April 20, 2024, 1:01 am

Uống chè ở bản Ven

 

Chủ tịch xã Xuân Lương Thân Như Khuyến nói với tôi: Đứng trên Đồi Lim nhìn xuống Xuân Lương nằm gọn trong thung lũng và như có một đàn ngựa chạy từ đông sang tây …


Nếu Tây Bắc đẹp như điệu xòe của các cô gái Thái thì thiên nhiên Đông Bắc lại thâm trầm và huyền bí như vầng trán Tổ quốc. “Yên Thế lâm linh sinh quý hổ/ Xuân Lương đắc địa hiện lim xanh”. Núi rừng Yên Thế đã sinh ra, nuôi dưỡng ý chí và chở che Hoàng Hoa Thám (dù ông không phải gốc vùng này) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài hơn 30 năm, người mà giặc Pháp phải gọi là Hùm Xám Yên Thế. Yên Thế còn có cây lim xanh nghìn tuổi gốc sáu bảy người ôm không xuể ở Xuân Lương. Nhưng Xuân Lương không chỉ đắc địa với lim xanh mà còn đắc địa với những nét văn hóa độc đáo và hôm nay với cây chè bản Ven đang từng bước khẳng định thương hiệu bên cạnh những cam Bố Hạ, gà đồi. Tạm biệt cây lim di sản, xuống núi, trên đường về bản chúng tôi gặp một tốp các bà các cô đang hái chè. Khác với nhiều nơi chè Bản Ven vẫn được hái bằng tay. Không biết có phải nhờ hơi ấm và sự dịu dàng của tay người, lại chưa “nhiễm” mùi sắt thép công nghiệp mà chè bản Ven đã giữ được hương vị truyền thống. Nếu giá trị xuất khẩu một kg chè sơ chế nơi khác chỉ 2-3 đô la thì chè Bản Ven phải 10, thậm chí 20 đô la. Trong mầu nắng mật ong buổi chiều sóng sánh đồi chè như một bức sơn mài hiện đại.

                                                                          *

Sáng nay trên huyện Bí thư Vũ Chí Hải nói:

- Chè Bản Ven là chè của người Cao Lan trồng trên đất bản Ven với những bí quyết chế biến và cách giữ hương riêng nên rất độc đáo…

Một ngôi nhà sàn lớn hiên ra trước mắt chúng tôi.

Nhà sàn Cao Lan có kiến trúc khác hẳn nhà sàn Mường hay Tày, Nùng, đặc biệt với những thanh gỗ liền chạy ngang hết mái như biểu hiện ý chí và bản lĩnh kiên cường dân tộc này.

Đón chúng tôi có Bí thư Đảng ủy xã Ninh Quản Nghiệp, người Cao Lan chính gốc, và Thân Như Khuyến, chủ tịch cùng một vài cán bộ. Anh Nghiệp người tầm thước, gương mặt tròn vẻ trầm tĩnh. Còn Thân Như Khuyến trẻ trung, năng động với chiếc áo pull ngắn tay màu xanh nước biển in những đường kẻ trắng to chạy ngang như những đợt sóng.

Mở đầu, bí thư Nghiệp giới thiệu điều kiện tự nhiên của xã và 13 dân tộc đang sinh sống bên nhau trong xã. Có dân tộc chỉ một khẩu như dân tộc Sách. Đấy là khẩu cô giáo miền Nam theo chồng là sĩ quan quân đội về quê sinh sống. Đời sống người dân Xuân Lương đang ngày càng được cải thiện. Nếu trước đây chè mới chỉ là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo thì nay nó lại đang là cây giúp nhiều gia đình trong xã giàu lên nhanh chóng. Đảng bộ và Chính quyền đang tập trung hỗ trợ bà con mở rộng diện tích. Một năm 9-10 vụ; năng suất trung bình 10 tấn/ha. Giọng đồng chí Bí thư như bỗng ấm hơn: “Chè hiện trồng theo quy trình VietGAP, nhưng những bí quyết riêng vẫn được bà con kết hợp”…

Một cô gái Cao Lan tuổi chừng cập kê mang chè ra tiếp khách. Người bản Ven không gọi thứ đồ uống của mình là trà như cách gọi miền Nam mà gọi là chè với hàm ý phân biệt và khẳng định giá trị độc đáo của chè quê mình. Những tách nước sánh màu chè tươi. Thấy tôi chăm chú nhìn tách chè vừa rót, Bí thư Nghiệp nói:

- Anh để ý mỗi lượt rót chè lại có một màu nước xanh riêng ạ. Càng rót màu càng đẹp. Và cho đến khi không còn chất nữa thì màu nước vẫn xanh. Mà lỡ mai trong tách có còn chè thì tách cũng để lại cấn ạ…

   Tôi uống một ngụm nhỏ mà bâng khuâng cảm nhận mùi thơm nhẹ của chè như hương cốm lạ như tiếng chim đêm từ qúa khứ vọng về.

Dân ca Cao Lan có câu: Gió thổi ánh bạc bay phấp phới… Câu chuyện xây dựng thương hiệu Chè Bản Ven có lẽ bắt đầu từ ngày Thân Như Khuyến, lúc ấy đang là cán bộ huyện, xuống Xuân Lương nơi anh Nghiệp làm chủ tịch. Sau khi nghe anh Nghiệp kể chuyện chè bản Ven, Thân Như Khuyến hỏi:

- Chè ngon thế sao anh lại đi bán Tân Cương? Sao anh không làm một cái gì đó? Anh đang là chủ tịch cơ mà.

- Nhưng giờ anh không làm đươc

- Thế anh có gì? - Khuyến lại hỏi

- Anh có đất có chè có kinh nghiệm các cụ truyền lại. Thế chú có gì?

   - Em có doanh nghiệp. Em có công nghệ. Em có kinh tế. Thế thì với hai cái này anh em ta có thể kết hợp được rồi…

Trước khi dùng từ “kết hợp”, Khuyến còn “chém gió” mấy câu thơ: “Bố tôi kể rằng. Người họ Ninh ở Xuân Lương, chè đựng ống bương treo gác bếp để giữ hương…”.

Ngày xưa, chè Xuân Lương quý lắm nên các gia đình chỉ dành để tiếp người tri kỉ và khách sang. Đến tận thời bao cấp, một bơ chè vẫn có thể đổi lạng rưỡi gạo… Cứ thế chuyện họ Ninh ở bản Ven, chuyện cây chè cùng ẩm thực và văn hóa Cao Lan đã lôi cuốn chúng tôi tự bao giờ.

Dân Cao Lan chiếm 30% dân số xã và chủ yếu ở ba bản Ven, Thượng Đồng, Nghè. Các cụ già bản Ven kể họ vốn là người Choang quê tận miền Nam Trung Quốc. Ba trăm năm trước, do loạn lạc, tổ tiên họ đã xuống đây lập nghiệp. Một dấu tích xưa còn lại. Cây lá đao ngoài vườn là “hậu duệ” của những cây lá đao các cụ Cao Lan mang theo phòng đói trong cuộc hành hương vĩ đại ấy. Nõn cây lá đao có thể nuôi sống người được 10 đến 15 ngày.

Bỗng Thân Như Khuyến ghé sang tôi nói nhỏ:

- Em vẫn bảo dân Cao Lan cũng đặc biệt như dân Do Thái các bác ạ

Khi đã thân mật, cả Nghiệp và Khuyến đều xưng em với chúng tôi.

- Sao thế? Tôi hỏi lại

- Người Cao Lan đặc biệt giỏi thiên văn địa lý. Chỗ ta ngồi đây, sâu khoảng mười mét, toàn bộ là phù sa cát vàng. Ngược lại đất bên kia lại toàn sỏi óc chó. Đất họ chọn đều tương đối giống nhau. Mà cách đặt tên đất cũng giống nhau. Ví dụ, trên Lục Sơn có khe Nghè thì ở đây cũng có bản Nghè. Những đặc điểm thổ nhưỡng khí hậu và chất nước ấy em nghĩ là điều đầu tiên khiến chè bản Ven có hương vị mà nơi khác không có. Em có nghe dân sành bia nói Bia Tiger ở ta không thể ngon như bia ở Anh quốc được cũng vì chất nước ta khác nước Tây. Hi hi

Tất cả chúng tôi cười. Quả là ông chủ tịch xã đang “chém gió”. Nhưng rất có duyên. Sự say sưa và cả kiến thức của anh khiến chúng tôi đều bất ngờ. Làm chủ tịch xã ngày nay phải thế chứ. Mà ai đó bảo anh lái xe cũng rất “lụa”. Chiếc ô tô bán tải Ford màu vàng nghệ ngoài sân là của anh. Chiều nay, chính Khuyến cũng là người đã giới thiệu với tôi những đặc điểm kiến trúc nhà sàn Cao Lan mặc dù anh không phải người Cao Lan mà là người Kinh, quê tận Việt Yên.

Hiếm khi tôi gặp một chủ tịch xã vừa trẻ trung năng động vừa đam mê công việc như Khuyến. Anh bảo, những điều anh kể tìm trong sách vở chưa chắc đã có, nhưng nó lại hiện hữu hàng ngày trong sinh hoạt của bà con trong lời ca và cả trong những cây chè. Rồi Khuyến nói vui “Không biết chừng kiếp trước em là con cháu Cao Lan nay các cụ sai về tiếp chuyện các bác”….

Bí thư Nghiệp từ nãy chỉ ngồi im. Tôi hỏi anh để phá vỡ im lặng:

- Anh Nghiệp kể gì về gia đình hay về cây chè đi…

   Nghiệp cười hiền lành. Anh hơi chần chừ chút rồi cũng nhanh chóng cởi mở:

- Theo các cụ, cây chè đầu tiên ở bản Ven được lấy về từ rừng Thác Ngà. Nãy tới giờ uống chè các anh có nghe thấy tiếng thác không? Thác Ngà đấy. Em thì em nghe thấy luôn. Người Cao Lan đi rừng lấy mật ong, trứng kiến, trong gùi có bánh vắt vai, còn thơm mùi tay vợ nên họ lấy luôn cả cây chè và tiếng thác mang về… Chuyện như càng lúc càng hấp dẫn. Bỗng Thân Như Khuyến nói xen vào:

- Trứng kiến là ẩm thực độc đáo của người Cao Lan. Lát nữa mời các anh

- Người Nùng người Tày không ăn trứng kiến nhưng người Cao Lan ăn. Nó còn là đồ thách cưới. Chọn rể các cụ Cao Lan “đòi” trứng kiến và cả trứng… muỗi! Một cách “làm khó” đối phương như các Vua Hùng xưa đòi gà chín cựa ngựa chín hồng mao?

Lại cười. Tôi chợt nghĩ bí thư cũng đang “chém gió”. Nhưng đẹp sao những nét hồn nhiên dân giã trong tâm hồn người trung du. Sau mấy trăm năm cuộc sống và tâm hồn người Cao Lan đã hòa chung vào cuộc sống và tâm hồn 54 dân tộc Việt Nam anh em.

Nghiệp lại tiếp:

- Xưa các cụ trồng chè bằng hạt chứ không trồng cành. Em lên nương từ bé. Nay ta làm theo ViệtGAP xưa các cụ làm theo kinh nghiệm nhưng ngặt nghèo hơn ViệtGAP nhiều. Ngặt nghèo từ việc chọn đất trồng phải là những vạt đồi thấp hướng đông nam để buổi sớm lấy sáng và chiều thì mát. Hái chè thì mưa không được hái, sáng còn sương không được hái. Vừa hái lại phải vừa tạo điều kiện cho mầm sau lớn lên…

- Còn nếu có sâu không phun thuốc như giờ. Lấy đâu ra thuốc. Các cụ dùng giấy bản đốt bì (da) con lửng đã sấy khô cho khói khét bay ra làm sâu chết.

Đột nhiên anh hóm hỉnh:

- Thịt lửng có nhiều vị thuốc quí nhưng ăn không được vì rất hôi. Giờ biết cách khử hôi rồi thì lửng lại không còn…!

Họ Ninh là họ lớn và lâu đời nhất ở bản Ven. Nhà Nghiệp xưa có hàng trăm con trâu thả…

- Xưa khoảng tháng 11 các cụ đi chọn mai, chặt, phơi rồi cắt thành từng ống bỏ chè. Nhờ ống dầy, thêm lớp tinh lụa, nút kín gác bếp nên chè luôn khô và giữ lâu được 80 đến 90% hương. Chè bỏ lọ thủy tinh mất khoảng 40%.  Mặt mũi chúng tôi giờ ai cũng đều đã hồng. Ăn trứng kiến, ong non khà thêm li rượu “Chè Bản Ven” thật tuyệt. Rồi Nghiệp hào hứng kể lần bị bố đánh vì không biết rót chè. Rót chè mời khách mà anh cầm ấm cao quá. Ấm cao tiếng nước xuống không thanh tú và tách chè sủi bọt…

Ôi người xưa...

Khi biết tôi lên Yên Thế nhà thơ Mai Nam Thắng kể anh cũng đã từng lên đấy và còn gặp được một lò võ từ thời cụ Đề Thám. Chiều chúng tôi đã vào thắp hương trong Đền thờ Cụ, chụp ảnh trước đồn Phồn Xương nhưng không tìm được lò võ mà Thắng nhắc đến. Yên Thế là đất thượng võ mà ngay tên thị trấn huyện cũng như cũng gợi nhớ một cái gì vừa vâm váp vừa cổ xưa: Thị trấn Cầu Gồ. Đêm nay chúng tôi đã được sống trong cái vâm váp cổ xưa ấy, trong cái khoáng đạt của núi rừng, trong anh linh của Đề Thám và trong khí quyển mà cây chè bản Ven đã sinh ra đã lớn lên và đang tự khẳng định giá trị mình.

Bí thư Nghiệp bảo chè bản Ven uống không mất ngủ vì hàm lượng ta-nanh thấp, nhưng đêm nay tôi lại cứ muốn mình “mất ngủ” là sao.

Nguồn Văn nghệ số 49/2018

                                                                                                      

 


Có thể bạn quan tâm