April 19, 2024, 6:59 am

Văn hiến giữ nước - những giá trị trường tồn trong lịch sử, văn hoá

Văn hiến giữ nước là thuật ngữ của Ngô Thì Nhậm giới thiệu tập thơ Tinh sà kỷ hành của của Phan Huy Ích ở đoạn nói đến bộ Toàn Việt thi lục để so sánh thơ ca nước ta từ đời Lý cho đến Hậu Lê không nhường thi ca các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh về nội dung, thể loại, phong cách,... Suy rộng ra, văn hiến giữ nước hiện diện không chỉ trong văn chương, thơ phú, mà còn được minh chứng trong chiều dài lịch sử văn hóa.

GIỮ NƯỚC LÀ GIỮ DÂN

Cho đến nay, nội hàm “văn hiến” đã được các nhà nghiên cứu thảo luận nhiều. Ngoài một vài đặc điểm khác biệt, chúng ta dễ dàng thống nhát: văn là khuôn phép, trước tác, lễ nghĩa, điển chương, sách vở; hiến là người hiền tài, bậc chí sĩ. Khái niệm văn hiến được coi là phổ biến trong thư tịch nước ta. Người dùng chữ văn hiến đầu tiên là Nguyễn Trãi (1380-1442) trong Bình Ngô đại cáo: (Xét như nước Đại Việt ta, Thật là một nước văn hiến. Bờ cõi sông núi đã riêng, Phong tục Nam Bắc cũng khác... Tuy mạnh yếu có khác nhau, Mà hào kiệt không bao giờ thiếu). Trước Nguyễn Trãi khoảng gần 400 năm, Lý Thường Kiệt (1019-1105) đã khẳng định nền văn hiến qua áng thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà. Cũng ngần ấy thời gian, sau Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm (1746-1803) lấy làm tự hào được sinh ra ở đất phương Nam, có “nền văn hiến phương Nam”. Các bậc danh nho, sĩ phu ở các thời đại khác nhau đã coi Việt Nam là nước văn hiến, có nền văn minh đứng “hàng đầu Trung Châu”, “không nhường Hán - Ngụy”, v.v.....

Như vậy, văn hiến nước ta là đặc điểm vượt trội xuyên suốt trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước gốc là dân. Nói dân tộc ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, quật cường chống ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích vì dân. Điều này thấy rõ dưới thời Trần. Chính sách “khoan sức dân” để làm kế “gốc sâu, rễ bền” được coi là thượng sách để giữ nước. Thời nhà Trần có lệ đặt chuông ngay trước cung điện nhà vua để dân có oan ức thì đến kêu oan bằng những tiếng chuông giục giã, vua sẽ trực tiếp phán xử. Thấy được nguồn lực to lớn của dân, các vua Lý, Trần đều có chính sách khuyến nông, an dân, dựa vào dân để giữ nước.

Truyền thống đó được duy trì và phát triển qua nhiều triều đại phong kiến, đặc biệt là ở các thời kỳ thịnh trị. Cảm hứng chủ đạo thương dân, biết ơn dân trong thơ, văn Nguyễn Trãi rất dạt dào mà câu thơ sau là tiêu biểu: “Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ, suốt đời ôm mãi nỗi lo dân”, hoặc “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, v.v.... Thấy được sức mạnh to lớn của dân “Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp”....

Dưới thời Quang Trung, người anh hùng áo vải “oai vũ mà nhân hậu”- văn hiến giữ nước được ghi lại rạch ròi trong thơ, hịch, dụ, chiếu, biểu và dòng văn học Tây Sơn. Yêu nước đồng nghĩa với thương dân. Nước với dân có quan hệ khăng khít. Nước một ngày không thể không có vua. Việc Quang Trung xưng Hoàng đế biết là bất đắc dĩ, nhưng cần thiết, vì “ứng mệnh trời, thuận lòng người”. Trong Chiếu cầu lời nói thẳng của Quang Trung có câu: “Dân không có vua thì ai giữ nước?”. Quan hệ sống còn biện chứng này còn có trong nhiều bài hịch. Hịch Tây Sơn mở đầu: “Sinh dân phải nuôi dân làm trước...”. Trong Chiếu lên ngôi, đường lối chính trị của Quang Trung thật minh bạch: “Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân”, “để kéo dài phúc lành cho tôn miếu, xã tắc”. Ý nghĩa văn hiến của những tuyên ngôn vừa nói nằm ở đường lối “dân vi bản”, “giữ chặt lòng người”.

Dưới triều Nguyễn, trừ Gia Long còn dựa vào vũ công của mình, các ông vua còn lại từ Minh Mạng trở đi đã thấy không thể dùng vũ lực để thu phục giang sơn, quy tụ người tài trong dân, nhất là sĩ phu Bắc Hà. Họ đã có nhiều chính sách “trọng dụng hiền tài”, “chiêu tập hiền nhân”. Đại thần Doãn Uẩn nói: “Làm chính trị cốt ở chỗ được người giỏi, xưa nay nói đến việc trị dân đều lấy việc dùng người làm gốc”. Còn Tự Đức thì cho rằng: “Nhân tài là cội gốc để làm chính sự. Muốn chỉnh lý chính sự, tất phải cần nhân tài...”. Ngay cả Thiệu Trị, một ông vua chỉ sống 41 năm, trị vì 7 năm, bên cạnh những hạn chế về ý thức hệ thời đại, ông đã có những vần thơ ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ của đất nước. Sự thông cảm đối với đời sống cơ cực của người nông dân, có ý thức về tầm quan trọng lâu dài của nông nghiệp và nông thôn nước ta trong tiến trình xã hội. Đọc Thần kinh nhị thập cảnh, ta thấy rõ điều đó:

Tam Thôi khuyến khóa khinh tri lỗi

Chung tuế cần cù mẫn đạp lê

(Lễ Tam Thôi để khuyên răn đừng xem nhẹ việc cày bừa; Biết xót thương những người quan năm chăm chỉ việc cày cấy).

Trong thời đại Hồ Chí Minh, nhiều học giả khẳng định rằng, Cách mạng tháng Tám là một niên biểu mới của văn hiến Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn của thế giới, là hiện thân, là biểu tượng của nền văn hóa đó. Để xây dựng nước ta thành nước dân chủ - cộng hòa. Người biết rất sớm và rất rõ sức mạnh, quyền hành, lực lượng ở nơi dân. Từ đó về sau, tất cả các chính sách dân vận của Người và của Đảng ta vừa có tiếp thu tự giác truyền thống “khoan sức dân”, “an dân’ của các vị anh hùng dân tộc, vừa thấm sâu mối quan hệ biện chứng giữa lợi ích vì dân, quyền hạn của dân, trách nhiệm của dân trong giữ nghiệp giữ nước. Sức mạnh của dân là cội nguồn sâu xa của mọi thắng lợi, của phát triển. Đó là quan điểm đã được các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021).

GIỮ NƯỚC LÀ GIỮ GÌN GIA PHONG, PHÉP NƯỚC

Văn hiến giữ nước được thể hiện ở việc giữ gìn lề tục gia phong, kỷ cương phép nước. Lề tục gia phong, kỷ cương phép nước là những sản phẩm lịch sử - xã hội. Chúng chịu sự biến đổi và phát triển của chiều dọc lịch đại (truyền thống) và chiều ngang đồng đại (hiện đại). Ở nước ta, chúng có những đặc thù. Nhà, làng, nước là ba cơ cấu chính trị thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc của người Việt, là cột trụ làm nên sức sống dân tộc. Vì vậy, tục nhà, lệ làng, phép nước dù có độ chênh, nét trội thì cả ba giá trị nói trên đều gặp nhau ở sự hòa hợp của lòng dân, thời đại nào cũng vậy. Xa rời nguyên tắc làm chủ của nhân dân có nghĩa là chính quyền trung ương thời đại đó xa rời trung tâm của chính nghĩa, của tiến bộ. Người xưa nói: “Gốc thiên hạ ở tại gia đình, có dạy bảo được người gia đình, nhiên hậu mới dạy được người trong nước.... Vua Anh Tôn thờ cha mẹ kính cẩn, cư xử với họ hàng hòa thuận, vua Nhân Tôn khen là có hiếu. Vua Minh Tôn noi theo nếp ấy trong nước được văn minh, thịnh trị, dân được giàu có, thuần hậu; đó chẳng phải là gốc, bởi tu thân tề gia là gì?”.

Nói mỹ tục, gia phong của dân, trước hết phải nói gia pháp của các bậc vua, quan. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ có kể rằng, gia pháp nhà Trần rất nghiêm về danh phận trên dưới. Hoàng phi Huy Tư là vợ của vua Anh Tôn, cái kiệu của Hoàng phi đi là của Hoàng hậu Bảo Từ ban cho; vua Anh Tôn cho là không phải phép quy định, chưa đáng được di, không cho dùng.... Lại kể, Phạm Ngũ lão là tướng tài, trị quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng sĩ như người trong nhà, nên trong các đạo quân của ông, sĩ quan binh lính thân nhau như cha con, đánh đâu thắng đó.

Phép nước được hình thành từ trí tuệ của những bậc đại thần, những hiền thân, nho sĩ, có thể gọi họ là những cố vấn của vua. Từ thời Tiền Lê, Phật giáo bắt đầu được tôn vinh. Các nhà sư được coi là những nhà văn hóa lớn, học rộng. Sư Pháp Thuận được vua Lê Đại Hành tin dùng, tham gia chính sự, tiếp các sứ thần nhà Tống; sư Ngô Khuông Việt thường có mặt tại triều chính, được hỏi, được trả lời trong nhiều dịp đại sự của vua Lê. Đến thời Lý, Trần, khi đạo Phật ngày càng được tôn trọng, trở thành quốc giáo, được truyền bá rộng thì chính sách xây dựng chùa chiền, sử dụng sư sãi gắn liền với văn hóa Phật Giáo. Nhà chùa là nơi dạy chữ nghĩa, sư sãi được coi là những nhà văn hóa, những học giả có đức độ.

Dưới thời Quang Trung, để chấm dứt thực trạng thi cử thối nát của triều đình Lê - Trịnh, các nhà giáo dục đã cải cách hệ thống dạy, học và sử dụng người tài. Chiếu lập học là một ví dụ. Đây là một văn bản chính thống kêu gọi người hiền tài ra giúp nước; triều định coi trọng tiếng dân tộc; tất cả các loại hình hịch, chiếu, biểu đều viết bằng chữ Nôm; lập Viện Sùng Chính để chuyển dịch các sách Nho gia bằng chữ Hán sang chữ Nôm. Trong Chiếu cầu hiền, để cùng lo toan việc giữ nước, giữ gìn công cuộc thái bình, vua ban chiếu cùng dân trăm họ ai có tài cao học rộng, kiệt xuất hơn người, kể cả những ai giấu tài ẩn tiếng thì nay hãy đến phò tá nhà vua, phụng sự vương hầu: “Những người có tài nghệ gì có thể dùng cho đời, cho phép các quan văn quan võ được tiến cử, lại cho dẫn đến yết kiến, tùy tài bổ dụng....”. Nhân hậu như vậy, nhưng người anh hùng áo vải cũng nghiêm cẩn vô cùng, nhất là việc thi hành phép nước. Chuyện kể rằng, khi Quang Trung tự mình đốc xuất đại binh ra Bắc Hà lần thứ hai năm 1788, trên đường đi đã chiêu tập được nhanh chóng quân tinh nhuệ ở Thuận Hóa, Quảng Nam, Nghệ An. Nhưng đến núi Tam Điệp thì có một kẻ dao động, vô mưu, trong đó có hai vị tướng, vua lập tức lệnh truyền cho tất cả đại binh rằng: “Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết tức khắc.... Binh pháp dạy rằng: “Quân thua chém tướng”. Tội của các ngươi đáng chết một vạn lần. Song ta nghĩ các ngươi đều là hạng võ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh, đến như việc tùy cơ ứng biến thì không có tài....”.

VĂN HÓA HÒA BÌNH - MỘT GIÁ TRỊ TRONG TỪ ĐIỂN VĂN HIẾN

Hòa bình là một giá trị to lớn, lâu đời, bền vững của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại Nguyễn Trãi, hòa bình có nghĩa là hòa hiếu, trong câu phú:

Đạo lớn hiếu sinh,

Nghĩa vì kế lâu dài của nhà, nước,

Tha kẻ hàng mười vạn binh sĩ,

Sửa hòa hiếu cho hai nước,

Tắt muôn đời chiến tranh,

Chỉ cần vẹn đất, cốt sao anh ninh.

(Phú núi Chí Linh)

Tinh thần đó lan tỏa trong thơ văn Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo. Nước Đại Việt là nước văn hiến, chưa bao giờ gây sự với ai, nhưng hễ giặc đến thì từ vua đến dân đều sẵn “chí phục thù, thức ngủ chẳng quên”, vậy mà khi giặc kiệt đường chờ chết bó tay thì chỉ dùng mưu “tâm công”, không chiến mà cũng thắng. Và mục đích cao nhất của cuộc kháng chiến chống giặc Minh là cốt “để mở nền hòa bình muôn thuở”. Còn chính sách an dân thì được thể hiện trong việc đặt lễ nhạc. Nguyễn Trãi thưa với vua: “Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn... Hòa bình là gốc của nhạc”. Ở thời đại Quang Trung, sau đại thắng quân Thanh, nhà vua và các quần thần xây dựng lại đất nước với chính sách ngoại giao hòa bình vừa kiên quyết vừa thực tế: đòi lại 7 châu xứ Hưng Hóa, bỏ lệ cống nộp người và vàng, mở cửa biên giới thông thương buôn bán... Chính sách hòa hiếu đó được ghi lại trong nhiều tác phẩm. Rõ rệt hơn cả là ở Hịch Tây Sơn, Chiếu lên ngôi, v.v.... Hịch Tây Sơn được viết lúc quân Tây Sơn kéo ra kinh thành Thăng Long năm 1786. Kéo quân ra Bắc Hà lần này với mục đích làm cho dân yên ổn: “Sinh dân phải nuôi dân làm trước”, khi ở phía Bắc “mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi yên sao tiện?”. Nhưng khi đã “vỗ yên bốn phương” thì lấy chính sách an dân, “giữ chặt lòng người”, “thuận ý trời” làm trọng. Âm hưởng chủ đạo của Chiếu lên ngôi là mong thần dân hãy yên chức nghiệp, người làm quan giữ công liêm, người làm dân vui theo tục tốt... đi đến con đường chính thuận để văn hồi thịnh trị... Để kéo dài phúc lành cho tôn miếu xã tắc....

Trong hai cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược, có nhiều thời cơ để nhân dân ta giành được hòa bình, nhưng đều bị kẻ thù từ chối trên thế mạnh. Không có thiện chí, muốn hòa bình thương lượng trên thế mạnh, nói hòa bình để lừa thế giới.... là bản chất của kẻ xâm lược. Còn hòa bình của cha ông chúng ta và của chúng ta hôm nay là văn hóa hòa bình, một giá trị vĩnh hằng, vừa là cương lĩnh hành động, vừa là nguyện vọng tha thiết nghìn đời của dân tộc Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm