March 29, 2024, 2:37 am

Văn học và trí tuệ nhân tạo*

 

Nhà tiểu thuyết thường bị hấp dẫn bởi những khả năng của trí tuệ nhân tạo. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày, những cỗ máy đó bắt đầu viết về con người?

 

Hình ảnh trong vở kịch R.U.R, Karel Capek (Nguồn: Internet)

 

Để khái quát các chặng đường phát triển của văn chương thế giới, ta có thể tóm tắt như sau: đầu tiên là viết về các vị thần, tiếp đến là nhà vua và hoàng hậu, sau đó là những người bình thường và cuối cùng: chính chúng ta. Nhưng khi đã khám phá gần như tận cùng mọi chiều kích của loài người, chúng ta đang trên con đường tiến vào một trang kỉ nguyên mới: kỉ nguyên của văn học viết về máy móc. Đây có thể là điềm báo cho một cuộc cách mạng dữ dội nhất mọi thời đại bởi một khi máy móc bắt đầu viết về con người thì rất có thể trong một tương lai không xa, máy móc sẽ tự “tay” viết về máy móc. Văn học thường được ví như vùng kết tinh cảm xúc từ vô vàn những trải nghiệm sống của loài người. Nhưng văn học sẽ đi về đâu nếu một ngày những trí tuệ nhân tạo chen chân xâm phạm vào lãnh địa riêng tư ấy? Liệu chúng có giúp cơi nới thêm phạm vi hiểu biết và sự thông tuệ của con người hay sẽ chỉ càng lúc càng làm sáng tỏ cái bé nhỏ và yếu ớt của loài chúng ta giữa vạn vật rộng lớn. AI (trí tuệ nhân tạo), thứ công nghệ tích hợp ảo diệu nhất trong thời đại này, mỗi ngày lại đem tới một bất ngờ về sự phát triển đáng kinh ngạc của chúng. Năm 1997, thế giới đã một phen nghiêng ngả khi chiếc máy tính Deep Blue của IBM đánh bại kì thủ vĩ đại nhất mọi thời đại Garry Kasparov. Đó là một thành tích ấn tượng, nhưng chỉ như vậy thì Deep Blue vẫn là một chiếc máy tính toán được lập trình chặt chẽ dựa trên vô vàn những thuật toán, không hơn - “một cái đồng hồ báo thức 10 triệu đô”, Kasparov mỉa mai nhận xét. Nhưng những tiến bộ gần đây trong công nghệ Deep Learning cộng hưởng với sự bùng nổ dữ liệu từ điện thoại thông minh, máy tính và sự tăng cường khả năng tính toán đã cho phép các chương trình của máy móc thực hiện được một loạt các nhiệm vụ như con người (nếu không muốn nói là làm tốt hơn con người): đọc phim chụp X, điều khiển máy bay, xác định hình ảnh và nhận dạng giọng nói (tất cả chỉ cần hỏi Siri). Chiến thắng của Google DeepMind trước hai trong số những kì thủ giỏi nhất trong giới cờ vây – bộ môn lâu đời và phức tạp bậc nhất của Trung Hoa – vào hai năm 2016 và 2017 đã thực sự chinh phục được khán giả toàn cầu. AlphaGo (chương trình máy tính cờ vây do Google DeepMind phát triển) đã sử dụng một thuật toán rất khác so với Deep Blue, chiến thắng của nó đến từ khả năng “tự học” bất chấp một lịch sử 2500 năm trí tuệ của cờ vây. Một số học giả Trung Hoa đã gọi đây là “thời khắc Sputnik” của đất nước, kích thích sự quan tâm và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo giữa bối cảnh của một cuộc chạy đua vũ trang mới bằng công nghệ.

Tất cả những đồn đoán về AI khơi dậy trí tưởng tượng ở những nhà văn sáng tạo nhất của chúng ta, trong số đó có Jeanette Winterson và Ian McEwan. Từng chỉ là sản phẩm độc quyền của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, các robot biết tư duy giờ đây đã sải bước vào dòng văn học chính thống. “Nàng thơ” gần đây nhất của McEwan, không ai khác, chính là Demis Hassabis, người sáng lập Google DeepMind. Niềm say mê với trí tuệ nhân tạo đã khơi lại cuộc tranh luận muôn thuở về câu hỏi “thế nào là con người?”, thách thức mọi quan niệm của chúng ta về bản sắc, sự sáng tạo hay ý thức. AI là vị thánh đồng thời là tội đồ của khoa học, của văn minh, của thế kỉ “khai sáng”. Và câu hỏi của nhà nghiên cứu lịch sử Yuval Noah Harari: Có phải con người đang bước tới một lịch sử mà ở đó, những chiếc máy tính hiểu chúng ta hơn chúng ta tự hiểu chính mình? IJ Good, nhà toán học đã làm việc cùng với Alan Turing tại trung tâm giải mật mã của Anh ở Bletchley Park trong Thế chiến thứ hai và là một trong những người tiên phong về AI, đã sớm nắm bắt được tầm quan trọng của “một cuộc cách mạng về trí tuệ” sắp diễn ra: Một khi những cỗ máy siêu trí tuệ vượt qua trình độ của con người thì chính chúng sẽ tự phát minh ra được những cỗ máy ưu việt hơn nữa và hoàn toàn bỏ chúng ta lại phía sau. “Vì vậy, cỗ máy siêu trí tuệ đầu tiên sẽ là phát minh cuối cùng mà con người cần tạo ra, miễn là cỗ máy đó đủ ngoan ngoãn để nói cho chúng ta cách làm thế nào kiểm soát được nó,” – IJ Good đã viết từ năm 1965. Và thời khắc huy hoàng này nếu thực sự xảy ra giữa triều đại của công nghệ, nó có thể được coi là một sự kiện sáng thế mới, nâng vị thế của giống loài Homo Sapiens ngang hàng với Chúa. Không thể phủ nhận rằng, đó sẽ là sự kiện trọng đại nhất trong 300.000 năm của lịch sử loài người. Theo nhà khoa học James Lovelock, đây có lẽ sẽ là cái kết của 300 năm thời kì Anthropocene (Kỉ Địa chất) mà loài người đã sử dụng công nghệ kĩ thuật để biến đổi hành tinh này để tiến tới thời đại Novacene với sự thống trị của những siêu trí tuệ. Theo lời cảnh báo của Lovelock, loài người rồi sẽ bị quét đi sau một cơn lốc xoáy của những thuật toán và trượt tới một tương lai hậu nhân loại, nơi chúng ta hoàn toàn bất khả tri về những thể sống điện tử như thể những con gấu Bắc cực chẳng hiểu gì về chiếc xe ủi tuyết.

 

Pygmalion và Galatea (Nguồn: Internet)

 

Rất lâu trước thời đại của AI, con người đã bị mê hoặc bởi những tạo tác nhân tạo trong đời sống. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, Pygmalion đã tạo ra Galatea, một bức tượng bằng ngà voi tuyệt đẹp được Apharodite ban cho linh hồn và trở thành vợ của chàng. Trong truyền thống dân gian của người Do Thái, golem là một khối đất sét dị dạng được con người ban cho sự sống. Nhà viết kịch người Séc Karel Capek đã kể về một nhà máy chuyên sản xuất người máy trong tác phẩm R.U.R, và thuật ngữ robot chính thức trở nên phổ biến kể từ sau khi vở kịch của ông được công diễn ở Mĩ vào năm 1922. Và đình đám hơn cả có lẽ là tiểu thuyết kinh dị được viết vào năm 1816 bởi Mary Shelly, tác phẩm kể về chàng trai Victor Frankenstein, một nhà khoa học trẻ tuổi đã tạo ra một con quái vật gớm ghiếc và mất kiểm soát từ những bộ phận cơ thể bị vứt bỏ lại từ “phòng giải phẫu những lò giết thú vật”. Chính kiệt tác văn học này là nguồn cảm hứng cho Winterson viết cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, Frankissstein, trong đó đan xen những trải nghiệm của Shelley vào một câu chuyện tình ở Anh thời Brexit về một bác sĩ chuyển giới trẻ tuổi tên Ry (được ví von như là “tương lai gần” của chúng ta) đã đem lòng yêu Victor Stein, một tay giáo sư lập dị đồng thời là một chuyên gia về AI. “Câu chuyện này tự nó là một phát minh nằm trong một một phát minh khác – hiện thực,” Winterson viết.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, tác giả cuốn sách đã mô tả câu chuyện gốc của Shelley giống như một lời nhắn được giấu bên trong một chiếc chai mà phải chờ đến 200 năm sau mới thực sự được hiểu. Giống như nhà toán học thế kỉ 19, Ada Lovelace đã viết code cho một chiếc máy tính còn chưa được ra đời, Shelley cũng đưa ra những dự báo về một thế giới vẫn chưa thành hình. “Những người phụ nữ này, cái nhìn của họ đã vượt ra khỏi hiện tại và chạm tới một tương lai chưa hề tồn tại khi đó”. Đối với Winterson, người đã luôn đi tìm câu trả lời về con người cá nhân cũng như giới tính thực sự của mình trong suốt cuốn hồi kí Why Be Happy When You Could Be Normal? (tạm dịch: Tại sao hạnh phúc khi bạn có thể bình thường?), buổi bình minh của triều đại AI là một điều nên được chào đón, thậm chí là cần trân trọng, nâng niu. Cỗ máy siêu trí tuệ đầu tiên sẽ là phát minh cuối cùng mà con người cần tạo ra “Điều tuyệt vời nhất về những trí tuệ nhân tạo, nếu chúng ta thực sự sẽ tạo ra chúng, đó là tại sao chúng ta còn phải lo lắng về giới tính của mình, nếu bạn là một người đàn ông và yêu một người đàn ông, nếu bạn là phụ nữ và bạn yêu một người phụ nữ, khi chúng ta đang chia sẻ hành tinh này với một thực thể sống tự tạo phi sinh học và tất nhiên, phi giới tính. Điều này có thể thay đổi tất cả. Và tôi yêu nó”. – câu trả lời của bà với BBC. Nhưng với những nhà văn khác, trong đó bao gồm McEwan, luôn có những cảm quan mơ hồ và tăm tối hơn Winterson về sự hiện diện của những người máy mang hình dạng con người – một hiện thân trực quan của AI. Trong cuốn tiểu thuyết Machines Like Me (tạm dịch: Máy móc như tôi), McEwan kể câu chuyện về Charlie, một gã lang thang vô tư lự đã mua một trong số những con người nhân tạo đầu tiên về. Adam, một cái tên có lẽ không phải ngẫu nhiên, “được quảng cáo như một người đồng hành, một người bạn thông thái vừa có thể tâm tình vừa có thể tranh luận cùng, một quản gia lo được việc rửa bát, dọn dẹp và biết “suy nghĩ”.” Anh ta có khả năng quan hệ tình dục và thậm chí sở hữu cả lớp màng nhầy để thực hiện việc bài tiết sau khi tiêu thụ khoảng nửa lít nước mỗi ngày. “Khi chúng ta chạm tay vào thứ đồ chơi siêu việt này… đó là giấc mơ của mọi thời đại, là chiến thắng của nhân văn chủ nghĩa – hoặc là vị thần của cái chết. Là niềm hân hoan tột độ, nhưng cũng là sự âu lo...”. Adam đã đem lòng “yêu” bạn gái của Charlie (mặc dù chức năng này không hề được giới thiệu trong tờ hướng dẫn sử dụng) và thậm chí đã viết thơ tình cho cô, đâu đó khoảng hơn 2000 bài theo thể Haiku của Nhật Bản. Đó có phải là tình yêu? Một robot liệu có thể có được ý thức, trải nghiệm và cảm xúc như con người? Điều này làm chúng ta quay trở lại với cuộc tranh luận triết học cả nghìn năm nay về bản chất của ý thức. Charlie được miêu tả như một người thuộc trường phái triết học “con vịt” với phép loại suy rằng, nếu nó trông giống như vịt, đi như vịt, kêu như vịt, thì nó nghiễm nhiên là một con vịt. Tương tự như vậy, Charlie cho rằng: “Nếu anh ta (Adam) nhìn, nghe và cư xử như một con người, thì tôi e rằng sớm muộn anh ta cũng trở thành con người”.

Theo McEwan, cuộc diệu võ dương oai của khoa học đồng nghĩa với sự rút lui của lòng tự tôn nơi con người, “một loạt những cuộc hạ bệ để đi đến tuyệt chủng”. Con người từng là trung tâm của vũ trụ khi Mặt Trời cùng những hành tinh khác “luôn xoay quanh chúng ta trong một vũ điệu tế thờ bất diệt”. Và rồi thiên văn học vô tình giáng chúng ta xuống vị thế của một hành tinh có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời như bao tảng đá khác. Dẫu vậy, loài người vẫn luôn bám riết lấy sự tự phụ rằng họ là sinh thể độc nhất vô nhị, “được Tạo hóa ban cho sứ mệnh làm Chúa tể của muôn loài”. Sau đó, sinh học tiếp tục lạnh lùng xác nhận rằng, chúng ta cũng có chút khác biệt với những sinh vật khác nhưng “có cùng chung tổ tiên với vi khuẩn, hoa păng-xê, cá hồi và cừu”. Duy chỉ ý thức là còn khiến ta giữ lại được sự tự tin. Nhưng thật không may vì ngay cả ở phương diện ý thức thì giờ chúng ta cũng vẫn tìm thấy những kẻ giống mình. “Tâm trí, thứ mà đã từng nổi loạn để chổng lại những vị thần, giờ đây tự soán ngôi của chính mình theo một cách cực kì ngoạn mục. Chúng ta tính toán để tạo ra một cỗ máy thông mình hơn mình một chút, sau đó chính nó sẽ phát minh ra những cỗ máy khác hoàn toàn vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta. Sau đó, chúng ta còn cần điều gì nữa?” – Đây là âm hưởng mà cuộc cách mạng về trí tuệ thời IJ Good vọng lại.

 

 

Những chuyên gia về AI nếu đọc những cuộc tiểu thuyết này chắc chắn sẽ cho rằng tác giả của chúng hẳn đã để trí tưởng tượng của mình bay nhảy quá xa. Thành công của Google DeepMind trong việc tạo ra những hệ thống thần kinh để đánh bại được kì thù cờ vây xuất sắc nhất mọi thời đại có thể được cho là một thành tựu đáng kể. Nhưng điều đó không thể là lời tiên tri về sự xuất hiện của một thể sống mới toàn năng trong một tương lai gần. Những chương trình học tập của máy móc có thể đang trở nên tốt hơn bao giờ hết trong nhiều lĩnh vực đặc thù nhưng hoàn toàn chưa đủ về mặt trí tuệ tổng quát. Sau tất cả, những con robot dẫu hiện đại như người máy lai Daleks trong sê-ri phim truyền hình Dr Who thì vẫn cảm thấy khó khăn khi leo cầu thang. Alison Gopnik, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học California-Berkeley đồng thời là chuyên gia về “thuyết tâm trí” cho rằng sự ngu ngốc thiên bẩm mới là mối đe dọa lớn đến nhân loại trong những ngày sắp tới hơn là những trí tuệ nhân tạo. “Không có quá nhiều cơ sở để nghĩ tới một sự khải huyền hay một viễn cảnh không tưởng rằng AI sẽ thay thế sự tồn tại của con người. Cho tới khi chúng ta giải quyết được những nghịch lí cơ bản của các chương trình học tập thì một trí tuệ nhân tạo siêu đẳng nhất cũng chưa thể đấu được với một đứa trẻ lên bốn,” bà đã viết như vậy trong cuốn Possible Minds (tạm dịch: Những tâm trí khả thể), một tuyển tập những tiểu luận về AI được viết bởi những chuyên gia hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, những chương trình học máy vẫn tiếp tục đạt được những bước tiến vượt trội trong những lĩnh vực hẹp, bao gồm viết lách. Một vài trí tuệ nhân đạo đã có thể viết báo cáo cho những cơ quan trọng điểm của Mĩ. Bloomberg News tiết lộ rằng gần một phần ba lượng bài cùa tờ này được viết ra nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ những robot phóng viên. Hệ thống được sử dụng là Cyborg có khả năng chắt lọc những thông tin cốt yếu từ một báo cáo tài chính thông thường và biến chúng thành một bản tin tiêu chuẩn trong tích tắc. Đôi khi mọi thứ trở nên rất chắc chắn rằng những trí tuệ điện tử nhất định sẽ thay thế hoàn toàn con người trước cả khi Mặt Trời tự đốt cháy được chính nó. Nhưng trớ trêu thay, hầu hết những bản tin được viết bởi những con robot này thì cũng được đọc bởi những con robot khác có liên kết với những chương trình giao dịch tài chính tự động. Những hông tin quan trọng đã được trích xuất, phân tích, báo cáo và đọc mà hầu như không có sự can thiệp của con người. Sự viết của chúng ta bắt đầu đi ra khỏi những kịch bản sẵn có. Nhưng những hạn chế đáng kể của một tác giả là AI cũng được chỉ ra trong một dự án thú vị được xây dựng vào năm 2017 bởi Ross Goodwin, người tự nhận mình là một nhà công nghệ sáng tạo và một nhà khoa học dữ liệu độc đáo. Trong nỗ lực mô phỏng lại cuốn tiểu thuyết ngao du kinh điển của nhà văn người Mĩ Jack Kerouac, Goodwin đã lái xe từ New York đến New Orleans để thu thập những dữ liệu từ máy ảnh, micro, đồng hồ điện tử và hệ thống định vị. Tất cả những dữ liệu này sau đó được đưa vào một hệ thống thần kinh tự động đọc hàng trăm cuốn sách để phát hiện ra những kiểu mẫu trong văn học, và rồi cho ra lò tác phẩm số một của thời đại On the Road (tựa Việt: Trên đường). Câu mở đầu của tiếu thuyết đáng lí ra phải là một thứ gì đó có nhạc tính như: “Khi đó là chín giờ mười bảy phút sáng, và căn nhà trở nên thật nặng nề.” Nhưng kết quả đầu ra, theo nhận định của cây viết của tạp chí The Atlantic, Brian Merchant, người đã theo dõi cuộc thử nghiệm của Goodwin, đó là một mở đầu theo kiểu: “Electric Kool-Aid Acid Test [của Tom Wolfe] gặp gỡ Google Street View, được thuật lại bởi Siri”. Tác phẩm của Kerouac chắc chắn không thể diễn ra theo cách như vậy.

Chúng ta có thể hả hê trước những thất bại tương tự của robot, nhưng kể cả như vậy, ta phải thừa nhận rằng tốc độ phát triển chóng mặt của AI thập kỉ vừa qua vẫn là một điều đáng kinh ngạc và tự hỏi rằng nó còn có thể phát triển xa hơn thế nào nữa. Chúng ta huyễn hoặc mình rằng dù thế nào đó cũng chỉ là một cái đầu điện tử bên trong một con robot hình người như Adam của McEwan. Nhưng rất có thể một lúc nào đó, chúng sẽ biến đổi thành một dạng thức mà chính ta cũng không thể nắm bắt được. Một vài nhà nghiên cứu khoa học đã nhìn xa hơn Lovelock, tác giả của Novacence, người vừa kỉ niệm sinh nhật lần thứ 100. Cha đẻ của giả thuyết Gaia cho rằng thế giới là một thể thống nhất của các sinh vật và môi trường vô cơ bao quanh chúng, Lovelock tin rằng, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta trao tận tay đặc ân của sự hiểu biết nơi con người cho những tồn tại ý thức mới.

Ở tuổi thứ 4,5 tỉ, Trái Đất được cho là đã đi được nửa đường đời của nó. Rất có thể trước cả khi Mặt Trời tự thiêu cháy chính nó, những trí tuệ điện tử đã thay thế hoàn toàn con người, ông lập luận. Nếu chúng ta gặp may, loài người có thể được trở thành một thú vui tiêu khiển nào đó cho cái gọi là cyborg, “cũng giống vai trò của hoa hay thú cưng đối với chúng ta” thời điểm hiện tại. Nhưng Lovelock cũng dặn chúng ta đừng quá chán chường. Con người đã hoàn thành tốt sứ mệnh tuyệt vời của mình trong suốt lịch sử của vũ trụ và tận hưởng đủ lâu dưới ánh sáng mặt trời. “Vì chúng ta cũng đã chẳng tiếc thương cho sự ra đi của những loài tổ tiên trước kia, nên tôi nghĩ, cyborg sẽ chẳng đời nào mặc niệm cho sự ra đi của loài người”.

 

 

Trong trường hợp con người muốn được an ủi, vỗ về, hãy tìm đến những lời thơ của Alfred Tennyson dành cho Ulysses khi người chiến binh và nhà thám hiểm vĩ đại của chúng ta rơi vào tuổi già: “Những gì đã qua, những gì còn ở lại/ Chúng ta đã không là kẻ mạnh như những ngày xưa cũ/ Xoay quả đất, dời thiên đường/ Nhưng đó vẫn là chúng ta, vẫn là chúng ta….” Có thể những cyborg rồi sẽ đặt bút viết những tiểu thuyết mua vui về con người, hoặc nếu chúng cần, chúng có thể viết được những cuốn sách về đời sống bên trong của những cố máy. Chỉ có điều, con người chúng ta sẽ chẳng thể đọc chúng, hoặc giả có đọc, cũng chẳng thể hiểu.

KIỀU CHINH dịch theo John Thornhill, The Financial Times

Nguồn VNQD

* Tên bài viết do Van nghệ đặt


Có thể bạn quan tâm