March 29, 2024, 3:25 pm

Ðược làm trò thầy Phạm Vĩnh Cư là một điều may mắn

Lần đầu tiên tôi được nghe lời ngợi khen thầy Phạm Vĩnh Cư từ thầy Nguyễn Đăng Mạnh, lúc đang theo học lớp Cao học khóa 12 (1987- 1989), khoa Ngữ văn - ĐHSP 1 Hà Nội. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi được nghe nhiều chuyện xung quanh thời sự văn hóa văn nghệ và các bè bạn của thầy. Nhận xét về thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy Mạnh bảo: “Tay Hiến sắc sảo, uyên bác, nhưng nhiều khi cực đoan”. Về thầy Phạm Vĩnh Cư, ông bảo: “Tay Cư vào loại siêu về tiếng Nga và văn hóa Nga”.

Năm 1985, tôi thi đỗ vào khóa 3 Trường Nguyễn Du; ông Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc đổi ý không cho đi học, với lý do “anh đã có bằng Đại học Sư phạm Văn rồi, học Nguyễn Du cũng chỉ thêm bằng Đại học nữa, không cần thiết”. Lần thứ hai, hè năm 1989, sau khi trúng tuyển vào lớp Biên dịch văn học của trường Gorki do trường Nguyễn Du tổ chức (theo sáng kiến của thầy Cư), chúng tôi lại sang ngay Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân để học tiếng Nga, không học ở Nguyễn Du một ngày nào. Tuy nhiên, số phận sắp đặt cho tôi được gần gũi với thầy từ bấy đến nay. Hồi còn dạy học ở Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, tôi đã từng say mê dịch truyện của Pautovsky, Naghibin… từ nguyên bản tiếng Nga. Trong năm học thêm tiếng Nga ở Thanh Xuân, tôi đem thơ Pasternak ra dịch thử. Gặp câu thơ: “Bọt sóng trắng phủ đầy trên những ngọn cây táo”, không hiểu tại sao tác giả viết như thế, tôi đem hỏi thầy Cư. Thầy giải thích: “Ở nước Nga, đầu mùa Xuân có những loại cây, đặc biệt là cây táo, ra hoa trước cả mầm lá, lúc hoa táo ở rộ, trông như những bọt sóng biển trắng trên ngọn cây”. Mới chỉ biết nước Nga qua sách vở, tôi à lên thích thú về chi tiết mới mẻ này.

Trong bữa tiệc tiễn thầy Cư từ Moskva về Hà Nội (1991), chúng tôi định mở chai sâm panh lúc khai vị, thầy cản lại: “Các cậu định không cho tớ ngày mai về hay sao mà mở sâm panh? Người Nga không mở sâm panh tiễn người đi xa”. Đến khi Vũ Xuân Hương, bạn cùng lớp tốt nghiệp về nước (1994), chúng tôi cũng mở tiệc chia tay, một anh bạn ở trường khác mang sâm panh đến góp vui. Tôi dẫn lời thầy Cư để ngăn lại, mọi người bảo “chỉ mê tín”, rồi cứ mở, nổ nghe bôm bốp. Sáng hôm sau Vũ Xuân Hương ra sân bay Seremetievo 2 rất sớm để làm thủ tục, quả nhiên bị ách lại không bay được. Hộ chiếu, visa, vé máy bay… đều hợp lệ. Không bay được vì lý do rất vớ vẩn: hành lý bị quá cân. Là học viên của trường Nguyễn Du từ khóa 3, Vũ Xuân Hương nhiễm chất “quý tộc” của thầy Cư. Suốt mấy năm học ở Nga, Hương thường nhịn ăn để hàng tuần mua vé đi nghe nhạc Giao hưởng và mua sách. Số sách cần dùng ngay, Hương mang theo đường máy bay. Hải quan ở sân bay cho Hương chọn phương án: “Một là vất những gói hành lý sách vở lại thì được bay ngay, hai là quay về gửi sách qua đường bưu điện, sẽ cho bay vào ngày khác, không phải nộp lệ phí đổi vé”. Dĩ nhiên chúng tôi chọn phương án 2, bởi coi sách là công cụ làm ăn, quý như vàng. Chưa hết, mấy hôm sau, chuyến bay về đến Sài Gòn, Hương còn bị Hải quan Việt Nam bắt mở va li để kiểm tra xem có hàng cấm hay không. Trong va li một đống sách tiếng Nga, họ không đọc được, thấy một quyển có nhiều hình vẽ bàn tay với các đường chỉ tay, họ bảo: “Đây là loại sách tử vi bói toán, mê tín”, liền tịch thu, không trả lại…

***

Tốt nghiệp trường Viết văn Gorki, tôi ở lại Nga gần 30 năm, nên lần nào thầy Cư sang công tác hoặc có việc riêng ghé qua Moskva, tôi đều có vinh dự tháp tùng thầy. Một lần cùng đi thăm bảo tàng Tretiakov, thầy dừng rất lâu ở khu trưng bày tranh Ikon (tranh Thánh), xem rất say mê. Đã từng đi một số bảo tàng nghệ thuật có tranh Thánh, tôi có ấn tượng chung là tranh Thánh Nga không đẹp, nên chỉ hờ hững lướt qua và thú thật với thầy là mình không hứng thú với loại tranh này, mặc dù tôi là người tin Chúa và đọc rất kỹ Kinh Thánh. Thầy dừng lại giải thích vì sao tranh Thánh Nga có sức cuốn hút đối với mình. Cách giải thích thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc cả về mặt nghệ thuật, cũng như về Chính thống giáo của Nga. Từ đó tôi có cách nhìn khác về loại tranh này.

    Một lần tôi đi xem vở kịch nói “Trái tim chó”, dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Bulgakov. Khi màn vừa kéo ra, trên sân khấu xuất hiện hàng chục nhân vật đứng, ngồi, nằm với nhiều tư thế khác nhau, một nhân vật hú lên, rồi tất cả nối nhau tru lên như bầy chó man dại. Tôi thấy khó chịu với cách dàn dựng mở đầu này và kể lại cảm giác của mình với thầy Cư. Thầy giải thích vì sao đạo diễn lại có cách dựng như thế, cho đó là cách dàn dựng sáng tạo, độc đáo. Những điều thầy nói, liên quan đến kiến thức sân khấu Nga như khai sáng cho tôi…Trong những lần trò chuyện trực tiếp với thầy về thơ ca Nga, thầy dạy cho tôi tiêu chí thế nào thì được gọi là nhà thơ lớn, ai là đại thi hào…, căn cứ trên số lượng những bài thơ hay của họ được hậu thế công nhận

Tháng 10 năm 2018, trước khi về nước, tôi đến thăm thầy Vladimir Pavlovich Smirnov, Trưởng Bộ môn Văn học Nga đương đại của Trường Viết văn Gorki. Thầy hẹn chiêu đãi tôi ở nhà hàng Italia đối diện với cổng phụ trường Gorki. Trong tiệc chia tay, tôi đặt vấn đề xin thầy bộ giáo trình về Văn học Nga giai đoạn mới nhất, đem về nước làm tư liệu, thầy bảo: “Phần tôi dạy hiện nay chưa có giáo trình. Muốn tìm hiểu gì về Văn học Nga, từ cổ đến kim, cứ về hỏi ông Phạm Vĩnh Cư, ông ấy sẽ giảng cho nghe bằng tiếng Việt, đỡ phải tìm đọc tiếng Nga cho mệt”. Vị chuyên gia hàng đầu của Nga đánh giá cao về thầy Cư hoàn toàn có cơ sở, bởi hai ông là bạn thân, gắn bó với nhau mấy chục năm rồi. Thầy V. Smirnov kể, tình bạn của ông với thầy Phạm Vĩnh Cư bắt đầu từ năm 1987, khi ông cùng nhà thơ Valentin Sorokin sang công tác Việt Nam. Thầy Cư, Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Du đã tháp tùng họ đi từ Bắc vào Nam cả một tháng. Ngay lần đầu, phong cách quý tộc lịch lãm và sự am hiểu sâu sắc văn hóa Nga của thầy Cư đã chinh phục ông.

Tháng 10 năm 2005, tôi được tham dự buổi làm việc của thầy Phạm Vĩnh Cư (lúc đã rời trường Nguyễn Du sang Viện Văn học) với Giáo sư Viện sĩ Alechxandr Kudelin, Viện trưởng “Viện Văn học thế giới mang tên Gorki” (tên gần giống Trường Viết văn Gorki), bàn về chương trình hợp tác giữa hai viện. Trong buổi làm việc ấy, có cả GS.TS N. Nikulin (1933-2005), Trưởng Ban Văn học Á Phi cùng một số người khác của viện và bạn Trịnh Bá Đĩnh, cán bộ Viện Văn học Việt Nam. Với phong cách lịch lãm, bằng sự uyên thâm và cách diễn đạt tiếng Nga khúc triết của mình, thầy Phạm Vĩnh Cư đã tạo nên một cuộc đàm thoại thoải mái, được các thầy phía Nga nể trọng. Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Boris Riftin (1932 -2011), một người nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu Văn hóa Trung Hoa, các nước Viễn Đông và châu Á, làm Trưởng Ban Văn học Á Phi của viện sau khi thầy N. Nikulin mất, cũng khâm phục thầy Cư và thỉnh thoảng nhờ tôi chuyển những cuốn sách về Việt Nam.

***

Tủ sách của thầy Cư là tủ sách của một học giả, chứ không phải là tủ sách của một người mê sách, một người nghiên cứu thông thường. Sách nhiều thứ tiếng, nhưng đa số là tiếng Nga, toàn những quyển sách quý hiếm của các tác gia lớn của Nga và thế giới. Sách sáng tác, sách nghiên cứu, sách văn học, sách tôn giáo và triết học.... Chỉ đọc tên sách thôi đã biết là “khó nhằn”. Trong đời, tôi chưa gặp một người nào mê sách như thầy. Lần nào đến Matxcơva, ngoài những buổi làm việc với đối tác hoặc ngồi ở Thư viện Lenin đọc và ghi chép, nhờ thư viện chụp những tư liệu quý, thầy tranh thủ đi lùng sách. Phần thì nhờ bạn bè Nga tìm cho các quyển đã cũ mà giờ không có ở hiệu sách, còn lại phần lớn là mua ở các hiệu sách. Nước Nga hậu Liên Xô, cởi mở, bùng nổ xuất bản. Những tác giả trước kia bị cấm hoặc hạn chế xuất bản, giờ người ta làm Tuyển tập hoặc Tổng tập về họ, mỗi tác giả mấy chục tập, dày hàng chục ngàn trang. Mỗi lần thầy Cư mua sách không phải một hai chục quyển, mà phải tính bằng tạ. Cước gửi hành lý theo máy bay đâu có rẻ. Mỗi ký là khoảng 10 đô. Đóng gói sách cũng vô cùng vất vả, công phu. Ngày ngày, thầy ra các cửa hàng xin thùng carton bỏ đi, mang về để đóng sách. Sách nặng nên không thể đóng vào thùng to, mà chia thành hàng chục thùng nhỏ. Thầy mang theo cả cái cân lò xo xách tay và các loại dây buộc từ Việt Nam sang chuẩn bị cho việc đóng gói. Lần nào tôi cũng là người đóng phụ thầy. Chỉ riêng chuyến thăm Nga tháng 7 năm 2007, số sách thầy mua đóng thùng để gửi máy bay theo hàng chậm, tôi cân được là 157 kg, chưa kể số sách được mang trong va li theo tiêu chuẩn hành lý miễn phí.

Lần thầy gửi sách vào năm 2011 cũng hơn một tạ. Ngán sự nhiêu khê của hệ thống dịch vụ gửi hàng chậm sân bay Nga, tôi nhờ dịch vụ của người Việt chuyển giúp thầy. Dịch vụ này giá rẻ hơn, lại được gửi nhanh cùng chuyến bay, về đến Nội Bài là người ta giao cho mình luôn tại sân bay. Dịch vụ của người Việt, kể ra thì dài dòng và tinh vi lắm. Chỉ kể là lần này bị trục trặc, do lỗi của thầy Cư. Chờ thầy bước vào phòng đóng dấu thị thực, tôi ra xe quay về luôn. Đi được nửa đường, tôi nghe thầy gọi điện báo là ở cửa biên phòng Nga, họ không cho về vì visa quá hạn một ngày, mà sách thì đã gửi theo máy bay rồi. Tôi vội quay lại sân bay đón thầy trở về Moskva. Thì ra, khi mua vé ở Hà Nội, chiều khứ hồi chậm một ngày so với ngày hết hạn trong visa. Thầy Cư xin đổi vé chuyến về sớm hơn, người bán vé giải thích: “Vé đã bán hết rồi. Bác vào Nga chậm một ngày so với visa, thì lúc về chậm một ngày cũng không sao cả”. Một người uyên bác và đi nước ngoài rất nhiều lần, nhưng vẫn lơ ngơ thủ tục đời thường như thế. Ở sân bay, thầy Cư bảo: “Tôi ra khỏi nước Nga chậm một ngày, các anh thông cảm cho ra, có ảnh hưởng gì đâu. Chứ tôi có vào Nga đâu mà gây khó thế”. Họ bảo: “Biết đâu trong một ngày ở lại nước Nga, anh đã làm điều gì đó vi phạm pháp luật thì sao? Chúng tôi cho anh đi thì để lọt tội phạm à?”.

Thế là chúng tôi phải điện cho cánh dịch vụ chuyển hành lý, báo lại cho họ mã số các thùng sách và điện về Việt Nam cho người đi nhận sách ở sân bay. Còn phần thầy Cư, muốn xin visa mới để về, ít nhất phải đợi một hai tuần. Tôi điện cho chú em quen nhờ lo hộ. Chú ấy bảo: “Muốn lấy ngay trong một hai ngày thì phải làm visa trục xuất. Mà về bằng visa trục xuất thì 5 năm sau mới được quay trở lại Nga. Hay là em lo cho loại “trục xuất” không ghi lưu vào hệ thống mạng, vẫn quay lại Nga không sao cả, loại này sẽ đắt tiền hơn”. Chúng tôi chấp nhận phương án đắt tiền…

Cũng nhờ loại visa “không xịn” ấy, những năm sau thầy lại sang Nga được bình thường. Năm 2013, thầy sang Moskva theo lời mời của Trường Viết văn Gorki thì lúc ấy tôi đang ở Việt Nam. Các bạn bè Nga tại Moskva tổ chức mừng sinh nhật thầy lần thứ 71. Lúc tôi sang, thầy đã về. Nghe các bạn kể, thầy than: “Giá lúc này có Thủy ở đây, mình đỡ vất vả với số sách này”.

Tôi nghĩ, suốt đời thầy sống với sách và sống bằng sách. Người đã bỏ tiền mua sách từ nước ngoài về, không thể chỉ để trưng bày cho oai. Khối sách ấy góp phần làm cho kiến thức nhân loại đầy ắp trong đầu óc của thầy, khiến thầy có một bồ chữ của thiên hạ. Nhưng đó không phải là bồ chữ khô cứng, vô hồn. Kiến thức đã thành của riêng thầy, nhuần nhuyễn tự nhiên, tuôn chảy thành những tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu, truyền lại cho chúng ta những tinh hoa trí tuệ của nhân loại.

Ở trên, tôi có nói sự cảm phục của mình về tủ sách đồ sộ của Thầy Cư và thầy M. Tkachev. Tôi quan niệm: Nhìn tủ sách lần đầu, người ta có thể đoán được chuyên môn nghề nghiệp, sở thích, tình yêu và tầm cỡ văn hóa của chủ nhân. Đến nhà ai chơi, tôi thường “săm soi” xem tủ sách của người ấy có Kinh Thánh hay không? Đối với người trí thức, nếu trong tủ sách không có quyển Kinh Thánh, được coi là cuốn Bách khoa toàn thư của nhân loại, là một điều thiệt thòi lớn. Nền văn minh Phương Tây chịu ảnh hưởng rất lớn của Ki tô giáo trong gần hai thiên niên kỷ. Những người nghiên cứu về nước Nga và Phương Tây, không thể không đọc Kinh Thánh. Thấy tủ sách của thầy Cư có đến ba quyển Kinh Thánh với những lần xuất bản khác nhau, văn phong dịch của bên Công giáo có khác với bản dịch của Tin Lành. Tôi nghĩ, thầy Phạm Vĩnh Cư nghiên cứu Kinh Thánh và hiểu về Ki tô giáo, nên càng thêm hiểu sâu sắc về Văn học, Hội họa, Triết học…Nga, hiểu được cốt lõi tư tưởng của Dostoyevski, Tolstoy, Tiutchev, Soloviov, Tsvetaieva…

***

Các tác phẩm dịch thuật nghiên cứu của thầy đã được chuyển sang Nga, gửi riêng tặng bạn bè, lưu trong các thư viện của Viện Văn học thế giới Gorki, Trường Viết văn Gorki và một số bảo tàng tác giả. Cuốn “Tâm – Психея”, thơ trữ tình của Maria Tsvetaieva do thầy dịch và giới thiệu năm 2012, chính tôi thay mặt thầy tặng nhà Bảo tàng Maria Tsvetaieva. Món quà ấy khiến bà giám đốc bảo tàng vô cùng xúc động.

Thầy Phạm Vĩnh Cư được cả giới nghiên cứu tên tuổi ở Việt Nam và các nhà Văn hóa Nga đánh giá là một học giả uyên bác, một dịch giả, nhà Nga học hàng đầu của Việt Nam. Năm 2009, Hội đồng khoa học Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh đã trao cho thầy Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh với công trình dịch thuật lớn nhất của thầy - sách “Siêu lý tình yêu” - Những tác phẩm triết - mỹ chọn lọc” của triết gia Nga Vladimir Soloviev do NXB Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành. Các báo Văn học Nga có nhiều bài phỏng vấn, đánh giá cao công lao đóng góp của ông. Ngày 20 tháng 11 năm 2020, Hội đồng Khoa học Trường Viết Văn Gorki đã ra quyết định công nhận thầy Phạm Vĩnh Cư là ‘Tiến sĩ danh dự” của Trường “vì đã dày công nghiên cứu Văn học, Lịch sử và Văn hóa Nga, quảng bá về nước Nga và Văn học Nga tại Việt Nam, vì thành quả lao động dịch các tác phẩm Văn học Nga ra tiếng Việt và tác phẩm tiếng Việt ra tiếng Nga”. Trời đã cho ông một bộ óc thông thái để tiếp thu những tinh hoa của Văn hóa Nga và của nhân loại. Nên ngoài những công trình dịch thuật và văn học, triết học Nga, thầy còn bàn thật sâu sắc đến những tác phẩm, tác giả của Việt Nam và thế giới. Dường như số phận đã chọn ông, trao cho ông sứ mệnh làm người khai mở, đưa những tinh hoa trí tuệ Nga đến với độc giả Việt Nam…

Người ta thường nói, có thêm một ngoại ngữ, biết sử dụng thành thạo ngoại ngữ ấy, là được sống thêm một cuộc đời nữa. Phạm Vĩnh Cư giỏi tiếng Nga, biết tiếng Pháp, say mê đọc sách, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Nga, cũng đã đủ để mọi người nể phục. Song, biến những say mê và hiểu biết ấy để thành những công trình nghiên cứu, truyền lại cho bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ mới là điều quan trọng. Tự tin vào tiếng Nga và tài năng của mình, khi dịch thơ ca, ông để song ngữ, để độc giả kiểm chứng, so sánh. Trước đây, ở ta ít có dịch giả cho in sách thơ song ngữ. Phạm Vĩnh Cư trở thành người giới thiệu, quảng bá Văn học, Triết học, Văn hóa Nga, say mê và bền bỉ, với một cách nhìn sâu sắc, hiểu thấu được bản chất, cốt lõi những tác giả, những vấn đề mình đang nghiên cứu. Ông kén chọn đề tài, mạnh dạn chọn những tác giả “có vấn đề” một thời bị kiêng kỵ, những lĩnh vực mới và hóc búa đối với người nghiên cứu bình thường. Mỗi một bài viết, một cuốn sách của ông là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có phát kiến mới mẻ. Ông tìm được những điều mà nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam trước đó chưa nghĩ tới, hoặc viết ngược lại với nhận thức xưa nay vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ của giới nghiên cứu Việt Nam.

Tôi được thầy ưu ái tặng gần như tất cả những cuốn sách đã xuất bản của mình. Có những cuốn dày cả ngàn trang, nặng trịch, thầy công phu mang theo sang Moskva để tặng. Đọc sách của thầy, tôi nghĩ thầy thuộc típ người có sứ mệnh Khai sáng. Tôi học được rất nhiều qua sách của thầy. Để đánh giá đúng công lao và tầm vóc của thầy, cần phải đọc thật kỹ tất cả các trước tác của ông và nghiền ngẫm, dành thời gian để viết một bài khác công phu hơn. Hôm nay, tôi chỉ ngồi nhớ lại những kỷ niệm về thầy và khẳng định: “Được làm học trò của thầy Phạm Vĩnh Cư là một điều may mắn”.

Nguồn Văn nghệ số 39/2021


Có thể bạn quan tâm