April 19, 2024, 10:46 am

Văn học kỳ ảo từ những dụ ngôn…

Thật may mắn khi mở lòng mình đón nhận các tri thức bản địa từ một tác phẩm văn học. Và khi đó, bạn không tốn một xu để chạm vào một nền văn hóa mới, thấu cảm được những thông điệp truyền kỳ của người Romania cổ đại để lại qua những dụ ngôn, dã sử và thần thoại để lý giải những vấn đề của con người trong xã hội hiện đại. Quan trọng hơn cả, qua đó, ta thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Romania cùng nền văn hóa riêng có của họ” - đó là cảm nhận của tôi khi đọc đến những trang viết cuối cùng trong cuốn truyện Nỗi sợ của nữ nhà văn Romania Andrea H. Hedeș, được nhà văn Kiều Bích Hậu chuyển ngữ hết sức thành công và tràn đầy cảm xúc.  

Andrea H. Hedeș từng tốt nghiệp chuyên ngành Sử, Triết học và Nghiên cứu văn hóa tại hai trường Đại học danh tiếng của Romania, nên không quá ngạc nhiên khi bắt gặp trong tập truyện thuộc thể loại văn học kỳ ảo của chị vẻ đẹp lung linh của những huyền thoại trong đời sống văn hóa dân gian của người Romania qua nhiều thiên niên kỷ… Andrea H. Hedeș cũng sở hữu một khối tượng tác phẩm và giải thưởng khá ấn tượng như tập truyện Những cánh bướm (NXB Limes, 2008) - Giải thưởng tác giả mới do NXB Limes trao tặng; tập thơ Trái tim loạn nhịp (NXB NEUMA 2015) - Giải thưởng Andrei Mureșanu; tập thơ Giờ cao điểm (NXB NEUMA 2017) - Giải thưởng George Coșbuc; Tập phê bình văn học Bảy năm biên niên văn học (NXB NEUMA 2018); Tập truyện ngắn Nỗi sợ (NXB NEUMA 2019) - đoạt Giải thưởng của Tạp chí Văn học Luceafărul de Dimineață; Tiểu thuyết Cuộc gặp tình cờ trên phố (NXB NEUMA 2020)…

Trong Nỗi sợ, miền đất của huyền thoại và những câu truyện cổ tích của đất nước Romania trải rộng bao quanh dãy núi Carpat và ôm lấy con sông Đanuyp êm đềm. Tương tự như người Việt Nam, coi dãy Trường Sơn là cha, Hồng Hà là mẹ, kiến tạo nên một hình thế núi sông vững chãi mở ra phía biển, người Romania coi dãy núi Carpat là cha, sông Đanuyp là mẹ bao bọc, nuôi dưỡng con người trên ba vùng lãnh thổ của họ. Không gian văn hóa dân gian gắn liền với quá trình hoàn chỉnh dân tộc Romania thực sự đặc sắc và đa dạng phản ánh khá rõ nét tâm hồn dân tộc Romania cũng tạo nên một sự đồng cảm đáng kể để có thể tiếp nhận những thông điệp mà nhà văn Andrea H. Hedeș gửi gắm qua giọng văn nhuốm màu huyền tích của mình.

“Hồi đó, Thần Poseidon (vị thần cai quản biển cả, là người điều khiển các trận động đất), kẻ làm rung chuyển trái đất, nhưng đã không tàn sát Odysseus, mà chỉ khiến ông thành một kẻ lang thang không về được quê hương”. - Nỗi sợ đã khởi đầu bằng một câu văn trong Trường ca Odyssey của Homer. Để rồi mở ra cho người đọc một con đường được vạch nên bởi trí tưởng tượng và sự dẫn dụ của những câu chuyện vừa xa lạ, vừa gần gũi. Với trên 10 mẩu truyện xinh xắn, được kết cấu bằng giọng văn trần thuật không quá rối rắm đã truyền tải được những câu chuyện dụ ngôn từ kho báu sử thi và đồng thoại của nhiều nền văn minh Đông Âu và liên kết nó với cuộc sống hiện tại một cách đầy mê hoặc.

Với truyện Thiên thần Andrea H. Hedeș cho chúng ta những hình dung thật thú vị như “Hang rộng và tròn, nom như cái miệng, hoặc tử cung người mẹ mang thai” hay “Dưới ánh sáng của lửa họ tìm ra cách khởi đầu mọi sự được trôi chảy” và “Có vài thiên thần lặng lẽ với đôi cánh tuyệt diệu bay xa. Lặng lẽ và kỳ diệu”. Dường như được phóng tác từ câu chuyện Ngụ ngôn cái hang của Plato mà ở đó, con người là một bầy tù nhân bị trói buộc tại các hang động và đống lửa là hiện thân của mặt trời do những vị thần sáng tạo nên để đưa con người đến với những ý niệm mới về chân thiện mỹ và cuộc sống. Nhân vật Cô ấy, dẫu không được định danh nhưng với niềm tin và sở thích luôn muốn lắng nghe “câu chuyện về các thiên thần” đã thực sự được những đấng siêu nhiên ấy bảo hộ và đưa cô ấy đến được “vùng đất giữa các thế giới”.

Trái ngược lại với truyện Thiên thần, truyện Tấm bảng mẫu tượng đất sét lại cho thấy hiện thực khốc liệt của cuộc sống mà con người đôi khi không thể vượt qua hoặc chống lại vòng xoáy nghiệt ngã của nó. Bức tượng cô gái đỏ được tạo nên bởi đôi tay của một cậu bé khéo léo đã có một cuộc sống thật bình dị cùng gia đình tượng của mình trong một ngôi nhà nhỏ nghèo nàn cùng một khoảnh sân chứa biết bao điều ước của những bức tượng khác. Cô gái đỏ ấy cũng đã mơ trở thành cậu bé hoặc cây táo. Vậy mà khi lấy chồng, một “bức tượng cực lớn tròn trĩnh màu đen đeo đầy những chuỗi hạt màu xanh biển và tím violet” được gọi là “gà tây”, khi bị chồng châm chọc, cô biến hình thành gà mái đỏ. Trải qua một cuộc biến hóa đầy cực nhọc, cả đời cô quẩn quanh với việc sinh ra và ấp nở những quả trứng bằng đất sét. Những ước mơ trở thành tia nắng, trở thành cánh bướm sặc sỡ hay chim bồ câu trắng đều tàn lụi, để cuối cùng, khi người chồng hắt hủi rằng cô chỉ xứng đáng là một con sâu đỏ, thì mọi tế bào trong cô vỡ vụn và thực sự biến thành loài sâu, nhanh chóng bị “gà tây” nuốt vào bụng không thương tiếc. Để thấy, nếu chúng ta mãi cứ để số phận an bài và để cuộc đời mình tuân theo ý chí của người khác thì mãi mãi sẽ lâm vào nghịch cảnh.

Hoặc số phận của ông già tiên tri trong truyện Những giấc mơ cũng mang lại cho chúng ta những suy ngẫm về lẽ đời. Ông già đôn hậu ấy có sức cảm hóa thiên nhiên đến mức “Xung quanh ông, những đôi cánh ren vàng kỳ diệu đang đập nhẹ trong không khí như bản đồng ca của những trái tim, xoay vòng quanh ông như những con quay ánh sáng.” Và khi ông đi thì “… nước mềm như lụa xanh với hoa sen nở ra những cánh thơm như mật ong đang nhảy múa, và những cánh hoa thơm này tỏa sáng như những vì sao nhỏ”. Ông lìa trần bởi sự tham lam, xảo trá của vị hoàng đế “Cái đầu lăn bên viên ngọc lớn hoàn mỹ. Từ đó, nhỏ ra những hạt bạc, dâng lên, mỗi hạt với thế giới không thấu thị của nó, cứ dâng lên cao, cao mãi tới trời xanh” cho thấy khả năng đặc biệt của một số con người được định danh theo Thuyết thần trí của nhà thần trí Charles Webster Leadbeater về sự tạo lập vũ trụ. Sự tham lam và ngu dốt của nhà cầm quyền và khát vọng được tái sinh không những đã làm tuyệt diệt một đấng siêu linh mà còn tự nhấn chìm hắn trong cái chết bởi “những hạt bạc” – “hạt nước” dâng ngập tận trời.

Và rồi chúng ta sẽ cảm thấy đầy thấp thỏm khi bước vào “vương quốc của các loài chim” và “xứ sở của các loài rắn” qua hành trình đi tìm “một sinh vật trần như nhộng” kỳ lạ đã được sinh ra từ những tháng ngày vất vả ấp ôm của vợ chồng chim công đã “lò dò đi bằng đôi chân yếu mềm suốt đêm giữa đồng cỏ dại”. Và rồi khi đến được vương quốc của con người, sinh vật ấy – vốn là một con người đã được một cặp vợ chồng nhận nuôi và cũng lập gia đình, sinh ra một đứa con kỳ lạ. Vậy mà chính anh ta, cái sinh vật bị vương quốc chim săn lùng ấy đã quên đi cảnh ngộ trước đó của chính mình để trở thành kẻ đi săn vô cảm, săn đuổi hòng tiêu diêt chính sinh vật - đã lộ hình hài một con rắn đực mà chính anh ta và vợ mình tạo ra. Anh ta đã thực hiện một hành vi man rợ ở xứ sở của rắn, đó là “hút từng quả trứng còn nóng ấm, dậm gót chân lên cái đầu to của con rắn đực, sau đó lột da con rắn cái và bỏ về đất nước của mình”. Sự xuất hiện của loài người với tâm thế không thân thiện đã làm xáo động và reo rắc nỗi kinh hoàng cho các loại khác - đó phải chăng là lời cảnh tỉnh đến chúng ta…

Đặc biệt ấn tượng là truyện Những hòn đá - kể về câu chuyện của người đàn ông khác nhau miệt mài đem tặng “người xa lạ” những viên đá để xin đổi lại “cái bánh mì to bằng bánh xe” và những người phụ nữ nông thôn khăn trùm đầu màu đen, mồ hôi lăn thành giọt cố sức mài “những hòn đá nhặt trên đường” thành bột để nhào và nướng “những ổ bánh mỳ trong lò”. Điều đó nói lên sự kiên định trong địa lý và lịch sử hàm chứa những thông điệp cuộc sống mà nếu bạn không hiểu văn hóa của Đông Âu nói chung và Romania nói riêng sẽ khó có thể cảm nhận hết. Nhưng chính điều đó lại tạo nên động lực để chúng ta đến với Nỗi sợ, đến với tâm hồn và kho tàng sử thi, huyền thoại và những dụ ngôn của người Romania.

Và trong bài viết nhỏ này, không thể không nhắc đến sự kỳ công, cẩn trọng và đầy nghiêm túc của nhà văn Kiều Bích Hậu với vai trò là dịch giả. Vốn dĩ dịch thuật là tái sáng tạo, là chia sẻ, đồng cảm giữa dịch giả và tác giả. Người dịch muốn thành công phải hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, phải biết chia sẻ tâm hồn với tác giả và phải cảm thấu được những thông điệp đằng sau mỗi trang viết, mỗi tác phẩm cụ thể. Tất cả những yếu tố trên đều đã được Kiều Bích Hậu thực hiện khá thành công với bản dịch của mình mà nhờ nó, tôi đã cảm nhận và hiểu được những câu chuyện, thông điệp và cả giọng văn đầy biến ảo của Andrea H. Hedeș. Nỗi sợ bản tiếng Việt dường như đã chạm đến những chỗ sâu kín trong tâm hồn con người dù họ ở quốc gia nào, nền văn hóa nào và giúp độc giả có những chiêm nghiệm đáng giá về trái đất, con người và vạn vận xung quanh ta.

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Có thể bạn quan tâm