April 20, 2024, 3:23 am

Văn chương và sự sang trọng của cuộc sống

Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, ngay từ buổi đầu thành lập đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Dù không có văn bản nào quy định, nhưng dường như ở nước ta phải trở thành hội viên Hội Nhà văn mới được gọi là nhà văn. Trải qua 9 kỳ đại hội, hiện nay có 1092 hội viên, gồm 5 thế hệ cầm bút. Với dân số gần 100 triệu người, tổng số nhà văn Việt Nam quả là rất khiêm tốn cho dù việc kết nạp hội viên gần đây đã tăng lên khá nhiều hàng năm.

Cùng với các thế hệ đi trước hoàn thiện phong cách trong nhiều tác phẩm mới, lực lượng nhà văn trẻ khắp đất nước đã nỗ lực đổi mới sáng tác, đề cập đa diện cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban chấp hành Hội dù chỉ có 6 người đã rất cố gắng quan tâm đến sự nghiệp sáng tác của hội viên, từ việc mở nhiều trại sáng tác đến tổ chức các cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tổ chức nhiều chuyến đi chuyên đề và Ngày Thơ Việt Nam hàng năm thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu văn học. Một nhà báo Pháp viết rằng: Giữa đại dịch Covid-19 đầy lo lắng, đến Việt Nam dự một đêm thơ trên Vịnh Hạ Long, thấy lòng thanh thản lạ! Ông lái đò cũng cao giọng ngâm nga: “Biển cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn” (Hữu Thỉnh). Đúng là văn chương đang làm sang cuộc sống của người Việt Nam cho dù hầu hết các nhà văn nước này không thể sống bằng nghề văn chương, nhưng không vì thế mà nền văn học thiếu tính chuyên nghiệp. Nguyễn Du với Truyện Kiều, Vũ Trọng Phụng với Số Đỏ và rất nhiều nhà văn hiện đại đã tung ra hàng loạt nhân vật điển hình được đông đảo công chúng yêu thích, trở thành nhiều bộ phim hấp dẫn…

Các cụ xưa thường nói “văn là gốc của đạo đức con người”. Vua chúa xưa thường phải dùng các quan văn hoạch định chiến lược phát triển xã hội. Những người văn hay chữ tốt được dân chúng ngưỡng mộ đến xin chữ, gửi con cháu đến học. Cơ chế thị trường với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại cùng mạng xã hội đang làm mai một văn hóa đọc và việc học văn sử không còn hấp dẫn học sinh các cấp. Điều này cần phải nhìn nhận cả hai mặt, không nên vội trách lớp trẻ mà cần nhận diện hệ thống giáo dục của chúng ta với những gì đã dạy văn chương cho học sinh? Một vị giáo sư Việt kiều Mỹ tỏ ra ngạc nhiên khi học sinh của ta ra nước ngoài  dù giỏi ngoại ngữ nhưng lại chẳng biết chút gì về văn chương thế giới. Còn văn chương Việt Nam thì chỉ thuộc mỗi một bài thơ Tố Hữu...

Có gia đình hay thưởng con quần áo, điện thoại thông minh và cả tiền nữa khi chúng chăm học. Nhưng cũng vẫn còn nhiều bậc cha mẹ luôn mua sách cho con, giúp chúng có tủ sách riêng và lắng nghe con đọc sách rồi cùng trao đổi về từng nhân vật. Hiệu quả tốt đẹp dễ thấy với những em chịu khó đọc sách thường sống trong sáng, biết điều, nhân ái, chăm chỉ mọi việc.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X sắp diễn ra với sự đổi mới trong hoạch định những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn học lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hóa việc hành nghề của các nhà văn. Cần coi tiêu chuẩn năng lực tổ chức, quản lý, điều hành, sức khỏe là quan trọng, không nên phụ thuộc tuổi tác, có già có trẻ nhưng đừng quá chú trọng vùng miền và ban chấp hành nên có thêm những đại biểu biết tổ chức hoạt động kinh tế, quan hệ các ngành, các doanh nghiệp, khai thác những tài sản của hội, tổ chức các sự khiện văn học để có thêm nguồn thu cho hoạt động của hội. Cần thay Thẻ hội viên bằng THẺ HÀNH NGHỀ NHÀ VĂN, giúp các nhà văn hành nghề thuận lợi. Hy vọng sau đại hội X, các nhà văn sẽ có nhiều tác phẩm lớn, xứng tầm với sức phát triển toàn diện của đất nước. Đúng là văn chương luôn làm sang cuộc sống, rất đáng tự hào.

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Có thể bạn quan tâm