March 29, 2024, 1:12 pm

Vài kỷ niệm nhỏ với nhà thơ Giang Nam

Không chỉ tôi ở xứ Quảng , mà các văn nghệ sĩ, những người yêu bài thơ Quê hương và quý nhà thơ Giang Nam đều sững sờ thương tiếc khi được tin ông qua đời vào mồng Hai Tết Quý Mão tại Nha Trang.

 

Nhà thơ Giang Nam thứ ba ( từ trái qua). Ảnh Tl

 

Tôi đang đi thực tế ở Tây Nguyên thấy lời nhắn ban đầu của nhà thơ Trần Chấn Uy, Chi hôi trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Khánh Hòa về nhà thơ Giang Nam, nguyên Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa qua đời ( chưa thấy có cáo phó của UBND tỉnh và gia đình), liền gọi di động cho anh Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh để xác minh, thì rõ là nhà thơ của xứ trầm hương, xứ sở loài chim yến đã thật sự rời " cõi tạm" linh cửu đang quàn tại nhà riêng tại 46 đường Yersin, Nha Trang, liền quay đầu xe trong mưa gió mịt mùng để viếng ông. Cùng đến có vợ chồng nhà văn Quâch Giao, con trai nhà thơ Quách Tấn, đạo diễn điện ảnh Phạm Việt Tùng, nhà thơ Đức Hiền, nguyên cán bộ Thành ủy Nha Trang, Thượng tọa Thích Chúc Minh, trụ trì chùa Từ Tôn, Hòn Đỏ, Nha Trang. Bên linh cửu đã thấy các lẵng hoa của lãnh đạo chính quyền Khánh Hòa những người bạn cũ thân thiết với cố nhà thơ như gia đình ông Đại sứ Võ Văn Sung ( bố của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), của gia đình ông Lý Văn Sáu ( bố vợ của Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biện tập báo Quân đội nhân dân) và các lẵng hoa của Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Khánh Hòa. Sau khi thành kính dâng lễ và cầu siêu, Thượng tọa Thích Chúc Minh đã tặng cho chị Nguyễn Thị Mỹ Trang, con gái của nhà thơ Giang Nam, những bức ảnh quý của nhà thơ Giang Nam cùng Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh nguyên Phó giám đốc Học viện Quân sự Đà Lạt , Đại tá Đức Toại, cựu trưởng phòng báo Quân đội nhán dân, đạo diễn điện ảnh Phạm Việt Tùng và tôi về dự lễ tri ân Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ như chí sĩ Trần Quý Cáp, anh hùng Lực lượng vũ trang nhán dân Nguyễn Phan Vinh- Thuyền trưởng tàu không số. Đạo diễn điện ảnh Phạm Việt Tùng xúc động: Tôi kính trọng anh Giang Nam không chỉ thơ anh có tình, bài thơ Quê hương hay mà còn quý ở nhân cách đạo đức, con người hồn hậu hiền lành, lối sống chí nghĩa chí tình với quê hương đồng nghiệp, gia đình.

Theo gương Bác Hồ, nhà thơ Giang Nam đã từng trả lại ngôi nhà 5 tầng ở thành phố Hồ Chí Minh để ra Hà Nội về báo Văn Nghệ ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân. Anh thường tâm sự với tôi, mình đi chiến đấu, sau ngày thống nhất mà còn sống là lãi thứ nhất, người vợ- cô du kích- trong bài thơ Quê hương còn sống là lãi thứ hai, đặc biệt đứa con gái duy nhất- đã từng cùng ở tù, ăn cơm tù với mẹ còn sống, hiếu thảo với cha mẹ, là lãi thứ ba, được ở chính ngôi nhà của vợ- nơi chế biến nước mắm ngon bạn bè cả nước khen là lãi thứ tư. Bây giờ được thảnh thơi làm thơ, viết văn, đi chùa... thì thấy đủ rồi, không tham, sân si gì nữa cho mệt" Đạo diễn Việt Tùng còn cho chúng tôi biết thêm, con gái rượu của anh là Phạm Mai Chi còn làm cuốn phim  " Chuyện chung, chuyện riêng" về gia đình nhà thơ Giang Nam, có những chi tiết mới, độc đáo về vợ Phạm Thị Chiều và con gái Nguyễn Thị Mỹ Trang của nhà thơ.

 

Thượng tọa Thích Chúc Minh tặng gia đình  cố nhà thơ Giang Nam những bức ảnh quý, ghi lại hình ảnh nhà thơ dự lễ kỷ niệm ngày 27/7 tại chùa Từ Tôn, Hòn Đỗ, Nha Trang

 

Bà Chiều, nhân vật trữ tình du kích trong bài thơ Quê hương, không bị " giặc giết em rồi quăng mất xác" mà đấu tranh trong nhà tù của địch, còn sống và nổi tiếng khi chăm lo cho chồng, chăm chồng và làm nước mắm ngon nổi tiếng Nha Trang và cô con gái lúc còn bé theo mẹ ở tù như con chim vàng anh thoăn thoắt, linh lợi làm liên lạc viên cho các bạn tù của mẹ giữ vững chí khí, lý tưởng đấu tranh một mất một còn với mẹ. Run run thắp nén nhang trầm tiễn biệt nhà thơ Giang Nam, nhà văn cao niên Quách Giao bùi ngùi: Cha tôi với anh Giang Nam là tình bạn vong niên. Trong tất cả các chương trình truyền hình VTV3, HTV9, HTV7 đều ưu ái đánh giá công lao cha tôi Quách Tấn với sự nghiệp văn chương, địa chí Bình Định, Khánh Hòa. Riêng tôi, người từng học thời phổ thông người từng giảng dạy bài thơ Quê hương thời dạy văn trung học đã nhiều làn gặp ông thời làm báo, làm văn Quân đội, Văn nghệ. Hễ đi công tác ở Khánh Hòa, hay đi ngang qua Nha Trang đều ghé chuyện trò với ông. Có bận việc gì ông cũng sắp xếp tiếp. Ông bảo, qua lớp trẻ làm văn, làm báo các cậu, mình nắm thêm thông tin mới mẻ và tâm hồn mình cũng trẻ theo. Ông trao đổi với tôi về kinh nghiệm làm báo, viết văn ở chiến trường và sau ngày thống nhất đất nước, Rồi ông cười hiền hậu, hồn nhiên như trẻ thơ. Ông là người trọng tình, trọng nghĩa.

Có lần, tôi cùng ông về khu rừng Đồng Bò để thăm ông bạn già, đại tá Nguyễn Hồ. Ông Hồ sau khi về hưu, sống nhẹ nhàng, làm rừng ở một trang trại nhỏ và làm thơ ca ngợi thiên nhiên. Hai người bạn có lối sống thanh bạch giản dị, hay trao đổi thơ ca chuyện đời, chuyện kháng chiến cho nhau nghe. Giang Nam thầm thì bên tai tôi, khi ngồi bên cây bạc hà với người thơ một thời đánh giặc: "Nhớ bạn cũ ở Đồng Bò. Nhớ thời kháng chiến hát hò bên nhau. Hôm qua hôm nay ngàn sau. Cái tình văn nghệ sát sâu chúng mình. Đời người thoáng chốc phù sinh. Còn nhau cái nghĩa cái tình mà thôi" Về nhà 46 Yersin, ông giới thiệu tôi với vợ: "Mình ơi, thằng Dũng nhà báo Quân đội, cùng quê Phan Tứ ghé thăm mình đây. Mình kể nó nghe chuyện mình đi..." Tôi hiểu ông khiêm tốn, thương và tôn trọng vợ, người son sắt đợi chờ ông suốt cuộc chiến tranh, " chung thủy" với nghề sản xuất chế biến nước mắm ngon Nha Trang. Bà kể chuyện " bếp núc" làm thế nào để có thứ nước mắm ngon đến mức nhà thơ Xuán Diệu sành ẩm thực phải vừa chan nước mắm của bà Chiều vào cơm nguội mà xơi liền ba bát ngon lành vừa ngâm nga: Nước mắm chị Chiều vợ Giang Nam. Ngon đến nức mũi vẫn cứ ham. Người ta một lít, mình ba lít. Sơn hào hải vị vẫn thua xa". Chuyến đó tôi viết và tặng bài Vợ nhà thơ Giang Nam, đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần, ông hể hả đem khoe khắp bạn bè: " Nhà tôi, bà Chiều thích lắm, cứ đọc đi đọc lại và tủm tỉm cười. Bà nói: Chú Dũng này viết hay có tình, động viên tôi- vợ ông, đằng sau nhà thơ Quê hương, có một bà vợ làm nước mắm ngon đặc sản Nha Trang. Nghe phóng viên báo Văn Nghệ về viếng nhà thơ Giang Nam, nhà báo, nhà thơ Trần Đăng( Phạm Đương), thành viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, người từng làm phóng viên báo Thanh Niên thường trú tại Khánh Hòa gửi gắm: Cụ Giang Nam có lối sống giàu năng lượng tích cực, hồi 92, 93 tuổi còn đi xe máy đến dự các cuộc họp văn nghệ. Trên bàn làm việc, ngày nào cũng có 4 tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động và Khánh Hòa. Cụ đọc kỹ, không sót một mẩu, kể cả Tin buồn, nên nắm bắt cập nhật thời sự kịp thời. Với anh em văn nghệ sĩ, báo chí, cụ đều quan tâm, động viên những cây bút trẻ. Nhà thơ từng mặc áo lính Sư đoàn 2 Quân khu 5, Lại Hữu Kim, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Kon Tum bày tỏ nỗi niềm thương tiếc. Anh nhắn gửi: " Nhà thơ Giang Nam là con người đặc biệt. Suốt đời đem bản thân và thơ ca phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Thế hệ chúng tôi được học và thuộc thơ ông từ trên ghế nhà trường. Thấm tình yêu quê hương đất nước bằng tất cả, trong đó có bài thơ Quê hương của ông mang vào các cuộc kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. Tôi có vinh dự được gặp ông lần đầu tiên từ năm 1992 khi Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mở trại sáng tác văn học tại Đoàn An dưỡng 29 Nha Trang...Nhìn ông hiền lành, chất phác, lặng lẽ, khiêm nhường ngay cả khi được mời lên phát biểu hay trò chuyện". Khi nhận được tin ban đầu về sự ra đi của nhà thơ Giang Nam, qua nhà thơ Trần Chấn Uy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam liền viết ngay trên Face Book về Giang Nam: " Ông là một con người đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống của đời mình. Và suốt đời ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con người của ông. Nhà thơ Giang Nam sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông, nhà thơ của bài thơ Quê Hương bất diệt". Vượt mưa gió, vào thắp hương viếng nhà thơ Giang Nam từ rất sớm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã hứa trước hương linh nhà thơ quá cố và gia đình, sẽ làm hết mình để đề nghị Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam. Ông, thơ ca ông, sự đóng góp của ông xứng đáng với danh hiệu cao quý này.

Lê Anh Dũng


Có thể bạn quan tâm