March 29, 2024, 3:40 am

Văn học sinh thái là thử thách với người viết và thú vị với người đọc

 

 Sự mới mẻ của đề tài môi trường sinh thái (MTST) đang thách thức khát khao sáng tạo, dấn thân của người viết và khả năng tiếp nhận của người đọc. Cần thêm thời gian để dòng văn học này xây đắp thành tựu trong dòng chảy văn học Việt Nam, đạt được mục đích cao nhất là lan tỏa ý thức sinh thái trong cộng đồng.

Từ bản năng đến ý thức sinh thái

Sáng tác văn chương là một quá trình, trong đó điểm khởi đầu của mỗi người viết là do bản năng sáng tạo dẫn dắt. Lớn lên trong cảnh làng quê tươi đẹp, vậy là những trang văn đầu đời của chúng tôi viết về dòng sông, đồng làng, những con vật hiền lành quanh mình... Bản năng sáng tạo không dẫn chúng tôi đến văn chương sinh thái bởi lúc đó chúng tôi không có ý thức về vấn đề sinh thái ảnh hưởng đến đời sống, thân phận con người. Những trang văn đầu đời chỉ đơn giản là miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên vốn có. Phải khi lớn lên, đọc nhiều, tìm hiểu nhiều về văn chương, chúng tôi mới nhận ra nhà văn nào mà chẳng viết về cảnh quan, con người, các vấn đề xã hội nơi mình sinh ra và lớn lên. Không cứ quê bạn giàu đẹp, bạn mới viết hay! Một cây bút sống ở vùng đô thị hóa, hằng ngày nhìn thấy sự biến đổi môi trường, biết đâu lại có ý thức sinh thái một cách bản năng sớm hơn chúng tôi? Rõ ràng, ý thức sinh thái không thể tự dưng mà có, nếu chỉ viết về thiên nhiên, cùng lắm chỉ là cây bút yêu thiên nhiên chứ không phải là nhà văn có ý thức sinh thái. Cho nên, ý thức sinh thái có được là do nhà văn tự nhận thức, suy tư lâu dài trên nền tảng kiến thức, vốn sống, nhất là thực trạng sinh thái tác động lên nhân sinh quan, thế giới quan.

Sáng tác văn chương là một lĩnh vực vừa đòi hỏi bản năng sáng tạo ở những yếu tố như sự nhạy cảm, khả năng quan sát, sức tưởng tượng… Mặt khác, quan trọng không kém là người viết cần bồi đắp tri thức, rèn luyện lý trí, phương pháp làm việc… trong đó tối quan trọng là phải có hiểu biết toàn diện về khoa học văn học. Với một nhà văn, dù viết về đề tài nào, nếu không chú ý đổi mới vấn đề hình thức, kỹ thuật mà cứ “ăn sẵn” bản năng sẽ rơi vào tình trạng lặp lại chính mình, không thể nâng tầm thể loại và chất lượng tác phẩm. Nếu viết tản văn, truyện ngắn có thể bản năng sẽ giúp cây bút có những tác phẩm ưng ý. Nhưng với tiểu thuyết, làm sao bản năng có thể dẫn dắt cây bút sáng tạo và lựa chọn cấu trúc, giọng điệu, ngôn ngữ, chủ đề, tư tưởng… để rồi hòa quyện trong vài trăm trang? Với chúng tôi, học ở trường lớp, trao đổi bạn bè và tự thể nghiệm đã giúp chúng tôi sáng tác được tiểu thuyết. Một trong những tiểu thuyết được xuất bản sớm là “Đường dài của hạnh phúc” (NXB Công an nhân dân, 2008). Tác phẩm này tuy viết nhiều về thiên nhiên nhưng thực sự chưa có ý thức sinh thái bởi thiên nhiên mới chỉ là bối cảnh câu chuyện, chưa phải là chủ đề chính.

Bước ngoặt khiến chúng tôi có ý thức sinh thái là khi công tác tại ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, được giao viết phóng sự. Cơ may từ những chuyến đi giúp bản thân hình thành một niềm hào hứng, thậm chí say mê róng riết viết về thiên nhiên, con người. Chúng tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống cư dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Một nguyên nhân có yếu tố do tác động của con người. Đó là một hiện thực. Hiện thực nóng bỏng và có tác động không chỉ với một cây bút phóng sự, mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng của người sáng tác văn chương trẻ. Từ cách sáng tạo bản năng, khai thác những đề tài thân thuộc, chúng tôi hình thành một ý thức sinh thái, với một mức độ nhận thức tự giác đối với tự nhiên. Từ ý thức đó, chúng tôi thường xuyên trăn trở về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của bản thân, cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Viết về MTST là điều hết sức cần thiết bởi văn chương có khả năng hòa giải phần nào mâu thuẫn trực tiếp giữa con người và thiên nhiên, xét ở khía cạnh con người đang khai thác thái quá, hủy hoại MTST.

Những chuyến đi càng củng cố chất liệu cho những sáng tác, tăng vốn sống. Chúng tôi không trốn tránh hiện thực, luôn ao ước sáng tạo về những vấn đề con người quan tâm nhất, bức bối nhất bằng sự nhạy cảm của một người yêu thiên nhiên và luôn biết lắng nghe. Lắng nghe cuộc sống, lắng nghe sự quằn quại của các dòng sông ô nhiễm, những cánh rừng bị tàn phá, nhiều quả đồi bị cạo trọc đang kêu cứu… Đó là những vết thương tự nhiên mà chính con người là thủ phạm gây nên, song con người cũng là nạn nhân. Hai tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng” (NXB Hà Nội, 2017) và “Linh điểu” (NXB Dân trí, 2020) là minh chứng cụ thể cho những vết thương của con người khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành động do mình gây ra. Trong hai tác phẩm này, chúng tôi đề cao sự cộng sinh giữa con người và tự nhiên với một thông điệp rất rõ ràng rằng: Thiên nhiên cần con người đáp lại bằng sự cộng sinh, những hành động cụ thể, tạo mối quan hệ bền vững cho sự cộng sinh ấy. Bởi chỉ có chung sống hài hòa với tự nhiên, con người mới từ bỏ bớt sự ích kỷ, đua chen, hằn học để chinh phục sự cao thượng, nhân văn.

Viết văn là hành trình khám phá bản thân, khám phá môi sinh

Không phải cứ viết về vấn đề môi trường tự nhiên thì sẽ cho ra văn chương sinh thái. Chẳng phải cứ thốt lên: “Tôi yêu môi trường” thì trở thành người yêu môi trường. Văn chương cũng không cần những lời hô khẩu hiệu. Và văn chương không phải là bê nguyên xi đời sống vào trang sách. Văn chương sinh thái cần sự chưng cất những chất men đời và những đúc rút sinh động để con người thấy mình cần thiên nhiên hơn. Từ đó thấy trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm được khởi sinh từ thực tế và những suy tư có ý thức. Ở tầm cao hơn, văn chương sinh thái không đi mô tả về môi trường, mà qua trực quan, ngôn ngữ của người viết sẽ cảm nghiệm và lý giải về môi trường bằng một ý thức được nâng lên ở tầm triết học. Cụ thể, người viết phải chỉ ra những nguy cơ sinh thái tự nhiên và những nguy cơ sinh thái về tinh thần trong xã hội tiêu dùng hiện đại. Nguy cơ sinh thái tinh thần bao giờ cũng khủng khiếp hơn nguy cơ sinh

Đề tài MTST còn khá mới mẻ trong văn chương Việt Nam. Người viết cũng như người đọc đa phần chưa thực sự hiểu xu hướng, đặc trưng, ý nghĩa của dòng văn học này. Thách thức của người viết là phải có những trang văn lay động người đọc về vấn đề sinh thái, nhất là không phải ai đều đã có ý thức về vấn đề sinh thái đang xuống cấp. Người viết văn cần phải khéo léo đưa vấn đề thay đổi MTST vào tác phẩm, biến thành nỗi trăn trở của bạn đọc một cách tự nhiên. Đặc biệt, văn chương sinh thái cần giúp con người không chỉ thêm yêu thiên nhiên mà biết sống chậm lại, để xây dựng một sinh quyển nhân văn, thay đổi hành vi để bảo vệ MTST.

Dù ở đề tài nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tác phẩm phải hay, gây xúc động, có sự lay động, thấy cái bi để yêu cái hùng, thấy cái xấu để ước mơ về cái đẹp. Mục đích của văn chương sinh thái là phơi bày những vết thương của môi sinh để con ngươi có ý thức cộng sinh với môi trường và ao ước chữa lành bằng hành động và thái độ nhân nghĩa. Người viết phải đọc thêm sách vở, những vấn đề liên quan đến sinh thái. Đó là một thách thức không nhỏ mà bất cứ người viết chân chính nào cũng phải vượt qua. Trong tiểu thuyết “Linh điểu”, chúng tôi phải tìm hiểu về tập tính của chim chóc, tiếng hót các loài chim, lông vũ và môi trường sống của nhiều loài khác để trong quá trình viết được chính xác, tránh có “sạn”, ảnh hưởng đến bạn đọc.

Một tác phẩm được đánh giá cao là khi kể câu chuyện sinh thái không sa vào minh họa mà mang tầm khái quát. Đó không chỉ là kể một câu chuyện mà qua câu chuyện ấy, những lớp nghĩa đan cài được người viết gửi gắm bằng những chi tiết đắt, có tính biểu tượng. Điều này là một thách thức đối với người mới viết. Song nếu có ý thức dấn thân, chịu khó thử nghiệm trên nền tảng tri thức, có sự cộng sinh thật sự với thiên nhiên thì sẽ xóa dần khiếm khuyết này, để câu chữ chắc chắn, giàu sức gợi, sức liên tưởng.

Với tư cách là một nhà văn trẻ quan tâm đến môi trường, chúng tôi được mời tham dự Diễn đàn nhân văn Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Từ diễn đàn này, chúng tôi nhận ra các nhà văn thế giới đã tích cực quan tâm đến chủ đề sinh thái từ lâu và thấy đó là những tác phẩm có sức nặng, nhưng chưa được dịch nhiều và giới thiệu tại Việt Nam. Từ quan sát thành tựu văn học sinh thái thế giới, chúng tôi nhận thấy đã đi đúng đường hướng sáng tạo. Một số nước trên thế giới quan tâm đến văn học sinh thái, và người dân của họ đã bảo vệ môi trường rất tốt. Tại sao chúng ta không dùng văn học là một trong những công cụ để thay đổi ý thức trong đối xử với thiên nhiên? Khi văn chương quan tâm và coi môi trường là một sinh thể đặc biệt, có đời sống, linh hồn và bình đẳng, hẳn sẽ có cách ứng xử văn minh và thân thiện hơn. Con người vốn coi môi sinh là đối tượng phải phục tùng mình, mà chưa có chiều ngược lại, nhưng thực tế cũng đã xuất hiện những lối sống xanh, tối giản, bền vững. Văn chương cần cất tiếng nói về điều đó. Văn chương cần đặt lên vai của mình một chức phận, là song hành chung sống bền vững.

Chúng tôi mơ ước văn chương sinh thái Việt Nam cần được quan tâm để tiệm cận dần với văn chương sinh thái thế giới, ở một khía cạnh nào đó. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, cổ vũ những người cầm bút đề cao văn chương sinh thái là điểm đến chứ không chỉ là một chốn dừng chân mang tính thử nghiệm. Đã đến lúc cần dấn thân để cho ra đời những tác phẩm chất lượng, có tầm khái quát cao. Những sáng tác của chúng tôi mới chỉ là mở đầu và hy vọng sẽ có nhiều tác giả bước vào địa hạt này, vượt qua trở ngại, tạo thành một xu hướng văn chương mới trên văn đàn Việt Nam.

Nhà văn NGUYỄN VĂN HỌC

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm