March 29, 2024, 3:50 am

Và đó là căn cước của tôi…*

 

 

Tôi thường mơ giấc mơ trở về làng - ôm lấy mẹ tôi và nghe mẹ hát một điệu páo dung, mặc ngoài kia mưa tuôn, trời đầy mây phủ. Tôi cùng người làng tôi đêm đêm mơ những giấc mơ no đủ từ hạt giống của trời, mơ cho lúa ngô đầy kho khóc. Tôi mơ những sáng dậy cùng em gái nhà bên đi thăm máng nước, hái những bông hoa đỏ ngoài hiên để bày lên bàn thờ tổ tiên…

Tôi yêu quê hương nhưng mang một nỗi sợ mơ hồ nào đó, nỗi sợ hiện tồn của rừng, đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, từ trong cái thâm u bí hiểm vô cùng vô tận kia sẵn sàng nhảy ra một con hổ, con báo hoặc một con ma nhát người khiến tôi run lên bần bật. Vậy đấy, tôi nhìn dân tộc tôi bằng ánh mắt của một cậu bé tò mò, ngây thơ đầy những nét vẽ tưởng tượng lẫn cả sự trọng vọng, cầu an của một sinh linh nhận ra mình bé nhỏ trước biến thiên của vạn vật, tạo hoá.

Nhà thơ Lý Hữu Lương tặng hoa cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đăng Khoa

Đó là không gian của tôi. Nó thường trực trong tâm khảm, vừa bí hiểm vừa cởi mở và đơn giản tưởng như chỉ nhìn thôi đã chạm đến đáy của sự bí mật ấy, nó vừa hẹp mà rộng rãi, bao la khiến một cậu bé là tôi - đi suốt cả đời vẫn không ra khỏi cái thung nghèo. Và đó là căn cước của tôi, một cậu bé người Dao, vâng, căn cước hay một định nghĩa về một dân tộc, một sắc tộc, một gương mặt cho cộng đồng người cụ thể. Trước tiên, tôi viết cho chính đồng bào Dao của tôi, trước những chân giá trị của tổ tiên, trước biến đổi to lớn về mọi mặt đời sống, văn hoá, tư tưởng để chúng tôi không bị chấp chới, mờ nhạt trước thời đại. Và ở khía cạnh một nhà văn, để khẳng định những giá trị cơ sở đó mà tái định nghĩa ở tầm cảm thụ và thưởng thức của cộng đồng người lớn hơn, văn minh hơn.

Tôi đã muốn để ngoài kia dãy núi của làng cả một thế giới gọi là văn minh, cả những tha hoá, những thứ tồi bại mang gương mặt ám ảnh cho sự thoả mãn nhu cầu loài người hiện đại. Nghĩ lại, không một môi trường nào trong suốt, dù cách này hay cách khác, nó vẫn bị vẩn đục bởi quy luật tất yếu của sự phát triển, sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, khi hiện tại trôi vào tiềm thức sẽ có thứ trở thành những nền trầm tích quý mang ý nghĩa răn rạy, thức tỉnh. Và khi đó, con người của làng sẽ biết trân trọng hơn quá khứ để sống tốt hơn ở hiện tại. Tôi được cha ông dạy như thế, mặc nhiên tôi cũng hi vọng như vậy.

Mỗi một tộc người đều có bản sắc văn hoá riêng có. Nó được kết tinh từ lịch sử phát triển, tranh đấu qua hàng ngàn năm, hàng ngàn thế hệ người mà thành. Người Dao, chúng tôi lấy cỏ cây để làm linh vật, thờ tổ tiên để nhớ gốc gác, phát tích, chết thì hồn vượt biển về Dương Châu đại điện – nơi xuất phát của Dao tộc. Mỗi nét hoa văn trên trang phục, mỗi điều cấm kị, kiêng kham mà cha ông truyền lại đều có nguyên do… Cùng với tri thức được tích luỹ, trao đổi và truyền tiếp tạo thành lối nghĩ, lối sống đặc trưng khó bị pha trộn. Tôi trừu xuất một định nghĩa để ghi chú cho riêng mình – gọi là một mã văn hoá. Với người sáng tác, việc nắm được mã văn hoá ấy là quý, triển khai, vận dụng được thì rất quý. Biết sáng tạo, thăng hoa thì vô cùng quý. Tôi không chấp nhận sự sao chép hoặc giả lạm dụng mã văn hoá cha ông để làm của riêng hoặc anh chỉ phiên dịch, công bố, loè thiên hạ coi như trước tác.

Tôi nghĩ đó là điểm nhìn. Văn học Việt Nam hiện đại có một mảng khá sâu viết về miền núi, về người thiểu số. Và nhiều nhà văn đã thành công. Nhưng, để truyền tải được lối sống, ăn ở, đối xử xã hội nhất là tư duy thì phải là người sinh trưởng trong môi sinh đó mới là người làm tốt nhất. Tôi nhìn và viết ở điểm nhìn, cách nhìn hiện đại, truyền tải tinh thần dân tộc qua ngôn ngữ hiện đại, đọc Dao không có nghĩa chỉ ám ảnh riêng về Dao tộc qua mấy ngàn năm thiên di, về những mồ ma lưng núi, những chuyện đường rừng… mà tôi tin, còn tìm thấy hình dáng, tư tưởng, lịch sử của sắc tộc khác trong đó. Sự xác quyết ấy hình thành từ khi tôi biết giá trị của kho tàng tổ tiên, biết thương cảm trước khổ đau, mất mát, thua thiệt của đồng tộc và tôi có trách nhiệm của một sứ giả đưa những giá trị ấy đến trung tâm, phát dương nó.

Tiếng Việt của chúng ta đủ giàu để hiện thực hoá mọi biểu đạt ở khu vườn chữ nghĩa, cảm xúc. Nếu có tình yêu đủ lớn để yêu thương, trân quý dân tộc mình; đủ niềm tin và khẳng khái đem bản sắc dân tộc ấy thế giới thì hiển nhiên sẽ có một gương mặt không bị mờ nhoè, mọi điều vốn là khả dĩ.

Khi tôi đứng ở đây, trước đồng chí Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà văn, nhà báo đáng kính để nhận giải thưởng cho tác phẩm viết về đồng bào mình, thì ở quê tôi, nơi ngọn núi Bàn Mai, bản người Dao Khe Rộng, họ vẫn đang cặm cụi chọc trỉa từng hạt lúa, cấy từng hom quế, bới nhặt từng đọt sắn, lấy cái sức người bỏ ra mà vạt rừng, xẻ núi cho từng bữa đói, bữa no. Tôi xin được tri ân họ, dù họ… không biết ta là nhà thơ/ danh xưng không có trong từ điển tộc người…

_______

* Tiêu đề do tòa soạn đặt

(Phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất – 2021)

Nguồn Văn nghệ số 3/2022


Có thể bạn quan tâm