April 25, 2024, 11:51 am

Văn hoá học đường ngày nay ra sao

 

Ngày nay, khi mà trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển xã hội.

Chính vì vậy phải hết sức quan tâm đến giáo dục và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển. Vì vốn“Con người là nguồn lực quý báu nhất, đồng thời là mục tiêu cao cả nhất. Tất cả do con người và vì hạnh phúc của con người, trong đó trí tuệ là nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia. Vì vậy, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài là vấn đề có tầm chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước”. Do vậy, giáo dục, đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, Tôn sư trọng đạo là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta.Ngay từ xa xưa, tình cảm thầy trò được coi là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng của con người. Bởi người thầy như là cha mẹ ta vậy, nuôi dưỡng ta lớn lên, giáo dục ta những điều hay lẽ phải. Nhưng hiện nay, vấn đề văn hóa học đường đang trở thành một đề tài đáng báo động trong xã hội của chúng ta. Nếu như nói văn hóa học đường là hệ thống các chuẩn mực, các giá trị giúp cho cán bộ quản lý giáo dục nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm và hành động tốt đẹp hơn thì nay “Văn hóa học đường” đang trở thành nhiều nghĩa khác trong mắt nhiều người.

 Nếu như ngày xưa, quan hệ thầy trò một mối quan hệ tôn sư trọng đạo từ ngàn năm nay vẫn luôn được coi trọng và trường tồn theo thời gian thì ngay thời điểm này nó không còn được như xưa. Nói theo mặt tích cực, do thời buổi hội nhập, học sinh được tự do ngôn luận, quan hệ thầy trò được cởi mở hơn, thầy không còn là thầy đồ ngày xưa đến lớp học sinh không dám hé môi vì sợ thầy la nữa, ngày nay học sinh không còn sợ thầy như ngày xưa mà cha mẹ chúng ta đã từng, cũng đúng vì thời hiện tại bây giờ xã hội phát triển thì trẻ em hiểu biết nhiều hơn, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Nếu theo chiều hướng tốt thì mọi thứ không có gì để bàn nhưng điều đáng nói là một số học sinh lại không kiềm được lời nói và hành vi của mình vô lễ với thầy cô của mình. Hay dám xé bài kiểm tra trước mặt thầy khi làm bài điểm thấp .Đây là hiện trạng thực vẫn tồn tại giữa mối quan hệ này. Chính vì sự thiếu hiểu biết, hành động “ngông” hoặc muốn chứng tỏ với các bạn mà các em đã làm mối quan hệ thầy trò trở nên hết sức đáng buồn. Đối với những giáo viên nóng tính không kiềm được ngay trong thời điểm này thiết nghĩ rằng cần giáo dục các em bằng hình thức khác chứ không phải dùng roi vọt hoặc những lời nói không hay.

            Càng phát triển thì xã hội phải chăng lại xuất hiện nhiều loại văn hóa, và có một loại văn hóa mới xuất hiện đang làm mai một đi các giá trị truyền thống đó chính là văn hóa phong bì. Và phong bì đang làm đang làm bớt đi sự thiêng liêng và cao quý của nghề dạy.

Tình bạn, tình cảm học trò, bạn cùng lớp phải thương nhau, giúp đỡ quan tâm nhau. Những tấm gương giúp bạn vượt khó, cõng bạn đến trường đó mà mỗi ngày vẫn được báo chí đưa tin, những câu chuyện những bài học đạo đức vẫn còn đó nhưng vấn nạn lại xảy ra.

            Với góc độ của một người giáo viên, tôi nghĩ rằng giải pháp tốt nhất tạo nên một mối quan hệ là sự thấu hiểu. Thấu hiểu giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau, giữa giáo viên và các bậc phụ huynh,… Để có sự thấu hiểu, cần có những cuộc gặp gỡ và tiếp xúc thực tế? tại sao chúng ta không xây dựng một môi trường giáo dục mở, có nghĩa là có sự tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh. Chúng ta sẽ xây dựng một cuộc gặp gỡ hằng tuần sẽ đối thoại trực tiếp với các em với những nội dung xoay quanh những lo lắng, khó khăn của các em để giáo viên có thể hiểu rõ hơn những tâm tư, tình cảm của các em từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp.Từ trước đến nay, các em đa số chỉ được học những bài lý thuyết về tình thầy cô và tình bạn đẹp, trên thực tế  khi gặp những tình huống mâu thuẩn các em chưa biết cách giải quyết, chỉ biết giải quyết bằng bản năng mình vì  thế mà xung đột xảy ra, cũng như khi không tán thành ý kiến của giáo viên, các em cũng không biết cách ứng xử thay vào những câu nói vô thức, làm xấu đi các mối quan hệ. Nếu được, chúng ta có thể xây dựng những lớp học về kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ứng xử với những tình huống hằng ngày ngay tại trường. Các em vừa được giao lưu vừa được học những kĩ năng sống hết sức bổ ích. Chúng ta không dạy lý thuyết nữa mà thay vào những tình huống xảy ra hằng ngày để các em ứng xử thực tế.Thời buổi hiện nay, mỗi gia đình rất ít con nên con cái như quý tử trong nhà, mỗi khi con mình có chuyện gì hay nghe giáo viên la đánh thì phụ huynh cứ cuống lên với giáo viên ? vậy tại sao chúng ta không để phụ huynh được thực tế đến trường học với các em? nếu được có thể mời phụ huynh đến dự giờ vài buổi học tại lớp,  phụ huynh có thể hiểu hơn về sự khó khăn mà giáo viên đang gặp phải, hiểu hơn về sự tinh nghịch của các em. Và tôi tin rằng, chỉ qua vài tiết dự giờ, phụ huynh sẽ cảm thông được cho nghề làm dâu trăm họ này. Đồng thời mang gia đình đến trường học là một trong những biện pháp giáo dục giúp cho người dạy và người học có sự tương tác tốt hơn. Song song việc xây dựng những giải pháp để “ văn hóa học đường” thực sự mang đúng ý nghĩa của nó thì bên cạnh đó chúng ta hãy cùng nhau tháo gỡ những vấn nạn của nó.

Theo tôi sự kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội là đều hết sức cần thiết.

Gia đình chính là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho các em.Dạy các em lòng yêu thương con người, biết chia sẻ và đồng cảm với người khác. Nhưng hiện nay tình trạng bạo lực gia đình ngày càng tăng, nạn chửi bới đánh đập vợ con, con cái đánh cha mẹ gây phẫn nỗ trong dư luận, tình trạng li dị, tan vỡ của nhiều gia đình làm cho các em thiếu thốn tình cảm, dẫn đến chán chường, tụ tập đánh nhau.Mặt khác một số gia đình cưng con theo kiểu cậu ấm, tiểu thư, chu cấp thả ga cho con mình mà không biết con mình cần gì ?Cha mẹ nên xích gần hơn với các em.Cha mẹ phải là người làm gương , phải là người làm trước , phải hướng dẫn học sinh nhận thức được cái đúng, cái sai.Phải biết nói lời xin lỗi khi sai, phải biết cảm thông khi người khác có lỗi với mình không phải là dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẩn . Đồng thời cha mẹ phải là người bạn để cùng con chia sẻ, cùng con lắng nghe những vấn đề trong cuộc sống.Ông bà ta đã có câu Dạy con từ tuổi còn thơ là rất đúng. Ngay từ nhỏ chúng ta phải dạy trẻ hình thành  những phẩm chất và hành vi, khen ngợi con khi làm được việc tốt, nhắc nhở con mình tránh xa cái xấu để khi các em lớn lên có cái nhìn đúng đắn hơn.

Bên cạnh đó nhà trường cần có những biện pháp răng đe phù hợp một số học sinh có thái độ hung hăng, côn đồ để làm gương cho một số học sinh khác.Trên thực tế nhà trường vẫn còn coi nặng nề về kiến thức văn hóa đôi lúc quên đi nhiệm vụ giáo dục con người, giáo dục kỹ năng sống. Nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giáo dục học sinh,phải là sợi dây bền chắc để đưa các em đến những điều tốt đẹp.Môn học giáo dục công dân trong trường ( môn đạo đức ở cấp tiểu học ) là môn học rất hay vì môn học này hướng con người ta vào những điều tốt đẹp, đem lại những suy nghĩ và hành động tốt, xây dựng nên tính cách, xây dựng nên một con người sống có tình cảm, sống có đạo đức, có sự dạy dỗ cho nên được gọi là: Giáo dục công dân.Tuy nhiên môn học này dần dần không được chú trọng trong nhà trường vì môn học này không nằm trong các môn thi tốt nghiệp.Tôi mong các bạn nên có cái nhìn lại, nên trân trọng và yêu quý môn học này.Đã đến lúc chúng ta cần trả môn học Giáo dục công dân về vị trí xứng đáng của nó:môn học làm người.Đồng thời nhà trường cần phát huy trách nhiệm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh.

Ngày nay xã hội phải chăng đang dửng dưng trước những hành động của bạo lực.Đa số các bạn xem tất cả các líp đăng tải hầu hết khi một bạn bị đánh chẳng ai đến căn ngăn hay giúp đỡ mặc dù hầu hết đều học chung lớp.Thay vào đó các bạn còn cổ vũ, hò hét và dửng dưng quay líp.Trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan các líp đăng tải các video bạo lực học đường. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều lượt bình luận, chia sẻ cho mọi người cùng xem .Ngược lại, thay vì phê phán hành động này thì một số người trẻ lại ủng hộ hành vi này.Việc sử dụng tràn lan các mạng xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các vụ bạo lực.Bên cạnh đó, phim ảnh và game là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ bạo lực.Tôi chứng kiến những khuôn mặt hân hoan, thỏa mãn của các em khi đối diện với những cảnh rùng rợn trong trò chơi.Các game bạo lực này đang dần phá hủy tâm hồn và nhân cách các em, biến các em thành những con người dữ tợn.Toàn xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ.Cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường xã hội.Nghiêm cấm các game bạo lực.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu Trưởng trường ĐH Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân của sự vụ đáng buồn là việc giáo dục chưa tới, chưa sâu sắc đi vào thế giới riêng của học trò. Ở đây, nhà trường, gia đình và xã hội phải có trách nhiệm với hành vi bạo lực của con em mình.Qua sự việc một nữ sinh bị bạn lột đồ, đánh hội đồng ở Hưng Yên vừa qua phải nhập viện vì quá sợ hãi thì PGS.TS.Huỳnh Văn Sơn khẳng định rằng: Nhà trường phải chịu trách nhiệm và rõ ràng sự việc xử lý chưa thấu đáo, chưa đến nơi, đến chốn nên dẫn đến việc đình chỉ trách nhiệm quản lý, công tác. Dẫu có chút đáng buồn nhưng nó có thể là tín hiệu cho thấy phải quyết liệt để răn đe hơn trong giáo dục.Đó là sự dạy dỗ mang tính chất làm người.Ở đây nhà trường xã hội cùng gia đình phải có trách nhiệm.

Thiết nghĩ rằng văn hóa học đường thực sự được coi trọng khi tất cả mọi người cùng chung tay xây dựng nên. Đã đến lúc chúng ta phải thấy được sự cần thiết của việc giáo dục tư tưởng đạo đức và lối ứng xử có văn hóa cho thế hệ trẻ. Rất mong thời gian tới sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ  giúp cho văn hóa học đường thực sự đúng với tên gọi của nó.

 

Nguồn Văn nghệ số 34/2019


Có thể bạn quan tâm