April 25, 2024, 7:52 pm

“Văn hóa từ chức” - Bao giờ?

Từ điển tiếng Việt có nhiều từ liên quan đến chuyện từ bỏ chức vụ, chức danh của cán bộ, công chức, như: Cách chức, Giáng chức, Từ chức, Từ nhiệm, Miễn nhiệm v.v… Theo đó, “từ chức” là việc cán bộ, công chức tự nguyện thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ, hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận. Có nghĩa là cán bộ, công chức từ chức là sự tự nguyện, tự quyết định của người ấy.

Tự nguyện từ bỏ chức vụ là quyết định từ bỏ quyền hành và quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần của bản thân mình. Bởi vậy đó là một quyết định không dễ dàng gì. Xưa trong quan trường quân chủ và nay trong chính trường hiện đại đều thế. Người Việt ta vốn trọng danh nên mắc bệnh sĩ diện. Tâm lý ấy đã trở thành quan điểm sống: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”; “Một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”; “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” v.v… Bởi vậy, người ta sẵn sàng bán mọi thứ trong nhà, thậm chí vay mượn khắp nơi để mua quan, tức là mua cái danh. Thời hậu Lê, từ Lục phẩm trở xuống mua 500 quan, Tri phủ 2.500 quan… Đến như Hội đồng Kỳ mục của làng là một tổ chức của những người trên 65 tuổi được dân làng bầu để coi sóc việc làng, cũng mua được bằng tiền, bằng một bữa “khao” làng. Mua quan để có danh, danh sinh ra quyền, quyền sinh ra tiền bạc, ruộng đất… và các thứ bậc trong xã hội. Và trong thế giới quan chức nước Việt ta, “Thèm danh”, “Trọng danh” trở thành những thói tật lan truyền từ đời này sang đời khác.

Hà Tĩnh quê tôi được coi là đất “địa linh, nhân kiệt”, chốn “giang sơn tụ khí”, người ra làm quan phụng sự các triều vua thời nào cũng có. Tính từ năm 1075 đến 1919, thống kê có thể chưa đầy đủ đã thấy có 10 người là Tế tửu Quốc Tử giám, 148 Trạng nguyên, Thái học sinh, Tiến sỹ, Phó bảng… và hàng trăm Hương cống… Trong số ấy chỉ dăm người treo ấn từ quan về quê dạy học, làm thuốc như Đào Hữu Ích (1839-1899), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Lê Hữu Trác (1729-1791), Nguyễn Văn Trình (1872-1948)… Nhìn rộng ra cả nước, thấy những ngôi sao sáng trên bầu trời quan chức, như: Chu Văn An (1202-1370), Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1481-1585), Phan Châu Trinh (1872-1926)… thực sự là những bậc tài cao, đức trọng, tiết tháo, cương trực, coi danh lợi nhẹ tựa lông hồng, vì “tôi trung” không gặp được “vua sáng”; hoặc vì Triều chính dột nát mà tự nguyện “treo ấn từ quan” về quê dạy học, làm vườn hoặc lên núi trí sĩ.

Thời nay, Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, bố trí, phân công công việc, bổ nhiệm, miễn nhiệm quan chức trong hệ thống quản lý nhà nước và trong hệ thống chính trị. Ngay từ sau cách mạng tháng 8-1945, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng đã vì lợi ích chung mà đã từ chức. Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Khi tổ chức chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học” (Tạp chí Cộng sản, 29/6/2022). Đấy là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương…    

Hiện nay những tiến bộ khoa học công nghệ khiến nguy cơ pha loãng bản sắc dân tộc là rất cao. Cùng đó là những thói hư tật xấu bản năng có điều kiện trỗi dậy; lợi ích vật chất cám dỗ con người; môi trường tự nhiên và xã hội thiếu lành mạnh… Vì vậy, yêu cầu xây dựng nguồn lực con người trở nên vô cùng cấp thiết. Trong khi đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên biến chất, không đủ phẩm chất và năng lực trở thành những lực cản sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ phận không nhỏ ấy, oái oăm thay lại ngồi trên những cái ghế với chức danh, chức vụ được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm. Quá nhiều những cái “ghế” không tử tế, phản văn hóa, phản chính trị…

Hệ thống chính trị của nước ta hiện đang gánh một số lượng biên chế “khổng lồ”, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số toàn quốc. Đó là những “công bộc” của dân hưởng lương, chưa kể các Lực lượng vũ trang đương chức hưởng lương hoặc mang tính chất lương từ ngân sách Nhà nước. Trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội, một phòng/ban có từ 2-5 người mang chức danh “lãnh đạo, quản lý”… Hàng ngàn tổ chức như thế cùng hàng ngàn lãnh đạo cao, thấp, to, nhỏ… được bổ nhiệm ấy gắn với bổng lộc vật chất và tinh thần. Cái cửa lợi ích của quan chức đầy hấp dẫn cứ mở rộng chưa có giai đoạn nào chịu khép. Thế nên người ta bất chấp đạo lý, sẵn sàng luồn lách để giữ ghế, dùng mọi thủ đoạn, kể cả đến đền miếu, chùa chiền… cầu xin thần phật phù hộ để đoạt ghế. Ghế quan chức là cái “đó” đón dòng chảy lợi ích cho bản thân, gia đình, dòng họ… Xã hội quan trường đây đó sặc mùi tiền. Đã từng xuất hiện luật bất thành văn về giá cả của từng chức danh nơi này, nơi nọ…

Môi trường xã hội trở nên ngột ngạt. Theo báo Quân đội Nhân dân ngày 21/11/2021, thì ở phạm vi toàn Đảng và hệ thống chính trị, tính trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Trước và sau kiểm tra, nhìn trước, ngó sau thấy vắng bóng những người “coi danh lợi nhẹ như lông hồng” như quan chức thời quân chủ và hiếm hoi những người không ham chuộng địa vị, “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết” như quan chức thời cách mạng dân tộc, dân chủ. Nhiều Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về các giải pháp nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, Quy định “về những điều đảng viên không được làm” được ban hành kèm chế tài nhằm hạn chế sự biến chất, hư hỏng của “một bộ phận không nhỏ”, nhưng chưa thể thắng nổi bản tính “Tham, Sân, Si” của không ít quan chức chính trường thời nay.

Đầu tháng 9/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành thông báo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, sau khi bị kỷ luật. Theo đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Trước đó, đầu tháng 11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận khi có đủ căn cứ theo quy định.

Gần 2 năm kể từ khi Quy định số 41-QĐ/TW ra đời, con số cán bộ, công chức trong các ngành, các cấp bị miễn nhiệm lên đến hàng ngàn, nhưng số người tự nguyện từ chức thì tính trên đầu ngón tay. Thật buồn thay! Cán bộ, Đảng viên tự nhận ra những hạn chế về năng lực chuyên môn, những yếu kém trong ứng xử, những lệch lạc về tư tưởng, những bước tuột dốc về đạo đức… mà dũng cảm từ bỏ quyền lực và quyền lợi, dũng cảm vượt qua dư luận “thế gian” mà tự nguyện từ chức, đó là Văn hóa từ chức. Văn hóa này được hình thành khi con người thoát khỏi “Tham, Sân, Si”; khi xã hội dân chủ, bình đẳng, cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, mọi động thái của quyền lực đều phải đặt trong hiến pháp và pháp luật với chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Môi trường văn hóa từ chức chỉ có thể hình thành khi từ chức không phải là “hết thời”. Từ chức không có nghĩa là chấm dứt sự nghiệp chính trị hay sự nghiệp quản trị, quản lý… Khi ấy, cán bộ xin từ chức không nhất thiết phải vi phạm khuyết điểm, hay vi phạm pháp luật.

Cho nên, có thể coi Thông báo Kết luận số 20-TB/TW nêu trên như là động lực của văn hóa từ chức, để văn hóa từ chức trở thành một nét sáng của văn hóa chính trị trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. Đồng thời, xây dựng văn hóa từ chức phải đi cùng với việc “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, như Kết luận số 14KL/TW của Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 9/2021. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần trong văn bản chính thức của Đảng ta, nhưng trên thực tế, việc “khuyến khích và bảo vệ” những cán bộ như thế vẫn còn rất bất cập.

Nhà văn Đức Ban

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Có thể bạn quan tâm