March 28, 2024, 10:35 pm

Văn nghệ, những chặng đường 1957 - 1963: Tuần báo Văn, Tạp chí Văn nghệ, Tuần báo Văn học đan xen tiếp nối

Ngày 20/2/1957, Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai khai mạc và tiếp diễn trong 8 ngày. Đại hội đã quyết định chấm dứt Hội Văn nghệ Việt Nam để thành lập Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, khuyến khích các ngành văn nghệ (Văn, Họa, Nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, v.v…) thành lập Hội của ngành mình, đặt trong khuôn khổ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

 

Hai tháng sau, trong các ngày từ 1 đến 4 tháng 4/1957, tại câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội đã tiến hành Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam. 278 đại biểu tham dự, thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động, chương trình công tác 3 năm. Trong điều lệ có đoạn nói rõ: “Trên cơ sở Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật” (điều III)(1). Bỏ phiếu kín bầu Ban chấp hành đầu tiên, 25 người trúng cử. Hội nghị quyết định: 25 người trong Ban chấp hành đầu tiên này là 25 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam: Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân.

Ngày 11/4/1957, hội nghị thứ nhất Ban chấp hành cử ra Ban thường vụ Hội gồm 7 người: Chủ tịch: Nguyễn Công Hoan; Phó chủ tịch: Tú Mỡ; Tổng thư ký: Tô Hoài; Phó tổng thư ký: Nguyễn Xuân Sanh; các ủy viên: Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi.

Ngày 25-26/4/1957: Hội nghị thứ 2 Ban chấp hành, quyết định một loạt công việc về tổ chức: duyệt đề án xuất bản tuần báo Văn và lập nhà xuất bản Hội Nhà văn; lập các ban (ban kết nạp hội viên, ban chế độ công tác sáng tác, ban nghiên cứu sáng tác, ban văn học nước ngoài), và lập cơ quan Hội. 

Tuần báo Văn, chủ nhiệm Nguyễn Công Hoan, thư ký tòa soạn Nguyên Hồng; các ủy viên biên tập: Tú Mỡ, Tế Hanh; tòa soạn 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội; mỗi số gồm 8 trang khổ 38x42cm. Số 1 ra ngày thứ sáu, 10/5/1957; số cuối cùng: số 37 (17/1/1958).

Vì sao tờ báo đầu tiên của Hội nhà văn lại tồn tại ngắn ngủi thế? Xin trả lời: đây là chuyện thực của lịch sử báo chí, dù rất tiếc vẫn không thể nói khác được!

Số là tuần báo Văn ra mắt được mươi số thì nổi lên một luồng dư luận chính thống cho rằng những sáng tác đăng trên tờ này không thể hiện được “con người thời đại”, ý nói “con người xã hội chủ nghĩa”, và nêu tên phê phán một loạt tác phẩm đã đăng trên 10 số đầu, từ các bút ký như Phở (Nguyễn Tuân), Xiếc khỉ (Quang Dũng), các truyện ngắn Nhật ký người mẹ (Lê Minh), Bóng tối (Nguyễn Châu Viên), Căn nhà hạnh phúc (Nguyễn Hồng Điện), Bích-xu-ra (Thụy An), đến các bài thơ: Gió (Xuân Diệu), Yêu nhau (Lê Đạt), v.v. Người ta kết luận rằng, tuần báo Văn  hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng! 

Những lời phê bình nặng nề này khiến cho cả những nhà văn đang làm việc tại tòa soạn lẫn những cây bút cộng tác với tuần báo Văn đều bất bình. Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lê Minh và một số nhà văn khác đã lên tiếng đáp trả, vạch ra tư duy giáo điều, công thức, sơ lược, tác phong quan liêu, trịch thượng của luồng phê phán kia.

Thế nhưng những phản ứng ấy lại chỉ khiến giới lãnh đạo thấy rằng, tàn dư tư tưởng Nhân văn - Giai phẩm trong giới văn nghệ vẫn còn đậm, và cần phải phát động đấu tranh quyết liệt hơn.

Tuần báo Văn bị xử thua, phải chấm dứt hoạt động sau số 37.

*

Sau Đại hội văn nghệ toàn quốc lần hai, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam vừa thành lập, đã quyết định lập cơ quan ngôn luận bằng việc xuất bản Tạp chí Văn nghệ, tiếp nối ấn phẩm xuất bản từ 1948 trong kháng chiến, nhưng đánh số lại từ đầu.

Tạp chí Văn nghệ ra hàng tháng, mỗi số khoảng trên dưới 100 trang khổ A4. Lời mở đầu số 1 (tháng 6/1957) cho biết, tạp chí “lấy công tác lý luận phê bình văn nghệ làm chủ yếu, có giới thiệu [tức là đăng tải] tác phẩm một cách chọn lọc”. Chủ nhiệm tạp chí là Đặng Thai Mai, thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi (từ số 13, tháng 6/1958 là Hoài Thanh).

Trong các năm 1957-1958, Tạp chí Văn nghệ là một trong những diễn đàn báo chí thể hiện một cách quyết liệt nhất, tập trung nhất việc phê phán, tố cáo những xu hướng tư tưởng và quan điểm nghệ thuật từng bộc lộ trên các tập sách Giai phẩm của nhà xuất bản Minh Đức, trên báo Nhân văn, báo Sáng tạo, trong năm 1956, và trên tuần báo Văn trong năm 1957, mở đầu là bài “Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội” của Tổng bí thư Trường Chinh (bài nói tại Đại hội văn nghệ toàn quốc thứ hai).

Sang năm 1958, khi chiến dịch “chống Nhân văn - Giai phẩm” bước đến cao trào, Tạp chí Văn nghệ dành toàn bộ các số 11 (tháng 4/1958) và số 12 (tháng 5/1958) cho công việc này, với các bài viết của nhiều nhà văn và trí thức tên tuổi (Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Văn Phác, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Học Phi, Lưu Hữu Phước, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Đỗ Nhuận, Vũ Đức Phúc, v.v…).   

Bước vào những năm 1960s, Tạp chí Văn nghệ dần dần có vai trò như gương mặt tiêu biểu của nền văn nghệ chính thống dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các nội dung tri thức đương thời về văn học nghệ thuật được cập nhật bằng các nguồn từ Liên Xô, Đông Âu, v.v… Thành tựu mới (sau 1945) của thế hệ “tiền chiến” như các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, v.v., các nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, v.v. được đánh giá cao, tuy di sản sáng tác “trước cách mạng” của họ thì thường bị tạm bỏ quên. Lực lượng văn nghệ mới, hình thành và trưởng thành từ kháng chiến và trong xây dựng hòa bình, như Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Nguyễn Văn Bồng, Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, v.v…, tỏ rõ vai trò “chủ lực”. Văn học nước ngoài được giới thiệu một cách thận trọng, trước hết là văn học các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, cả di sản quá khứ lẫn một số sáng tác đương đại.  

Tạp chí Văn nghệ thời gian này ra đến số 71 (tháng 4/1963), rồi được hợp nhất với tuần báo Văn học để trở thành tuần báo Văn nghệ.

Đây là một trong những biểu hiện điều chỉnh của báo chí miền Bắc khi đời sống dần dần lại chuyển sang thời chiến. Ở số cuối cùng này, Xuân Diệu có bài “Mười lăm năm Tạp chí Văn nghệ”, ý ông muốn cộng chung 8 năm Tạp chí Văn nghệ kháng chiến (1948-1954) với 7 năm Tạp chí Văn nghệ trong hòa bình (1957-1963). Dù nhận định, tính đếm cách nào thì vai trò lớn của Tạp chí Văn nghệ vẫn là điều không thể phủ nhận.

*

Vào những ngày tháng cao trào của đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ miền Bắc những năm cuối thập niên 1950s, báo Văn học điềm nhiên xuất hiện, tự giới thiệu là tờ báo của Hội nhà văn Việt Nam, tòa soạn tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi. Số 1 ra ngày 25/5/1958, gồm 12 tr. khổ A3; ban đầu theo kỳ hạn 3 số/tháng, báo ra vào các ngày 5, 15, 25.

Đầu tháng 7/1958, Ban chấp hành hội thừa nhận chức danh Thư ký tòa soạn của Nguyễn Đình Thi, cùng lúc với việc cử ra thành phần Ban biên tập tuần báo Văn học (gồm Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Mai Văn Hiến, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Bửu Tiến, Hà Minh Tuân). Sang đầu năm 1959, Văn học trở thành tuần báo.

Ngay từ đầu, logo “Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” đã xuất hiện trên manchette; tờ báo “mong góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo Văn học hết sức phẩn khởi nhận nhiệm vụ chiến đấu mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà” (Lời ra mắt, s.1).

Tuần báo Văn học tồn tại trong 6 năm (25/5/1958 - 26/4/1963), ra được 248 số, định hình dạng thức một ấn phẩm thông tin văn học và một số nghệ thuật trên miền Bắc khi ấy. Khoảng ½ số trang dành đăng tác phẩm mới (truyện, ký, thơ, …), khoảng 2 trang đăng phê bình tiểu luận, điểm sách, cũng khoảng 2 trang cho các nghệ thuật (mỹ thuật, sân khấu và nghệ thuật biểu diễn nói chung); trang đầu thường có bài hưởng ứng thời sự chính trị, tin tức văn hóa xã hội; báo luôn có trang vui cười với thơ trào phúng, tranh châm biếm. Ngay khi báo có tên Văn học và là cơ quan của Hội nhà văn, thì tờ báo vẫn đề cập đến nhiều ngành văn nghệ nói chung. Các họa sĩ không chỉ góp sức sáng tạo trong trình bày mỹ thuật tờ báo, mà còn góp tranh minh họa in xen giữa các trang truyện.

*

Như đã biết, do yêu cầu chuyển dần sinh hoạt xã hội sang cuộc sống thời chiến, tuần báo Văn học của Hội nhà văn Việt Nam đã được hợp nhất với Tạp chí Văn nghệ. Cuộc họp liên tịch giữa hai Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam trong tháng 4/1963 đã ra thông báo hợp nhất Tạp chí Văn nghệ và tuần báo Văn học thành một tờ tuần báo lớn lấy tên là Văn nghệ, cơ quan của các đoàn thể trong Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hội đồng biên tập gồm: Bảo Định Giang, Tế Hanh, Mai Văn Hiến, Lưu Trọng Lư, Đỗ Nhuận, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên; chủ nhiệm: Nguyễn Đình Thi, thư ký tòa soạn: Hoàng Trung Thông; trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội; xuất bản từ đầu tháng 5/1963.

_________

1. Điều lệ Hội Nhà văn 1957 (đã được thông qua trong Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam ngày 4.4.1957). In tại nhà in Ngô Viết Viễn, 58 Hàng Trống, Hà Nội, xong ngày 22.10.1957, tr. 3.

Lại Nguyên Ân

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Có thể bạn quan tâm