April 25, 2024, 8:27 am

Vấn đề cũ, nhưng phải có cách nhìn mới

“Bạo lực học đường” là một thuật ngữ mới, còn bạo lực học đường đã tồn tại từ rất lâu rồi; Có thể nhìn nhận bạo lực học đường từ hai khía cạnh: Thầy giáo đối với học sinh và học sinh đối với nhau.

Từ xưa, quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” không chỉ phổ cập trong các gia đình, mà còn rất phổ biến trong học đường. “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn” là những tiêu chuẩn hàng đầu để các gia đình cho con em mình theo học các thầy đồ. Ngày nay với quan niệm của gia đình hạnh phúc và “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, người ta không chấp nhận thái độ ứng xử xưa cũ ấy nữa.

Không chấp nhận là đúng, nhưng xổ toẹt tất cả quan niệm của người xưa, theo chúng tôi là chưa hợp lý. Quan niệm “thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn” trong đánh giá thầy giáo của người xưa, có phần xưa nhưng mà chưa , bởi chúng đề cao sự nghiêm khắc và vai trò nêu gương của thầy giáo (cũng như trong gia đình). Có điều sự nghiêm khắc và nêu gương này phải đi kèm hay nói rõ hơn là phải tổng hòa trong sự yêu thương với con trẻ. Chúng ta tán thành sự nghiêm khắc và nêu gương cùng với sự yêu thương con trẻ, nhưng không tán thành nguyên tắc hơi  một tí là đánh đòn, bởi còn có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn! Người viết bài này thuận tay trái, đã bao nhiêu lần bị thầy giáo dùng thước kẻ đánh vào tay vì cứ quên, viết bằng tay trái, nhưng không hề oán trách thầy, vì thái độ nghiêm khắc nhưng cũng tràn ngập yêu thương của thầy (Bây giờ người ta cho phép ai thuận tay nào thì viết bằng tay ấy theo chúng tôi là rất hay, rất đúng!).

Vế thứ hai (và cũng là chủ yếu) của bạo lực học đường chính là thái độ của học sinh đối với nhau. Người ta thường nói “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, cho nên học sinh nghịch tinh, nghịch quái_thậm chí nghịch dại là điều chúng ta không muốn, nhưng buộc phải chấp nhận. Thời nào cũng có chuyện học sinh đánh nhau (nhất là học sinh nam), có điều chúng chỉ là “chuyện trẻ con” và ít gây hậu quả nghiêm trọng. Hồi nhỏ trong nhóm học sinh chúng tôi có một anh lớn tuổi, một hôm anh ra lệnh: Đứa nào đánh rơi mũ, nón (hồi đó chúng tôi đội nón là chủ yếu, vì nó che nắng tốt và lại còn rẻ nữa, chỉ nhà giàu mới có tiền mua mũ cho con), sách, tất cả phải xông vào đá, cho đến khi người đánh rơi nhặt được mới thôi! Nhiều hôm không có ai đánh rơi, anh đến bên hất nhẹ để cả bọn được đá. Có lần sách vở rách nát, bị đánh đòn đau, nhưng chúng tôi không giận anh, giận nhau, vì đây chỉ là trò nghịch tinh của trẻ con, chứ không ác ý.

Bây giờ nhiều người kinh hoàng vì học sinh đánh nhau dữ dội, đánh nhau như quân thù quân hằn, có khi mang cả vũ khí nóng ra hòng lấy đi sinh mạng của nhau. Và điều đáng ngạc nhiên, sợ hãi nhất là học sinh gái đánh nhau. Thời chúng tôi đi học (cách nay năm, sáu chục năm), hầu như các bạn gái không đánh nhau (cãi nhau chí chóe thì có), còn bây giờ hở ra một tý là đánh nhau, đánh nhau thật lực, thậm chí còn quay clip rồi tung lên mạng. Có bạn bị đánh nhiều lần sợ hãi không dám đi học, phải chuyển trường (thậm chí tự vẫn). Điều đáng buồn và đáng ngạc nhiên nhất là nhiều bạn rất vô cảm (thậm chí là cả người lớn), thấy đánh nhau không những không can ngăn, lại còn hò reo cổ vũ. Các bạn gái (nhìn chung là phái nữ) vốn hiền lành, mỏng mảnh, nhỏ nhẹ nay tự dưng trở nên hung bạo, thậm chí hung đồ là điều đáng buồn, trái quy luật, bởi trước nay chỉ có phái mạnh là giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm!

Tiện đây cũng xin mở ngoặc nói rộng ra là phái đẹp, phái yếu hiện nay đang có những ứng xử rất kỳ quặc, không phải, không đúng với đặc trưng của phái mình. Ấy là ăn mặc rất hở hang và nói rất tục ở nơi công cộng. Trước đây phụ nữ ra đường, ra nơi công cộng ăn mặc kín đáo bao nhiêu thì bây giờ hở hang bấy nhiêu (thậm chí mặc quần đùi áo may ô). Có những em, những chị, những bà mặt hoa da phấn, trang điểm rất có gu nhưng hễ mở miệng là văng tục (thậm chi văng tục cả với con, với cháu), mà người viết bài này không dám ghi lại. Trước hiện tượng này (cả ngoài xã hội và trong học đường) có người đã nói vui rằng đúng là thời âm thịnh dương suy. Chả biết có đúng không, chỉ biết là đáng buồn!

Còn đối với việc thầy giáo, cô giáo đánh học sinh (trong bất cứ hoàn cảnh nào, trượng hợp nào cũng là sai, phải lên án và có những biện pháp kỷ luật thích đáng), điều đáng buồn là phản ứng thái quá của phụ huynh học sinh (nhiều trường hợp trước mặt các em, thậm chí quay lên mạng với những lời miệt thị). Phụ huynh học sinh coi thường thầy giáo, cô giáo, tất yếu sẽ dẫn tới việc các em coi thường thầy cô giáo, và như thế thì không thể tiếp nhận sự giáo dục của họ. Đáng lẽ phụ huynh học sinh phải nghiêm khắc với con em mình thì họ lại đổ hết hậu quả (có khi chưa nghiêm trọng) lên đầu thầy, cô giáo. Thái độ bênh con, bênh cháu bằng mọi giá, chỉ đẩy các em ra xa hơn sự giáo dục của nhà trường. Và hệ quả tất yếu sẽ xảy ra: học trò hư ở nhà trường sẽ là một đứa con hư trong gia đình và lớn lên sẽ trở thành một công dân hỏng. Hậu quả này có khi xảy ra ngay tức khắc, cũng có khi năm mười năm sau mới xảy ra, nhưng nhất định sẽ xảy ra.

Nói tóm lại, bạo lực học đường là điều không ai muốn, nhưng cũng không tiêu diệt được đành phải sống chung với nó thôi. Có điều phải khiến chúng trở nên hồn nhiên, vô tư như chuyện trẻ con, chuyện học trò thường thấy xưa nay. Muốn thế thì người lớn, phụ huynh phải giúp cho các em trở lại hồn nhiên, vô tư đúng như lứa tuổi các em. Người lớn phải thay đổi trước (cả thầy cô giáo và phu huynh học sinh), bởi trẻ con hư hỏng là do người lớn hư hỏng. Người lớn phải thay đổi mới hy vọng thay đổi được các em. Đạo đức xã hội phải được xác lập lại và nâng cao mới mong xã hội đi vào quy củ trong đó có nhà trường.

Nhà văn Trần Bảo Hưng

Nguồn Văn nghệ số 53/2022


Có thể bạn quan tâm