April 25, 2024, 4:41 pm

VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT trong xây dựng con người và xã hội Việt Nam hiện nay

Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhưng khi nói đến những vấn đề tồn tại, ông cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức , lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên...”

 

Tiết mục văn nghệ “Em là mầm non của Đảng” do tốp thiếu nhi  Trung tâm văn hóa quận Ba Đình biểu diễn. Ảnh Internet

Thực tế, những năm qua, cho chúng ta thấy một nghịch lý, là số cán bộ, đảng viên vi phạm ấy, đều là người có quyền, có chức, nhiều người có quyền chức rất cao. Một số người phạm tội rồi, mà do chưa xử lý kịp thời, nên vẫn được nâng lên những chức vụ cao hơn. Điều này xảy ra, không chỉ riêng ở nước ta. Ở nước láng giềng Trung Quốc, cùng thể chế chính trị tương tự, mấy chục năm qua, thường xuyên có rất nhiều quan chức cao cấp bị “song khai” (Khai trừ Đảng và công chức), một số tội nặng đến tử hình. Mới nhất, ngày 5/11/2021,Viện kiểm soát tối cao Trung Quốc quyết định bắt giữ Tôn Lập Quân, cựu thứ trưởng Bộ Công An Trung quốc. Trước đó, ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc ra thông báo với vi phạm cụ thể: “… Để có được vốn liếng chính trị và đạt được các mục tiêu chính trị cá nhân, Tôn Lực Quân đã không từ thủ đoạn, thao túng quyền lực, kéo bè kết phái trong đảng, vun đắp quyền lực cá nhân, hình thành nhóm lợi ích, thậm chí chiếm giữ, cất giấu riêng tư số lượng lớn tài liệu bí mật; sử dụng các phương pháp điều tra của công an để chống lại công tác thẩm tra của tổ chức”. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an được coi là trẻ nhất này còn: “Ra sức bán chức, cài cắm thân tín, phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái chính trị của hệ thống chính pháp công an, có lối sống sa đọa, trụy lạc...” (Báo Tiền phong ngày 7/11/2021). Những tội trạng đó diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều cấp, mà nhân vật này vẫn vượt qua nhiều sự kiểm soát, tiến thân rất nhanh trong một thể chế chính trị chặt chẽ khá lý tưởng, nói lên sự nguy hiểm khi lựa chọn những cá nhân không đạt chuẩn cơ bản. Có rất nhiều cơ hội, cám dỗ, hoàn cảnh để một cá nhân ưu tú khi được cơ cấu vào hệ thống công quyền thay hình, đổi sắc để mưu lợi riêng. Mà đó là hiện tượng quốc tế…

Nhìn từ phương diện văn hóa, người Việt xưa, trong hệ văn hóa phương Đông, coi trọng nhân cách và phẩm chất con người. Người làm quan lại càng được coi là những mẫu mực. Những tiêu chí liêm khiết, cần kiệm liêm chính - chí công vô tư, được nhiều đời lấy làm chuẩn. Gần đây, nhiều người nhắc lại bài Tứ tôn châm Cụ Nguyễn Khắc Niêm dâng lên Vua Thành Thái năm 1907, sau khi đỗ Hoàng Giáp, như một kế dựng nước: Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy (Trần Đại Vinh dịch nghĩa: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bỗng lộc, tất đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng xiểm nịnh, ắt đại suy vong). Ý rất rõ là cảnh cáo những kẻ quá ham vật chất và thích xiểm nịnh.

Bước sang thế kỷ XXI. Kinh tế nước ta phát triển với tốc độ nhanh. Bộ mặt đất nước, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi cũng như miền ngược đã thay đôi rất nhiều. Thu nhập bình quân được nâng cao. Điều kiện sống được cải thiện. Nhưng quan hệ xã hội có những thay đổi ngoài ý muốn. Bước vào thời kỳ phát triển mới, xã hội thiếu những tiêu chí, chuẩn mực, quy chế ứng xử trong cộng đồng, và của từng đối tượng phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống, mà vẫn theo kịp những di biến hiện đại. Đất nước mở rộng giao lưu, bước vào thời kinh tế thị trường, sự phân biệt giàu nghèo, phân chia đẳng cấp được khôi phục. Quyền lợi vật chất và tiền bạc được công khai coi trọng. Hệ thống hành chính ngày càng nhiều quy định chế độ hưởng thụ ngoài lương gắn với các đặc quyền phụ thuộc cấp bậc, chức vụ, học hàm, học vị, ngôi thứ cũng tạo nên tâm lý cạnh tranh để có mức hưởng thụ ngày càng cao. Trong tiểu thuyết O, Mari của Robert Enghibarian (Nxb Văn học 2016), viết về xã hội Xô viết những năm cuối tồn tại, nêu khá rõ một nghịch lý, là nhiều những người vốn tử tế, trong sáng, phấn đấu để được vào làm viên chức nhà nước, với nguyện vọng đẹp đẽ: Cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhưng khi bước vào, ai cũng chỉ có một đồng lương không đủ sống. Vậy là bao nhiêu tâm sức dồn cho việc xoay xở, đẽo gọt, bớt xén thì giờ, của cải để có thêm thu nhập. Biết bóc xén của nhau là tàn nhẫn, thiếu lương tâm, nhưng không làm thế, thì không đủ sống. Ai không cam tâm làm những việc mờ ám đó thì sớm muộn phải bật ra khỏi hệ thống. Sự tha hóa nằm ở hệ thống chứ không chỉ một vài cá nhân… Tất nhiên, hoàn cảnh xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Nhưng đó vẫn là một nguy cơ nên biết để tránh.

Nước ta vừa Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 24/11/1946. 75 năm đã trôi qua, đặc biệt là từ ngày Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường, dù có định hướng Xã hội chủ nghĩa, nhưng mặt kinh tế vẫn được tập trung chú trọng, mà thế là tất nhiên, nhưng mặt trận văn hóa không được chú ý đúng mức, dù trên văn bản nghị quyết, vẫn công nhận Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Hậu quả của sự mất cân đối, thì hiện ai cũng thấy. Nhưng tìm tới tận nguồn và chỉ ra cách khắc phục thật không dễ. Một trong nhiều biện pháp trực tiếp, tôi muốn lưu ý đến lỗ hổng trong hệ thống đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước các cấp.

Mấy chục năm qua, Giáo dục là lĩnh vực luôn nằm trong vùng dịch chuyển liên tục. Từ đào tạo kiến thức lý thuyết sách vở, chuyển sang đào tạo kỹ năng nghiệp vụ khoa học kỹ thuật. Đến mức, các môn Khoa học xã hội ở trường phổ thông bị xem nhẹ. Có mấy Khoa Văn ở trường Đại học bị giải thể, ghép vào các khoa xã hội khác, bởi môn Văn bị coi là cũng chỉ trang bị kiến thức như mọi môn học khác, mà không thấy rằng, cùng với các môn khoa học xã hội, nó còn có sứ mệnh Dạy làm người. Trong quá khứ gần thôi, khi dân ta 90% thất học, văn học dân gian, ca dao, tục ngữ là kho tàng vô giá dạy VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT trong xây dựng con người và xã hội Việt Nam hiện nay Ngô Thảo Mã hóa nội dung, tinh thần của Nghị quyết vào trong các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn là một kênh truyền thống để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. (Xem tiếp trang 4) 04 mỗi người về nhận thức xã hội, cách sống, lối sống. Những kiến thức này chắc chắn không có trong hành trang trí thức của những lớp cán bộ hiện nay. Nói chi đến kho tàng tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Những năm ở trong nhà trường các cấp, ngay cả đại học cũng không được tiếp cận có hệ thống kho tàng văn hóa, thì khi ra làm việc, lấy đâu ra thời gian, thói quen và khả năng tự học, tự nghiên cứu để mở rộng và tiếp cận các kiến thức mới. Các tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều thời, nhiều quốc gia là cuốn từ điển về con người và cuộc sống của nhân loại. Thiếu nó trong kiến thức vào đời là một khoảng trống lớn về tinh thần, tình cảm của một người bình thường, nói chi khi đó là những người lãnh đạo.

Quan sát cách sống, lối sống, cách sử dụng quỹ thời gian của các thế hệ cán bộ các cấp hiện nay, chúng ta nhận ra lỗ hổng về nền tảng văn hóa cơ bản là do quá trình đào tạo. Nhận thức của họ về vai trò văn hóa, và vị trí văn hóa trong xây dựng con người và đất nước đang có vấn đề. Không phải vô cớ, mà ngay buổi đầu cách mạng, Hồ Chủ tịch đã lưu ý văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Hơn 70 năm qua, những hiện tượng này vẫn tràn lan trong bộ máy cán bộ hiện tại. Tôi không biết từ ngày có chủ trương luân chuyển cán bộ, có kèm theo những quy chế cụ thể nào để hai phía đều có lợi: Người được luân chuyển để thử thách, thể hiện năng lực, sáng tạo, mở rộng quan hệ và khả năng công tác, làm đẹp lý lịch cá nhân. Nhưng có những yêu cầu gì để địa phương tiếp nhận thấy mình được cấp trên tăng cường trí tuệ, sức năng động mới mẻ, giúp khắc phục những yếu kém, tồn tại mà địa phương nào hầu như cũng có; để cán bộ và nhân dân mỗi địa phương khi tiếp nhận không cảm thấy mình bị biến thành nơi thực tập của mấy người sắp được đề bạt, họ chọn lối ứng xử nín thở qua sông, là xin cho hai chữ “An toan” khi hết hạn...

Tôi ao ước Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương có cuộc khảo sát xem trong Giáo trình giảng dạy của các Trường Đảng, Đoàn, trường Hành chính quốc gia, trường thuộc hệ thống Quân đội, Công an và các Bộ, các trường Đại học, người ta có giảng dạy về văn hóa - văn học - nghệ thuật không, những ai đang dạy, và dạy theo giáo trình nào? Vì chính đây là nơi đào tạo cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước. Khi đã có cương vị, thì họ phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt trong xã hội, chứ không chỉ bằng vào chuyên môn được đào tạo cơ bản. Chính đội ngũ cán bộ giảng dạy về văn hóa và văn học nghệ thuật trong các trường này, nếu có, nên là một đối tượng được Hội đồng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, và cập nhật kiến thức, để họ truyền đạt lại cho các lớp học viên trước khi ra làm những nhà lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối của Đảng cầm quyền.

Bộ mặt của một đất nước là văn hóa. Trong sự phát triển của thế giới tương lai, càng mở cửa, càng phải gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia. Đây là một thế mạnh của nước ta. Trải ngàn năm bị đô hộ, trăm năm bị các quốc gia có nền văn minh tiền tiến xâm lược, mà nền văn hóa giàu bản sắc của nước ta vẫn giữ được. Chính tiềm lực văn hóa đó đã từng được Đảng huy động thành sức mạnh vật chất để góp phần làm nên chiến thắng.

Ngày nay, Đảng có số lượng Đảng viên khoảng 5% dân số. Nhưng một khi đã xác định Nhà nước là của Dân, do Dân, vì Dân; Cán bộ là công bộc của Dân, thì mọi Nghị quyết của Đảng là pháp lệnh với Đảng viên, nhưng với nhân dân vẫn phải qua giáo dục, thuyết phục và vận động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trong quá trình ấy, mã hóa nội dung, tinh thần của Nghị quyết vào trong các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn là một kênh truyền thống. Hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa, sản phẩm văn hóa nước ngoài đang tràn ngập trên mọi kênh truyền thông. Sự phát triển lệch pha giữa các phương tiện kỹ thuật chuyển tải và khả năng sản xuất nội dung, đã biến hầu hết các kênh truyền hình của trung ương và địa phương thành nơi tung hoành chiếm lĩnh của các sản phẩm nước ngoài, kể cả kênh khoa giáo. Các chương trình giải trí tràn ngập cũng phần lớn mua Fomat của nước ngoài. Đang có một sự lãng phí rất lớn phương tiện truyền tải, nhân lực làm công tác vận hành, thời gian phát sóng, và thời gian của người xem những chương trình vô bổ, xa lạ với những định hướng tư tưởng cũng như đạo đức xã hội của Đảng. Các rạp chiếu phim cũng do các công ty nước ngoài chiếm tỉ lệ áp đảo. Là những tập đoàn đa quốc gia, có nguồn tài chính lớn, họ khống chế các phim nhập khẩu, ưu tiên phim nước họ, hạn chế và chèn ép phim nội địa bằng tỉ lệ ăn chia 40/60 thay vì 50/50 với phim nội, và 60/40 với phim ngoại do họ nhập. Những năm gần đây, số phim nội địa sản xuất hàng năm có tăng 30-40 phim/ năm (trước dịch Covid-19), nhưng chỉ khoảng 1/3 thu hồi được vốn, còn đa phần bị lỗ, nên khả năng phát triển là rất khó. Từ sau Đổi mới, hoạt động văn hóa được xã hội hóa, các công ty tư nhân và cá nhân trong điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, xuất bản và phát hánh sách… nở rộ. Chính bộ phận này đã có nhiều đóng góp làm phong phú đời sống văn hóa của cả nước. Nhưng như đã nói, do đội ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp quen chỉ quản lý về kinh tế; Trong kinh tế, có nhiều hàng rào và chính sách bảo vệ kinh tế nội địa, chẳng hạn thuế nhập khẩu ô tô là 200%…; Nhưng với văn hóa, văn nghệ thì chỉ chú ý nội dung tư tưởng, thiếu những người được đào tạo chuyên sâu về xây dựng và quản lý văn hóa văn nghệ, một lĩnh vực rộng lớn, phức tạp và luôn biến động, nên Nhà nước cho đến nay vẫn thiếu một chiến lược về đào tạo lực lượng sáng tạo đa ngành nghề, chọn định hướng phát triển từng loại hình,và những chính sách cụ thể để phát triển nền công nghiệp văn hóa trong một quốc gia đang công nghiệp hóa. Trong thời đại công nghệ số phát triển, làm thay đổi mọi phương thức sáng tạo, chuyển tải tới công chúng, rõ ràng nền văn hóa nước nhà đang rất lúng túng trong sự điều hành để đi đúng những yêu cầu về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng.

Nhìn lại sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, một trí thức nêu một nhận xét rất đáng cùng suy nghĩ: “Liệu rằng, không có sự tham gia của những chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, chúng ta có thể có một câu trả lời khả dĩ hợp lý, nếu nhìn vào thực trạng một thập niên qua, bao nhiêu lợi ích văn hóa được tạo ra từ sự phát triển của thành phố cho người dân không thuộc tầng lớp giàu có” (Ts. Nguyễn Thị Hậu - Báo Tuổi trẻ 14/11/2021).

Điều hành và phát triển đúng hướng, Văn hóa, công nghiệp văn hóa, dựa trên truyền thống lịch sử, kho tài nguyên văn hóa giàu bản sắc, nhiều dân tộc của Việt Nam, không chỉ có khả năng quảng bá hình ảnh đất nước, mà còn là một mũi nhọn về kinh tế trong tương lai, khi các tài nguyên thiên nhiên được tích lũy qua hàng triệu năm đang mau chóng cạn kiệt trước tốc độ khai thác bởi kỹ thuật hiện đại. Vấn đề nằm ở nhân tố CON NGƯỜI. 

Nguồn Văn nghệ số 7/2022


Có thể bạn quan tâm