...Sống có văn hóa gắn chặt với sống có lòng yêu nước sâu sắc. Và ở đây cần nhấn mạnh, văn hóa cao nhất là “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”... ">
April 19, 2024, 6:17 am

Văn hóa và yêu nước


THANH THẢO


Trong “Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, ở phần mục về Văn hóa đã nêu rõ: “Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
Như thế, lần đầu tiên mục tiêu phát triển văn hóa đã được gắn chặt với mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Sống có văn hóa gắn chặt với sống có lòng yêu nước sâu sắc. Và ở đây cần nhấn mạnh, văn hóa cao nhất là “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”. Đây là văn hóa của thời đại hội nhập, thời đại mà mỗi công dân ở một nước có điều kiện tiếp thu và thấu hiểu văn hóa của nhiều quốc gia khác, văn hóa toàn cầu. Chính trong hoàn cảnh mở cửa đó, lợi ích quốc gia-dân tộc càng trở nên điều kiện sống còn không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở đời sống cá nhân mỗi con người trong quốc gia đó. Một người Việt Nam có văn hóa bây giờ không chỉ tích hợp được văn hóa truyền thống, mà còn “thu và phát” được văn hóa đương đại, hiện đại của dân tộc mình, khi tiếp xúc va chạm với những nền văn hóa khác. Văn hóa đương đại Việt Nam phải tự tin, chủ động, hội nhập và giữ được bản sắc riêng. Trong bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, nổi bật lên lòng yêu nước vô hạn, sự quyết chí giữ từng tấc đất tấc biển của Tổ quốc. Không chỉ vì trong “từng tấc đất tấc biển” ấy có ẩn chứa những “tài nguyên vô giá”, mà đơn giản, nó thuộc về Tổ quốc mình, nó là biểu trưng cho những giá trị thiêng liêng từ ngày lập quốc của Việt Nam. Nghĩa là nó đã chứng minh sức sống qua hàng nghìn năm. Và khi nó là giá trị thiêng liêng, thì nó gắn chặt với văn hóa hơn là gắn với kinh tế hay chính trị. Bởi những giá trị của văn hóa hay của lòng yêu nước là những giá trị vĩnh hằng. Chính trị hay kinh tế có thể thay đổi, nhưng lòng yêu nước và văn hóa bao giờ cũng còn lại. Văn hóa dù phát triển tới đâu, nó vẫn không hề “mất gốc”.
 Cái “gốc” ấy chính là bản sắc riêng của người Việt, của dân tộc Việt. Nhận ra sự liên kết máu thịt này giữa văn hóa và lòng yêu nước, mới lý giải được vì sao qua hàng nghìn năm bị nước ngoài đô hộ, trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, dân tộc ta không hề bị đồng hóa, đất nước ta cuối cùng vẫn thống nhất, và người Việt dù ở đâu vẫn là người Việt. Văn hóa Việt và lòng yêu nước Việt đã trở thành bản thể tồn tại của dân tộc ta, của mỗi người dân ta. Khi biết đặt niềm tin vào lòng yêu nước của mỗi người dân Việt, biết đặt niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa Việt, thì mới có thể thay đổi và phát triển những giá trị ấy trong thời đại hội nhập toàn cầu. Đừng đối lập hai khái niệm “hòa nhập” và “hòa tan” ở đây, một khi chúng ta thiết tha yêu Tổ quốc mình, một khi ta tự tin mình là người Việt với tất cả những bản sắc riêng của một dân tộc. Và như thế, thì những mục tiêu cụ thể mà “Dự thảo” đưa ra về “con người Việt Nam văn hóa và hiện đại” sẽ có ý nghĩa thực tiễn và khả thi: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hoá và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hoá dân tộc. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.” 

Chỉ thực sự có lòng yêu nước, thì mới thực hiện được những mục tiêu này.

Nguồn Vannghe

Có thể bạn quan tâm