April 25, 2024, 2:20 pm

Văn hoá tâm linh- chuyện đông tây kim cổ

                                                                                          

Thời tối cổ, con người run sở trước những lực lượng hung hãn của tự nhiên mà đến thế kỷ XVII, nhà triết học tôn giáo, nhà toán học người Pháp Blaise Pascall (1623-1662) gọi đó là “con người bé nhỏ rợn ngợp trước cái đại cực”.

 

Ảnh Internet

Bất lực trước những hiện tượng bất tri của vũ trụ kỳ vĩ, con người tìm đến tín ngưỡng tâm linh. Về sau, khi đã có ít nhiều trải nghiệm, con người tìm đến sức mạnh của thần linh mà tiêu biểu là những anh hùng siêu việt như Hercule, Prométhé v.v… Cũng tại đây, xảy ra hiện tượng mâu thuẫn giữa con người và thần thánh; vì trong quan niệm của người cổ đại, những anh hùng nói trên được đặt ngang hàng với các vị thần, là biểu tượng do nhân dân lao động sáng tạo ra. Đó là những con người cường tráng, toàn năng, toàn trí, phi thường có hoài bão lớn, tiên phong trong mọi hoàn cảnh. Ở phương Đông cũng có những anh hùng văn hóa: Hậu Nghệ bắn mặt trời trong thần thoại Trung Quốc cổ đại; Thần Brahma - linh hồn của vũ trụ ở Ấn Độ; Thánh Gióng-anh hùng chống ngoại xâm và Sơn Tinh - anh hùng chống thủy tặc của người Việt cổ v.v….

Văn hóa tâm linh là thuật ngữ được hiện diện trên văn đàn khoảng vài chục năm gần đây, nhất là sau khi các nhà nhân học, tâm lý học, khoa học xã hội trong nước và quốc tế thừa nhận yếu tố tâm linh, một trong bốn thuộc tính của con người: (con người xã hội, con người sinh học, con người tâm lý, con người tâm linh). Trong khoa học, sự dự báo, tiên cảm giúp nhà nghiên cứu đưa ra những giả thiết rời rạc, bổ sung cho từng đoạn quan sát bị đứt quãng thành chuỗi giả thiết khả thi để nhà bác học đúc thành giả thiết. Trong nghệ thuật, nghệ sĩ không dừng lại ở nhận thức logic. Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ cầu viện trực giác, linh tính, chộp lấy phút thăng hoa, thần linh, linh cảm trong quá trình sáng tạo. Trong nghi thức tôn giáo, nhà triết học cổ điển Đức Feurbach coi mối quan hệ giữa con người và Thần Thánh nằm ở bình diện tâm linh đặc biệt. Ông viết: “Người theo tín ngưỡng hướng tới Thượng đế cùng với lời cầu nguyện sùng kính, anh ta tin rằng: Thượng đế sẽ nghe thấy tiếng nói của anh ta trong lúc cầu nguyện”. Mác, Ăngghen, Lênin… và nhiều nhà Mácxit chân chính không kỳ thị tôn giáo và tín ngưỡng, trái lại tôn trọng vì coi đó là nhu cầu tinh thần của một bộ phận cộng đồng người. Mác và Ăngghen khi bàn về triết học Feuerbach đã coi con người là một “đối tượng của cảm giác”.

Lễ hội là hình thái tín ngưỡng có từ thời cổ đại, khi con người bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Lễ là niềm tin, là tín ngưỡng, Hội là vui chơi, ứng diễn nghệ thuật. Tín ngưỡng thường nhuốm màu tinh bí. Còn vui chơi, ca hát là chuyện thế tục. Vậy mà hai hình thái văn hóa mang hiện tượng đối nghịch (Thiêng và tục, đạo và đời, duy lý và duy cảm, trí tuệ và tâm linh) lại hòa quyện vào nhau tạo nên luồng giao hòa tâm linh giữa người với người, giữa người với Thần Thánh, với vũ trụ. Lễ hội là hiện tượng tâm linh hướng tới cái Cao cả, cái Thiện, cái Mỹ. Chính hạt nhân hợp lý này đã làm cho hai nghịch lưu hòa nhập vào một, làm cho đời sống văn hóa đương đại thêm phong phú, hữu ích.

Mặt trái của văn hóa tâm linh là mê tín dị đoan. Mê tín là lòng tin đến mê muội, cuồng si, thái quá; còn dị đoan là điều quái lạ, huyền hoặc do tin mà có. Do đâu mà còn những hiện tượng tiêu cực trong tín ngưỡng, lễ hội? Lịch sử nhân loại cho ta biết rằng, lúc nào và ở đâu khoa học (đặc biệt là khoa học về nhân học) chưa phát triển, con người bất lực, hoài nghi trước sức mạnh của tự nhiên, mất lòng tin vào những kẻ nắm quyền lực (trong chế độ ta là sự quản lý vừa thiếu tri thức vừa buông lỏng, một số quan chức thiếu gương mẫu, trình độ dân trí thấp v.v… thì những nơi đó những hiện tượng mù quáng, tự phát trong lĩnh vực tín ngưỡng mọc lên như nấm sau mưa. Ngoài ra, cũng cần lùi lại lịch sử để nói đôi điều về ảnh hưởng của Đạo giáo đối với mê tín-dị đoan. Đạo giáo phát sinh ở Trung Quốc từ thời hậu Hán, đến các thời đại kế tiếp được coi là quốc giáo. Thời cổ đại, Đạo giáo có gốc ở quạn niệm ma thuật, kỳ phương dị thuật, xem sao, bói rùa, đồng bóng, cúng quỷ, chữa bệnh bằng bùa phép. Giáo sĩ của Đạo giáo gọi là pháp sư có tài chữa bệnh, vẽ bùa đốt cháy rồi hòa vào nước cho người bệnh uống thì khỏi (tên phù thủy có từ đây). Vào Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu, với thế giới quan phong kiến kéo dài nhiều thế kỷ, Đạo giáo phát triển rất phức tạp. Có đạo giáo thần tiên và đạo giáo phù thủy. Đạo giáo phù thủy diễn biến trong đời sống tâm linh rất nặng nề, hỗn tạp, kéo dài cho đến tận ngày nay, khi thời đại khoa học phát triển như vũ bão. Nhiều người dân vẫn theo, vẫn tin mà không biết mình đang đi theo vết xe đổ của Đạo giáo phù thủy. Dưới thời Nguyễn, trong Điều lệ hương đảng của Gia Long, trong mười huấn điều của Minh Mạng đều nói tới chống Đạo giáo phù thủy như mê tín, dị đoan, kỳ phương, dị thuật, bùa mê thuốc lú. Từ xưa đồng cốt nhảm nhí do họ Cao Tôn (Đế Cốc) bày ra để dối dân, nên Vương Chế (Kinh Lễ) đặt luật diệt trừ để bãi bỏ mê tín, lái tục dân về phía chính đạo. Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên đã được xóa bỏ. Nhưng tục chém đầu trâu hiện đang tranh cãi ở vài nơi như đập đầu trâu ở Hương Nha (Phú Thọ); treo cổ trâu ở Đông Cuông (Yên Bái); lễ hội đền Chính (Nghệ An); thi chọi trâu ở Hải Phòng… là những tập tục đang bị lên án. Đủ biết, để an dân, an nghiệp cho người dân, để đất nước cường thịnh, thì việc đấu tranh xóa những hủ tục hủ lậu, không có căn cứ khoa học cần được tiến hành đồng bộ. Điều đó cần được giáo dục từ trong nhà trường, tuyên truyền nếp sống mới, ban hành những hình phạt từ thấp lên cao… Cùng đó là các chế tài hỗ trợ, như đánh thuế nặng vào các loại hình sản xuất hàng hóa phục vụ hủ tục mê tín dị đoan…

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Bảo tồn cái Đức và cái Tâm của con cháu đối với các bậc tiên liệt. Người còn sống tin rằng, Tổ tiên, ông bà đã mất là thiêng liêng, linh hồn vẫn còn “sống” bên cạnh con cháu. Những khi Xuân về, Tết đến, những ngày giỗ chạp, Tổ tiên phù hộ con cháu, khi gặp điều không may, ân thưởng con cháu lúc làm điều lành, quở trách kẻ hậu sinh làm chuyện vô luân, vô đạo. Còn chuyện đốt hương tùm lùm nơi đình, chùa càng nhiều được là lòng thành càng lớn, đốt vàng mã ở gia đình với tâm niệm “dương sao âm vậy” có khi tốn bạc triệu; hiện tượng những lò lửa hóa vàng tàn bay tung tóe ở đền bà Chúa Kho với những mâm lễ bạc triệu, với vàng, bạc giả, đôla âm phủ để dâng Bà cứ tưởng sẽ được lộc lớn… là những chuyện vừa phi lý vừa nhảm nhí.

Ở Hà Nội và nhiều địa phương miền Bắc, vào khoảng những năm giữa thế kỷ trước, mỗi lần Tết đến, giờ phút giao thừa là thời gian giao hòa giữa Trời - Đất và con người thường có tục đi háu lộc xuân. Sau lễ cúng tất niên, nhiều người, phần lớn là lớp trẻ rủ nhau đi chơi, đón giao thừa. Hồ Gươm là nơi đông khách nhất. Gần 12 giờ đêm, mọi nhà chuẩn bị đón giao thừa; ở đình, chùa, đến, miếu cúng thần linh, trong nhà cúng gia tiên. Khi ra về, người ta thường bẻ một nụ chồi lá non về nhà, được coi là biểu tượng vận may trong năm mới. Về sau, việc bẻ cành, hái lá chồi non ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, hủy hoại môi trường tự nhiên, làm rác bẩn nơi công cộng. Vì vậy người ta thay vào đó là những hình thức “hái lộc” hiện đại như tục xin chữ, xin câu đối mang nội dung Thiện - Mỹ. Đó là mỹ tục, hoàn toàn trái ngược với những hiện tượng phản cảm, vô văn hóa như tranh ấn đền Trần, cầu xin tài lộc ở đền bà Chúa Kho...

Tôn giáo, tín ngưỡng, nếu thái quá rất dễ trở thành sự lệch lạc văn hóa… Những hiện tượng vô luân, vô đạo diễn ra trong lễ hội thường dẫn thuần phong mỹ tục của dân đi vào phía tà đạo. Do vây, để xây dựng một đời sống văn hóa, văn minh ở cơ sở mang tính nhân văn, các cơ quan tổ chức quản lý Nhà nước ở địa phương, những người chủ trì lễ hội cần có nhiều biện pháp giáo dục, tuyện truyền, tổ chức khoa học, thậm chí ban hành những quy ước (không trái với pháp luật), “mạnh tay” đối với những hiện tượng phản văn hóa đang làm vẩn đục lối sống lành mạnh của nhân dân.

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm