March 28, 2024, 5:30 pm

“Văn học thuần túy” bị ngoại biên hóa là một điều tốt

 

Kể từ khi nhà văn Mạc Ngôn đạt giải Nobel Văn học năm 2012, việc ai sẽ là nhà văn Trung Quốc tiếp theo giành giải thưởng Nobel luôn là một trong những điều hồi hộp nhất được chờ đợi của văn học Trung Quốc đương đại. Năm 2019, nữ nhà văn Tàn Tuyết trở thành tâm điểm của dư luận khi bà nằm trong danh sách đề cử giải Nobel.

Nhà văn Tàn Tuyết.

Tàn Tuyết, tên thật là Đặng Tiểu Hoa (sinh năm 1953), huyện Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam. Vào những năm 80 của thế kỉ, bà trở nên nổi tiếng với những tiểu thuyết tiên phong như Phố Hoàng Nê, Ngôi nhà nhỏ trên núi... Từ thập niên 90 về sau, các sáng tác của bà tập trung hơn trong việc khám phá thế giới tinh thần con người. Tàn Tuyết gần như là một biểu tượng đặc biệt của văn học đương đại Trung Quốc trong sự bí ẩn, khiêm nhường mà phong phú, đặc sắc.

Tại sao một Tàn Tuyết kiệm lời lại trở thành ứng cử viên cho giải thưởng Nobel? Trước sự quan tâm của giới truyền thông, thái độ của Tàn Tuyết như thế nào? Văn học Trung Quốc trong mắt Tàn Tuyết ra sao? Phóng viên của báo Thanh niên Trung Quốc đã thực hiện cuộc phỏng vấn với nhà văn Tàn Tuyết xung quanh những câu hỏi trên.

PV: Có người cho rằng tác phẩm của bà đều là những cuốn tự truyện của tâm linh, bà nghĩ sao về nhận xét này?

Nhà văn Tàn Tuyết: Quan niệm triết học và văn học của tôi đã phát triển trong những năm gần đây. Cuốn tự truyện của tâm linh đã được tôi viết ra trong quá khứ, và những người khác kể lại lời tôi nói. Hiện tại tôi đang thay đổi cách viết về những trải nghiệm đời sống, là linh hồn và xác thịt hòa nhập trong một cuốn tự truyện.

PV: Trong các tác phẩm đầu tay của bà, như Phố Hoàng Nê, Ngôi nhà nhỏ trên núi… bà đã rất chú ý đến các kĩ thuật viết của chủ nghĩa hiện đại, đồng thời cũng phản tư lại những vấn đề của hiện thực xã hội. Theo bà, hiện nay, tác phẩm văn học nên phản ánh hiện thực như thế nào?

Nhà văn Tàn Tuyết: Về cơ bản, tác phẩm của tôi không phải là phản ánh hay phản tư lại hiện thực. Ngay cả khi sử dụng những tài liệu của hiện thực, thì nó vẫn mang một công dụng khác. Tôi cho rằng nhiệm vụ của tiểu thuyết thực nghiệm không phải là phản ánh hiện thực, mà là từng bước kiến tạo một vương quốc của sinh mệnh cá nhân cho tới số phận toàn nhân loại, khai thác và phát triển một vùng trời đất mới. Quan điểm của phản ánh luận thực ra đã lỗi thời rồi.

PV: Là một nhà văn nữ, bà nhìn nhận thế nào về phong cách tự sự mang dấu ấn tính nữ của mình? Giới tính có phải là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sáng tác của bà không?

Nhà văn Tàn Tuyết: Đặc trưng tính nữ đương nhiên là quan trọng, bởi từ đó tôi có thể phát huy được điểm mạnh của mình một cách chính xác. Nhưng trước tiên, tôi là một cá nhân.

PV: Bà đã nhận được sự chú ý rộng rãi của dư luận cho giải Nobel Văn học. Theo bà, tại sao người Trung Quốc lại quan tâm đến giải thưởng Nobel như vậy?

Nhà văn Tàn Tuyết: Có lẽ là do tâm lí đối nghịch với vị thế của giải thưởng trong nước chăng. Những giải thưởng trong nước đã khiến độc giả quá thất vọng.

PV: Bà có cho rằng văn học đương đại trong nước đã đạt tới đẳng cấp quốc tế?

Nhà văn Tàn Tuyết: Nếu khoảng thời gian anh nói đến là một khoảng thời gian rất ngắn ở thì hiện tại, cũng có thể xem như nó đã đạt được rồi vậy. Nhưng nếu xét trong một thời gian tương đối dài và mang tính kinh điển, thì nó hãy còn thua xa. Thực sự không có gì tốt vào lúc này, kể cả dân tộc chúng ta.

PV: Trong thời đại Internet, người chú ý đến văn học thuần túy dường như càng ngày càng ít. Đó có phải là một xu thế phát triển không, hay là văn học không đáp ứng đủ nhu cầu đọc của giới trẻ?

Nhà văn Tàn Tuyết: Có lí do ở cả hai bên. Người trẻ ngày nay càng ngày càng lười, phàm những việc gì vừa mệt óc vừa không ngay lập tức mang lại lợi nhuận thì họ không muốn làm. Hiện trạng văn học trong nước cũng khiến người ta thất vọng, các nhà văn bị quan chức hóa, thị trường hóa là phổ biến.

PV: Ngày nay, sáng tạo văn học có xu hướng suy thoái, bà nghĩ như thế nào về tình trạng bị “ngoại biên hóa” của văn học thuần túy?

Nhà văn Tàn Tuyết: Việc văn học thuần túy bị “ngoại biên hóa” là một điều tốt, nó khiến những nhà văn chân chính được tĩnh lặng, đào sâu vào sự khám phá và kiếm tìm.

PV: Bà có lời khuyên nào dành cho những tác giả trẻ, những người say mê văn chương, đặc biệt là những nhà văn sau thập niên 90?

Nhà văn Tàn Tuyết: Tôi hi vọng họ đọc nhiều hơn những tác phẩm kinh điển và thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.

PV: So với những năm 80-90 của thế kỉ trước, đời sống xã hội đương đại phức tạp và đa dạng hơn, tại sao sáng tác văn học, ngược lại, khiến người đọc cảm thấy không đủ “phong phú”?

Nhà văn Tàn Tuyết: Bởi vì những người trong giới văn chương muốn mặc chung một bộ đồng phục, điều này có thể giúp họ kiếm được nhiều lợi ích. Việc cự tuyệt những ý kiến bất đồng tạo ra một cục diện trong đó nhiều tác phẩm trở nên giống nhau.

PV: Văn học mạng có tạo nên sự xung đột với sáng tạo văn học hay không? Nó làm hạ thấp trình độ đọc của độc giả, hay làm phong phú hơn nội dung đọc?

Nhà văn Tàn Tuyết: Xét về đặc điểm kĩ thuật, văn học mạng về cơ bản được xếp vào văn học thông tục. Văn học thông tục có nhu cầu riêng, vì thế văn học mạng làm phong phú thêm sự đọc của đại chúng.

PV: Theo bà, sứ mệnh của nhà văn là gì? Làm thế nào để hoàn thành được sứ mệnh đó?

Nhà văn Tàn Tuyết: Nhà văn giống nhà khoa học hoặc nhà triết học, sứ mệnh của họ đều là làm phong phú và phát triển nhân tính, thúc đẩy sự đổi thay và tiến bộ xã hội. Nhưng công việc của họ không có tác dụng trực tiếp tới xã hội, vì thế nếu là một nhà văn, chỉ cần làm tốt công việc của mình là được rồi.

PV: Theo bà, các tiêu chí để đánh giá sự thành công của tác phẩm là gì? Một nhà văn phải chăng nên nghĩ tới nhu cầu của độc giả hoặc thị trường?

Nhà văn Tàn Tuyết: Để đánh giá sự thành công của một tác phẩm, thì cộng hưởng của người đọc đương nhiên là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng rất phức tạp. Không có người đọc, hoặc không có người đọc tương lai, thì tác phẩm đó sẽ thất bại. Nhưng loại tác phẩm chào đón những tư tưởng tình cảm lạc hậu của độc giả, mặc dù có nhiều người đọc, vẫn không thực sự thành công. Những tác phẩm mà xét ở thời điểm hiện tại, mặc dù không có nhiều độc giả, nhưng có trình độ văn học cao, có độc giả tiềm năng càng ngày càng lớn, thì có thể xem là một tác phẩm thành công.

THÚY HẠNH theo Thanh niên Trung Quốc (bài đăng ngày 13/1/2020).

Nguồn VNQD

Có thể bạn quan tâm