March 28, 2024, 7:47 pm

Vẫn còn là mơ ước

Có thể từ thời “công xã La Mã” hay “thành bang La Mã” đã manh nha có chủ nghĩa xã hội. Nhưng cho tới bây giờ, chủ nghĩa xã hội thực chất là gì và hiện diện “danh chính ngôn thuận” ở quốc gia nào trên thế giới này, thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Việt Nam tự nhận mình là quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, nhưng chủ nghĩa xã hội thực chất (substance) đã thực sự có mặt tại Việt Nam chưa, điều đó không ai dám chắc.

Bệnh nhân số 91, phi công người Anh, được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ Việt Nam, hiện sức khỏe đang ngày càng tiến triển theo chiều hướng tốt

 

Còn Mỹ và những nước phương Tây phát triển, thì ở đó, chủ nghĩa tư bản đúng là đã “rất thực chất”. Ở đó, kinh tế thị trường về hình thức là bình đẳng, nhưng thực chất lại không công bằng, đang là hình thái kinh tế chủ đạo. Nếu hình thái kinh tế này, bên ngoài là bình đẳng cho mọi nhân tố tham gia, nhưng bên trong lại là cạnh tranh theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, không công bằng, thì sự bình đẳng ấy chỉ là hình thức, không thực chất (without the substance).

Khi chủ nghĩa xã hội không giải được bài toán “bình đẳng đi đôi với công bằng”, thì chủ nghĩa tư bản sẽ nhảy vào bằng bài toán “kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh”. Thực ra, thì không lành mạnh. Vì không công bằng.

Bây giờ, có nhiều người trẻ ở Mỹ thích chủ nghĩa xã hội. Kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8/2018 cho thấy 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội. Nhưng mô hình chủ nghĩa xã hội mà họ thích, về thực chất, là chưa hề có thật.

Có một nhận định như thế này: “Trong nền kinh tế “tăng trưởng thô bạo” ấy (ruthless growth) - thực chất là “tăng trưởng phi nhân tính” - thì thế giới của người nghèo, ngày càng mở rộng, đã nghèo càng nghèo là nguyên nhân mọi vấn nạn xã hội”. Tôi rất tán thành nhận định này.

Đã từng có những mô hình chủ nghĩa xã hội được người nghèo trên thế giới kỳ vọng rất nhiều, như mô hình Bắc Âu, mô hình Thụy Điển (cũng thuộc Bắc Âu). Nhưng rồi, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt trên thế giới, đúng hơn, vẫn đang “giết người hàng loạt” trên khắp thế giới, thì mô hình chủ nghĩa xã hội Thụy Điển chẳng hạn, lại khiến người ta khó nghĩ. Người ta nói rằng, người Thụy Điển hầu hết tán thành chính phủ mình áp dụng giải pháp “miễn nhiễm cộng đồng”, nhưng khi Thụy Điển với dân số chỉ hơn 10 triệu dân một chút, mà số lượng người tử vong vì dịch bệnh so với tổng dân số lại quá cao, thì không thể nói đó là giải pháp mang tính nhân đạo thực chất. Để có được từ 60-70% dân số bị nhiễm dịch thì mới có “miễn nhiễm cộng đồng”, vậy thì số người chết sẽ tăng gấp bội khi chưa có vaccine, và ai sẽ chịu trách nhiệm về con số người dân bị tử vong này? Chẳng lẽ, đó lại là “chủ nghĩa xã hội có gương mặt người”?

Thụy Điển, về thực chất, vẫn là nước tư bản chủ nghĩa, mặc dù là một trong những quốc gia khá nhất trong hệ thống tư bản này. Đó vẫn chưa phải là mơ ước của nhân loại. 

Làm sao dung hòa giữa kinh tế thị trường và lòng nhân ái, giữa lợi nhuận và ước mơ một xã hội công bằng với quyền được sống và được phát triển của mỗi con người trong nhân từ, điều đó thật vô cùng cam go. Kinh tế thị trường là tự do làm những điều pháp luật không cấm, nhưng ai sẽ điều hành pháp luật để giữ sự công bằng, và pháp luật nào sẽ giữ cho chính pháp luật được công tâm, và những điều không cấm nào là thực sự vì con người, thì đó là cả một câu hỏi lớn.

Tôi nghĩ, những người cộng sản thuộc những lớp đầu tiên đi làm cách mạng, thì phát xuất là lòng yêu nước, chống ngoại xâm, khát mong nước nhà độc lập, dân mình được tự do không phải làm nô lệ cho ai. Nhưng ngay từ hồi đó, những người cộng sản Việt Nam chấp nhận tù đày chết chóc ấy đã hình dung trong đầu mình một xã hội tương lai tốt đẹp, mà hồi đó gọi là “thế giới đại đồng”. Dù hình ảnh thế giới ấy mang biểu tượng tôn giáo nhiều hơn, thì nó vẫn là “mô hình của ước mơ” mà vì nó, người ta chiến đấu và hy sinh. Nghĩa là, mô hình ấy vẫn chưa thành hiện thực, và cho tới bây giờ, vẫn còn nằm trong mơ ước. Nhưng ước mơ ấy mới đẹp đẽ làm sao, và những người hiến thân mình cho mơ ước ấy mới can đảm làm sao.

Không phải cái gì chúng ta mơ ước cũng thành hiện thực. Nhưng không phải vì thế mà con người thôi ước mơ. Tôi lại nhớ những mơ ước đẹp tuyệt vời của đại văn hào Lev Tolstoi ngay từ những năm cuối cùng của thế kỷ 19, những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Đó cũng là mô hình của “thế giới đại đồng” mang màu sắc tôn giáo mà Tolstoi vĩ đại đã nghĩ ra và muốn lan tỏa trên phạm vi thế giới. Nhưng rồi, mơ ước ấy sang thế kỷ 21 vẫn nguyên còn là mơ ước.

“Nếu bạn không thắp lửa”, tôi nhớ, có một câu nói như thế. Những người mở đường, những người thắp lửa cho nhân loại mơ ước, họ đã sống một cuộc đời cao cả, và không hề uổng phí.

Bây giờ thì 51% những người trẻ của nước Mỹ đang mơ ước về chủ nghĩa xã hội, và họ bằng nhiều phương thức đấu tranh cho mơ ước này, chỉ có điều, không dùng bạo lực, không đấu tranh giai cấp, đúng theo tinh thần của Lev Tolstoi. Bởi, vươn tới cuộc sống tốt đẹp của xã hội Xã hội chủ nghĩa như trong ước mơ của mọi người, không thể bằng giành giật, không phải chuyện “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, vì như thế, lịch sử sẽ lặp lại với những gam màu bi thảm.

Nhưng liệu giai cấp tư bản hữu sản có tự nguyện, như Tolstoi ước mơ, nhường lại phần của cải vật chất lớn lao mà họ có được nhờ thao túng kinh tế thị trường, nhờ cướp đoạt tài sản của nhân dân và của quốc gia, kể cả cướp đoạt tài sản của nhiều quốc gia bất hạnh khác? Câu hỏi này quá khó để trả lời. Ngay những tỉ phú thế giới chuyên làm từ thiện như Bill Gates, thì người ta vẫn nhìn thấy phía sau chuyện làm từ thiện ấy những câu chuyện làm ăn không hẳn đã thiện tâm.

Phật đã dạy, phải diệt được “tham sân si” thì mới lên được cõi Niết Bàn. Nhưng diệt những cái khó diệt nhất ấy bằng cách nào? Có thể làm những cuộc “cách mạng nội tâm” để con người tự giải phóng được “chân thiện mỹ” còn bị cầm tù trong chính con người mình không? Bài toán này cũng khó giải như bài toán làm thế nào để có được chủ nghĩa xã hội như mơ ước của con người… Nhưng con người vẫn không thôi mơ ước, vẫn kiên trì mơ ước. Và khi số người mơ ước trong cộng đồng nhân loại ngày một tăng lên, điều những hãng như Gallup có thể điều tra được, thì chúng ta tin rằng sẽ có những đột biến tốt đẹp xảy ra. Ý thức về chủ nghĩa xã hội luôn có trước chủ nghĩa xã hội, và ước mơ về nó, khát khao về nó cũng có trước những hoạt động cụ thể để biến nó thành hiện thực.

Chủ nghĩa xã hội về mô hình, có trước chủ nghĩa tư bản cũng về mô hình, hàng mấy nghìn năm. Nhưng bây giờ, nhân loại đã có chủ nghĩa tư bản “rất thực chất”, còn chủ nghĩa xã hội thì vẫn chưa xuất hiện một cách thực chất, như sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản. Có thể vì sự hình thành của chủ nghĩa tư bản đích thực là do cướp đoạt, còn sự hình thành của chủ nghĩa xã hội đích thực thì từ lòng nhân ái của số đông nhân loại. Nó chống lại mọi sự cướp đoạt, tranh giành, chiến tranh, đổ máu, nó chỉ xuất hiện khi số đông nhân loại ý thức cần một xã hội như thế cho con người sống tự do và nhân ái.

Khi trái đất nóng lên với tốc độ chóng mặt, người ta lại thấy xuất hiện những “hệ sinh thái Utopia”, một dạng mơ ước quyết kêu gọi con người chống lại sự phá hủy môi trường của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Hãy nhìn vào thực trạng môi trường để xác định Việt Nam đang là chủ nghĩa xã hội (danh nghĩa) hay chủ nghĩa tư bản (thực chất). Có lẽ, nhiều người sẽ ủng hộ Việt Nam là chủ nghĩa tư bản thực chất, do bảo vệ môi trường thì kiếm được ít lợi nhuận, trong khi phá hoại môi trường thì mang lại lợi nhuận lớn và nhanh cấp kỳ… Chủ nghĩa xã hội như thế, vẫn là mô hình “Utopia” xa xôi đâu tận giữa Thái Bình Dương, như Thomas More từng tưởng tượng. Cách đây 6 thế kỷ.

Và tôi chợt nghĩ đến tình trạng sức khỏe đang tốt dần lên của phi công người Anh mang số hiệu “covid 91”. Nếu anh phi công này khỏe mạnh hẳn nhờ những bệnh viện và bác sĩ Việt Nam tận tình chữa chạy, thì anh đúng là “từ cõi chết trở về” dù có “chói lọi” hay không. Nhưng sống là điều quan trọng nhất. Soi qua lý lịch, thì hình như anh phi công người Anh này xuất thân khá nghèo, không thuộc tầng lớp khá giả. Anh không có gia đình, không có cả thẻ bảo hiểm y tế của nước Anh. Chứng béo phì cũng tố cáo anh thuộc thành phần nghèo trong xã hội phương Tây. Vậy thì Việt Nam, trên tinh thần “liên minh công nông” tận tình chạy chữa cho một người cùng giai cấp với mình, là điều rất đáng làm. Chủ nghĩa xã hội, ở mô hình thế giới, có khi bắt đầu từ một việc như thế, cứu một người Anh không có tiền, để chứng minh rằng, mỗi con người dù giàu hay nghèo, cũng đều là con người, và đều đáng được giúp đỡ, được cứu chữa khi hoạn nạn.

Tinh thần chủ nghĩa xã hội “thực chất” bắt đầu từ lòng nhân từ và sự khoan dung như thế, chứ không bắt đầu từ cướp đoạt và vô cảm.

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm