April 20, 2024, 3:43 am

Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh: Văn học phi hư cấu được tôn vinh

Trong ba tác giả được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh năm 2020, điều bất ngờ là hai tác phẩm hồi ký – truyện ký của hai tác giả chưa là Hội viên Hội Nhà văn thành phố. Đó cũng là điều thật thú vị, bởi văn chương luôn là điều bất ngờ. Văn chương dành cho bất cứ ai, nếu làm chủ được nghệ thuật ngôn từ và được viết bằng tất cả niềm đam mê.

Các tác giả nhận giải thưởng

Tác giả Xuân Phượng sinh năm 1929. Với sự từng trải, nhân hậu, trí tuệ và đậm chất nữ tính; những trang viết của bà đã làm sống dậy gần trọn một thế thế kỷ đầy biến động, đau thương, bi hùng của đất nước. Động cơ thôi thúc bà cầm bút là để hoá giải uẩn khúc được chôn giấu sau hơn nửa thế kỷ, tuôn ra cùng những giọt nước mắt đoàn viên. Tiền thân của Gánh gánh... Gồng gồng... là Áo dài - hồi ký viết bằng tiếng Pháp, đã được Nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris. Sách đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. Mùa Covid đầu năm 2020, bà có một quyết định: “Đã mười chín năm qua với bao cuộc đổi thay. Đã đến lúc viết lại đời mình bằng tiếng Việt như một món quà tình thân gởi đến những người thân mến quanh tôi...

Bà viết để kết nối yêu thương: “Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua.

Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI”.

Gánh gánh... Gồng gồng đậm chất trữ tình, xót xa, bi phẫn... Nhưng trên tất cả là niềm tự hào về người phụ nữ Việt Nam không cúi đầu khuất phục nghịch cảnh, một người mẹ tràn ngập tình mẫu tử cao đẹp, một nghị lực phi thường vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử và số phận... Một hồi ký nhưng đậm chất điện ảnh, sâu thẳm nhân sinh; lấp lánh nước mắt thấm ướt, kết nối các thế hệ và ngân vang tiếng cười lạc quan từ trong chiến tranh tàn khốc; trong đói khổ, bóng tối những ngày hậu chiến, khao khát hướng tới tương lai tươi đẹp bằng nỗ lực kết nối con người...

Là nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu; hồi ký của bà như một bộ phim sống động được viết ra trên giấy, giàu hình tượng, âm thanh, tăng hiệu quả cảm xúc người đọc. Ngôn ngữ văn học và điện ảnh trộn lẫn, Gánh gánh... gồng gồng đã cuốn hút, thuyết phục người đọc liền mạch suốt mấy trăm trang sách. Sự cuốn hút ấy phần nào cho thấy thể loại văn học không quan trọng. Điều qua trọng là tác phẩm được viết bằng tâm huyết, trí tuệ, trái tim; với sứ mạng truyền tải những thông điệp nhân văn đến độc giả.

*

Nếu Gánh gánh... Gồng gồng... gợi lên vẻ đẹp của tâm hồn, sự kiên định của  người phụ nữ  đi qua giông tố một thế kỷ đầy biến động, đau thương của đất nước thì Đất K của Bùi Quang Lâm là những hồi ức chưa xa của những ngày hậu chiến khó khăn, biên giới hai đầu đất nước bị xâm phạm. Nước mắt khóc con của những bà mẹ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chưa kịp khô; những người mẹ tần tảo lo từng cái ăn cái mặc cho gia đình lại tiễn những đứa con ra chiến trường ác liệt. Thoạt đầu, người đọc có gì đó hẫng hụt, bị phản cảm trước những dòng tự bạch của tác giả:

Mặt mũi rằn ri mái tóc dài/ Lằng nhằng ăn nói chẳng giống ai

 Rảnh rang tìm bạn lai rai rượu/ Hết tiền cơm nguội báo oan gia...

 Nhưng nếu kiên nhẫn đọc hết cuối quyển sách, hẳn là chúng ta rưng rưng khi hiểu được những lằn rằn ri trên khuôn mặt anh là di chứng của một trận đánh bằng pháo trên chiến trường K. Trận đánh ác liệt, cả người anh bị bỏng. Anh còn sống, trở về cũng là điều kỳ diệu. Bằng lối kể chuyện hài hài hước, hồn nhiên mà sâu thẳm nỗi đau; Đất K của Bùi Quang Lâm làm sống dậy một thời tuổi trẻ Sài Gòn - những người con gái con trai sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường K ác liệt. Chàng trai ấy cùng đồng đội bỏ lại những ước mơ, gánh nặng gia đình, cầm súng thoạt đầu là nghĩa vụ và bổn phận, rồi sau đó, vì đồng đội hy sinh quá nhiều mà căm thù, mà trở thành những chiến sĩ kiên cường, dày dạn. Độc giả yêu mến Đất K vì sự chân thật, vì cái duyên kể chuyện lúc tếu táo sặc cười, lúc làm người ta rơi nước mắt vì những nốt lặng nhân sinh, những nổi trôi, chìm khuất số phận con người. Trong tiếng cười hào sảng những đêm cùng đồng đội chia nhau chút hơi ấm, chén trà canh giặc đến còn có nỗi đau của những mãnh vỡ thực dụng găm vào lưng đồng đội, khi người chỉ huy bắt chiến sĩ mình vác những thứ đồ cổ trên ba lô. Lòng anh vỡ vụn và cũng thật khó khăn để tâm hồn lành trở lại sau cuộc chiến. Anh kể chuyện nhẹ tênh mà chiến trường K thật ác liệt, tàn khốc biết trong sự hy sinh của bao đồng đội, trong những vết thương thể xác và tâm hồn người lính. Anh kể chuyện nhẹ tênh nhưng người đang sống, thế hệ hôm nay được quyền tự hào về những người chiến sĩ dũng cảm, nhân văn trên đất K - những người lính giàu tình cảm, có lúc liều lĩnh, bạt mạng khi yêu. Dù không cố ý nhưng anh cũng không giấu niềm tự hào khi mình và đồng đội đã góp xương máu vào việc cứu giúp những người dân Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng. Đất K làm cho người đọc rưng rưng khi hiểu thêm những khó khăn của người lính trở về đời thường, ngay trong lòng thành phố này. Anh suýt trở thành ăn cướp nếu không tự thắng mình... Con đường từ một bộ đội xuất ngũ, trở thành một hoạ sĩ khẳng định mình bằng tác phẩm là một quá trình chông gai nhưng anh kể nhẹ tênh. “Nhẹ tênh” trở thành phong cách, thủ thuật của Bùi Quang Lâm như khi anh đưa những nhát cọ nhẹ tênh trên toan mà tranh đầy u mặc, sâu lắng, bức phá... Nhưng cũng vì quá “nhẹ tênh” mà đôi lúc anh làm độc giả bị hẫng. Anh chuyển những trường đoạn quá nhanh khi kể về những uẩn khúc riêng tư của mình, như chuyện gia đình đổ vỡ, chuyện gặp lại nàng Xa-phic - cô gái Campuchia được anh thuyết phục vận động người anh trai từ bỏ quân đội Pôn-pốt về với quân cách mạng, người đã dành cho anh tình yêu trong trắng, mãnh liệt; đã mang con đến gặp anh mấy năm sau đó, để rồi khi nghe anh hỏi một câu vô tình do vụng về, bối rối lặng lẽ dẫn con ra đi, không để lại dấu vết... Nếu có tiếc nuối Đất K, có lẽ là độc giả mong ở anh sự dừng lâu hơn về những nốt lặng số phận con người này.

*

Bấm chân qua tuổi dại khờ là tập thơ duy nhất được trao giải thưởng năm 2020 của Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh. Ẩn đằng sau vẻ ngoài hầm hố, bậm trợn của người đàn ông không còn trẻ nữa là trái tim đa cảm, mềm yếu, mong manh của Cao Xuân Sơn. Anh đã tự hoạ chân dung mình:

Anh. Gã đàn ông lênh khênh, vạm vỡ/ đủ tự mình làm núi ngắm mình chơi/ kỳ thực, trái tim anh đầy gió/ hoang mang mềm yếu nhất đời

Đọc hết Bấm chân qua tuổi dại khờ mới nhận ra nhà văn Trần Đức Tiến viết về thơ anh, thật chân xác:

... Hoá ra, suốt hai mươi năm qua, Sơn không làm thơ.

Mà chính thơ đã làm ra Sơn”.

Nhưng vượt lên trên, giá trị cốt lỏi của tập thơ được vinh danh giải thưởng Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh 2020 là sự lắng đọng, chiêm nghiệm, triết lý bật lên một cách hồn nhiên từ trải nghiệm cuộc sống của anh. Thơ không nuôi nổi thi sĩ nhưng anh lý giải vì sao mình vẫn chung thuỷ với thơ:

Biết thế mà cứ thế /Buông thơ, hồn ai nuôi

 Đâu phải tự dưng mà anh hỏi:

Một ngày thanh bình giá bao hiêu nhỉ?

Này em...

 Và rồi anh ngộ ra:

- Dao chỉ đứt tay người đùa cợt

Chừa phía cán chân thành cho kẻ thông minh

Cao Xuân Sơn tìm kiếm, hoài nghi, hoang mang, cảnh tỉnh... Anh  “bấm chân qua tuổi dại khờ” nhưng anh vẫn hồn nhiên tiếp tục dại khờ:

Nếu đổi được những tháng năm nhăng nhố/ Lấy một ngày im lặng ở bên em

Anh sung sướng hoá thân thành cỏ/ Xanh xanh xanh... chẳng kể ngày đêm...

*

 Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối được tặng thưởng Văn học Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh vì những mảng ghép ký ức sâu thẳm nghĩa tình, hồn nhiên, sống động của tác giả Huỳnh Dũng Nhân về một một thời đạn bom, tuổi trẻ học đường đã trải qua những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Nhiều mảnh ký ức cứa vào tim gan người đang sống vì những hy sinh, mất mát. Anh kể chuyện có duyên làm người đọc cười nhưng nhiều lúc phải dừng sách, rơi nước mắt. Những trang cảm động nhất là viết về những liệt sĩ. Nhiều tinh hoa ra đi từ toà nhà tập thể Báo Nhân Dân nhưng mãi không trở lại. Các anh vì nhân dân nằm lại ở chiến trường. Không ít sách viết về đề tài này ở những thể loại khác nhau nhưng giá trị độc đáo của quyển sách chính là cách tiếp cận với từng sự kiện, con người có tính lựa chọn cao, nên mỗi chân dung được anh khắc họa có những nét riêng, cuộc đời riêng gây ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc. Đọc hết quyển sách, thật mừng khi bắt gặp anh vẫn là cậu bé đa cảm, hồn nhiên năm xưa mà thấu đáo, đằm thắm, trách nhiệm, nghĩa tình trong cuộc sống hôm nay: “Ai cũng trẻ, ai cũng đẹp, cũng ân tình, nhất là những cô bác đã trực tiếp dìu dắt nuôi dạy bọn trẻ ở những nơi đầy ruộng sâu đỉa lội... Cái đa đoan cảm xúc trong con người hắn trào dâng. Đúng là một thời để yêu một thời để nhớ. Và đúng như nhà thơ Estusenco của Nga đã viết:

“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phàn lịch sử

Mỗ số phận rất riêng dù rất nhỏ/Chắc tinh cầu nào đã sánh nổi đâu...”.

Anh bị thôi thúc viết vì sự ám ảnh số phận những con người trong ngôi nhà lịch sử ấy nhưng chắc chắn quyển sách sẽ có sức lan toả lớn hơn nếu nó không dừng lại ở những mảnh ghép của ký ức trong hồi ký mà có thể là một tiểu thuyết để thỏa sức tưởng tượng, mở rộng biên độ không gian, thời gian hơn về số phận con người. Độc giả có quyền kỳ vọng ở một người cầm bút đi nhiều, từng trải, đang lắng đọng để có sức bật trong những trang viết mới.

*

Nếu đọng lại trong lòng độc giả điều cốt lỏi trong 3 tác phẩm văn xuôi được trao giải thưởng và tặng thưởng kể trên là sự nâng niu, trân quý quá khứ để những người đang sống hiểu hơn cái giá của hoà bình thì Đoản khúc chiều Phù dung của Vũ Văn Song Toàn là góc nhìn, thái độ sống, sự đồng cảm số phận con người trong dòng chảy mưu sinh khốc liệt, cả sự ám ảnh của quá khứ của một người cầm bút lớn lên sau chiến tranh. Anh sinh năm 1980, được xem là một nhà văn trẻ. Anh tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân, khoa ngân hàng. Anh hiện buôn bán nhỏ ở Chợ Bến Thành. Tìm những chi tiết này mới hiểu vì sao anh có vốn sống với giới doanh nhân, giới showbit, giới trẻ khởi nghiệp đầy thông minh, tham vọng mà cũng rất mong manh, dễ vụn vỡ. 16 truyện ngắn xinh xắn trong Đoản khúc chiều Phù dung cho thấy một Võ văn Song Toàn tài hoa, giàu bút lực. Tập sách mỏng mà trỉu nặng nỗi đau số phận con người trong cõi nhân gian. Nhưng trong gam màu xám lạnh ấy vẫn lấp lánh vẻ đẹp con người với lòng nhân hậu, vị tha, khát vọng hạnh phúc… Phải có sự đồng cảm, sâu thẳm yêu thương; tác giả mới có được những trang viết về nỗi đau con người sau chiến tranh trong Ga xép, Mùa cây trẩu trổ hoa... Khi có độ lùi thời gian, chính những người trẻ gánh trên vai trách nhiệm viết về chiến tranh với góc nhìn nhân văn, bức phá và sáng tạo. Đoản khúc chiều Phù dung là một xác tín, là niềm hy vọng về sự đi xa, lan toả của một nhà văn có nội lực mạnh mẽ từ trái tim vì yêu thương mà đau...

Năm 2020, Đi tìm mỹ cảm văn chương của Phó GS.TS Trần Hoài Anh là một chọn của Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh để trao tặng thưởng văn học. Với 32 bài viết công phu, trăn trở  cho mỹ cảm văn chương nhìn từ thơ Việt Nam hiện đại, đến văn xuôi Việt Nam hiện đại; mỹ cảm văn chương nhìn từ lý luận - phê vình văn học như những bài viết về Hoàng Diệp với Bích Khê - nhà thơ tiền chiến, Nguyễn Vỹ - nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu văn học ở miền Nam (1954-1975), Vũ điệu không vần và những suy niệm về thơ tân hình thức; Văn học miền Nam trước 1975 - Từ một góc nhìn...; tác giả đã có những tìm tòi, sáng tạo, đóng góp cho lĩnh vực phê bình văn học qua mỹ cảm văn chương. Tác giả bộc bạch: “… Bởi suy cho cùng đến với văn chương dù bất cứ ai, ở bất cứ vị thế nào, chúng  ta đều muốn nhìn thấy ở văn chương những tình cảm đẹp (Mỹ cảm) như một thứ dưỡng khí bồi bổ trí tuệ và tâm hồn, để cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, hạnh phúc hơn, an lạc hơn, hầu vơi đi phần nào những nỗi buồn đau, sự bất hạnh mà phận số đã đặt để cho mỗi chúng ta trong kiếp nhân sinh đầy những bất an và bất toàn này. Bởi, nói như Al. Carrel: “Đẹp là nguồn vui bất tận cho ai biết khám phá nó”.

Trần Hoài Anh vẫn miệt mài trong hành trình đi tìm cái đẹp. Độc giả chờ đợi anh những tác phẩm giải mã những giá trị văn chương đang bị mai một, chìm khuất trong cát bụi thời gian và nhiễu loạn thời cuộc, lịch sử...

*

Giải thưởng văn học năm 2020 của Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh còn thiếu những tiểu thuyết, những tác phẩm văn xuôi có sức nặng như mũi kim cương khai phá tầng quặng lịch sử quý báu của thành phố; thiếu vắng những tác phẩm đồng hành, có tầm vóc trong công cuộc xây dựng, phát triển một thành phố văn minh, hiện đại nghĩa tình là một điều đáng tiếc. Vẫn còn thiếu những tác phẩm văn học xứng với tầm vóc của một thành phố lớn, đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa phía Nam! Khoảng trống ấy là trách nhiệm của những người cầm bút lẫn sự đầu tư chiều sâu cho những bước đi dài. Nhưng dù sao, năm 2020, thành phố đã gặt hái được thành quả một mùa vàng với những tác phẩm thật đáng trân quý. Văn chương luôn là điều bất ngờ. Chúng ta có quyền hy vọng vào những điều bất ngờ ở những hạt mùa sau, như niềm lạc quan của nhà thơ Cao Xuân Sơn: “Và cứ thế bài ca hy vọng/ mẹ cưu mang, bất chấp vạn dối lừa”.

Nguồn Văn nghệ số 9/2021


Có thể bạn quan tâm