March 29, 2024, 4:08 am

VĂN HỌC VIỆT NAM - HÀN QUỐC: Tìm sự tương đồng trong khác biệt

Kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, hơn hai mươi năm quan hệ giao lưu, hợp tác văn học giữa hai nước, Hội Nhà văn Việt Nam, Mạng lưới văn hóa châu Á, Câu lạc bộ Văn học hòa bình Việt – Hàn tổ chức Hội thảo Văn học Việt – Hàn 2022: “Những tác phẩm đã được giới thiệu giữa hai nước Việt – Hàn”. Hội thảo diễn ra vào ngày 25/11 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội)  

Tham dự hội thảo, phía khách mời có ông Hyun Giyoung,  nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc, Ông Bang Jai-Suk, đồng Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học Hòa Bình Việt - Hàn, Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Trung An, cùng 17 nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch.

Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các nhà văn, nhà thơ trong hội đồng và các ban nghành chuyên môn. 

Sự tương đồng trong văn hóa, văn học giữa hai quốc gia

Phát biểu tại hội thảo, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định, mối quan hệ giao lưu và hợp tác giữa các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc là mối quan hệ hợp tác được phát triển nhất trong mọi nghĩa của nó so với các nước còn lại trên thế giới. Hằng năm, các cuộc tọa đàm, hội thảo về văn học của mỗi bên được tổ chức khá đều đặn ở Việt Nam và Hàn Quốc. Các chuyến thăm và làm việc giữa các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc được diễn ra hằng năm. Trong các chuyến thăm và làm việc ấy, sự hiểu biết giữa các nhà văn Việt Nam, Hàn Quốc càng được mở rộng. Đó chính là một trong những lý do làm nên sự hợp tác đặc biệt của nhà văn, các nhà nghiên cứu và các dịch giả hai nước.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

Trên thực tế, mặc dù có những tín hiệu tích cực như vậy nhưng không phải văn học hiện đại Việt Nam đã được biết đến nhiều ở Hàn Quốc. Các tác phẩm được giới thiệu cũng chỉ dừng lại ở một số tác giả với vài chục truyện ngắn và tiểu thuyết tiêu biểu. Ngay cả trên báo chí Hàn Quốc thì việc đăng tải những tác phẩm văn học Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở những cái tên quen thuộc như: Văn Lê, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh... Nên những hoạt động giao lưu văn học dù quy mô lớn hay nhỏ hiện nay , đều được đánh giá là sẽ làm sâu hơn và đa dạng hơn sự hiểu biết về văn hóa nói chung, nền văn học giữa hai nói riêng. Đồng thời, trở thành bàn đạp cho sự hiểu biết đa dạng hơn về lịch sử và văn hoá, cũng như thực trạng cuộc sống của người dân Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay.

Cho rằng, văn học Việt Nam, Hàn Quốc có mối tương đồng về văn hóa, về mối quan tâm đến đời sống của bạn đọc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có những chia sẻ khi đưa ra những lý do đặc biệt giúp văn học Việt Nam và Hàn Quốc gần nhau hơn. Đó là “tinh thần của các nhà văn hai nước luôn vươn tới những vẻ đẹp vĩnh hằng của đời sống nhân loại. Những tác phẩm văn học của nhà văn hai nước được dịch đã mang hai dân tộc chúng ta từng có những đau buồn trong chiến tranh đến một ngôi nhà chung đầy ánh sáng của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ. Đấy chính là sứ mệnh của Văn học.”

Khảng định mối tương giao văn hóa, văn học giữa hai đất nước Việt Nam - Hàn Quốc, các ông Hyun Gi- young, ông Bang Jai- Suk, đã có những phát biểu, chia sẻ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Văn học Việt Nam - Hàn Quốc, giữa nhà văn hai nước trước đời sống sáng tác hiện tại, quá khứ và tương lai. Thông qua những ký ức đau buồn về chiến tranh, hai nhà văn nổi tiếng khẳng định, các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, lý luận phê bình chính là những người chép sử, nhắc nhở về lịch sử, không để lịch sử ngủ quên vì bất kỳ lý do gì. Bởi “nhà văn phải  trở thành người cần mẫn chống lại sự lãng quên. Nhà văn phải nhớ thay những người vô tâm với sự thảm khốc của chiến tranh… Nhà văn vừa phải là người từ chối khuôn mẫu viết lách quen thuộc và an nhiên, phá vỡ logic thường nhật vừa phải chống lại sự lãng quên nguy hiểm ấy…Đây chính là nét tương đồng trong sáng tác văn học và quan niệm sáng tác của nhà văn hai nước.

Làm rõ hơn sứ mệnh của nhà văn trong vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nhà văn Hyun Gi-young, đã đặt ra những câu hỏi về sự thắng thua trong cuộc chiến và những ký ức về cuộc chiến tranh ấy mang khuôn mặt thế nào trong chính những tác phẩm ủa mình? Để rồi chính ông và những nhà văn Hàn Quốc - Việt Nam đều ngộ ra một điều: Không ngừng nhớ lại ký ức của chiến tranh là việc quan trọng. Nhớ lại chính là việc không ngừng khắc sâu ký ức đó, là việc tiếp nối sang đời sau để thế hệ không có trải nghiệm chiến tranh kế thừa ký ức đó.  Vì “Đúng là không gì có thể chiến thắng được thời gian. Không ít phần của ký ức thảm khốc trong chiến tranh đã bị xoá nhoà bởi sự tác động phong hoá của thời gian. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng sự lãng quên thật nguy hiểm. Một quốc gia gây chiến nếu lãng quên tội ác chiến tranh có nghĩa là chiến tranh thảm khốc ấy có thể lại phát sinh”. Chính vì những mối đe dọa hủy diệt nói trên, từ những nhà văn gạo cội cho đến những biên kịch trẻ của Hàn Quốc hay Việt Nam cũng vậy, tất cả đều đang nỗ lực cày xới không mệt mỏi trên cánh đồng văn chương để lịch sử không bị bỏ lại phía sau.

Sự khác biệt

Cho đến thời điểm hiện tại, ít người biết rằng quan hệ Việt Nam –Hàn Quốc trong lĩnh vực văn học, đã có những dấu ấn sơ khởi từ nhiều thể kỳ trước. Đến khi chữ quốc ngữ bắt đầu phôi thai ở Việt Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX, Minh Tâm bửu giám lại là một trong những cuốn sách đầu tiên được học giả Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ ngay từ năm 1893, trở thành một trong những sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nền văn học Việt Nam. 

Tiếp đến, lịch sử hiện đại đã chứng kiến một trong những hiện tượng kỳ lạ của trào lưu di dân: nhiều thập kỷ gần đây đã có hai luồng người khổng lồ di chuyển song song ngược chiều nhau, người Việt tới Hàn Quốc và người Hàn sang Việt Nam, làm ăn, sinh sống, hình thành cộng đồng ở mỗi nước. Cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam là một trong những cộng đồng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, còn cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc luôn đứng ở vị trí lớn thứ hai trong số những cộng dồng người nước ngoài ở xứ sở Kim chi. Cùng với sự dịch chuyển về dân cư là dịch chuyển văn hóa, trong đó văn hóa đọc là một yếu tố cốt lõi. Đây cũng chính là thành tố quan trọng để ra đời nhiều hội nhóm, như: “Hội những tác giả trẻ muốn thấu hiểu về Việt Nam” trong đó có nhà văn Bang Jai-Suk.

Hiện ở Hàn Quốc, những nhà văn như:  Văn Lê, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh không còn là những cái tên xa lạ với người dân Hàn Quốc. Đặc biệt là những tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh… đã trở thành những giáo trình cho sinh viên Hàn Quốc học tập và nghiên cứu… Đồng thời, ở chiều ngược lại, những tác phẩm văn học kinh điển của Hàn Quốc cũng trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ người Việt Nam như Sa pa, Sewol. Thậm chí gần đây nhất những tác phẩm đỉnh cao như: Ký sinh trùngSquid game… đã trở thành một trào lưu sống theo văn học của giới trẻ trên toàn thế giới. Chính vì vậy, có thể khẳng định, với những tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam được xuất bản tại Hàn Quốc hiện nay và ngược lại, người Hàn Quốc cũng như Việt Nam đã thực sự trở nên giàu có khi cùng được cảm nhận những tác phẩm văn học nối tiếng của hai nền văn học. Đó cũng chính là kết tinh từ sự tương đồng trong khác biệt của lịch sử, để tạo nên sức hấp dẫn của hai nền văn hóa, văn học giữa hai quốc gia hiện nay. Hay nói như nhà phê bình phim truyền hình Kim Min-jeong, “lịch sử của bi kịch luôn đẹp đẽ và vững chắc”.

Tại hội thảo, các dịch giả, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch của cả hai nước đã bày tỏ quan điểm của mình về quan niệm sáng tác và về sự quan tâm của mình đối với đời sống xã hội hiện nay. Đồng thời, thông qua tham luận, mong muốn Hội nhà văn Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục có những chương trình giao lưu, hợp tác nhiều hơn nữa để phát triển mối quan hệ văn học giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc và cao hơn cả là mối quan hệ ngoại giao Việt - Hàn đang  ngày càng trở nên tốt đẹp.

PV

Nguồn Văn nghệ số 49/2022

 

Có thể bạn quan tâm