April 27, 2024, 4:50 am

Văn học về đề tài an ninh và một hướng tìm tòi

1.

Trước cách mạng văn học về đề tài này đơn thuần chỉ là truyện trinh thám. Nhưng ngay cả ở thể truyện này, một trong những tác giả tiêu biểu nhất là Phạm Cao Củng thì như Vũ Ngọc Phan nhận xét trong Nhà văn hiện đại rằng “nó chỉ là một loại văn bình thường, loại mà hạng trung lưu, trí thức thích đọc”...

Sau cách mạng, an ninh là một đề tài đã mới lại có những cái khó riêng bởi nhiều vấn đề hấp dẫn nhưng người viết chưa được phép thể hiện. Trước đây, có một số quan niệm cho rằng “những tác phẩm viết về đề tài công an thường là “dao găm, súng lục” nên hầu hết những tiểu thuyết tình báo, tiểu thuyết trinh thám hay tiểu thuyết điều tra hình sự đều bị xếp chung vào một loại rồi gọi một cách xô bồ là truyện vụ án “và xem nó như một thứ văn chương giải trí, không thuộc dòng văn học đích thực” (Lời giới thiêu cuốn Những người bạn đồng hành). Đó là chưa kể một thời văn chương còn coi nặng chuyện đề tài, đánh giá giá trị của một sáng tác còn thông qua lăng kính của các tính (tính Đảng, tính giai cấp), các chức năng (giáo dục, nhận thức), chưa coi mối quan hệ giữa văn học chính trị trong chừng mực nào đấy là bình đẳng. Văn học về đề tài an ninh trong tình hình ấy, cũng bị sức ép từ nhiều phía... và bệnh sơ lược, công thức là không tránh khỏi, chưa có tác phẩm gây được dấu ấn

 

Ảnh  Intrenet

Sau chiến tranh, đặc biệt từ đổi mới, văn học an ninh đã có những thay đổi quan trọng. Điều đáng ghi nhận đầu tiên là khi chức năng giải trí được đặt lại đúng vị trí của nó thì đề tài này được coi bình đẳng như mọi đề tài khác. (Mà thực tế những tác phẩm văn học dịch về đề tài này trước đây như Nam tước Phôn Gôn rinh, Chiếc khuy đồng, Rừng thẳm tuyết dày... vẫn rất hút khách). Mà không chỉ giải trí bằng những gay cấn trong các việc điều tra vụ án, văn học về đề tài an ninh còn cung cấp cho người đọc những sử liệu trước đây còn nằm trong khuất lấp. Một số áp lực được giải tỏa. Nhà văn được phép khai thác vào những miền đất trước đây có thể bị coi là vùng cấm; chất lượng, giá trị của tác phầm được đánh giá khách quan hơn. Mặt khác, phạm vi đề tài cũng không đơn thuần chỉ là truyện trinh thám mà ngoài vấn đề viết về cuộc chiến đấu “vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên” cả trong chiến tranh và hậu chiến, hòa bình, nhiều tác phẩm còn viết về những điệp viên nổi tiếng trong mạng lưới tình báo cách mạng mà điều kiện lịch sử giờ đây đã cho phép. Sự ra đời của tác phẩm dạng này đã mở ra một hướng đi tiềm năng cho văn học. Một điều đáng chú ý khác là đội ngũ các nhà văn về đề tài an ninh càng ngày càng đa dạng, không chỉ là nam mà còn có cả nữ, không chỉ là người đã đứng tuổi, cao niên mà còn nhiều cây bút trẻ mới bước vào nghề. Cuộc chiến đấu trên mặt trận an ninh tuy thầm lặng nhưng hết sức nguy hiểm và ác liệt vì nó không chỉ là cuộc chiến đấu giữa ta và địch, là cuộc đấu tranh chống lại cái ác, chống tham nhũng, bất công, mà còn là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình. Nhà văn của ngành an ninh không hoàn toàn nhất thiết phải viết về đề tài an ninh và ngược lại, các nhà văn khác vẫn có thể viết về đề tài an ninh. Nằm trong văn mạch chung, đối tượng mà nhà văn hướng tới là con người và đề tài chỉ là nơi cho nhà văn trải nghiệm. Vì thế, đổi mới, hội nhập thực sự là một thử thách đối với người cầm bút. Và những đổi mới của văn học về đề tài an ninh cũng nằm trong xu hướng ấy.

Lê Tri Kỷ, rồi Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Lương Sĩ Cầm, Trần Diễn... có thể coi là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên để rồi cùng nhiều nhà văn thuộc nhiều thế hệ khác nhau như Khổng Minh Dụ, Mai Vũ, Nguyễn Xuân Hải, Tôn Ái Nhân, Nguyễn Như Phong, Từ Kế Tường, Nguyễn Ngọc Mộc, Nguyễn Như Phong, Hữu Ước, Phùng Thiên Tân, Trần Tử Văn..., trẻ hơn là Như Bình, Nguyễn Đình Tú, Di Li, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Xuân Thủy... đã xây nên mảng văn chương này trong nền văn học cách mạng. Cho đến hôm nay, văn học về đề tài an ninh đã có diện mạo riêng: có tiểu thuyết phi hư cấu, có tiểu thuyết trinh thám, có tiểu thuyết tình báo, với những sáng tác từng nhận được những giải thưởng cao…

2.

Ở thể loại tiểu thuyết, Ván bài lật ngửa (1988) của Trần Bạch Đằng viết về anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo được chuyển thể thành phim gây nên một cơn sốt hồi thập niên tám mươi. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong chuỗi sách viết về các nhà tình báo cách mạng của văn học viết về đề tài an ninh; nó có sức hấp dẫn thật sự của những tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố ly kỳ vốn là sở thích của các độc giả trẻ, lại viết về nhân vật có thật, vốn là sở thích của lứa tuổi trung cao niên thích tìm hiểu về lịch sử. Và cuốn tiểu thuyết này thuộc thể loại phi hư cấu - thể mà chúng tôi hướng tới trong bài viết nhỏ này. Đương nhiên xây dựng nhân vật trên cơ sở nguyên mẫu ngoài đời là một việc bình thường của nhà văn. Vấn đề ở chỗ nguyên mẫu vốn là những nhân vật lịch sử, gắn với sự kiện lịch sử, có vai trò quan trọng trong sự kiện, vậy, cho phép khả năng nhà văn hư cấu đến mức nào để một khi trở thành nhân vật văn học, có sức sống riêng, nó vẫn không làm hỏng nguyên mẫu nổi tiếng ngoài đời? Xu hướng này vào đầu thế kỷ mới đã được nhiều nhà văn chú ý và trong đời sống văn học bấy giờ, sau Phạm Ngọc Thảo trong Ván bài lật ngửa của Trần Bạch Đằng, là Lê Hữu Thúy trong Điệp viên giữa sa mạc lửa của Nhị Hồ, là Vũ Ngọc Nhạ - Hai Long trong Ông cố vấn của Hữu Mai, là Mười Hương trong Trần Quốc Hương - người thầy tình báo của những huyền thoại, là Phạm Xuân Ẩn trong Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời, Đại tướng Mai Chí Thọ... của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Đây là những tiểu thuyết (trong số đó một số cuốn là ký chân dung và hồi ký - tự truyện) mà tôi được đọc liên quan đến đề tài an ninh. Hai trong số đó là Ông cố vấn đã giành Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời đã giành giải cao của Bộ Công an và Hội Nhà văn trong cuộc thi tiểu thuyết và ký Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, gây được tiếng vang cả trong và ngoài nước.

Ông Cố vấn của Hữu Mai là tác phẩm của một nhà văn quân đội viết về nhà tình báo cộng sản Vũ Ngọc Nhạ - người đã làm cố vấn cho hai đời tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Thể hiện “hồ sơ của một điệp viên”, Ông cố vấn đã thực sự hấp dẫn người đọc bằng những tình tiết ly kỳ mà xác thực của một điệp viên tài ba, mưu trí và dũng cảm trong thời kỳ sống và hoạt động trong vai một cố vấn nhưng thực chất lại là một điệp viên cộng sản nằm vùng. Trải qua bao phen thử thách, Hai Long vẫn vững vàng, bản lĩnh, càng ngày càng tỏ ra khôn khéo, từng bước một, chiếm giữ được lòng tin và tình cảm của “đối phương”. Từ việc tạo được niềm tin với anh em nhà họ Ngô bằng tờ trình Bốn nguy cơ đe dọa của chế độ, đến việc chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, rồi cụm tình báo bị vỡ trong dịp tết Mậu Thân; từ việc Hai Long cùng đồng đội bị bắt, bị xử tù chung thân và bị đày ra Côn Đảo, mặc dù Hai Long kiên quyết không khai, từ chối mọi sự dụ dỗ, mua chuộc nhưng sau đắc cử, Nguyễn Văn Thiệu vẫn đưa Hai Long về khám Chí Hòa. Được trao trả tù binh sau hiệp định Paris, ông nối lại hoạt động và đã có mặt ở dinh Độc lập với tư cách là người của lực lượng thứ ba trong ngày 30 tháng tư. Chân dung nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ qua nhân vật Hai Long không chỉ thỏa mãn của nhiều nhà báo phương Tây từng tham dự phiên tòa của chính quyền Sài Gòn trước đây xử ông mà còn gợi cho người đọc lòng cảm phục về một điệp viên tầm cỡ. Và hiệu ứng của Ông cố vấn còn được nối dài sau khi tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản Văn học dựng thành phim.

Tiếp sau Hữu Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả cuốn Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, tác phẩm viết về Phạm Xuân Ẩn - một “điệp viên hoàn hảo” như cách gọi về ông của nhà văn-nhà báo người Mỹ Larry Berman, cũng là tên một cuốn sách của tác giả này viết về ông. Trước năm 1975 Phạm Xuân Ẩn là phóng viên của hãng Reuters, Time, là cộng tác viên của hai nhật báo The New York Herald Tribunne The Christian Secience, nổi tiếng là nhà phân tích quân sự - chính trị, thân thiết với nhiều nhân vật quan trọng của chế độ Sài Gòn, được người Mỹ trọng dụng. Việc ông được cử đi Mỹ học nằm trong ý đồ chiến lược của Mười Hương, người phụ trách tình báo của Đảng: muốn đánh thắng kẻ thù, phải hiểu kẻ thù, phải nắm được văn hóa của nước đó. Và những năm học đại học báo chí bên Mỹ là một cơ hội rất thuận lợi để Phạm Xuân Ẩn thấm được văn hóa Mỹ phục vụ cho công việc của một nhà tình báo giàu năng lực, sau khi ông trở về nước. Sau năm 1975 ông là thiếu tướng, một nhà tình báo chiến lược, Anh hùng lực lượng vũ trang của ta. Nguyễn Thị Ngọc Hải đã dựng lại chân dung một nhà tình báo mà như giáo sư Thomas Bass gọi ông là “kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” một cách chân thực, sống động bằng thao tác của một người viết văn bởi chị “đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ đẹp lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng trong họ” mà nói như Lary Becman “Bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy (Phạm Xuân Ẩn) hơn ai hết”… Nguyễn Thị Ngọc Hải đã nắm lấy nét đặc sắc ở một con người mang trong mình ba nền văn hóa ấy làm cơ sở để từng bước một triển khai vấn đề, cho nhân vật suy nghĩ, ứng xử và chọn giải pháp thích hợp trong hành động, vượt qua được những thử thách nghiệt ngã, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người tình báo. Và người điệp viên ấy bước chân vào tác phẩm văn học phi hư cấu đã trở thành một nhân vật văn học có sức sống riêng: nhân vật đó hấp dẫn người đọc bằng sự lịch lãm, trí tuệ, bằng cách làm việc thông minh, tận tụy và cách hành xử rất có tình người. Cả Ông Cố vấn của Hữu Mai và Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải đều cho ra được câu trả lời một cách xác đáng về nỗi băn khoăn của rất nhiều người: làm thế nào mà các chiến sỹ tình báo của chúng ta “chui” sâu vào được đến vậy mà không bị lộ và làm sao nước Mỹ giàu mạnh đến vậy mà vẫn chịu thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam? Cả Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn (cùng Phạm Ngọc Thảo - Nguyễn Thành Luân, Lê Như Thúy - Lê Nguyên Vũ và một số khác) đều là những điệp viên hoạt động dưới sự chỉ đạo của Mười Hương - một nhà chỉ huy tình báo có tầm nhìn chiến lược. Mười Hương đánh giá cao vai trò của văn hóa trong việc tạo ra hiệu quả công việc và luôn nhắc nhở cộng sự “tranh thủ cơ hội để phân hóa, thuyết phục; sống thật nhất với con người mình mới là vỏ bọc dày nhất, kín đáo nhất. Và nếu bị bắt thì nhất định phải giữ khí tiết, không khai báo. Đó cũng là người đã cho rằng: tình báo Việt Nam lấy văn hóa bản địa để cảm hóa và chiến thắng quân thù. Cả Hữu Mai và Nguyễn Thị Ngọc Hải đã cho nhân vật sử dụng lối ứng xử và văn hóa yêu nước như một thứ quyền lực mềm, tạo sự tài trí, thông minh cho nhân vật một cách hợp lý khi họ bị đặt vào những tình huống gay cấn mà nếu không cao tay nhân vật sẽ khó thoát khỏi những sơ lược, công thức dễ gặp, và đương nhiên, sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ bị kém đi.

3.

Như vậy là từ sau năm 1986, văn học về đề tài an ninh đã có những chuyển đổi về chất mà tác phẩm phi hư cấu là thể hiện thành công của một hướng tìm tòi mới của các nhà văn trong ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật. Đường biên của hiện thực được mở rộng hơn. Con người được đào sâu về tâm lý, tính cách. Và nhân vật vừa là cái bóng lại vừa là nhân chứng của lịch sử. Qua tâm hồn nhân vật, lịch sử như được viết lại bằng văn. Khi môn lịch sử đang không được học sinh ở cấp phổ thông mặn mà thì chính tiểu thuyết lịch sử và tác phẩm phi hư cấu là một cách đưa lịch sử dân tộc, lịch sử chiến tranh đến với các em một cách hấp dẫn hơn.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm