April 19, 2024, 3:52 pm

Vai trò của người thầy trong tiết dạy ngữ văn

 

 Giáo viên ngữ văn THCS, THPT đã trải qua nhiều năm thực hiện chương trình và sách giáo khoa theo yêu cầu của bộ Giáo Dục & Đào Tạo. Dự những tiết dạy văn ở một vài trường trong tỉnh, tôi nhận thấy các thầy cô đã loại bỏ phương pháp thày đọc, trò chép. Cách dạy nhồi nhét và thụ động tiếp thu như đã bị đẩy lùi thay vào đó là phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên ở một vài trường hợp vẫn chưa triệt để đổi mới trong cách dạy của mình. Trong đại bộ phận đã cải tiến phương pháp dạy vẫn bộc lộ những hạn chế.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Thầy, cô giáo đặt câu hỏi, học sinh cả lớp trả lời sôi nổi. Nhưng người dạy lại bỏ quên bước rút ra kết luận ở từng đơn vị kiến thức hoặc thiếu những lời bình đúng lúc. Ví dụ dạy bài ôn tập văn học dân gian ở lớp mười, câu 3 bài tập ứng dụng: (hãy phân tích truyện Tấm Cám để làm rõ Tấm từ yếu đuối thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại hạnh phúc của mình?)

Thầy, cô gợi ý trò chỉ ra được hai giai đoạn. Giai đoạn một Tấm thụ động chỉ biết ôm mặt khóc trong những lần bị bóc lột về vật chất và tinh thần. Giai đoạn hai Tấm chủ động đấu tranh quyết liệt để giành hạnh phúc. Điều quan trọng để học sinh biết suy nghĩ thêm, hiểu sâu sắc về quá trình chuyển hóa của Tấm từ yếu đuối thụ động đến kiên quyết đấu tranh. Quá trình ấy bắt đầu từ đâu? Rất tiếc thầy, cô không gợi ý cho học trò biết bình về giọt nước mắt của Tấm: (Tấm khóc, ôm mặt khóc. Nước mắt của con người đã ý thức được, nhận ra cuộc đời đắng cay tủi nhục của mình. Đấy là cơ sở để giúp Tấm vùng lên khi đối mặt với cái ác- NKĐ). Ở giai đoạn hai của cuộc đời Tấm, thầy, cô và học sinh bằng lòng với nhận thức Tấm đấu tranh quyết liệt để giành hạnh phúc.

Khi chia nhóm trong lớp học, người dạy không đưa nội dung cho cả lớp suy nghĩ để các nhóm đều nắm được sau mới phân nội dung cho từng nhóm. Khi từng nhóm trả lời, các nhóm khác có quyền tham gia để tìm ra cách hiểu tối ưu nhất. Thẩy, cô chỉ việc kết luận và yêu cầu học sinh ghi theo. Việc chia nhóm đối với một số thầy cô giáo còn mang tính hình thức.

Sử dụng công nghệ thông tin cũng cần có bảng phụ để ghi, nhấn mạnh khi cần thiết. Nhiều thầy, cô giáo đã bỏ quên việc làm ấy.

Người dạy phải xác định được chương trình, sách giáo khoa là cơ sở pháp lí. Đổi mới phương pháp dạy học là thay vào phương pháp thầy đọc, trò chép bằng phương pháp thầy là người gợi mở, hướng dẫn để trò phát huy tính tích cực của mình trong quá trình tiếp nhận bài giảng. Phương pháp dạy học tích cực được xác nhận trên nhiều cơ sở.

- Khi con người chưa xuất hiện, tự nhiên tồn tại như nó có. Từ khi con người xuất hiện nhất là con người văn hóa, thế giới tự nhiên trở thành một khách thể văn hóa. Con người văn hóa biết cảm thông với vạn vật xung quanh. Thế giới tự nhiên trở nên có nghĩa. Con người văn hóa không ngừng sáng tạo và tìm ra ở thế giới tự nhiên nhiều ý nghĩa mới. Trong tiết học, thầy và trò đều là chủ thể sáng tạo. Mặt khác, nội dung của bài học đều bắt nguồn từ thực tiễn đời sống và những nguyên tắc, những quy ước chung của xã hội. Thực tiễn ấy, nguyên tắc, quy ước chung của xã hội đòi hỏi mỗi người phải suy nghĩ cân nhắc tìm tòi mới nhận ra được. Tiếng Việt, làm văn, lí luận văn học cũng như tác phẩm văn học đều bắt nguồn từ thực tiễn đời sống. Nó đều có quy tắc, quy ước chung. Thầy phải gợi mở, hướng dẫn tìm tòi để trò đi đúng hướng tuân thủ theo những quy tắc, quy ước xã hội loài người đã đặt ra đồng thời phát hiện vẻ đẹp và chiều sâu tư tưởng của nội dung được học

- Một tác phẩm văn học ra đời, nhà văn phải suy nghĩ, tìm tòi, cân nhắc, lựa chọn sử dụng ngôn ngữ văn chương, dày công trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm ấy đến với bạn đọc. Người đọc trong phạm vi nhà trường là thầy cô giáo và học sinh. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm, người đọc đều phải suy nghĩ, tưởng tượng, liên hệ với cuộc sống để phát hiện ra thông điệp nhà văn, nhà thơ muốn gửi tới. Tác phẩm từ cuộc sống lại trở về với cuộc sống. Nó góp phần làm đẹp cho cuộc đời. Cảm thụ lại mang tính cá nhân. Vì vậy người thầy phải có cách gợi mở, hướng dẫn để trò đi vào đúng quỹ đạo, tìm ra cách hiểu chung nhất, thấu đáo nhất. Từ thực tiễn đến tư duy trừu tượng và trở về với thực tiễn là con đường nhận thức tốt nhất. Người thầy biết khơi dậy cách suy nghĩ của trò. Tư duy của trò sáng tạo sẽ phát hiện ra những điều mới lạ nhiều khi đến bất ngờ.

 

Vì những lẽ trên, người thầy đứng vai trò trung gian chỉ đạo, gợi mở, hướng dẫn phát huy tính tích cực của học trò. 

      Muốn đổi mới phương pháp dạy học, người thầy phải không ngừng nâng cao hiểu biết của mình và có năng lực Sư phạm thực sự. Người thầy đừng tự bằng lòng với kiến thức của mình hiện có. Lời khuyên với bất cứ ai đứng trên bục giảng, tư cách làm thầy hãy học tập suốt đời. Học ở những người thầy của mình, ở đồng nghiệp, ở cả học sinh, biết tìm tòi những kiến thức và coi đó là những hạt vàng năng nhặt. Đọc sách là nhu cầu cần thiết. Đọc tác phẩm văn học, báo chí, đọc những văn bản có liên quan tới tác phẩm để tự làm giầu hiểu biết của mình. Đấy là cần nhưng chưa đủ để đổi mới phương pháp dạy học. Làm thế nào để thầy phát huy khả năng tư duy của học sinh trong một tiết học, không chỉ một cá nhân mà cả một tập thể để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học? 

         Phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi người thầy phải có nhiều hiểu biết về cách dạy học. Người ta gọi đó là những kĩ năng, kĩ xảo. “Kĩ năng là khả năng vận dụng tri thức khoa học vào thực tiễn. Có kiến thức còn phải có kĩ năng, kĩ xảo trong việc ứng dụng kiến thức” (Từ điển từ Hán Việt, Phan Văn Các). Tuy nhiên kĩ năng dạy học không phải là phương pháp dạy học mà là yếu tố làm nên phương pháp dạy học. Trong thực tế, chúng ta có những kĩ năng dạy học như thế nào?  

 

1- Kích thích hoạt động tư duy

        Kĩ năng kích thích hoạt động tư duy nhằm phát huy tích cực suy nghĩ của tập thể học sinh trong một tiết học. Nó loại trừ được tính ỷ lại, trông chờ. Nó đòi hỏi thầy gợi mở để cả một tập thể động não, thoải mái, tự nhiên trình bày hết ý tưởng không rụt rè, e ngại. Muốn vậy thầy phải xác định được nội dung vấn đề cần làm rõ qua những câu hỏi có sức gợi từ đơn giản đến phức tạp. Người học càng có nhiều phát hiện những nội dung của vấn đề đặt ra càng tốt. Người thầy phải thực sự linh hoạt để điều hành giờ học. Thầy không vội đưa ra nhận xét đánh giá đối với bất cứ một ý kiến nào. Thầy biết động viên khuyến khích các ý kiến của mỗi thành viên trong lớp đồng thời ghi vắn tắt trên bảng thành nhóm ý kiến. Đặc biệt, thầy biết gợi ý, đưa ra câu hỏi để làm nảy sinh những ý kiến mới. Người thầy phải nhạy bén, linh hoạt biết dừng đúng lúc để tổng kết đánh giá từng nhóm ý kiến và rút ra kết luận theo phương án đã dự định khi soạn bài.

Kích thích hoạt động tư duy của học trò trong một tiết học là thực sự góp phần vào đổi mới phương pháp dạy học. Người thầy cần nắm rõ những yêu cầu có tính bắt buộc:

- Động viên khuyến khích học trò phát biểu tham gia xây dựng bài qua những

câu hỏi gợi mở ngắn gọn từ đơn giản đến phức tạp

- Sắp xếp các ý kiến trình bày theo nhóm

- Không nên nhận xét đánh giá trong khi học sinh trình bày

- Biết dừng lại đúng lúc để đảm bảo thời gian tiết học

- Nhắc nhở học sinh biết ghi theo ý kiến thầy kết luận (thầy không đọc cho trò chép)

 

2- Chia nhóm

         Chia nhóm nhằm phát huy tính tập thể và kích thích hoạt động cá nhân trong một nhóm nhỏ. Các thành viên trong nhóm có dịp bày tỏ hiểu biết của mình. Mỗi cá nhân trong nhóm cũng tự nhận biết cần phải học, tìm hiểu, bổ sung cho nhận thức của mình như thế nào. Biết mình, biết người để chia sẻ và hợp tác trong học tập. Kĩ năng chia nhóm nhằm phát huy tính tích cực của mỗi cá nhân và có ý thức tập thể cao. Kĩ năng này góp phần kích thích tinh thần thi đua ngầm giữa các nhóm. Thầy, cô giáo phải tùy theo từng bài mà áp dụng.

Cách làm: Thầy, cô giáo chủ động đưa vấn đề cần làm rõ ra trước tập thể. Các nhóm đều lĩnh hội nội dung chung. Sau một thời gian nhất định, thầy, cô phân công từng nhóm làm rõ một nội dung. Các nhóm lần lượt trình bày cách hiểu, lí giải, phân tích, chứng minh vấn đề mà nhóm mình đảm nhiệm. Các nhóm khác bổ sung hoặc thể hiện quan điểm của nhóm mình. Thầy là người chịu trách nhiệm tổng kết lại và bổ sung theo phương án đã chuẩn bị trước. Khi thầy tổng kết học sinh ghi theo lời thầy (tuyệt nhiên thầy không đọc cho trò chép)

 

3- Hỏi - đáp hay phát vấn - đàm thoại

Kĩ năng hỏi- đáp tạo ra không khí cởi mở trong tiết học. Mỗi học sinh kể cả thầy giáo đều bình đẳng khi tiếp cận nội dung bài học. Hỏi- đáp nhằm phát huy tính tự do giữa người dạy và người học. Nó tạo cho học sinh tính tự tin và biết cách lập luận để thuyết phục người nghe. Kĩ năng hỏi- đáp đòi hỏi thầy, cô giáo phải chuẩn bị các câu hỏi và phương án trả lời hay nhất. Các câu hỏi phải căn cứ vào đối tượng học sinh. Nội dung câu hỏi bám sát vào bài học và khơi dậy được cách trả lời. Câu hỏi không quá khó cũng không dễ dãi nhàm chán. Câu hỏi có nhiều mức độ khác nhau. Có câu hỏi phát hiện nhận thức dành cho học sinh yếu và trung bình. Câu hỏi yêu cầu học sinh hiểu biết vấn đề đặt ra trong bài học, biết lí giải và phân tích chứng minh. Có câu hỏi yêu cầu học sinh biết liên hệ để mở rộng kiến thức. Câu hỏi yêu cầu người học biết thực hành trong cuộc sống. Những câu hỏi này dành cho học sinh khá giỏi. Thầy đặt câu hỏi sao cho học sinh say mê tìm tòi cách trả lời. Các em phải động não.

Trong quá trình hỏi- đáp, thầy, cô tổng hợp, bổ sung và rút ra kết luận. (thầy, cô yêu cầu học sinh ghi theo không đọc cho trò chép). Nội dung kết luận đều được thầy trò nhất trí cao trong quá trình hỏi- đáp.

 

4- Đọc diễn cảm

         Đọc diễn cảm là kĩ năng hết sức coi trọng trong tiết đọc- hiểu. Thầy phải là người đọc đúng, đọc hay. Sao cho luyện đọc là công việc thường xuyên của trò. Học sinh không chỉ đọc trong giờ học mà đọc ở mọi nơi có điều kiện. Thầy cô phải là người kích thích cho việc đọc diễn cảm thành phong trào trong tập thể học sinh. Đọc diễn cảm là yếu tố lôi cuốn người học phải tìm đến tác phẩm, hiểu biết, liên hệ và dẫn đến thực hành tốt khi hỏi về tác phẩm đó. Lâu nay việc đọc bị coi nhẹ. Học sinh đã không thiết tha mấy với môn Ngữ văn. Việc đọc trở thành xa vời, thậm chí các em không cả soạn bài trước khi lên lớp. Thông qua kĩ năng đọc biết học sinh có chuẩn bị bài hay không. Nhưng vấn đề đặt ra đọc như thế nào cho hay và có sức lôi cuốn.

- Đọc lướt qua một lượt để nhận ra cảm xúc chủ yếu của thơ, vấn đề cơ bản đặt ra trong bài văn chính luận, chủ đề và đặc điểm của nhân vật trong những áng văn xuôi, trong các vở kịch

- Để diễn tả cảm xúc chủ đạo của bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào: âm thanh, giọng điệu, kết cấu, tu từ…

- Văn bản chính luận dùng cách lập luận nào: khẳng định hay phủ định, bi ai thống thiết hay giầu tính chiến đấu mạnh mẽ

- Đặc điểm nhân vật, diễn tả tâm lí hay đối thoại trực tiếp

Thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh căn cứ vào những yêu cầu trên đây để chọn âm thanh, giọng điệu đọc cho phù hợp. Muốn vậy người đọc phải tìm hiểu văn bản. Quá trình ấy đã giúp học sinh hiểu được rất nhiều về tác phẩm. Tôi dừng lại nhìn một lượt khuôn mặt thầy cô giáo. Những con người giầu tâm huyết với sự nghiệp trồng người.      

        Bốn kĩ năng trình bày trên đây đòi hỏi người thầy hết sức linh hoạt, nhạy bén. Thầy, cô giáo phải căn cứ vào từng loại bài, từng đối tượng học sinh để áp dụng sao cho đạt hiệu quả giờ dạy không nên máy móc và tránh hình thức.

Nguồn Văn nghệ số 33/2019


Có thể bạn quan tâm