April 25, 2024, 7:32 am

Văn học 30 năm đổi mới- dấu ấn quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại


Thực hiện kế hoạch của Hội Nhà văn Việt Nam và của Báo Văn Nghệ về Tổng kết thực tiễn văn học qua ba mươi năm đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào đời sống, Báo Văn Nghệ tổ chức  buổi “Tọa đàm văn học 30 năm Đổi Mới” vào  sáng ngày 8-4-2016, tại  tòa soạn báo 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội.

                  
                   Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh : Hữu Đố

Tham dự buổi tọa đàm có các nhà văn, nhà thơ trong Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội đồng chuyên môn trực thuộc Hội và hơn hai mươi nhà nghiên cứu, nhà lý luận và phê bình văn học từ Viện Văn học Việt Nam, Đại học KHXH&NV ở khu vực Hà Nội, một số nhà văn cộng tác viên, phóng viên nhiều báo, đài tham dự.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn Nghệ khẳng định Văn học thời kỳ đổi mới là giai đoạn quan trong không thể tách rời trong tiến trình lịch sử của đất nước nói chung và văn học Việt Nam nói riêng . Do đó, mong muốn làm rõ và khẳng định các thành tựu, những vấn đề đề đặt ra của văn học giai đoạn này chính là tiền đề để chúng ta có thể mở ra triển vọng của văn học nước nhà trong hội nhập và phát triển của xã hội - đất nước.

Sau phát biểu đề dẫn của nhà văn Khuất Quang Thụy, Nhà văn Nguyễn Trí Huân - nguyên Tổng biên tập báo Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định đây là hoạt động cần thiết trong chuỗi tổng kết, đánh giá lại văn học ba mươi năm đổi mới. Báo văn nghệ chính là nơi nổ phát súng đầu tiên cho thời kỳ đổi mới  bằng tác phẩm văn học gây tiếng vang  “Cái đêm hôm ấy đêm gì” để thấy rằng đã có một thời chúng ta bị chi phối bởi lý thuyết điển hình hóa, và đến thời đổi mới đã thoát được điều đó và Nhà văn chịu trách nhiệm về những điều mình viết. Đây chính là dấu ấn quan trọng của văn học thời kỳ đổi mới.

Ngoài ý kiến đề dẫn của nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Nguyễn Trí Huân, tọa đàm đã nghe ý kiến tham luận của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Văn Chinh, Giáo sư Phong Lê, Tiến sĩ văn học Nguyễn Đăng Điệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, nhà văn Nguyên An, Lưu Khánh Thơ … Các ý kiến đều đồng nhất quan điểm chỉ ra yếu tố nội sinh và ngoại sinh hình thành nên văn học thời kỳ đổi mới, trong đó yếu tố ngoại sinh( sự thay đổi trong đời sống kinh tế chính trị, thị hiếu của độc giả thay đổi) tác động trực tiến đến nhà văn buộc nhà văn phải tự đổi mới được xem  là yếu tố quyết định tạo nên diện mạo văn học thời kỳ đổi mới. Song nhận diện nó thế nào thông qua hình thức phân kỳ hay qua hệ hình lại thuộc góc độ nghiên cứu của cá nhân mỗi nhà văn.

Như vậy, nhìn lại văn học 30 năm đổi mới, chính là sự kiện văn học đầu tiên được Báo Văn nghệ tổ chức nhằm mở đầu chuyên đề Diễn đàn báo chí về văn học ba mươi năm đổi mới, dấu ấn quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại. Đây cũng được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng  trong việc  thực hiện kế hoạch của Hội nhà văn Việt Nam góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào đời sống.  Những bài tham luận tại tọa đàm sẽ lần lượt được đăng tải đầy đủ trên các số báo Văn nghệ ra hàng tuần.

 
Hồ Quỳnh
 



Có thể bạn quan tâm