April 20, 2024, 5:38 am

Văn hóa chính trị là văn hóa lãnh đạo và quản lý

 

LTS: Sau vệt bài bàn về xây dựng Văn hóa chính trị của các tác giả: Phạm Quang Long, Hồ Sĩ Vịnh, Vũ Ngọc Hoàng và Đinh Xuân Dũng đăng liên tục trên 4 số báo Văn Nghệ gần đây, ban biên tập đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc gần xa trong cả nước, bày tỏ chính kiến về vấn đề báo nêu và nội dung các bài viết trên đây.

Trao đổi về diễn đàn trên đây, Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI – Nguyên TBT báo QĐND, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT, Nguyên Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam – nói:

- Trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động; Đặc biệt trong lúc toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, việc báo Văn Nghệ mở mục diễn đàn bàn về xây dựng Văn hóa chính trị là rất đúng và rất trúng, hết sức kịp thời và thiết thực.

Những thập niên vừa qua, công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, về văn hóa có thể nói còn nhiều biểu hiện đáng lo ngại, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên và nhất là một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý xuống cấp đáng báo động. Do đó, việc báo Văn Nghệ mở diễn đàn về xây dựng văn hóa chính trị không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, lý luận, mà còn rất có ý nghĩa về mặt thực tiễn xã hội. Hi vọng báo Văn Nghệ sẽ tiếp tục có nhiều vệt bài tương tự, đề cập những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong đời sống chính trị - văn hóa – xã hội, thể hiện trách nhiệm công dân và ý thức chính trị của báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn và giới văn nghệ sĩ cả nước trước tình hình hiện nay.

PV: Thưa ông, trong vệt bài vừa rồi, các tác giả đã có những cách tiếp cận, đề cập khác nhau để đưa ra những khái niệm về Văn hóa chính trị. Vậy theo ông, Văn hóa chính trị là gì?

Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI: - Theo tôi hiểu, văn hóa chính trị là tổng thể những giá trị được hình thành trong thực tiễn chính trị, thể hiện nhận thức về chính trị, lý tưởng - niềm tin vào chính trị và cách thức tham gia vào đời sống chính trị của các chủ thể chính trị theo những chuẩn mực phù hợp với chuẩn mực văn hóa chung của xã hội. Trong đó, văn hóa chính trị của người lãnh đạo và quản lý trong hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng nhất, quyết định sự vận hành của hệ thống chính trị theo tôn chỉ, mục đích đã đề ra.

Văn hóa chính trị biểu hiện cụ thể ở thái độ, cách thức hành xử của người lãnh đạo và quản lý đối với quyền lực được trao để thực thi nhiệm vụ. Những người được giao quyền lực nếu có thái độ đúng đắn đối với quyền lực được giao để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, thì đó là “hồng phúc” của quốc gia và dân tộc. Ngược lại, nếu lợi dụng – lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích bản thân, gia đình và những người cùng phe nhóm thì đó là nguy cơ tai hại cho sự tồn vong và phát triển của thể chế, của đất nước. Hai thái độ trên đây là hai mặt đối lập của khái niệm Văn hóa chính trị.

PV: Như vậy có thể nói thời nào và thể chế nào cũng đều có văn hóa chính trị của mình. Theo ông, lịch sử Văn hóa chính trị của Việt Nam đã được hình thành như thế nào?

Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI: Các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây cũng đã nêu lên nhiều biện pháp cai trị dựa trên tư tưởng dân vi quý, xã tắc vi thứ, quân vi khinh (dân là quý nhất, thứ đến là xã tắc, còn vua thì không nghĩa lý gì) hoặc dân vi bản... (dân là gốc). Đó là những tư tưởng của Nho giáo, về chủ trương thì rất tiến bộ nhân văn, nhưng trên thực tế thì vua vẫn là tối thượng, có quyền quyết định tất cả, kể cả việc sinh tử của thần dân.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, trở thành Đảng cầm quyền tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa chính trị của chế độ mới cũng là văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cốt lõi là tinh thần phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân; cán bộ, đảng viên là công bộc của nhân dân. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, hệ thống chính trị của ta đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, tiêu cực, suy thoái... mà nguyên nhân sâu xa là sự thiếu hụt, yếu kém về văn hóa, trước hết là văn hóa lãnh đạo. Chính vì vậy mà Nghị quyết 33-NQ/TW về Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể... Nghị quyết 33-NQ/TW chỉ rõ: Trọng tâm của xây dựng văn hóa trong chính trị là “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Như vậy, xây dựng văn hóa trong chính trị mục đích là nhằm xây dựng văn hóa chính trị và con người trong hệ thống chính trị là chủ thể của văn hóa chính trị. Các giá trị và chuẩn mực văn hoá cao đẹp của những chủ thể ấy tạo nên niềm tin sâu sắc đối với nhân dân. Nếu niềm tin bị xói mòn sẽ tác động trực tiếp đến sự bền vững của chế độ.

PV: Ông có thể nêu một vài biểu hiện “nổi cộm” của sự suy thoái về văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị của ta hiện nay?

Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI: - Một trong những biểu hiện đầu tiên của sự suy thoái về văn hóa chính trị chính là việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực được trao. Theo đó mà dẫn đến những hành xử với thô bạo với dân; hoặc thờ ơ, vô cảm trước những yêu cầu, bức xúc của nhân dân; hoặc do không tôn trọng dân nên có thái độ sách nhiễu, xem thường người dân; hoặc khi được giao chức giao chức giao quyền thì tư duy nhiệm kỳ, chăm lo vun vén lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Ngoài ra, một số vụ việc tham ô, tham nhũng, dẫn đến những vụ đại án trong thời gian qua cũng là những dẫn chứng cụ thể của sự suy thoái về văn hóa chính trị. Những suy thoái đó đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương, nếu không kiên quyết xử lý thì ảnh hưởng tiêu cực của chúng sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tồn vong của chế độ, đến sự phát triển bền vững của đất nước.

PV: Như vậy có thể nói ở nước ta hiện nay, nâng cao văn hóa chính trị của người cán bộ lãnh đạo là một điều kiện, một biện pháp quan trọng để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý của Nhà nước, thưa ông?

Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI: - Văn hóa chính trị của một thể chế và văn hóa chính trị của người lãnh đạo là những vấn đề rộng lớn, bị chi phối bởi nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố. Vì vậy, việc nâng cao văn hóa chính trị của người lãnh đạo phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với năng lực lãnh đạo của Đảng, sự vững mạnh của hệ thống chính trị, sự hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền v.v...

Theo đó, việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo các cấp hiện nay phải gắn liền với việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn liền với việc nắm vững Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; với việc trang bị những kiến thức cơ bản về Khoa học chính trị và Khoa học lãnh đạo... Đặc biệt, việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức, lối sống và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trước hết là trách nhiệm nêu gương. Người cán bộ lãnh đạo phải là người tiêu biểu về đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân. Muốn vậy, phải đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đi đôi với nâng cao ý thức pháp luật. Đồng thời, việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo phải gắn liền với đổi mới công tác cán bộ của Đảng; có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, chặt chẽ để người có chức, có quyền khó có thể thao túng quyền lực được giao.

Trong bài viết mới đây về “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài; kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền. Đây là quyết tâm chính trị của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả; đồng thời cũng là quyết tâm xây dựng và phát triển văn hóa chính trị của Đảng ta.

PV: Thưa ông, như vậy có thể nói Văn hóa chính trị của người đứng đầu thực chất là những giá trị, chuẩn mực trong công việc và thái độ văn hóa đối với quyền lực được trao và nhiệm vụ được giao. Văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương... có những yêu cầu, chuẩn mực riêng nhưng phổ quát vẫn là thể hiện tính chân – thiện – mỹ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị vì lợi ích cộng đồng và đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc và  hạnh phúc của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi bổ ích và thiết thực này!

 

                                                   Mai Nam Thắng Thực hiện

 


Có thể bạn quan tâm