April 20, 2024, 12:11 am

Ứng xử với di sản - Câu chuyện bảo tồn hay làm mới?

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý cho thấy, những lỗ hổng trong bảo vệ di sản đang dần bộc lộ, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cần chặt chẽ hơn. Vì vậy, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức lấy ý kiến góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy năm 2024, trên tinh thần sửa Luật đề luật phù hợp hơn với thực tiễn và có tuổi thọ dài hơi hơn nhằm “cứu di sản”.

 

Giếng cổ làng Mông Phụ (bị tô màu)

 

Giải bài toán bảo vệ và khai thác di sản

Năm 2021, dư luận cả nước sửng sốt khi Chùa Đậu, di tích lịch sử được mệnh danh là “Danh lam đệ nhất trời Nam” bỗng nhiên bị làm mới. Công trình hàng nghìn năm tuổi bỗng chốc trở nên lạ lẫm với nhiều hạng mục được xây thêm, làm mới. Nhiều người chua xót, Chùa Đậu giờ chỉ còn 1 năm tuổi. Và khi các cơ quan chức năng vào cuộc, khẳng định những sai phạm ở Chùa Đậu có dấu hiệu vi phạm Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định hiện hành của pháp luật và của thành phố Hà Nội, nhưng hướng xử lý sai phạm vẫn chưa được đưa ra. Trong khi đó, những người có liên quan trực tiếp đến di sản tại địa phương đã không ngần ngại cho rằng, chỉ vài năm nữa, rêu xanh sẽ mọc lên và các hạng mục được xây mới, sửa chữa sẽ lại nhuốm màu cổ kính như xưa. Đối với người “ngoại đạo” không hiểu gì về trùng tu di sản, thoạt nghe thì có vẻ thuyết phục, nhưng những nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực di sản chắc chắc sẽ không thể chấp nhận kiểu “đánh bùn sang ao” trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói trên. Câu chuyện của Chùa Đậu được làm mới vốn không mới, nhưng lại xảy ra thường xuyên tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Điều đáng nói là khi địa phương này nhận ra sai phạm, rút kinh nghiệm sâu sắc và bắt tay vào khắc phục hậu quả, thì địa phương khác lại tiếp tục làm mới và di sản vì thế cứ mai một dần.

Theo PGS, TS Trần Lâm Biền, sở dĩ có những di sản hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm tuổi chỉ còn một năm hay vài tháng tuổi là do sự buông lỏng quản lý, sự thiếu hiểu biết của những người làm công tác trùng tu di sản và hơn cả là Luật Di sản chưa sát với thực tiễn. Còn tiến sĩ Lê Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc làm rõ các khái niệm về chủ thể trong Luật Di sản để sửa luật là vô cùng cần thiết. Trong đó, cần quan tâm tới việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể từ khái niệm đến các biện pháp bảo vệ. Theo bà, trong Luật Di sản văn hóa 2001, khái niệm di sản văn hóa phi vật thể không nói gì về chủ thể, di sản đó có đang thực hành không, không gian của nó ra sao, được kế thừa như thế nào? Sang luật sửa đổi năm 2009, khái niệm này đã khắc phục được các hạn chế trên. Song cần nói rõ thêm nội hàm “giá trị lịch sử”, “đa dạng văn hóa”, “trao truyền”, “tái sáng tạo” và “phát triển bền vững”. Đây không chỉ đơn thuần là những câu chữ để chỉ rõ vị trí, vai trò của chủ thể quản lý di sản mà còn định ra hướng bảo tồn, phát triển giá trị di sản đó trong đời sống cộng đồng. Ngoài ra, cần gắn di sản đó với các nội dung của Công ước 2003. Nhất là khi Việt Nam vừa mới trúng cử ủy ban UNESCO về bảo vệ di sản tháng 7/2022, càng cho thấy những hành động, ứng xử của Việt Nam với di sản đang được thế giới dõi theo và thẩm định.

Thiết lập những quy chế bắt buộc trong ứng xử với di sản

Thông thường, theo quy định, các di tích được xếp hạng trước năm 2001 phải tiến hành lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích. Việc khoanh vùng, vừa có thể giúp cơ quan chức năng kiểm soát được hiện trạng di tích, vừa hạn chế tối đa tác nhân gây ảnh hưởng đến di tích (ví dụ người dân địa phương xây dựng công trình trái phép trên đất di tích), hoặc có hướng di dời các hộ dân (đã sinh sống từ trước khi di tích được xếp hạng) ra khỏi phạm vi di tích được khoanh vùng. Song, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện. Thực tiễn cho thấy công tác giải phóng mặt bằng các hộ dân sinh sống, hoặc lấn chiếm di tích là vô cùng khó khăn. Đơn cử tại thành phố Hà Nội, theo số liệu khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao, trên toàn thành phố thể hiện có 12 tập thể và 1.230 hộ dân đang “ngụ cư” tại 681 di tích đã xếp hạng trên địa bàn Hà Nội. Chỉ có duy nhất hai huyện là Gia Lâm và Sóc Sơn không có người dân sống trong khu vực các di tích. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa tìm ra được biện pháp khả thi để hoàn tất quá trình chuyển toàn bộ số hộ dân nói trên ra khỏi di tích nhằm trả lại không gian và phát huy giá trị di tích trong đời sống cộng đồng. Không chỉ có thành phố Hà Nội tính đến việc di dời các hộ dân ra kỏi khu vực di tích, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đã lên kế hoạch di dời 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích kinh thành Huế. Kinh phí dự kiến cho việc di dời là 2.800 tỷ đồng và kéo dài đến năm 2025. Đây chính là câu chuyện di dời người dân sống trong khu vực di tích, di sản, còn những hộ dân đã trở thành một phần của di tích, di sản thì việc xây dựng công trình tại các khu vực bảo vệ di tích  hay quy định sửa chữa các công trình nhà ở trong cụm di tích, di sản lại khiến cho chính quyền và người dân gặp không ít khó khăn (câu chuyện của làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây- Hà Nội, của Hội An, thành phố Đà Năng). Cụ thể là người dân không được tiến hành xây dựng công trình dân dụng phục vụ nhu cầu dân sinh, hoặc nếu được xây dựng và cơi nới, sửa sang nhà cửa thì phải qua các quy trình, thủ tục phức tạp đòi hỏi người dân phải hiểu biết về trình độ nhận thức pháp luật di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng để tiến hành trùng tu, sửa chữa ngôi nhà của mình là việc không dễ, đòi hỏi phải có thời gian và có sự vào cuộc của các cấp ngành chức năng liên quan.

Đặt ra vấn đề Luật Di sản (sửa đổi) cần bổ sung, quy định chi tiết về điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, và có cơ chế cho địa phương chủ động nghiên cứu chính sách đặc thù nên “bổ sung quy định, trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ các công trình, địa điểm đưa vào Danh mục kiểm kê như một di tích lịch sử cấp thành phố cũng đã được nhiều địa phương, thành phố đặt ra. Đứng ở góc độ quản lý,  Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng cho rằng công tác sửa luật phải tháo gỡ các “điểm nghẽn”, cần “khơi thông” trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản, không thể chỉ chờ đợi vào nguồn lực ngân sách Nhà nước. Cần phân tách đâu là nguồn lực của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đâu là nguồn lực có thể xã hội hóa, là nguồn lực của nhân dân. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cũng phải đảm bảo tạo ra sự tương thích với các bộ luật khác để tạo động lực, sức mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Linh hoạt trong xây dựng luật

Cũng trong tiến trình góp ý cho Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi, liệu luật có thể cho phép “nhân bản di sản” có kiểm soát để phổ biến, lan tỏa di sản. Đơn cử như trường hợp “đôi dép của Bác Hồ” nếu du khách tham quan muốn mua đôi dép làm kỷ niệm thì Nhà nước có cho phép Bảo tàng Hồ Chí Minh được phép nhân bản dựa trên nguyên mẫu đôi dép của Bác và ghi rõ là “phiên bản” hay không? Hay các cổ vật được thừa kế thì có được mua bán, trao đổi hay không. Hay khi được gắn mác là “cổ vật” thì chỉ được phép trưng bày mà không được phép nhân bản? Bởi luật quy định: “Di vật, cổ vật thuộc các sở hữu, ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của tổ chức chính trị - xã hội, được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật”. Chưa kể, theo Luật định, việc đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đặc biệt là của các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam là không bắt buộc;  Do đó việc cá nhân, tổ chức đăng ký cổ vật, dị vật với các cơ quan chức năng diễn ra vô cùng chậm chạp. Do đó, để bảo vệ cổ vật, dị vật, việc đăng ký cũng cần phải được Luật quy định rõ ràng và phải là yêu cầu bắt buộc để tránh tình trạng “chảy máu” cổ vật.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, sẽ còn nhiều ý kiến đóng góp không chỉ của nhà khoa học mà còn của người dân để Luật Di sản văn hóa hoàn thiện và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cầu thị và lắng nghe bởi việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành các quy định pháp luật là cần thiết, trên cơ sở kế thừa, khắc phục, xây dựng các chính sách mới phù hợp. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội.

Hy vọng rằng, sửa luật để luật gần hơn với cuộc sống và có tuổi thọ dài hơn không chỉ là mong muốn của riêng Luật Di sản văn hóa mà còn của nhiều bộ luật khác, bởi nói gì thì nói, cuộc sống luôn vận động và di sản, di tích cũng vậy đang mai một theo thời gian… nếu như chúng ta không có những thể chế, quy định mang tính bắt buộc được cụ thể hóa trong luật  thì  “đời sống của di sản, di tích” sẽ  không chỉ dừng lại ở một năm tuổi hay vài tháng tuổi mà có thể sẽ chấm dứt hoàn toàn chỉ vì sự lỏng lẻo của luật và sự thiếu hiểu biết của chủ thể, đơn vị quản lý.

Hoài Thu

Nguồn Văn nghệ số 48/2022

   

Có thể bạn quan tâm