùi Công Minh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng xúc động nói: " Tôi mới đi qua Mỹ thăm con về, liền cùng đi với đoàn thăm Thaco Chu Lai các bạn. Phải nói xã hội mình có nhiều biến động, tham nhũng và các tệ nạn lúc nào đó cũng làm mình băn khoăn, nhưng thú thật thấy sự phát triển mạnh mẽ bền vững của Thaco Chu Lai trong và sau đại dịch Covid -19 đã củng cố niềm tin với xã hội, với đất nước. Mong nước nhà có thêm nhiều Thaco Chu Lai như thế". Còn tôi, nguyên là phóng viên báo Quân khu 5, báo Quân đội nhân dân là người có mặt hầu hết các sự kiện lớn ở Chu Lai, Núi Thành, trong đó có Khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco Chu Lai thì càng thấm thía : Như hoa xương rồng nở trên đất cát của căn cứ giặc năm xưa, Thaco Chu Lai đã góp phần rất quan trọng và chủ công để làm nên bộ mặt xứ Quảng rực sáng nhất là trong sự kiện kỷ niệm 550 năm ( 1471 - 2022), Danh xưng Quảng Nam do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Sân bay Chu Lai đã cất cánh. Khu kinh tế mở Chu Lai cất cánh. Và Thaco Chu Lai cũng cất cánh thăng hoa cùng đất nước. Bất giác, tôi mong muốn nhạc sĩ Thu Thủy đi cùng đoàn phổ và hát bài thơ tôi vừa mới ngẫu hứng: Bay lên Thaco Chu Lai.

 Lê Anh Dũng 

4/1/2023

 

Có thể bạn quan tâm