April 18, 2024, 7:09 am

Văn hoá và Văn hoá tâm linh

          

 Đã có vô cùng nhiều định nghĩa về Văn hóa. Nhưng dù gọi là gì, Văn hóa luôn là hồn cốt dân tộc, là nền tảng đời sống tinh thần của quốc gia. Lịch sử đã chứng minh rằng, một dân tộc muốn tồn tại, và phát triển, phải dựa trên nền móng vững chắc của Văn hóa. Lãnh thổ có thể mất, chính quyền cũng có thể mất, nhưng không mất văn hóa thì dân tộc còn. Văn hóa là chỗ tựa, là giá đỡ để tồn tại, ổn định và phát triển đất nước. Song, hình như ý thức ấy đang bị dát mỏng, teo tóp, mặc dù người ta vẫn chưng rất nhiều và hô rất to khẩu hiệu: “Văn hoá không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để phát triển kinh tế, xã hội”… Ngày càng nhiều chuyện phi Văn hóa ngang nhiên tồn tại. Tồn tại công khai, thậm chí núp dưới vỏ bọc văn hóa để dẫm đạp lên Văn hóa. Bằng pháp thuật cao siêu và tinh vi, người ta có vô số hoá thân mang danh và không mang danh, đồng thời khôn khéo biến hoá thành nhiều dạng kiểu, lúc vô hinh lúc hữu hình nhằm lợi dụng văn hóa.

Văn hóa là chỗ tựa, là giá đỡ để tồn tại, ổn định và phát triển đất nước. Ảnh internet

Không bàn đến chuyện “to tát” như tham nhũng, hối lộ; chạy chức chạy quyền; thải chất độc ra tàn phá các dòng sông, hủy hoại môi trường… là hệ quả của thứ “Văn hóa lùn”, chỉ nhìn những điều “nho nhỏ” diễn ra hàng giờ đã thấy Văn hóa xập xệ tới mức nào. Một Thành Tuyên biến thành lo gạch ngay giữa thanh thiên bạch nhật; một bộ phim xây dựng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, rặt tàu, không mang sắc thái Việt. Rồi ở thành phố H., người ta bỏ ra 120 ký mực làm hình cụ rùa (là biểu tượng tâm linh) để khoe, để đoạt “nhất” và để… chén trong một lễ hội được gọi là văn hóa thể thao và du lịch… Rồi người ta tung hô, khuyến khích sự man rợ ở lễ hội đâm trâu, lễ hội chọi trâu như một biểu hiện của tinh thần thượng võ... Con Trâu vẫn được coi là bạn của nhà nông, là "đầu cơ nghiệp" bị hàng đoàn người cầm giáo nhọn, cọc nhọn đi vòng quanh, vừa la hét vừa đâm vào khắp thân thể cho đến khi trâu giẫy giụa, máu chảy lênh láng, oằn oại chết dần trong đau đớn… Trong hành động được gọi là truyền thống Văn hóa đó, lễ hội đâm trâu có cái gì đấy rất giống tư duy ác hiểm nơi phần kết ở truyện Tấm Cám. Thiếu sự nhân hậu, bao dung, một đặc trưng làm nên bản sắc của người Việt…

 Văn hóa (cultura) theo nghĩa gốc là sùng bái, là tôn vinh lối sống, phương thức sống. Truyên truyền và cổ vũ cho lễ hội đâm trâu, lễ hội chọi trâu và hô hào đọc những truyện đại loại như người nông dân đã lừa con Hổ để hại nó (thực ra là động thái gian manh) và được ca ngợi đó là trí khôn, vậy chúng ta định giáo dục thế hệ kế tục phương thức sống nào?

*

Văn hóa được hiển thị trên ba trục: quan hệ giữa con người và con người; quan hệ giữa con người và thiên nhiên; và quan hệ của con người trong nhu cầu tâm linh. Nhưng văn hóa tâm linh đã bị biến dạng theo nhận thức từng giai đoạn, nhưng tệ hai hơn là đã bị Chính trị hóa và đang bị lợi nhận hóa.

       Qua giai đoạn đập phá đền chùa ở thế kỷ trước đây, bây giờ các địa phương ganh nhau xây đền, chùa, tượng lớn. Chùa càng to, tượng càng lớn càng hỉ hả, càng đắc ý. Đó có phải do nhu cầu tâm linh và vì nhu cầu tâm linh? Không! Mục đích cơ bản là để một số chức sắc và đại gia rửa tiền. Là một dạng thức của lợi ích nhóm… Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc to đấy, bề thế đấy, và nhiều kỷ lục đấy, nhưng đến đó là ngửi thấy mùi tiền. Người ta đang lợi dụng Phật, lợi dụng sự thành tâm kính Phật một cách thiếu hiểu biết của người dân để biến văn hóa tâm linh thành văn hóa lợi nhuận.

  Từ xa xưa, truyền thống người Việt ta là không dựng các chùa mang tính phô trương. Chùa Một Cột có từ thời nhà Lý là một ví dụ. Nhỏ, nhưng độc đáo, là chốn tôn nghiêm, niềm tự hào của bao thế hệ, một danh thắng của Thủ đô. Tâm lý của các phật tử chân tu xưa nay là, bao giờ cũng tìm đến những chùa nghèo để hành hương thắp hương bái Phật. Cốt ở sự thành tâm chứ không cần phải chọn chùa to, tượng lớn. Phật tại Tâm trung! Chúng ta có cần phải ru ngủ mình để tự hào rằng, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á?... Rất nhiều điều đáng làm hơn thế để mà tự hào!

 Đến Bái Đính, thấy nhiều tảng đá lớn tạc hình lá bồ đề, trên đó khắc tên nhiều vị lãnh đạo quốc gia, nhiều vị bộ trưởng và quan chức địa phương… sao mà xốn mắt thế! Tâm không sáng, đức chẳng nhiều, ít làm những điều tốt cho dân cho nước thì có khắc tên mình lên lá bồ đề bằng vàng cũng chẳng thể thành Phật, thành Bồ tát. Đó chỉ là trò xu nịnh kệch kỡm của thứ Văn hóa hạng bét. 

        Nhìn ngôi chùa Bái Đính cũ, nhỏ nhắn thanh tao, tĩnh lặng, tôn nghiêm do Thiền sư Nguyễn Minh Không góp công tạo dựng trên núi từ thời nhà Lý, đã được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1997, giờ bị khuất lấp ở phía sau trở nên trống lạnh, tiêu điều mà xa xót !

Sau Bái Đính, Tam Chúc, người ta đang có ý định làm dự án đặng phá nốt canh quan Chùa Hương với cái tên mỹ miều: khu du lich tâm linh. Chẳng có kẻ đã đề xuất sáng kiến “tuyệt chiêu”: kè đá hai bên bờ suối Yến (?!) đó sao. Không ngăn lại kịp thời thứ văn hóa lè tè đó, Việt Nam sẽ mất cảnh quan tâm linh đặc sắc có một không thiên nhiên ban tặng để nhường cho sắt thép, công nghệ hiện đại và… những cổng thu tiền tựa như các trạm BOT… Rất nhiều dự án chùa to tượng lơn khác ở Thái Nguyên, Hải Phòng với hàng ngàn ha đất đang được triển khai. Thưa những người có trách nhiệm, các vị có quan tâm đến điều ấy không?!

         Và vì lợi nhuận, người ta đã không ngần ngại cho dựng cáp treo ở Chùa Hương, ở Yên Tử, ở chùa Hương tích Hà Tĩnh… Đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào đất Phật để kinh doanh, đã phá vỡ không gian văn hóa đặc sắc cha ông dày công tạo dựng, làm mất cảnh quan, sự u tịch, tĩnh lặng, tôn nghiêm của chốn linh thiêng.  Nhưng tệ hại hơn, nó làm biến dạng, làm sai lạc tâm thức văn hóa tâm linh. Muốn đến với Phật, Phật pháp răn rằng, người có tâm hướng Phật phải lặn lội tìm đường, phải vượt qua nhiều khó khăn vất vả, phải chịu khổ hạnh… Đó là thử thách về sự thành tâm kính ngưỡng trong mỗi người. Và đó cũng là ý thức văn hóa tâm linh của người Việt…

Tôi đồ rằng sau cáp treo, để tiện lợi và không mất thời gian, rất có thể người ta sẽ làm sân bay trực thăng trên đỉnh Yên Tử. Các vị sùng đạo khỏi cần leo núi, xoẹt một cái, chỉ ba mươi phút là có thể lên chùa Đồng thắp hương, và xoẹt một cái là về tới Hà Nội tiếp tục nhâm nhi cà phê… Ngồi cáp treo, và có thể cưỡi trực thăng nữa để đến với Phật, liệu con người ngộ ra được điều gì hỡi những người chủ trương những việc làm trên? 

Nhìn Yên Tử bị băm vụn, lỏn nhỏn mà buồn!

 Lỗi tại ai?

   Tu là gì? Là quá trình buông bỏ các tâm chấp trước, là vô vi, là hành xác để trả nghiệp. Phật giáo có rất nhiều kinh, nhưng quy lại chỉ ba chữ: Giới, Định, Huệ. Giới nghĩa là buông bỏ mọi ham muốn, mọi tham lam, mọi dục vọng. Rồi đả tọa, Định lại từ đó ngộ ra chân lý vũ trụ, ấy là trí Huệ. Xuất gia cạo đầu tu hành mà còn quyến luyến việc đời, vẫn ham quyền lực, thích sống sung sướng như đế vương, đi xe đăt tiền, có người hầu kẻ hạ liệu có viên mãn? Vẫn Tham - Sân - Si sao có thể đắc chính quả?

        Văn hóa không chỉ là là biết thẩm thấu quy luật xã hội, để ứng xử theo quy luật đó, mà còn phải biết thích ứng, ngấm thấm pháp vũ trụ, lý của đất trời. Vũ trụ này có một lý bất di bất dịch, chi phối tất cả mọi quan hệ cuộc sống, đó là: “Bất thất giả bất đắc”, “đắc tựu bất thất”. Nghĩa là không mất thì không được, được ắt phải mất. Cứ tranh, cứ đấu, cứ nghĩ ra các mánh lới để dối Phật, lừa người nhằm có nhiều tiền lắm của thì nhất định sẽ mất nhiều thứ dưới những dạng thức khác. Trước hết là mất đức. Mà cái đức ấy, quan trọng hơn vạn lần cái thứ vật chất mà đã dùng thủ đoạn để có. Mưu mô để được, nên ắt phải mất. Đó là quy luật của tạo hóa.  Không phải vô cớ cha ông ta dạy một câu rất hay: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Cứ việc ăn mặn đi, cứ tìm mọi mọi thủ đoạn để cào vào cho mình đi, đời này không uống nước thì đời con phải uống, đời con không uống thì đời cháu anh phải uống. Làm việc xấu, hành xử bất lương là tạo nghiệp, là nợ, nợ thì phải trả. Đời này không trả thì đời sau phải trả, phải trả bằng nhiều hình thức, bằng nhiều phương cách, nhiều kiểu. Những kẻ lợi dụng Phật, lợi dụng tín ngưỡng của dân để làm tiền (dù trực tiếp hay gián tiếp) cái nợ phải trả rất đắt, rất lớn, rất nhiều. Nợ mà không trả thi lý của vũ trụ này, quy luật ở đời này sẽ cưỡng chế bắt phải trả. Hiện thể hiện báo, ác giả ác báo mà!

         Để cứu lấy Văn hóa, nhiều người cho rằng cần nâng cao dân trí. Điều ấy đúng và quan trọng, nhưng cần thiết hơn, cấp bách hơn là vấn đề "quan trí", tức "cán bộ trí", "lãnh đạo trí". Nếu ở nghĩa nào đấy, coi cán bộ quyết định tất cả, thì TRÍ của họ là vấn đề sống còn của Văn hóa. Không phải chức tước, địa vị, càng không phải tiền bạc mà là hàm lượng văn hóa nơi mỗi cá thể, nơi mỗi một người mới hiện thị giá trị, chiều kích, vị thế và thương hiệu của người đó trong xã hội.

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt ta căn bản lấy văn hóa làng xã làm nên tảng, nhưng văn hóa tạo ra giá trị và bản tính Việt ấy đang bị phá vỡ. Lối sống giản dị, thanh sạch, nền nếp, quy củ bao đời nay theo tinh thần lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn có nhau… đang nhòa mờ, nhường chỗ cho thứ văn hóa chụp giật, vô cảm, tôn vinh đồng tiền, qụy lụy chức vị. Văn hóa gốc, phong tục tập quán bao thời ăn sâu cắm rẽ để hình thành tư chất Việt đang bị biến dạng, bóp méo, mài nhẵn… Văn hóa xuống cấp là mảnh đất màu mỡ để cái ác phát triển, các tệ nạn có đất sống. Chỉ vì một sự hiềm khích nho nhỏ, chỉ vì một chút tài sản cỏn con, người ta đang tâm giết hai không chỉ một người, mà cướp đi sinh mạng nhiều người, thậm chí tàn sát cả gia đình. Nhức buốt là ở chỗ những điều ghê tởm ấy không còn là hiện tượng hy hữu. Vì vài ba thước đất mà anh em, bố con trở thành thù địch… Chưa bao giờ văn hóa nước ta tệ đến vậy! Thứ mà ta vẫn gọi chưa hẳn đúng và đổ lỗi cho nó là mặt trái của cơ chế thị trường đang ào ạt tấn công vào văn hóa truyền thống Việt, đang chích ma túy vào văn hóa làng xã. Nông thôn và nông dân bao đời nay sống yên bình, êm ả trong văn hóa thuần khiết, nên khả năng đề kháng, chống đỡ trứơc sự xâm nhập văn hóa hổ lốn ấy rất yếu. Trước sự tấn công của văn hóa phi truyền thống đó, lại được sự tha hóa của không ít người trong tầng lớp có chức có quyền làm đồng minh, nên sự quỵ ngã của Văn hóa tuyên thống tốt đẹp là khó tránh.

Nóng lòng phát triển kinh tế mà không đếm xỉa đến văn hóa tức phát triển nóng, phát triển xổi. Chớ quên rằng mất văn hóa là mất tất cả. Những bài học đắt giá ở xứ ta, ở xứ người minh định điều ấy. Nước thịnh hay suy phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của nước đó, dân tộc đó.

Văn hóa là chìa khóa để phát triển. Làm méo mó, biến dạng văn hóa, không có phát triển nào bền vững! 

                                                          

 

 


Có thể bạn quan tâm