March 29, 2024, 7:44 am

Văn hoá trong thời cuộc

 

Văn hóa và Thế sự

 Hồ Quang Lợi cho rằng, văn hóa là Hành trình nhận thức các giá trị “Trong những cơn đau lịch sử”. Chỉ khi nào các giá trị khác biệt tiếp cận và chung sống với nhau mới có thể hóa giải mọi xung đột. Văn hóa là “Nơi chưng cất các giá trị bền vững có sức quyến rũ nhất của đời sống nhân loại; văn hóa là dòng chảy như chiếc nôi êm đưa thế giới tìm lại cội nguồn. Chính “sự lệch pha về văn hoá, sự không thích ứng của những tư tưởng, thiết chế” sẽ đưa nhân loại vào tình trạng vô trật tự quốc tế. Bạn đọc cảm nhận Nỗi đau đớn khi Thời cuộc đánh tráo các giá trị của văn hóa, biến kẻ xâm lược thành quan toà, biến người anh hùng thành tội phạm chiến tranh (qua sự kiện Sébia giao nộp ông Melôxêvích cho Toà án La Hay). Trong hoàn cảnh này, văn hóa trở thành “một bi kịch tinh thần, là tấn trò giễu cợt công lý”.

 Hồ Quang Lợi dẫn dắt bạn đọc vào những triết luận của Văn hóa và Thời cuộc: Một siêu cường chỉ có thể có đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển thế giới nếu tìm thấy con đường tương hợp với con đường chung của nhân loại. Trái lại, khi tham vọng bá chủ thế giới áp đặt luật chơi riêng để tạo nên sự thay đổi trật tự mới thì có thể biến một cuộc khủng bố thành một cuộc chiến tranh và “đường cong đế chế” đó sẽ tạo nên những xung chấn toàn cầu, và là cơn ác mộng thực sự của thế giới đương đại… Từ “Cuộc khủng hoảng tranh biếm hoạ”, Hồ Quang Lợi chỉ ra những xung khắc giữa văn hóa phương Tây – vốn mang tính thế tục cao và văn hóa của thế giới Ả Rập, mà trong đó tôn giáo đóng vai trò trọng tâm. Ông đúc kết: Thế giới không có chung một ý tưởng về sự thiêng liêng tôn giáo. Các giá trị văn hóa đích thực không tạo ra xung khắc, đối nghịch và thù hận nhau, trái lại sẽ hoá giải mâu thuẩn và đi tới hoà đồng.

 Sau trận Đại hồng thuỷ ở Nhật Bản, Hồ Quang Lợi hướng chúng ta đến tinh thần Nhật bản. Nét đẹp văn hóa Nhật Bản khiến cả thế giới ngạc nhiên, ngưỡng mộ. “Nhưng chính người Nhật lại ngạc nhiên về sự ngạc nhiên này của thế giới. Vì theo họ, đó là cách ứng xử bình thường khi đất nước gặp tai hoạ”… Hai yếu tố giúp người Nhật có kỷ luật trước thử thách là văn hóa và Giáo dục. Văn hóa là nền tảng tinh thần của cả dân tộc. Giáo dục đưa con người ta vào khuôn mẫu, cách ứng xử hợp với văn hóa.

 

Văn hóa giữ nước

Theo Hồ Quang Lợi, Văn hóa Việt Nam gắn liền với Văn hóa giữ nước. Đó là văn hóa đánh giặc, bảo vệ Tổ Quốc. Văn hóa giữ nước như Nguyễn Trãi trong tư thế chiến thắng kiêu hùng ở thế kỷ XV đã nói: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để tay cường bạo”. Từ tuyên ngôn về nghệ thuật đối nhân, xử thế đó của cha ông, Hồ Quang Lợi kiến giải về quá trình dựng xây, đắp bồi, vun xới một chân dung văn hóa độc đáo suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt, để mỗi lúc lại thu hút về mình những tinh hoa ưu tú của nhân loại. Biến thế mạnh của văn hóa Việt Nam thành “sức mạnh mềm”, “biên gới mềm” góp phần giữ vững độc lập, tự chủ, phát triển bền vững đất nước.

 Tôi tâm đắc với những đúc kết sắc sảo của Hồ Quang Lợi: “Việc giữ bản sắc dân tộc, bảo vệ và phát huy thế mạnh văn hóa của quốc gia là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”; và “Khi Văn hóa trở thành giá trị, dân tộc nào có tầm vóc văn hiến thì dân tộc đó sẽ đứng vững trên cơ sở những giá trị Văn hóa cao quý của mình để không bao giờ bị đánh đổ, dân tộc đó sẽ trường tồn trước bất cứ kẻ thù nào”.

 Trên cơ sở những luận giải đó, Hồ Quang Lợi mổ xẻ “Ván cờ thâm hiểm” về nhân quyền của phương Tây và đúc kết: “Nhân quyền không chỉ bó hẹp đơn thuần ở các quyền tự do các nhân”. Trên hàm nghĩa bao quát, đó là quyền của các cộng đồng, dân tộc, quốc gia. “Sẽ chẳng bao giờ có nhân quyền đích thực nếu chủ quyền dân tộc, quốc gia bị chà đạp”.

 

Chân dung văn hóa

             Văn hóa trong thời cuộc của Hồ Quang Lợi thể hiện qua các chân dung văn hóa. Đó là những nhân cách khả kính, những chính khách, những học giả tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Đọc các trang viết “Phẩm cách những con người” của Hồ Quang Lợi, chúng ta thêm tin yêu về những điều tốt đẹp của cuộc sống; về những giá trị văn hóa trong đời thường thông qua các chân dung, được anh vinh danh, khắc họa...

Ngòi bút Hồ Quang Lợi thường tung tẩy trên những trang chính luận về thời cuộc, thế sự, ít dành cho những phác họa chân dung. Vì vậy, anh viết về các nhân vật cụ thể không nhiều nhưng luôn soi chiếu nhân vật qua lăng kính Thời cuộc và Văn hóa để từ đó toát lên nhân cách, toát lên chân dung văn hóa tiêu biểu.

Văn là người. Đọc văn thấy người. Thường năng lượng tiềm ẩn ở đâu thì khí chất toát lộ lên ở đó. Hồ Quang Lợi là cây bút giàu trầm tích văn hóa. Vì vậy các trang viết của anh, dù là các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội trong nước hay là những Thế sự mang tính toàn cầu; phác họa chân dung nhân vật hay “ẩn số thời cuộc”… Tất cả đều được soi chiếu dưới lăng kính Văn hóa, lấy Văn hóa làm nền tảng để mổ xẻ, phân tích và đúc kết những triết lý nhân sinh. Đó là Hồ Quang Lợi. Và đó là Thời cuộc và Văn hóa - Cuốn sách vừa được ra mắt độc giả.

Nguồn Văn nghệ số 25/2019

 


Có thể bạn quan tâm