April 20, 2024, 11:20 am

Văn hóa- nhịp cầu đưa Việt Nam vươn ra thế giới

 

Khép lại năm 2017 với những giải thưởng danh giá giành cho lĩnh vực điện ảnh, ca nhạc, và hai di sản được vinh danh trên bản đồ di sản thế giới, không ít người đã lạc quan cho rằng, đây là lưng vốn để Việt Nam có quyền nghĩ đến việc xuất khẩu văn hóa, chứ không chỉ dừng lại ở những hoạt động quảng bá văn hóa. Thậm chí nếu biết phát huy lợi thế chỉ trong một tương lai gần, Việt Nam có thể giống như Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí vượt Hàn Quốc… Song giữa mong muốn và thực tại vẫn còn có khoảng cách…

Quảng bá văn hóa

Ảnh internet

 

Văn hóa là nền tảng vô cùng quan trọng của một quốc gia. Không có một nền văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ bị lẫn lộn với các nước khác, đặc biệt là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Chính vì vậy, trong bất kỳ một văn kiện đại hội, hay nghị quyết dù là trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Đảng ta đều khẳng định nhiệm vụ chính là xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. NQ 23 của Bộ Chính trị, tinh thần này tiếp tục được củng cố và trở thành sợi chỉ đỏ xiên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Trong vai trò là cơ quan chủ quản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những bước đi cụ thể để từng bước đưa văn hóa trở thành ngành công nghiệp không khói. Có thể dẫn ra đây những hoạt động xúc tiến thương mại kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới, tổ chức các đoàn nghệ thuật, tham dự các liên hoan phim quốc tế  và khu vực giúp định hình một Việt Nam mới hơn, thân hiện hơn, phát triển hơn so với một Việt Nam từng được thế giới biết đến trong công cuộc đấu tranh giành độc lập những năm cuối thế kỷ 18, đầu 19. Song giới chuyên gia nhận định, đó mới chỉ dừng lại ở hoạt động quảng bá văn hóa, chứ chưa được coi là xuất khẩu văn hóa, bởi nếu xuất khẩu chúng ta phải định lượng được những giá trị mà văn hóa đem lại thông qua việc đóng góp bao nhiêu phần trăm vào tổng sản phẩm doanh thu quốc nội. Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng lại hoàn toàn có lý. Hoạt động quảng bá được ghi nhận trong năm 2017 có thể lấy bộ phim bom tấn Kingkong của đạo diễn Jordan Vogt-Robert là điểm khởi đầu. Hãng Legendary và Warner Bros, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong sản xuất Kingkong đã chọn một số cảnh quay tại Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình của Việt Nam. Và đúng như kỳ vọng bộ phim đã đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Sau Kingkong đạo diễn Jordan Vogt-Robert cũng được chọn trở thành đại sứ du lịch của Việt Nam. Nhưng mọi chuyện dường như chỉ dừng lại ở quảng bá mà chưa thể giúp Việt Nam tiến xa hơn là trở thành một phim trường lý tướng của thế giới.

Xuất khẩu văn hóa

Khái niệm “xuất khẩu văn hóa” có lẽ không xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Trong khi người Việt Nam nhập khẩu rất nhiều thứ từ nước ngoài trong đó có văn hóa thì lại chỉ xuất khẩu được những mặt hàng nông sản, hay khoáng sản dạng thô. Lý giải cho những bất hợp lý này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng văn hóa vốn định tính nên khó có thể thu lợi nhuận từ văn hóa. Vậy nhưng, tại nhiều nước trên thế giới, văn hóa trở thành ngành công nghiệp cho doanh thu rất lớn, thậm chí đóng góp chủ yếu cho GDP như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, hầu hết các kênh truyền hình có yếu tố giải trí đều mua bản quyền và cho trình chiếu những ấn phẩm phim, ca nhạc của các quốc gia này như VTC 7 đã từng mua bản quyền những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Ấn Độ dài hàng nghìn tập như: Cô dâu 8 tuổi, Góa phụ nhí… hay VTC 13, kênh ca nhạc tương tác với khung giờ phát sóng ca nhạc quốc tế chủ yếu là các ca khúc Hàn quốc, Nhật Bản… Vô hình chung đã hình thành làn sóng thần tượng hóa các sao ngoại trong giới trẻ Việt.

Trước sự lấn lướt của văn hóa ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những bước đi cụ thể trong điều hành lĩnh vực quản lý. Để không nhập siêu văn hóa, nhiều chương trình trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước đã hình thành nhưng vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Việt Nam đã có nhiều phim tham dự các liên hoan phim và lần lượt gặt hái được các giải thưởng danh giá trên thế giới. Hay trong lĩnh vực văn học, đã có những tác phẩm của nhà văn Việt Nam được các nhà xuất bản trên thế giới mua bản quyền như Long thần tướng; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Và gần đây nhất trong lĩnh vực nghệ thuật, Hát Xoan Phú Thọ và Bài Chòi đã được vình danh trên bản đồ di sản thế giới. Tất cả những nỗ lực này cho thấy Văn hóa đã đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Nhưng để thế giới biết đến Việt Nam như đã từng biết đến quá khứ lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chỉ nỗ lực thôi thì chưa đủ mà cần phải coi văn hóa là nhịp cầu, là thứ vũ khí đặc biệt để Việt Nam có thể chiếm lĩnh lòng tin, và một vị thế nhất định trong lòng bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó là đón nhận những tấm lòng yêu Việt Nam của bạn bè quốc tế giống như Rehahn với bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giáđã như một minh chứng cho những tình cảm đặc biệt vô cùng quý giá của bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam.

Bây giờ hay tương lai

Sự mai một của các giá trị truyền thống đang là một thực tế rất đáng lo ngại nếu không có giải pháp từ nhà quản lý và từ chính cộng đồng. Để có một Hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và lần đầu tiên thoát ra khỏi danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp, hơn 6 năm qua, Phú Thọ đã nỗ lực hết mình. “Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân nắm giữ làm tài liệu giảng dạy. Có thể nói, đây là một cách ứng xử với di sản mà không phải tỉnh nào cũng có được. Họ rất coi trọng hát xoan, đã đầu tư sức người sức của, trí tuệ, để từ chỗ người Phú Thọ chỉ lác đác biết thế nào là Hát Xoan thì giờ đây toàn dân Phú Thọ đều biết đó là sản phẩm văn hóa đặc sản…”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa đại diện của nhân loại và 1 di sản vẫn nằm trong danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO công nhận, là ca trù. Mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng, bởi làm sao để phát huy những giá trị di sản đến bạn bè thế giới. Để kết thúc bài viết, xin mượn lời nhiếp ảnh gia Rehahn để thay cho lời kết “Tôi mơ ước các tổ chức văn hóa cũng như các bảo tàng ở Việt Nam quan tâm đến những câu chuyện này có thể tổ chức lễ hội carnival hội đủ 54 dân tộc Việt Nam ở Hội An thì thật thú vị và chắc chắn sẽ thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam đông đảo hơn”.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018


Có thể bạn quan tâm