April 19, 2024, 12:26 pm

Văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, ba mươi năm gặp lại

Tôi có 11 năm ở Huế, từ 1978-1989, làm báo nói ở đài Phát thanh Bình Trị Thiên, có bảy tám năm là hội viên Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Tôi là người Quảng Bình, lấy vợ Huế, sinh đứa con đầu tại Huế. Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia ba. Thuyền theo lái gái theo chồng nhưng cái sự “dùng dằng nội ngoại” khiến gia đình tôi thành một chốn ba bốn quê. Ba mươi năm qua, với quê nhà, tôi gắng công đóng góp xây dựng. Với gia đình vợ, quê vợ, tôi cũng có trách nhiệm và tình cảm đi về…

Thời thanh niên, từ trường đại học ở Hà Nội, tôi nhập ngũ và có bốn năm quân ngũ chiến đấu ở chiến trường B5 (Trị Thiên), mười một năm làm báo nói, đi suốt dải đất Bình Trị Thiên từ chân thềm Hoành Sơn đến đỉnh Hải Vân, nên trong sáng tác văn học của mình có bóng dáng cuộc sống của dải đất này trong chiến tranh cũng như thời bình. Thời chống Pháp, Bình Trị Thiên là một chiến trường khói lửa mà dư âm còn vang vọng đến ngày nay trong tác phẩm của Nguyễn Văn Thương. Thời chống Mỹ, Quảng Bình là hậu phương trực tiếp, Trị Thiên là tiền tuyến. Hạt gạo chia ba, chiến trường chia lửa. Ở Đồng Hới có hàng dừa Trị Thiên kết nghĩa bên bờ Nhật Lệ, bị bom đạn của không quân và hải quân Mỹ đánh tan, nay đã được trồng lại đã lớn, lại soi mình bên dòng Nhật Lệ… Đã hơn ba mươi năm, những đau thương mất mát đã liền sẹo. Vả lại, nước mắt không phải là đặc sản của đàn ông đã qua ngũ thập… Trong mười một năm ở Huế, tôi đem lòng cảm tình với một số bạn gái và cũng được một số người đem lòng yêu thương. Cuộc sống khốn khó đến mức, có những mối tình cảm không thể dẫn đến tình yêu và hôn nhân chỉ vì không vượt qua được nhu cầu miếng cơm hàng ngày. Lại có những mối tình rất thuận lợi trong quan hệ đồng hương bản quán và cả tương lai tiến thân, nhưng với cá tính của người làm văn nghệ, đó tuyệt nhiên không phải được coi là lợi thế. Nói thế để biết rằng, đơn vị hành chính, cũng như ngôn ngữ chỉ có tính võ đoán, không liên quan hoặc tác động rất ít đến tình cảm và như vậy mặc nhiên không có sức mạnh can thiệp vào năng lực sáng tạo của Văn học Nghệ Thuật là sản phẩm của tâm hồn, của cảm xúc…

Chừng năm 1987, tức là sau khi Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh khai mở cho báo chí và văn nghệ có tiếng nói phản biện, tôi có ba lần, ngay trên đất Lệ Thủy khi về thăm nhà, được cái hạnh phúc của người làm văn nghệ: Lần thứ nhất, người ta đón lõng ở bến xe để mượn quyển tạp chí Sông Hương có đăng bài Vua Trầm của Vĩnh Nguyên. Lần thứ hai, độc giả kéo nhau đến nhà cũng để mượn tạp chí Sông Hương có đăng bút ký Đường về quê nói về vụ “Vịt anh đào” của tôi. Một lần khác, giới cầm bút ở huyện và mấy giáo viên dạy văn cãi nhau rất hăng về hai câu mào đầu trước một truyện ngắn của Trần Thùy Mai, là, “Trồng trầu trông lộn với tiêu”, hay “trồng lộn trồng tiêu/ Con đi đó dọc Mẹ liều con hư...”. Trong không khí dân chủ, tạp chí Sông Hương đã trở thành diễn đàn, là trợ thủ đắc lực cho người dân đấu tranh. Sau một số bài viết của Nguyễn Quang Hà, tôi đã chứng kiến hàng chục người dân Thủy An tập trung ở nhà ông để cung cấp thông tin cho bài viết trên tạp chí. Tòa nhà 24 Lê Lợi hồi ấy đã thực sự là một địa chỉ sang trọng. Tạp chí Sông Hương là một diễn đàn thiêng liêng. Một ngày đẹp giời, tạp chí Sông Hương đăng truyện ngắn Chuyến đò ngang cuối cùng của tôi. Lúc đó tôi và vợ tôi bây giờ đang trong thời gian tìm hiểu, và cũng chỉ là cái truyện ngắn trên tạp chí hàng tỉnh, vậy mà, có một người bạn đến quầy sách của vợ tôi chúc mừng. Rất may, anh bạn tốt bụng mới chỉ “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, nên, đứng ngay cạnh đấy, nghe rõ ràng những lời chúc mừng, tôi “lăn tăn sướng” vì tình cờ ghi được điểm (cho cuộc tình) mà không bị lộ mặt. Nói vậy để thấy rằng, một thời giá trị sáng tạo văn chương được đề cao, tôn trọng đúng tầm của nó…

Trong ba mươi năm ba tỉnh tách ra, văn nghệ sĩ Quảng Bình (trong đó có tôi) vẫn thỉnh thoảng gửi bài và được sử dụng trên tạp chí Sông Hương, tạp chí Cửa Việt. Những lần chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình tiến hành đại hội nhiệm kỳ, các nhà văn nhà thơ: Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Ngô Minh, Nhất Lâm, Mai Văn Hoan... không quản đường sá xe tàu đều có mặt và lên diễn đàn phát biểu những lời gan ruột. Những lúc ấy, kí ức về một thời ngôi nhà chung 24 Lê Lợi (Huế) lại hiển hiện cận cảnh, đầy cảm xúc, lại trở thành chất men bồi đắp cho nhiệt tình sáng tạo của ngày hôm nay. Và, để có thể nói rằng, ba mươi năm qua, địa giới hành chính chia ba nhưng tình cảm văn nghệ sĩ và sáng tạo của họ thì đâu có chia… Ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa có đoạn ca từ đầy tình thương yêu “Bình Trị Thiên ôi miền thương mến, có ai xuôi về cho ta nhắn thương yêu”. Ca khúc này đã “thọ” hơn bảy mươi năm tuổi. Ca khúc Quảng Bình quê ta ơi cũng có đoạn ca từ rất tình cảm: “Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son. Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về trong một nhà”…

Chúng ta đã từng về trong một nhà và bây giờ đang ngồi cùng nhau trong một căn phòng trong một căn nhà (luôn luôn là một căn nhà) văn nghệ. Chúng ta đã đi qua những năm tháng không ngờ, buồn vui ngọt bùi cay đắng, để đến hôm nay, tóc pha sương, chân đã chồn gối đã mỏi. Nhưng, với văn nghệ lại là lúc năng lượng sáng tạo đã chín. Chúng ta thuộc cái giới nhân sinh mà thiên hạ thường đùa là “giời đày” và triết nhân thì gọi “Mười lăm phút trước khi chết, hắn vẫn sống”. Dù sao thì, từ lúc này đến “mười lăm phút trước khi chết” có thể còn dài, tôi đề nghị văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên chúng ta làm vài việc chung:

Một là, luân phiên mỗi năm hội văn nghệ một tỉnh tổ chức một cuộc tọa đàm hội thảo “dạng” như thế này. (Nội dung, phương cách tùy tình hình cụ thể mà soạn thảo). Ví dụ như năm nay là Thừa Thiên Huế. Năm tới là Quảng Trị. Năm sau là Quảng Bình. Năm sau nữa lại Thừa Thiên Huế…

Hai là, Mỗi năm in một hoặc hai đặc san Văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả ba vùng. Việc thực hiện giao cho ban biên tập của ba tạp chí ngồi lại bàn bạc và thực hiện. Ngoài ra, mỗi tạp chí có thể có bài tóm lược và giới thiệu nội dung và tác phẩm ấn tượng của tạp chí tỉnh bạn.

Ba là, Hội Văn nghệ ở mỗi tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ cho tạp chí của tỉnh bạn phát hành trên địa bàn và cộng đồng dân cư tỉnh mình.

Những hoạt động như vậy có thể không chỉ giới hạn ở trong phạm vi 3 tỉnh Bình Trị Thiên, mà hoàn toàn có thể áp dụng ở các địa phương khác trong cả nước. Nếu được như vậy, các nhà văn, nghệ sĩ sĩ chúng ta cách mặt mà không cách lòng. Mà thực ra, tôi xin nói lại, với văn nghệ, ranh giới hành chính chỉ mang ý nghĩa võ đoán. Còn trong sáng tạo thì vẫn mãi là “Hẹn ngày... (này năm tới) chúng ta sẽ về trong một nhà...”.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm