April 23, 2024, 6:11 pm

Vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên: Tại sao Trump “nhất bên trọng, nhất bên khinh”?

 

Trong khi bày tỏ lạc quan về vấn đề hạt nhân của Triều tiên thì ngày 12/5 vừa qua, chính quyền Mỹ đã tuyên bố quyết định “rời khỏi” thỏa thuận hạt nhân với Teheran, được ký kết hồi 2015, giữa Iran với 6 cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ. Việc Washington rời bỏ hiệp định nói trên mở đường cho Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân, một viễn cảnh nguy hiểm đối với thế giới. Vậy vì sao trong cùng vấn đề hạt nhân và vũ khí nguyên tử, Mỹ lại có thái độ đối xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như thế? Vì sao Mỹ "cứng" với Teheran nhưng lại "uyển chuyển" với Bình Nhưỡng?

 

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh Internet

“Khủng khiếp”, “thảm họa”, hay “lẽ ra không bao giờ được đặt bút vào một hiệp định như vậy”, tổng thống Mỹ đã giận dữ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 khi tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 24/4/2018. Trong kki đó, với Bắc Triều Tiên, tuy đã từng nặng lời tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng 9/2017 và đe từng đe dọa cuộc chiến “bấm nút hạt nhân”, nhưn giờ đây, Donald Trump lại có thái độ hòa dịu chấp nhận gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12 tháng 6/2018. Sự việc không ngừng gây ngạc nhiên sau khi Tổng thống Mỹ tiết lộ việc đã cử Mike Pompeo, cựu giám đốc CIA và lãnh đạo ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ, bí mật sang Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un hồi đầu tháng Tư. Theo tuần báo Pháp Nouvel l'Obs, các động thái nói trên có thể gây thắc mắc, phải chăng Donald Trump mâu thuẫn trong cách xử lý hồ sơ hạt nhân của hai quốc gia thù nghịch là Iran và Bắc Triều Tiên? Tại sao Washington muốn có được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, nhưng lại tìm cách “xé nát” thỏa thuận hạt nhân đã được ký năm 2015 với Teheran?

 

Thật ra Mỹ thống nhất về lập trường

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát, trong hai hồ sơ này, lập trường của tổng thống Mỹ rất rõ ràng và khá nhất quán, đó là phi hạt nhân hóa. Trong con mắt chính quyền Hoa Kỳ cho đến tận hôm nay, Bắc Triều Tiên và Iran vẫn là hai quốc gia nằm trong “trục tội ác” do George W. Bush chỉ định từ năm 2002. Nhưng các cuộc đàm phán được thực hiện từ những năm 1990 với Bắc Triều Tiên và Iran lại không có cùng chung số phận. Các cuộc thương thuyết với Bình Nhưỡng trên nguyên tắc vẫn trong tình trạng chiến tranh với Seoul, chưa bao giờ đi đến kết quả. Bắc Triều Tiên ngày nay dường như sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt sau những đợt thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên tục từ năm 2013—2017, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế. Trên lý thuyết, tên lửa của Bắc Triều Tiên giờ có thể tấn công những mục tiêu ở xa hàng trăm km (Nhật Bản), thậm chí hàng nghìn cây số đi tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Về phần mình, Iran tuy đã có được thỏa thuận hạt nhân với năm cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và Đức vào năm 2015 nhưng nước này chỉ mới ở mức làm giàu uranium, chưa thể bước vào sản xuất và thử nghiệm hạt nhân.

Thỏa thuận ký hồi tháng 7/2015 trên nguyên tắc chỉ có thể ngăn cản Iran phát triển năng lực hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngoài vấn đề “cảm tính”, cho rằng thỏa thuận này là một “thảm họa” vì không ai có thể bảo đảm được Iran không lao vào phát triển chương trình hạt nhân sau năm 2025. Từ những quan sát trên, câu hỏi đặt ra: Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng chiến thuật “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”? Nghĩa là với Bắc Triều Tiên, khi chấp nhận gặp Kim Jong-un, tổng thống Donald Trump ngầm nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Do vậy Washington phải đàm phán để không chỉ buộc Bình Nhưỡng ngừng hoàn toàn chương trình phát triển mà còn giải trừ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của họ. Còn đối với Teheran, do chỉ mới ở giai đoạn đầu, nên thái độ cứng rắn, những lời đe dọa rút khỏi thỏa thuận của nguyên thủ Mỹ chỉ nhằm để “mặc cả” với Iran và gây áp lực với các bên tham gia ký kết hướng đến việc ngăn cấm hoàn toàn nước này thực hiện chương trình vũ khí nguyên tử.

Còn những khác nhau cơ bản nữa giữa Bắc Triều Tiên và Iran hiện nay. Khi Bình Nhưỡng buộc phải thừa nhận sự tồn tại của Seoul, thừa nhận tính hợp pháp của Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc tức là Bình Nhưỡng chấp nhận “mất một nửa diện tích quốc gia”. Nhà sư học Kathryn Weatherby, trên tờ Financial Times số 28 và 29/4 vừa nhắc lại một thực tế ít người biết. Trong tấm bản đồ chính thức của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, chỉ có một nước Triều Tiên duy nhất. Đấy là chưa kể, vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân là điều từng được ghi vào Hiến Pháp nước CHDCND Triều Tiên. Nay từ bỏ nó, Triều Tiên đã chấp nhận một thỏa hiệp lớn. Tình hình của Iran khác hẳn hoàn toàn. Trái ngược với thái độ của Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ một phần di sản ý thức hệ quá khứ, chính quyền Teheran công khai đe dọa các nước láng giềng. Gần đây nhất, giáo chủ Iran Ali Khamenei vẫn đe dọa sẽ “kết liễu vương quốc Ả Rập Xê Út”. Israel cũng là đối tượng “tiêu diệt” của Iran. Teheran lấy “tinh thần chống Mỹ làm yếu tố chủ chốt của bản sắc Iran”. Nhà bình luận của báo Le Monde thừa nhận lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên đã có thái độ tự tin, sẵn sàng “mạo hiểm đi ngược lại các tín điều nền tảng của chế độ”, với cái giá phải trả là chế độ “có thể bị lung lay”, nhưng mục tiêu là để mở cửa kinh tế. Ngược lại, chế độ thần quyền và các phần tử cứng rắn của Iran thì vẫn khư khư bám lấy “truyền thống cách mạng”, chọn thái độ cố thủ, bởi sợ hãi trước “xu thế mở cửa và hội nhập”.

Phủ nhận thành tựu của người tiền nhiệm cũng có thể là một lý do tiếp theo khiến cho tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã chọn giải pháp cực đoan nhất khi rút khỏi hiệp định Vienna và tái áp dụng những trừng phạt mạnh mẽ nhất, đòi hỏi các công ty nước ngoài rút khỏi Iran. Chính trị là thế. Trump quyết phá tất cả những gì mà người tiền nhiệm Barack Obama đã làm, từ Hiệp định Khí hậu Paris đến Hiệp định TPP. Hơn nữa cũng phải thừa nhận, nội dung của hiệp ước nguyên tử Iran chỉ giới hạn ở các hoạt động hạt nhân mang mục đích quân sự, mà không liên quan đến việc chế tạo hỏa tiễn đạn đạo. Theo IISS (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), một số hỏa tiễn của Iran về lý thuyết có thể mang đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, thời hiệu của hiệp định được ấn định là 10 năm, khiến những gì diễn ra sau 2025 vẫn là một dấu hỏi. Hiệp định cũng không đề cập đến các hành động của Iran bị cáo buộc là nhằm gây bất ổn thế giới Ả Rập, như ở Irak, Yemen, Liban, Syria, với hàng trăm cố vấn của lực lượng đặc biệt Al Qods và dân quân Hezbollah được triển khai. Lo ngại, Ả Rập Xê Út đã xích lại gần Israel. Trên lý thuyết thì việc Mỹ lại trừng phạt chỉ có tác động tương đối, vì Washington vẫn duy trì cấm vận trong một số lãnh vực khác. Thế nhưng đây là một đòn nặng cho thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng nhiệm Anh Theresa May, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vì cả ba nhà lãnh đạo hàng đầu EU cho đến phút chót vẫn cố gắng làm tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý kiến.

 

Những hậu quả chưa lường trước

Rủi ro lớn nhất đối với châu Âu hiện nay thuộc về lĩnh vực kinh tế. Trump ra thời hạn sáu tháng cho các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Iran. Chưa ai quên số tiền phạt 9 tỉ USD mà Hoa Kỳ áp đặt đối với ngân hàng Pháp BNP Paribas năm 2014. Tương lai giờ đây tùy thuộc Iran: Teheran cần cân nhắc xem có nên ở lại với hiệp định hay không. Đối với tổng thống cải cách Hassan Rohani, đây là một thất bại, còn phe cứng rắn gồm giáo sĩ và Vệ binh Cách mạng lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận. Tất cả nay sẽ do giáo chủ Ali Khamenei quyết định. Trong trường hợp Iran lại làm giàu uranium hơn mức độ cho phép năm 2015, quốc tế không có nhiều lựa chọn, vì Donald Trump vẫn chưa có đề nghị gì về một “thỏa thuận” mà ông cho là tốt hơn với Teheran. Về quân sự, Israel không thể tái diễn các vụ không kích, như hồi năm 1981 đánh vào lò phản ứng hạt nhân Osirak ở Irak, hay vào Syria năm 2007. Các địa điểm nguyên tử của Iran được giấu rất kỹ, đôi khi dưới những hầm ngầm vô cùng kiên cố, chỉ có siêu bom của Mỹ mới đạt tới. Trong một khu vực bất ổn như Trung Đông, một cuộc tấn công quân sự vào Iran có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Cuộc chiến do Irak của Saddam Hussein đánh vào Iran (1980-1988) là một thảm kịch đã làm cho 800.000 người chết. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào kế hoạch B: châu Âu hy vọng thuyết phục được Iran tôn trọng hiệp định, nếu có được sự hỗ trợ của Trung Quốc và nhất là Nga, đồng minh cơ hội của Iran. Bởi vì nguy cơ chính là sẽ diễn ra một cuộc chạy đua hạt nhân tại Trung Đông. Liệu Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh có chịu khoanh tay đứng nhìn trước một Iran sở hữu bom nguyên tử?

Với quyết định của tổng thống Trump, chính quyền Mỹ sẽ áp dụng lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, nếu như không có được một thỏa thuận mới nào đạt được giữa các bên. Ngoại giao châu Âu đang lao vào cuộc chạy đua với thời gian đầy khó khăn để có một thỏa thuận mới đáp ứng cùng lúc ba—bốn bên có lợi ích và lập trường rất khác nhau, cùng với những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp. Nếu không, các công ty châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất về kinh tế, bởi hàng chục tỷ đô la buôn bán, đầu tư vào Iran có nguy cơ bị mất trắng. Về phần mình, là nạn nhân trực tiếp của quyết định của tổng thống Trump về hiệp định hạt nhân, Iran trước mắt tìm cách đàm phán với 5 cường quốc khác đã ký kết thỏa thuận là Anh, Pháp, Đức, cũng như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay từ tối hôm 10/5, tổng thống Iran Hassan Rohani đã dọa tái khởi động chương trình làm giầu uranium có thể dùng vào mục tiêu chế tạo vũ khí nguyên tử. Phản ứng đầu tiên của Iran đến từ chính tổng thống Hassan Rohani. Ông đã lên án quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tái lập các biện pháp trừng phạt Iran. Thế nhưng, ông cũng đồng thời xác định rằng ông vẫn dành cơ may cho những cuộc đàm phán sắp mở ra và sẽ kéo dài thêm vài tuần nữa với ba nước châu Âu ký kết thỏa thuận vào năm 2015. Tổng thống Rohani đã yêu cầu ngoại trưởng Iran bắt đầu đàm phán không chỉ với Paris, Luân Đôn và Berlin, mà cả với Matxcơva và Bắc Kinh, để xem liệu năm cường quốc này hợp lại với nhau có thể đảm bảo được lợi ích của Iran hay không, sau vụ Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ông khẳng định: “Hoặc là lợi ích của Iran được 5 nước liên can bảo đảm, hoặc là Iran sẽ đi theo con đường riêng của mình”, ý muốn nói là Teheran cũng có thể rời bỏ thỏa thuận hạt nhân./.

 

 


Có thể bạn quan tâm