April 17, 2024, 12:05 am

VĂN HỌC THẾ GIỚI VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM – NHẬN VÀ CHO

            Còn nhớ, trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam, trong phần giới thiệu về nhà thơ Anh Thơ, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết một câu: “trong tình thế nước ta bây giờ một người thiếu niên muốn có một nền học vấn vừa vừa mà không cần đến tiếng Pháp quả là một điều thiên nan vạn nan”. Trong một đoạn khác các ông còn phân bua là bạn đọc của cuốn sách có thể có cảm giác là mỗi nhà thơ Việt Nam lại gánh trên vai một nhà thơ Pháp hay đại loại như thế… Các tác giả phân bua là không hẳn thế, nhưng cảm giác đó của người đọc là có thật, và nó cũng là sự thật. Bởi vì, tôi và nhiều người có thể cũng nghĩ rằng, nếu không có sự tiếp nhận nền văn học nói chung và thơ nói riêng từ nước Pháp (và phương Tây nữa) thì rất có thể chúng ta đã không có nền Thơ Mời phát triển rực rỡ như thế, và nếu có thì có thể nó sẽ khác hẳn và khó lòng có được cái diện mạo mới mẻ như nó đã đạt đến.

          Cái mới mà thơ Pháp tác động vào Thơ Mới của chúng ta thoạt đầu có khiến ta ngỡ ngàng và có nơi có lúc bị các nhà thơ và người yêu thơ truyền thống từ ngàn đời nay phản ứng lại, nhưng chỉ một thời gian ngắn, nó đã được đại đa số người yêu thơ Việt Nam, nhất là các bạn trẻ và những người có học đón nhận, thậm chí đón nhận nồng nhiệt. Trường hợp nhà thơ Xuân Diệu là một ví dụ điển hình. Từ chỗ nhiều người dị ứng với thứ ngôn ngữ quá “Tây” của nhà thơ, dần dà công chúng đã chấp nhận và yêu thơ ông hết lòng và ông đã thành thi sĩ của tuổi trẻ và tình yêu, một “Ông Hoàng của thơ tình” như ta thường nói.

            Tôi đã mở đầu bài viết với chủ đề về sự “nhận và cho” qua lại giữa nền văn học thế giới và văn học Việt Nam bằng một trường hợp có lẽ là nhãn tiền và ngay trong thời hiện đại.

            Nhưng, lùi lại suốt chiều dài lịch sử, chúng ta sẽ không khó khăn gì để nhận thấy nền văn học nước ta đã tiếp thu rộng rãi và sâu sắc từ các nền văn học và văn minh thế giới như thế nào.

            Điển hình số một, đó chính là từ nền văn học và văn hóa Trung Quốc.

            Về chủ đề này thì đúng là “nói bao nhiêu cũng còn chưa đủ, nói mãi mãi vẫn là chưa hết” như chữ dùng của nhà thơ Xuân Diệu.

            Về văn xuôi, một thể loại không phát triển lắm của văn học Việt Nam cổ, cận đại, nhưng cũng không khó tìm ra dấu vết của những danh tác Trung Quốc trong văn xuôi Việt Nam, tiêu biểu là cuốn Hoàng Lê nhất thống chí và một vài tác phẩm khác.

            Nhưng điển hình nhất là trong thơ. Ngoài thể thơ lục bát truyền thống thuần túy Việt Nam và một vài hình thức thơ như đồng dao hoặc lời các làn điệu dân ca hoàn toàn có tính dân tộc thì dòng thơ chính kéo dài và ngự trị suốt hàng ngàn năm trên đất này chính là thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt. Từ những bài thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ xướng họa, đến những bài thơ ái quốc hào hùng , từ thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thơ chữ Việt của Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan,  đến thơ thần của Lý Thường Kiệt đều sử dụng hình thức thơ nói trên. Đến cả tập Ngục trung nhật ký của Bác Hồ cũng vậy.

            Như vậy, thể loại thơ Đường luật du nhập từ Trung Quốc đã được các nhà thơ Việt Nam dùng để chuyển tải những suy nghĩ và cảm xúc hoàn toàn của người Việt chúng ta. Trước hết và lâu dài nhất là thể thơ đó được sử dụng nguyên dạng cấu trúc và niêm luật như nó vốn có. Nhưng khi du nhập vào nước ta, nó được các nhà thơ của chúng ta Việt hóa nó đi một cách rất hiệu quả. Không chỉ vì chúng ta làm thơ Đường luật bằng chữ nôm, bằng tiếng Việt đã đành, mà nó còn được dùng làm cấu trúc cơ bản để tạo ra những thể thơ mới.

            Vâng, đúng như thế. Chẳng hạn thứ thơ mà hầu hết chúng ta sử dụng từ thời Thơ Mới đến nay là những bài thơ dài, hoàn toàn không phải là bát cú và mỗi câu cũng không nhất thiết chỉ có bảy chữ… mà có thể là hàng mấy chục câu, mỗi câu có thể đến bảy, tám, chín chữ cũng có. Nhưng hình hài của nó, vần điệu và niêm luật của nó thì thực chất là những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt nối nhau kéo dài mà thôi. Các bạn có thể tìm ra vô số ví dụ cho điều nhận xét này.

            Chính nhờ tiếp thu từ nguồn văn học và văn hóa Trung Quốc mà chúng ta tiếp nhận được nguồn tư tưởng vô cùng quan trọng từ Ấn Độ, đó là Phật giáo, với những phương thức truyền đạo thực chất cũng là những bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ. Từ đó ở nước ta phát sinh cả một dòng thơ mang thiền vị của các bậc cao tăng mà đứng đầu là nhà vua và cũng là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Dòng thơ thiền này thực chất đã chi phối vào trong sâu thẳm tâm hồn người Việt chúng ta.

            Khuôn khổ bài báo có hạn, tôi phải chuyển ngay sang thời đương đại, tức là thế hệ đàn anh của chúng tôi và chính chúng tôi. Thời kỳ này, chắc mọi người đều biết, đó là sự ảnh hưởng sâu rộng của văn học Nga và Liên Xô trước đây. Về văn xuôi thì những tác phẩm như của L.Tonxtoi, Ph.Đoxtoiepxki, M.Gorki, K.Pauxtopxki, Tr.Aitmatop..., về thơ thì như A.Puskin, M.Lermontop, X.Exenhin… Và gần hơn thì như E.Eptusenco, A.Voznhexnxki, Onga Becgon… Những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ này được chuyển ngữ thành công sang tiếng Việt đã giúp rất nhiều cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong công việc sáng tạo và hiện đại hóa tác phẩm của mình.

            Tôi sẽ không thể bỏ qua những tên tuổi khác của văn học thế giới đã du nhập và ảnh hưởng lớn vào Việt Nam như E.Hemingue, F.Lorca, G.Market, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao v.v và v.v…. cho đến những nhà văn nhà thơ của những trường phái hiện đại và hậu hiện đại hiện đang tác động rất mạnh lên các bạn nhà văn, nhà thơ trẻ của chúng ta hôm nay….

            Tóm lại, về phương diện “nhận” của văn học thế giới thì là một câu chuyện dài bất tận, nói bao nhiêu cũng còn chưa đủ.

*

            Còn về phương diện nền văn học chúng ta đã “cho” thế giới được những gì thì rõ ràng chúng ta phải thừa nhận là khiêm tốn hơn. Điều đó rất dễ hiểu và không có gì phải áy náy.

            Tôi còn nhớ cách đây đã lâu lắm rồi, trong một cuộc họp ở báo Văn Nghệ, nhà thơ Xuân Diệu có nói đại ý: nhà thơ lớn Tố Hữu của chúng ta cũng rất biết mình biết người, ông ấy từng nói với nhà thơ Xuân Diệu rằng “ở nước ngoài họ chẳng biết chúng ta là ai đâu”…  Hình như  Xuân Diệu nói chuyện này sau khi ông đi dự một cuộc hội thảo thế giới về thơ về. Lần ấy ông có kể cho tôi nghe là ông đã biểu dương thơ chống Mỹ của chúng ta và được bạn bè rất quý trọng.

Ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của Bác Hồ được nhiều bạn đọc trên thế giới biết đến, thú thực tôi ít có dịp được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ nước ngoài để  cảm nhận các bạn bè thế giới đã tiếp thu gì từ văn học Việt Nam. Chỉ có lần thứ nhất là vào tháng 10 năm 1994, trong một cuộc Hội thảo kiêm du lịch trên biển, gồm khoảng 300 nhà văn, nhà thơ sống quanh ba biển là Ban tich, Biển E gie và Biển Hắc Hải, chúng tôi đi trên một chiếc tàu thủy từ Hy Lạp qua Izmir, Istanbun của Thổ Nhĩ Kỳ, Odexa của Ukraina, Konxtanta của Rumania và Varna của Bungaria, thì trong các cuộc hội thảo và trò chuyện bên lề, chúng tôi nhận thấy các bạn quốc tế thực sự tỏ lòng tôn trong cuộc chiến đấu của dân tộc ta và cuộc chiến đấu đó được thể hiện trong tác phẩm văn học Việt Nam mà lúc ấy là cuốn tiểu thuyết đang nổi như cồn “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh mà nhiều bạn quốc tế đã đọc và rất khen ngợi nhờ nó đã được dịch sang tiếng Anh.

            Lần thứ hai, gần đây nhất, là đầu tháng 4/2017, tôi được tham dự cuộc Hội thảo đặc biệt do các nhà thơ Nhật Bản tổ chức tại Tokyo, cuộc Hội thảo này chỉ giành riêng cho thơ Việt Nam và tôi là khách mời duy nhất và cũng là người đọc tham luận duy nhất. Tôi đã nói về nền thơ Việt Nam của chúng ta mà các bạn tỏ ra rất ngưỡng mộ, trong đó có nhiều nhà thơ Nhật Bản còn từng tham dự các Festival và Ngày Thơ của chúng ta, các bạn đã thích thú và dịch một số tác phẩm thơ của ta sang tiếng Nhật. Đặc biệt với Ngày Thơ Việt Nam thì các bạn Nhật rất nể trọng và các bạn đã thực sự công nhận đất nước chúng ta là một “Thi quốc” đúng nghĩa.

            Một số nhà thơ của chúng ta đã được nhận các giải thưởng danh giá của Thụy Điển như Ý Nhi, Mai Văn Phấn. Và tôi biết nhiều nhà thơ, nhà văn của chúng  ta đã có sách in song ngữ phổ biến rộng rãi trên thế giới như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương v.v….

            Vâng, với bạn bè quốc thế, hình ảnh đất nước ta đã được biết đến và tôn vinh qua các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới đang rất thành công, thì với văn học, bạn bè  thế giới cũng đã bắt đầu chú ý và đang đón đợi những thành tựu của chúng ta.

            Tôi tin rằng, với sự hội nhập nhanh chóng và hiệu quả như hiện nay, ngày mà nền văn học của chúng ta đến được với bạn bè thế giới một cách ngang tầm sẽ không còn xa nữa, nói vui một tý, thì cũng như nền bóng đá của chúng ta hiện nay, sau bao năm lận đận ở cái ao làng Đông Nam Á, ngày nay chúng ta đã vươn lên đứng ngang tầm với các nền bóng đá hàng đầu của châu lục và nhất định sẽ bước vào sân chơi thế giới trong một ngày không xa.

            Tôi tin như vậy và hy vọng các bạn cũng tin như vậy.

 

Nguồn Văn nghệ số 7/2019


Có thể bạn quan tâm