April 20, 2024, 1:18 pm

VĂN HỌC KHÁNG CHIẾN NAM TRUNG BỘ 1945-1954: MỘT GIAI ĐOẠN CẦN TIẾP TỤC ĐI SÂU NGHIÊN CỨU

                                                                  1. Đặt vấn đề.                 Sức hút của những vấn đề mới mẻ và hấp dẫn về những hiện tượng văn chương đang diễn ra đã khiến không ít nhà nghiên cứu dành thời gian để cập nhật những thông tin hiện hữu trên văn đàn và tập trung phân tích, lý giải. Tuy nhiên, những giai đoạn văn học đã ổn định - mặc dù đã được đề cập nhiều - cũng vẫn cần được nhìn lại với con mắt mới, với những phương tiện nghiên cứu mới để làm rõ thêm vai trò, vị trí và những đóng góp của nó trên cả tiến trình văn học dân tộc. Một trong những giai đoạn cần tiếp tục đi sâu, theo chúng tôi, đó là văn học kháng chiến Nam Trung Bộ giai đoạn 1945-1954 Thực tiễn sáng tạo với những tác phẩm còn lưu lại, cũng như qua hồi ức của các nhà văn, có thể khẳng định đây là giai đoạn văn học có những thành tựu khá phong phú, sinh động và có nhiều nét độc đáo diễn ra trong điều kiện kháng chiến gian khổ suốt 9 năm trên địa bàn Nam Trung Bộ, quen gọi Liên Khu V, bao gồm các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.  Nơi đây từng là chiến trường ác liệt, đồng thời cũng là nơi có một vùng tự do rộng lớn với rất nhiều sinh hoạt kháng chiến sôi nổi, góp phần tạo nên sức sống của dân tộc trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh ở một vùng thiên nhiên không mấy ưu đãi.Tuy nhiên cho đến hiện nay, giới nghiên cứu thường tập trung đi sâu tìm hiểu các giai đoạn khác, như giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giai đoạn văn học 1930 – 1945; hoặc tập trung nghiên cứu những thành tựu mới mẻ của giai đoạn văn học sau 1975. Trong khi đó, văn học kháng chiến 1945-1954, trong đó có văn học vùng Nam Trung bộ, gần như bị bỏ ngỏ. Việc xúc tiến nghiên cứu giai đoạn văn học này trên địa bàn Nam Trung Bộ và những kết quả của nó sẽ góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh của văn học kháng chiến chống Pháp trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ XX.  2. Tiếp cận bước đầu với những tư liệu    Phó Giáo sư Trần Hữu Tá trong một bài viết về bức tranh toàn cảnh của văn học kháng chiến giai đoạn 1945-1954, có nêu nhận xét:”Về chín năm chống Pháp (1945-1954) giới nghiên cứu lâu nay thường chủ yếu chú ý đến thành tựu của văn nghệ Việt Bắc, và chừng mực nào đó đến các vùng khác như Liên Khu Bốn, Liên Khu Năm và Nam Bộ”[1, tr.21] Đúng là còn “chừng mực” về số lượng các công trình nghiên cứu. Trong khi đó thì thực tiễn đời sống văn hoá, văn học nghệ thuật của vùng đất này, như đã nói trên, khá phong phú và độc đáo, cả ở những vùng tự do do chính quyền cách mạng quản lý, lẫn trong vùng tạm chiếm và các đô thị. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa, giai đoạn văn học này bị quên lãng. Nó vẫn hiện diện trên các trang giáo trình đại học, cao đẳng, trong các công trình của các nhà nghiên cứu có tên tuổi suốt nhiều thập kỷ qua,cả trong Nam ngoài Bắc, cả trước và sau 1975,  thậm chí sang đến tận thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Không những thế, nó còn được “nghĩ tiếp” và “nhìn lại”, “nhận diện lại” với cái nhìn mới. Giáo sư Phong Lê, người nhiều năm chú tâm nghiên cứu và đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn xuôi Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay đã có hẳn một bài viết nhan đề “Văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp - bây giờ nhìn lại”[2, tr.221] . Cái thời điểm “bây giờ nhìn lại” được nói đến ấy là vào khoảng 2004 - 2005, nghĩa là còn khá mới, và chứng tỏ các nhà nghiên cứu vẫn còn quan tâm tới những vấn đề đặt ra của giai đoạn văn học này. Hỗ trợ cho những công trình mang tính khái quát, đúc kết của các nhà nghiên cứu văn học sử và những người làm công tác lý luận phê bình là hàng loạt những hồi ký, nhật ký của các nhà văn, nghệ sĩ như những nhân chứng sống của giai đoạn văn học này. Đáng kể nhất là bộ ba hồi ức - kỷ niệm Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (tập I xuất bản năm 1985, tập II năm 1987 và tập III năm 1993) do Viện Văn học tổ chức biên soạn, đã góp phần dựng nên cả một không khí sôi nổi, hoành tráng của đời sống văn học giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước, trong đó có khu vực Nam Trung Bộ. Trước đó, từ 1982, trong tập bút ký-phê bình văn học nhan đề Bên lề những trang sách do nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã có những trang hồi ký rất có giá trị về giai đoạn văn học này. Không chỉ các nhà sưu tầm nghiên cứu ở Trung ương mà ngay tại miền Trung cũng có những tác giả, nhóm tác giả quan tâm đến giai đoạn này với những thành tựu cụ thể. Đáng kể là công trình phối hợp biên soạn giữa Viện Văn học (Ban văn học Việt Nam hiện đại) và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhan đề Về một vùng văn học (1983) và cuốn Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu V (1945-1954) của tác giả Phạm Phú Phong, xuất bản năm 2007. Có lẽ cuốn sách của Phạm Phú Phong là công trình gần nhất tính cho đến thời điểm hiện nay về một giai đoạn văn học đang dần xa chúng ta, trong đó, ngoài phần hồi ức - kỷ niệm qua lời kể của các nhà văn tiêu biểu của Liên khu V do chính tác giả trực tiếp tiếp xúc và ghi lại, còn có 60 trang viết dựng lại không khí sôi nổi và độc đáo của một phong trào sáng tác mà theo giáo sư Phong Lê, “có nét khác trước đó và sau đó, một phong trào mang đặc thù giai đoạn kháng chiến 1945-1954”.[5,tr.6]  Tuy nhiên những gì đã làm được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ghi lại đầy đủ bức tranh đời sống văn hoá nói chung cũng như đời sống văn học nghệ thuật của vùng đất này. Việc sưu tầm, nghiên cứu vẫn còn cần phải tiếp tục.   3. Đề xuất các hướng triển khai nhằm tiếp tục đi sâu nghiên cứu giai đoạn văn học kháng chiến 1945-1954 khu vực Nam Trung Bộ    3.1. Công việc đầu tiên là tiếp tục khai thác, sưu tầm tư liệu. Qua nhiều biến động của thời cuộc, từ những biến cố lớn của lịch sử đến những sự kiện nhỏ trong cuộc đời từng nhà văn, rất nhiều các tư liệu quý giá của một giai đoạn cách xa chúng ta mới chỉ 50, 60 năm mà đã bị thất lạc, trí nhớ mới đó đã bị mai một. Nhiều nhân chứng sống đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều tác phẩm nếu còn lại đến hôm nay thì sẽ nhân lên giá trị nhiều lần. Chẳng hạn như tập bút ký Nhập vào đám đông của Nguyễn Văn Bổng, vừa được nhà xuất bản Hoa Lư ở Hà Nội in xong còn để ở nhà in thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sách bị cháy, bản thảo thất lạc. Cũng như vậy, với trường hợp cây bút trẻ thời ấy là Nguyên Ngọc (tên thật Nguyễn Văn Báu), trong khoảng thời gian 1951-1952, ông có một số bài ghi chép, bút ký‎ trong đó đáng chú ‎ ý là bút ký ‎ “Trận Bleng – Nước Lầy” và một tiểu thuyết đang viết dở tên là “Pra” đã đăng trên báo Vệ quốc quân Liên khu V, nhưng tất cả đều thất lạc, không tìm lại được. Bút ký Đà Nẵng vùng lên của tác giả trẻ Thái Nguyên Chung (nhà văn Nguyễn Chí Trung sau này) cũng trong tình trạng tương tự. Một vấn đề khác là đối với tác phẩm của các văn nghệ sĩ  theo xu hướng yêu nước và ủng hộ kháng chiến ở các vùng tự do, do không có điều kiện in ấn, phát hành rộng rãi, chủ yếu là lưu hành nội bộ ở các vùng căn cứ kháng chiến theo phương pháp thủ công in rô-nê-ô và li-tô;  các tác giả và tác phẩm tiến bộ ở các đô thị tạm chiếm thì không có điều kiện công bố công khai ...nên đến nay hầu như không còn lưu giữ được. Vài thập kỷ gần đây, với những tư liệu qua các lời kể của một số văn nghệ sĩ trong các cuộc gặp mặt truyền thống, hội thảo văn học, qua các hồi ký, qua các đợt đi điền dã của sinh viên khoa Văn một số trường Đại học trên địa bàn miền Trung, chúng ta có thể hình dung những mảng màu rất đặc sắc trong bức tranh tổng thể của văn nghệ kháng chiến khu V ngay sau ngày Độc lập mồng 2 Tháng Chín năm 1945 và những ngày chuẩn bị cho  toàn quốc kháng chiến. Nhiều chi tiết, sự việc, con người từ những trang hồi ký đó đã thực sự hấp dẫn chúng ta, khiến cho công việc sưu tầm tư liệu được quan niệm như một việc làm rất có ý nghĩa và đầy hứng thú.    3.2. Từ thành quả của quá trình sưu tầm thêm tư liệu, đồng thời song song với quá trình đó, một mảng công việc khác khá độc đáo cần tiến hành, đó là tái hiện lại không khí sinh hoạt văn hoá nói chung và đời sống văn học nói riêng trong toàn bộ sinh hoạt kháng chiến vùng Nam Trung Bộ. Tại đây, đời sống văn hoá nói chung và đời sống văn học nghệ thuật cũng rất phong phú, được coi là một trong những trung tâm văn học của cả nước thời kỳ này. Nhiều sinh hoạt văn nghệ mang tính quần chúng rất độc đáo của đồng bào và chiến sĩ khu V cần được dựng lại để hiểu thêm cái nền vững chãi mà trên đó văn nghệ sĩ đã sáng tạo nên tác phẩm của mình. Khó có thể hình dung trong điều kiện kháng chiến vất vả, lo sản xuất, đời sống, lo chống càn, lo máy bay giặc thả bom… vậy mà trong từng thôn, xã, không khí văn nghệ vẫn rất sôi nổi. Nhiều hồi ức ghi lại những “đêm văn nghệ” với hàng trăm, thậm chí có lúc có nơi hàng nghìn đồng bào, cán bộ họp lại nghe ngâm thơ, đọc truyện, hò hát, nghe phổ biến chủ trương chính sách. Có những sinh hoạt chuyên đề văn nghệ góp ý cho tác phẩm của nhà văn mà ngay cả sau này hoà bình cũng khó tổ chức được như vậy. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng kể lại: Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch hè 1952 ở Quảng Nam được tổ chức tại Tam Kỳ, mặc dù chương trình làm việc rất căng thẳng nhưng đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ lúc ấy là Bùi San đã dành hẳn một ngày để những người dự hội nghị góp ý cho tiểu thuyết Con trâu mà ông vừa hoàn thành; trong đó một buổi nghe nhà văn đọc tác phẩm, buổi còn lại dành để nghe các ý kiến góp ý phê bình.[4, T1,tr.282] Cũng chính đồng chí Bùi San là người đã gợi ý cho nhà thơ Lưu Trùng Dương sáng tác bài thơ địch vận nổi tiếng lúc bấy giờ, bài Mấy lời tâm huyết gởi người lính ngụy.[4, T1,tr.299-300]  Phải nói rằng một nét rất riêng và thú vị trong sinh hoạt văn nghệ kháng chiến ở khu V là luôn có sự tham gia của các vị lãnh đạo kháng chiến, cả chính trị và quân sự, có khi với tư cách là người thưởng thức nhưng cũng không ít trường hợp là những diễn giả về những vấn đề văn hoá văn nghệ. Trường hợp tướng Nguyễn Sơn là một ví dụ. Với trọng trách là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam, Nguyễn Sơn cũng là người yêu thích văn nghệ và rất quan tâm đến anh chị em làm văn nghệ. Ông đã có nhiều buổi thuyết trình về Nguyễn Du, về Lỗ Tấn, về vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng và về các vấn đề văn nghệ cách mạng.[3, tr.84] Đặc biệt, ở khu V thời kỳ ấy đã sớm có những giải thưởng dành cho sáng tác văn học nghệ thuật, đáng kể nhất là Giải thưởng Phạm Văn Đồng. Hồi ký của nhiều văn nghệ sĩ Liên khu V đã ghi lại nhiều chi tiết cảm động về sự quan tâm và tình cảm ưu ái của đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc ấy là đại diện của Chính phủ lãnh đạo kháng chiến ở khu vực Nam Trung Bộ đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Hầu như tất cả những cuộc họp của văn nghệ sĩ, đồng chí Phạm Văn Đồng đều thu xếp để tham dự. Quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của văn nghệ sĩ, đồng chí còn trực tiếp đọc và góp ý các tác phẩm của mọi người. Để động viên văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng, chính đồng chí đã cho gửi tiền nhuận bút cuốn Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc của mình vào ngân hàng, dùng số tiền đó làm giải thưởng văn học. Anh chị em văn nghệ sĩ yêu quý nghĩa cử ấy nên gọi Giải thưởng văn nghệ Liên khu V là “Giải thưởng Phạm Văn Đồng”[5, tr.23]. Từ đợt xét giải đầu tiên đã phát hiện và trao giải cho nhiều tác phẩm xuất sắc tiêu biểu của phong trào văn nghệ kháng chiến Liên khu V: Về văn xuôi, có tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, tập truyện ký Bát cơm Cụ Hồ của Nguyễn Thành Long, một tập truyện ký của Nguyên Ngọc; về thơ có Nhân dân một lòng của Tế Hanh, Ca dao kháng chiến của Nguyên Hồ và Tập thơ Người lính của Lưu Trùng Dương. Đây mới chỉ một phần trong số những tư liệu phản ánh không khí sinh hoạt văn nghệ thời kỳ này ở khu V. Đó là chúng ta chưa nói đến hoạt động báo chí cũng rất sôi nổi và phong phú. Chi hội Văn nghệ Liên khu Năm có một nhà xuất bản, có tạp chí Miền Nam dày khoảng 100 trang, ra được 12 số. Tiếp đó là tờ báo Văn nghệ Liên khu Năm. Trong quân đội cũng có tập san Áo xám …, tất cả các cơ quan báo chí xuất bản nói trên đã tạo điều kiện để phổ biến tác phẩm trong điều kiện kháng chiến khó khăn.  Cũng phải nhắc thêm một nét đặc sắc của đời sống văn học Liên khu Năm và Quảng Nam – Đà Nẵng trong thời kỳ này là mảng dịch văn học nước ngoài, nhất là văn học xô-viết. Trong hoàn cảnh thiếu thốn về tài liệu, nhất là với một chiến trường bị chia cắt như Liên khu Năm, thì đây là một thành tựu không nhỏ. Các nhà văn, nhà thơ như Phan Khôi, Nam Trân, Nguyễn Thành Long, Phan Thao đã có những tác phẩm dịch từ tiếng Pháp, tiếng Trung…và một số đã được in thành sách do Chi hội văn nghệ Liên khu Năm xuất bản.   3.3. Một nội dung công việc cũng rất cần thiết đó là cần tiến hành một cuộc tổng rà soát danh mục tác phẩm văn học và các tác giả văn học khu vực Nam Trung Bộ. Về công việc “điểm danh” tác giả tiêu biểu và bình giá tác phẩm của họ, đã có nhiều cá nhân và nhóm các nhà sưu tầm, nghiên cứu dày công tập họp, biên soạn, giới thiệu qua nhiều thời kỳ và qua nhiều không gian văn hoá khác nhau, kể cả trước cách mạng tháng Tám 1945 cũng như sau này, ở miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, đối với một vùng văn học cụ thể và ở giai đoạn cụ thể là văn học kháng chiến chống Pháp khu vực Nam Trung Bộ giai đoạn 1945-1954, vẫn chưa có một công trình tập họp đầy đủ. Đối với người nghiên cứu, chỉ với 2 bộ tuyển tập Thơ miền Trung thế kỷ XX (1995) và Văn miền Trung thế kỷ XX (1998) do nhà xuất bản Đà Nẵng tổ chức biên soạn chưa thể đáp ứng yêu cầu chuyên sâu. Như đã nêu sơ bộ ở trên, vẫn còn nhiều tác giả chúng ta mới chỉ biết tên và một số ít tác phẩm. Một số tác giả khác đã tập hợp tương đối đầy đủ danh mục tác phẩm nhưng nội dung văn bản chính văn thì chưa được sưu tầm tận gốc. Nhiều tư liệu được nhắc đến trong các hội thảo, các cuộc gặp mặt truyền thống nhưng chưa được xác minh và phát hiện. Trong những hướng khai tác sưu tầm tư liệu, cần quan tâm đến mảng văn học trong các vùng tạm chiếm ở khu V cũ, hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện để tiếp cận mảng văn học này để giới thiệu độc giả có được cái nhìn toàn cảnh về văn học Nam Trung Bộ từ nhiều góc độ khác nhau.   3.4. Một đặc điểm của văn nghệ kháng chiến Liên khu V cần tiếp tục tìm hiểu, đó là việc hình thành các tổ chức tập họp văn nghệ sĩ và theo đó là sự hình thành và phát triển đội ngũ và cơ quan ngôn luận, ngay trong điều kiện chiến tranh. Sau toàn quốc kháng chiến một thời gian, khi mặt trận tương đối ổn định, ở các vùng tự do bắt đầu thành lập các Đoàn văn hoá kháng chiến, Phân hội văn nghệ cấp tỉnh. Ở cấp Khu có Liên đoàn văn hoá kháng chiến khu, Chi hội văn nghệ khu. Cơ quan ngôn luận của Văn nghệ khu V lúc ấy đã có nhà xuất bản, có tạp chí Miền Nam, tiếp sau đó là báo Văn nghệ của Chi hội văn nghệ khu, chủ lực trong việc đăng tải, in ấn  những tác phẩm phản ánh cuộc kháng chiến của quân và dân ta, kể cả một số ít truyện dịch. Ở từng địa phương, các Phân hội văn nghệ cũng đều có các tập san đánh máy, in li-tô với đủ các thể loại thơ, ca, hò, vè, những mẩu chuyện ngắn, với nội dung tuyên truyền động viên tinh thần kháng chiến, phê phán những thói hư tật xấu, đấu tranh chống kinh tế địch, vận động dùng hàng nội hoá v.v… Công tác đào tạo cũng đã được chú trọng ngay trong lòng cuộc kháng chiến. Về đội ngũ các nhà văn nhà thơ, thời kỳ bấy giờ tuy cách trở về giao thông liên lạc nhưng chiến trường Liên khu V cũng là nơi thu hút nhiều thế hệ những người cầm bút. Và chính trong không khí hào hùng, sôi động của những ngày đầu sau cách mạng và công cuộc kháng chiến kiến quốc mà nhiều nhà văn nhà thơ đã xuất hiện và trưởng thành. Bên cạnh những tên tuổi đã xuất hiện từ trước cách mạng như Nam Trân, Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm…, một đội ngũ tác giả mới đã tiếp nối với những thành tựu bước đầu như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long , Lưu Trùng Dương, Phạm Hổ, Nguyên Ngọc… Có thể nói, cuộc kháng chiến đã làm cho không ít nhà văn nhà thơ Nam Trung Bộ được biết đến với tư cách là một tác giả. Và, theo dõi bước đường đi của cả đội ngũ, hầu hết các văn nghệ sĩ từng sống ở chiến trường khu V những năm tháng này về sau đều trở thành những tên tuổi nổi tiếng, quen biết đối với độc giả cả nước trong xây dựng hoà bình ở miền Bắc và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam. Những giải thưởng chính về văn nghệ đều có sự góp mặt của các tác giả từng sống và viết trên chiến trường khu V như Giải thưởng Văn nghệ 1954-1955, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu 1965, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều cuộc thi lớn trên phạm vi cả nước. Những nội dung trên tuy đã được đề cập một phần qua các hồi ký nhưng cần được đúc kết sâu sắc hơn với tư cách là những bài học kinh nghiệm về hoạt động văn nghệ trong điều kiện chiến tranh. 3.5. Sau cùng là những công việc chung quanh vấn đề đánh giá tổng quát thành tựu. Khi đã có được nguồn tư liệu sưu tập tương đối đầy đủ, chắc chắn chúng ta sẽ có được những nhận định chuẩn xác hơn về những thành tựu của giai đoạn văn học này, phác hoạ chính xác diện mạo, con đường hình thành phát triển cũng như những giá trị nội dung, nghệ thuật của nó. Tuy có thể còn non nớt nhưng ứng với bối cảnh lịch sử lúc ấy, văn học kháng chiến Nam Trung Bộ cũng sẽ được nhìn nhận với những đặc điểm và quy luật vận động riêng, những sắc thái riêng, những đóng góp riêng với tư cách là một chặng đường mới, không lặp lại, trong khoảng giữa những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ XX.   * Nêu sơ bộ một số ý kiến có phần tản mạn, rời rạc như trên, chúng tôi mong muốn có sự hợp lực của những người đang nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại ở khu vực miền Trung hiện nay, phối hợp với giới nghiên cứu cả nước, kế thừa những thành tựu nghiên cứu sưu tầm đã có, cố gắng phục dựng đầy đủ bức tranh toàn cảnh của văn học kháng chiến Nam Trung Bộ giai đoạn 1945-1954. Trong bề bộn những công việc phải làm, chắc chắn đây vẫn là một trong những hướng nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần của một vùng đất đã trải qua rất nhiều gian khổ hy sinh trong chiến tranh và hiện vẫn còn tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức trên con đường phát triển của mình.            B.C.M. *Hội VHNT Đà Nẵng --------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO    [1].Trần Hữu Tá, “Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5/2005. [2]Phong Lê (2005), Về văn học Việt Nam hiện đại, nghĩ tiếp…, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.  [3]. Nhiều tác giả (2009), Văn nghệ sĩ Liên khu V - Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo, NXB Hội Nhà văn, H. [4]. Nhiều tác giả, Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, T1 (1985), T.2 (1987), T3 (1993), NXB Tác phẩm mới. [5]. Phạm Phú Phong (2007), Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu V (1945-1954), NXB Đà Nẵng.

Có thể bạn quan tâm