April 25, 2024, 12:11 pm

Văn học của thời đại tốc độ

Ở thời đại của tốc độ, việc ta bắt đầu viết một cuốn sách, vật lộn với vô số từ ngữ và khối lượng tư liệu chất chồng, quả thật bản thân điều ấy đã khiến người ta khâm phục. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của máy bay tên lửa – của phương tiện đi lại, trước covid, toàn bộ nhân loại đang dịch chuyển, đi đi lại lại lại với tốc độ chóng mặt. Bất cứ ai trong chúng ta, sống ở thời đại này, cũng đều cảm thấy thiếu thời gian, đều cảm thấy một ngày quá ngắn… Chúng ta quay cuồng với tốc độ. Và cuốn sách Văn học mạng Việt Nam - xu hướng sáng tạo và tiếp nhận(1)  cũng là một sản phẩm được ra đời và tiếp nhận trong guồng quay tốc độ như vậy.

Bắt đầu từ chương Sự ra đời của văn học mạng. Những nhận định đầu tiên “Internet là nơi cư trú mới của văn học, nơi ấy văn bản văn chương được viết ra, được tồn tại, được xuất bản và tương tác”. Sự thừa nhận về điều kiện tất yếu thuộc về công nghệ và việc nhìn nhận văn học mạng (trong đó không chỉ bao hàm phương tiện truyền tải khác biệt mà có cả sự khác biệt về bản chất) chính là sản phẩm của thời đại toàn cầu hóa và dân chủ hóa là quan điểm đúng đắn để nhóm tác giả triển khai các phần khác. Nhóm tác giả đã nỗ lực để lý thuyết hóa, để gọi tên hiện trạng, xu hướng cũng như bản chất “văn học mạng”. Những phân tích trong phần “Văn học mạng như một hình thức văn hóa đặc thù” đã nhìn nhận về sự chuyển hóa giữa cái ảo và cái thực (reality) rất tinh tế và chuẩn xác. Đúng là “sự xâm lấn không ngừng mạnh mẽ của cái vốn được coi là ảo vào trong đời sống thực, khi cái ảo có thể đem lại những tác động, giá trị rất thực, rất vật chất. Cái ảo đó là “lực lượng”, khả năng, quyền lực… của nó – những yếu tố góp phần giải cấu trúc những thứ vốn được mặc định là “thực tại…. Mạng là bằng chứng sống động cho thấy khả năng “giải lãnh thổ” của công nghệ”. Từ đây, những khác biệt của văn học mạng được xác định, như: “Hóa giải độ rắn, sự xơ cứng của ngôn ngữ, theo chúng tôi, là khía cạnh có tính đóng góp của văn học mạng”. Có thể nói, trên phương diện ngôn ngữ, những năm tháng này, đã biến chuyển vô cùng sâu sắc, đặc biệt là ngôn ngữ nghệ thuật. Chúng ta cứ tưởng tượng thế giới ca từ diễm lệ và phi thực của Trịnh Công Sơn, Phú Quang - những nhạc sĩ yêu thích của thế hệ 7x, 8x; và thế giới ca từ suồng sã, những câu nói đời thường, với một câu trúc vừa thực vừa phi thực của Đen Vâu, Sơn Tùng MTV - những nhạc sĩ, ca sĩ yêu thích của thế hệ Z; đặt cạnh nhau, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt và đổi thay quá lớn. Vì thế, nhận định về sự hóa giải độ rắn của ngôn ngữ trong thời đại của văn học mạng, ngôn ngữ mạng – hay là ngôn ngữ thế hệ Z là một phát hiện quan trọng nói lên bản chất hậu hiện đại.

Tiếp đến là khái niệm Tốc độ. Nó gọi tên đúng với trạng thái của xã hội đương đại, là khái niệm gắn liền với văn học mạng. Tốc độ, không chỉ còn là yếu tố của chuyển động vật lý, thuộc về không gian và thời gian, mà đã trở thành vấn đề của tâm thức, của trạng thái sống, của hiện sinh. Tốc độ, còn là một mô tả mang tính triết học về điều kiện hậu hiện đại của con người. Trong điều kiện, trong môi trường vụt trôi nhanh chóng ấy, sự tồn tại của văn chương mạng, tác phẩm mạng trở nên nghiệt ngã; khiến cho khát vọng “vượt thời gian” trở nên ảo tưởng hơn bao giờ hết. Ở đây, các tác giả cũng chú trọng phân tích khả năng tương tác – đặc biệt hiểu tương tác không chỉ đơn thuần giữa tác giả - độc giả; mà sự tương tác này là mang tính kiến tạo, khiến cho tác phẩm thay đổi về mặt cấu trúc, “cả tác giả lẫn người đọc đều nỗ lực tận dụng các kỹ thuật, hiệu ứng của mạng để kiến tạo tác phẩm, điều này khiến cho tác phẩm văn học mạng “bất khả” chuyển thể sang dạng sách in”. Tương tác, cũng là điều kiện hiện sinh sống còn của văn học mạng. Khi không còn tương tác, nghĩa là nó đã trở thành dĩ vãng, đã không còn sức sống nữa. Tốc độ, tiện lợi và tương tác – đó là một guồng quay mới mà mỗi tác giả phải mài sắc tư duy và ngòi bút của mình để “chiến đấu”, để chấp nhận và dấn thân. Sẽ không có gì là mãi mãi bởi chúng ta đang chuyển động quá nhanh - đó là một hiện thực.

Trong các phần viết về Tính chất của văn học mạng, cách so sánh sự kết nối của người đọc và người viết “như đang ngồi trong một hội trường”. Trải nghiệm của thời covid, qua màn hình Zoom và các phòng học online càng khiến cho con người ta gắn với cái hội trường ảo, vừa gần, vừa xa, vừa thực, vừa không thực - nhưng nó là một sự tồn tại khác của sự sống trên trái đất này. Bên cạnh đó, cách phát hiện văn học mạng có “tính tự do của văn học dân gian”, “sự bình đẳng giữa người viết và người đọc”, hay là “tính đại chúng” và “tinh thần dân chủ”.

Có thể nói, với sự thay đổi và hòa trộn - khó - tưởng - tượng của ngôn ngữ thế hệ Z, chắc chắn, là địa hạt hấp dẫn nhất của người nghiên cứu văn học và văn hóa đương đại. Phần viết về Ngôn ngữ văn học mạng, có những nhận định rất thú vị như “Môi trường Internet có nhiều đặc điểm khiến ta có thể liên hệ nó với không gian carnival. Chẳng hạn mạng xã hội là nơi người ta có thể hóa trang bản ngã của mình bằng các nick name, các avatar”. Cái Tôi - phục - trang đúng là cách gọi tên chuẩn xác của của con người thời đại mạng xã hội… Lý thuyết hóa ngôn ngữ suồng sã của thời đại Z rất tuyệt vời - nhìn nó vừa như một hiện tượng, là sản phẩm của thời đại, có tính xu hướng, vừa là một sản phẩm của văn hóa, trong đó, là sự đỗ vỡ của tính quy phạm, sự lên ngôi của cái bên lề và những tiếng nói thiểu số.

Bên cạnh phần Dẫn luận được trình bày khoa học và đầy đủ; các chương của Phần II khảo sát các thể loại của văn học mạng hai mươi năm đầu thế kỷ XXI đã giúp người đọc hình dung được toàn cảnh văn học mạng, trong đó nhiều tác giả còn chưa quen biết. Người viết đã đọc văn chương theo cách đọc Những huyền thoại của R. Bathes - một cách đọc liên kết ở dạng siêu văn bản, khi văn chương giờ đây không chỉ tồn tại dưới dạng ngôn từ, nó còn được làm các dạng ảnh trên Instagram, Pinterest, bài đăng facebook, Zalo, các Trend, các ký kiệu… Cách làm và sáng tạo nội dung này, vừa đến từ người viết vừa đến từ người tiếp nhận…

Cũng là một người đọc, người quan sát có xu hướng smartphone hóa, tôi có khá nhiều suy tư qua cuốn sách, ví dụ nhiều app truyện ngôn tình, truyện tình dục (đang rất phổ biến) - có nên gọi là văn học mạng không? Có một ranh giới nào không giữa văn học và phản văn học? Có lẽ ta nên vạch ra những ranh giới rõ hơn để có thể cảnh báo người đọc, không chỉ nêu ra những tác giả - có - danh hoặc có chứng thực bằng bản in, hiện tượng người viết ẩn - danh, vô - danh, nặc - danh cũng là vấn đề mà chúng ta sẽ phải tiếp tục nghiên cứu.

Văn học mạng, dù tính giải trí và chiều lòng độc giả rất cao, nhưng nó cũng giúp ta những suy tư và phản tư không ngừng về thế giới này. Về sự trượt trôi của con người trong thế giới công nghệ, trong lối sống, trong sự tha hóa bởi nhu cầu. Từ đây, không gian chủ thể của con người đang dần trống trơn. Khi chúng ta sống tiện lợi quá, chúng ta mất dần sự tự chủ. Một cuốn sách, một công trình nghiên cứu, bên cạnh việc cung cấp kiến thức, là thúc đẩy những suy tư và tự vấn. Người đọc có thể tìm thấy điều ấy, trong những chi tiết, đôi khi rất nhỏ, như là một câu trích dẫn, một cái tên hay là một khoảng trống.

_______

  1. PGS.TS. Trần Khánh Thành (Chủ biên), PGS.TS. Lê Trà My, TS. Trần Ngọc Hiếu. Văn học mạng Việt Nam – xu hướng sáng tạo và tiếp nhận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, trang 15.

Nguồn Văn nghệ số 40/2021


Có thể bạn quan tâm