April 19, 2024, 9:38 am

Văn hoá lãnh đạo và vai trò của dân

 

            Văn hóa lãnh đạo là đạo trị nước. Người xưa coi đạo trị nước là lý tưởng vì Dân, an Dân, giữ Dân. Một nền đại chính phải thể hiện đường lối chính trị an dân. Khoan sức dân dưới thời Trần là “dẫn dắt Dân vào đạo lớn, đưa dân lên cõi đài xuân”. Trong Chiếu lên ngôi của Quang Trung cũng dẫn lại lời trên. Còn vua Tự Đức thì trước sau vẫn coi nhân tài trong Dân là cội gốc để làm chính sự v.v… Đó là những ví dụ trong lịch sử Việt Nam về đạo trị nước, một khái niệm của văn hóa lãnh đạo ngày nay, hay nói cách khác đó là một khía cạnh của văn hóa chính trị.  

      

I. VĂN HÓA LÃNH ĐẠO LÀ ĐẠO TRỊ NƯỚC

Văn hóa lãnh đạo đòi hỏi nhà lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao, ít nhất phải hội đủ những tiêu chí như sau:

Một là, đạo cao, đức trọng, phải gương mẫu trong mọi hành xử, trong lối sống, trong quan hệ đối với thiên nhiên, với đồng loại, với đồng sự và phải trung thực với chính mình. Cổ nhân dạy “tri túc tâm thường thái”. Người biết “tri túc” với những cám dỗ, dục vọng chính là dấu hiệu phẩm chất văn hóa, là chiến thắng lớn nhất của người cầm quyền.

Hai là, tài năng cầm quyền được tỏa sáng ở tầm nhìn thời cuộc bằng đôi mắt “biệt nhãn”, biết phát hiện và sử dụng người tài để bổ sung nguồn nhân lực cho đất nước. Không phải ai cũng phát hiện được tài năng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người hữu đức, hữu tài. Năm 1965, giữa lúc đế quốc Mỹ đe dọa ném bom miền bắc, và sau đó một năm, chúng đánh sập cầu Long Biên, thế mà tại Viện Văn học, chỉ cách nơi chúng dội bom chừng 800 mét, ông vẫn chủ trì Hội thảo về Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt và sau đó chủ trương thành lập Đại học Hán Nôm do giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách. Còn sau đó là sự ra đời của Viện Văn hóa - Nghệ thuật để quy tụ tài năng của các ngành nghệ thuật, nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa của dân tộc và đề cao bản sắc văn hóa của dân tộc v.v…

Ba là, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi nhà cầm quyền phải thuộc bài học “Dĩ công vi thượng”, chứ không phải “dĩ công vi ngã”. Để chống sự tha hóa quyền lực cần xác lập “quyền sở hữu trung bình”, tiến đến văn hóa chính trị, để không ai đủ sức mua bán được quyền lực.. Phải coi quyền lực của Dân là tối thượng. Trong ba điều của phép trị nước: “túc thực, túc binh, dân tín” thì cái sau là yếu tố cực kỳ quan trọng. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ cả chế độ chính trị. Người xưa nói: Đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công ít mà bổng lộc lớn là mặt trái của cấu trúc chế độ đãi ngộ và đào tạo nguồn nhân lực, vừa là lợi ích của những kẻ tham nhũng, tham ô của những kẻ có quyền, có khi chỉ là quyền nhỏ ở cấp cơ sở hiện đang rất phổ biến ở nước ta.

Bốn là, nhà cầm quyền không nhất thiết phải có học vấn cao. Bằng cấp, học vị, học hàm là những văn bằng, chứng chỉ được quy định trong các ngành đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với các quan viên thì ngoài những chứng chỉ chính trị cao cấp, không nên quy định học vấn sau đại học. Quy chế này dễ tạo nên tình trạng chạy bằng cấp, chạy điểm thi... đang là vấn nạn ở nước ta hiện nay, góp phần làm méo mó nền giáo dục và đạo đức xã hội.

 

II. VĂN HÓA DÂN CHỦ VÀ VAI TRÒ CỦA DÂN

Vai trò của Dân được thể hiện qua Văn hóa dân chủ. Đối với các nhà cách mạng lớn như Lenin, Hose Marti, Hồ Chí Minh... thì chính trị là phương tiện, văn hóa mới là mục đích, bởi suy cho cùng, văn hóa là con người. Mục đích cuối cùng của Cách mạng xã hội chủ nghĩa là vì con người. Ngay khi chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, khi còn ở Chiến khu Cao Bằng, để thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Bác Hồ thường khuyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải dựa vào Dân. Dựa chắc vào Dân thì kẻ địch không thể nào tìm diệt được. Tổ chức của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phải lấy Chi bộ làm hạt nhân. Tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nhiều bài nói, bài viết, diễn văn, thơ chúc Tết, thơ văn của Người từ Cách mạng Tháng Tám cho đến khi Người ra đi.

Văn hóa dân chủ ở mỗi nước, mỗi thời đại có những nội dung khác nhau, nhưng tiến bộ hơn cả là những quan niệm của các nhà triết học Thế kỷ Ánh Sáng của Pháp như Montesquieu (1689-1778) thừa nhận Dân có quyền nắm chính quyền, nhưng lý tưởng của ông về Dân chủ trực tiếp vẫn nằm... đáy giếng. Voltaire (1694-1778) coi tự do tư tưởng dân chủ là trung tâm của mọi hoạt động chính trị. Ở Trung Quốc, trong số các giá trị trường tồn cho đến tận hôm nay phải kể đến vai trò của Dân được ghi vào trong sách Thượng Thư “Dân vi bang bản” của Khổng Tử, về sau Mạnh Tử phát triển: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, Nghĩa là: Việc dân là quan trọng nhất, thứ là đến việc của xã tắc và việc sau cùng là của vua. Tư tưởng tiến bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích theo tinh thần mới: Lợi ích vủa nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích quốc gia, còn lợi ích của nhà vua là không đáng kể.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (cương lĩnh 91) nêu sáu đặc trưng, mà đặc trưng đầu tiên là Do nhân dân làm chủ. Kiến giải này khẳng định Cương lĩnh 91 đã thông qua vai trò của Dân. Đến Đại hội Đảng X (2006), các đặc trưng và mô hình Chủ nghĩa xã hội được bổ sung, rồi Đại hội XI (2011) được phát triển một bước mới phù hợp tình hình trong nước và quốc tế. Theo đó, sáu đặc trưng hàng đầu là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do dân làm chủ. Tất cả những quan điểm chỉ đạo này muốn được thực thi trong đời sống hiện đại có hiệu quả, hợp lòng dân hay không đều phải lấy nhân tố văn hóa làm nền, yếu đố nhân văn làm mục đích (lợi ích của dân), yếu tố trí tuệ để tìm chân lý (thảo luận, tranh luận trong dân, nhất, là trong tầng lớp trí thức), yếu tố đạo đức trong cách ứng xử (chính sách an dân, lo cho dân) v.v… Làm được như vậy tức là Đảng, Nhà Nước và Nhân dân tuy hai mà là một, thống nhất, đồng thuận, biểu trưng cho hai đại nghĩa gặp nhau tạo nên sức mạnh trường tồn đại đoàn kết để xây dựng và bảo bảo vệ Tổ quốc, mà không một kẻ thù nào có thể xuyên tạc, chống phá nổi. Đó chính là văn hóa dân chủ thời đại Hồ Chí Minh.

Trong nền kinh tế tri thức, mọi kiến thức đều được dân chủ hóa, người ta nói nhiều đến Quyền lực mềm của văn hóa dân tộc, động lực phi kinh tế của giáo dục, thế giới phẳng trong quan hệ đa phương, minh triết trong mọi quan hệ ngoại giao… Thế giới ngày nay luôn tiềm ẩn các mối xung đột ở biển đảo, lãnh thổ, vũ khí hạt nhân… Hòa bình là mục đích tối cao của đời sống hiện đại. Các phương tiện truyền thông (maso-média) và quá trình dân chủ hóa góp phần tạo nên xã hội dân chủ công bằng. Báo chí nhiều hơn, thông tin được cập nhật hơn, người xem, hưởng thụ văn hóa nhiều hơn, văn hóa mạng, tri thức trên Internet, văn hóa nghệ thuật qua mạng v.v… Đi đôi với việc ngăn chặn, xóa bỏ các trang web xấu, phản động... cần phát triển các trang mạng, thư điện tử, nhật ký trên mạng (blog)... lành mạnh, góp phần nâng cao dân trí, vai trò dân chủ, bồi đắp kiến thức.

Thang giá trị ở mỗi nước cũng có sự khác biệt. Người Nhật Bản có giá trị là mô hình tháp trụ: Thiện (đạo đức), Ích (kinh tế), Mỹ (thẩm mỹ). Dân chủ hóa trong thưởng thức nghệ thuật là cần thiết, song cần ngăn chặn những trang web đen, những blogger tự do với nội dung xấu đi ngược với xu thế hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Phải coi trọng văn hóa ngang bằng với kinh tế, nếu không muốn nói là hơn, nếu ta hiểu văn hóa soi đường cho quốc dân như định nghĩa của Bác Hồ về văn hóa. Chủ nghĩa nhân văn của nước ta gói gọn trong cấu trúc: Chân, Thiện, Mỹ. Nói đến nguồn nhân lực trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần coi trọng tầng lớp trí thức tinh hoa, những tài năng trong khoa học, nghệ thuật và các lĩnh vực sáng tạo, khuyến khích sự đam mê sáng tạo, đánh giá họ qua lao động và tác phẩm, hạn chế họ đi vào con đường hoạt động chính trị mà họ ít am hiểu.

Hiện nay, ở nước ta chỉ có một cửa là cửa chính trị với nhiều đặc quyền, đặc lợi, bổng lộc v.v… nên dễ khiến người ta chen lấn, suy bì. Cần mở nhiều cánh cửa sang trọng để thu hút nhân tài. Sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đi đều bước, chí ít cũng bằng các nước top đầu trong khu vực, nếu chúng ta biết coi trọng giới trí thức tinh hoa, quy tụ được tài năng nhiều hơn nữa, với tư duy biện chứng, biết ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn thì sự nghiệp văn hóa sẽ đi đều bước với nền kinh tế tri thức đang diễn ra.

 

                                                                                         


Có thể bạn quan tâm