April 20, 2024, 8:25 pm

Ứng xử có văn hóa – dễ hay khó?

 

Có thể nói không người Việt Nam nào không biết, không thuộc câu ca dao:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Người Tràng An – người Hà Nội hiện nay phần lớn vẫn là người thanh lịch, tế nhị, có văn hóa trong nói năng, ứng xử. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ người Hà Nội bây giờ nói năng thô tục, vị kỷ, bất chấp đạo lý, miễn là có lợi cho mình.

Đi ra đường, vào công viên, đến những nơi công cộng… đâu đâu cũng bắt gặp người Hà Nội nói năng thô tục, trẻ con nói tục, người lớn nói tục với nhau, nói tục với trẻ con, rồi trẻ con nói tục với người lớn… có thể nói đủ “thể loại”. Đã thế cường độ ngày càng tăng: không một câu nói nào là không văng tục, chửi thề. Đáng buồn là có rất nhiều trai thanh gái lịch, ăn mặc lịch sự “miệng tươi như hoa” nhưng cũng văng tục như bắn súng liên thanh, ngay cả khi ngồi tâm sự với người yêu. Điều đáng lo ngại là những người nói tục ấy không hề ngượng mồm, không hề thấy đó là thiếu tôn trọng công chúng, chí ít là với người đang đối thoại với mình. Không ít người khi bị gặng hỏi, đã trả lời rất thản nhiên: Nói thế quen rồi, thậm chí còn có người trơ tráo: Nói thế cho sướng miệng. Thật hết thuốc chữa!

Không ít người khi ra đường thì chen lấn, xô đẩy, vi phạm luật lệ giao thông. Nhường đường cho người đi bộ, giúp đỡ người già, trẻ nhỏ qua đường bây giờ đã trở nên cực hiếm, thậm chí còn được các phương tiện truyền thông biểu dương là gương sáng. Tôi biết có người vượt đèn đỏ, xô ngã người dừng xe đúng pháp luật, nhưng vẫn thản nhiên bỏ đi. Lại có thanh niên đi xe sang trọng đâm vào ông già đã không xin lỗi lại còn quay lại cười rất khả ố khi thấy ông loạng choạng suýt ngã. Rồi nhiều người khi rẽ trái, rẽ phải không hề xin đường, đã gây ra những tai nạn đáng tiếc. Lại có những cô gái ăn mặc sang trọng, đi xe ô tô sang trọng nhưng lại đỗ xe ngay ngã tư làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, điều mà luật đi đường nghiêm cấm.

Những điều ấy xảy ra như cơm bữa, ai cũng thấy, ai cũng gặp và cũng chẳng buồn phản ứng nữa. Thôi thì cũng đành “sống chung với lũ”. Tại sao lại đến nông nỗi như thế này? Ngày xưa Hà Nội nghèo, nhưng người Hà Nội ứng xử với nhau rất tế nhị, có văn hóa. Tôi nhớ khi xưa, ngày rằm, mồng một, người Hà Nội chỉ dâng lên bàn thờ đĩa hoa nhỏ, chén nước lã… nhưng rất thành tâm. Bà bán hoa buộc những bông hoa ngọc lan trong những chiếc lá chuối hoặc lá dong, rồi treo vào móc cửa từng nhà. Hôm sau hoặc hôm sau nữa, tiện đi qua mới lấy tiền. Hiện nay người ta dâng cúng tổ tiên không thiếu sơn hào, hải vị, nhưng tấm lòng không còn thành kính, trong trẻo như xưa. Cuộc sống bon chen khiến người ta ngày càng đề cao giá trị đồng tiền, đồng tiền mua được tất cả, có tiền là có tất cả. Tư tưởng vị kỷ không biết tự lúc nào len lỏi vào tất cả các mối quan hệ: từ đồng nghiệp, đến anh chị em ruột thịt, đến cả mối quan hệ cha con, vợ chồng…Có một lúc nào đấy , cả nước như lên đồng “làm kinh thế bằng mọi giá”_ bây giờ ta đã phần nào tỉnh ra thì cái tư duy “làm kinh thế bằng mọi giá” đã quá quen thuộc, đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử có văn hóa, nhưng những quy tắc ấy vẫn chỉ lơ lửng đâu đó, chứ chưa đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Cứ có cảm tưởng rằng những người có trách nhiệm ra bản quy tắc này để đỡ áy náy, để chứng tỏ mình đã làm hết trách nhiệm, còn những biện pháp tuyên truyền, biện pháp thực hiện thì còn chưa thấy, còn xa vời. Những hội, đoàn thể quần chúng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đội thiếu niên … ở nhiều nơi hoạt động hình thức, ít tác dụng. Hội viên, đoàn viên chỉ gặp người đứng đầu khi họ đến thu tiền đóng góp, quỹ hội hoặc ủng hộ đồng bào lũ lụt. Những hội đoàn ít nhiều có tính chất tự phát nhưng hoạt động rất hiệu quả như: đồng môn, đồng niên, đồng hương, dòng họ… sau này cũng bị bỏ quên, chẳng ai ngó ngàng…

Những dịp con người sống với cộng đồng, hòa hợp với cộng đồng, vì cộng đồng… là các lễ hội thì bây giờ cũng biến tướng, thực dụng. Bao nhiêu cơ chế, thiết chế văn hóa… đã trở nên hình thức, thừa thãi và bị lợi ích vật chất của các thành viên vô hiệu hóa hoặc biến tướng.

Phải lập lại trật tự trên lĩnh vực văn hóa, lối sống và ứng xử có văn hóa trong đời sống cộng đồng. Nếu chậm trễ lối sống, lối ứng xử thô bạo, thiếu văn hóa trở thành truyền thống thì càng khó sửa. Muốn thế phải làm đồng bộ từ tất cả các cơ quan, ban ngành, từ cả hệ thống chính trị. Trước mắt phải tuyên truyền có thực chất, hiệu quả bản quy ước mà Hà Nội đã ban hành, biến thành nội dung cần và phải thực hiện thường xuyên, hàng ngày trong từng khu dân cư, trong từng gia đình.

Và có điều cần làm ngay mà lâu nay chúng ta chưa làm hoặc chưa làm được là người lớn phải làm gương cho trẻ em, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, người đứng đầu các hội, đoàn phải là người gương mẫu nhất, ứng xử có văn hóa nhất. Trẻ con là tấm gương phóng đại những việc làm của người lớn. Tương tự như vậy, trong xã hội cấp dưới sẽ khuyếch đại những việc làm của cấp trên. Không có chuyện trên nóng dưới lạnh đâu. Cấp trên làm đúng, nêu gương thì không cấp dưới nào dám làm sai, làm bậy. Chỉ nói một chuyện cụ thể như dâng sao giải hạn đầu năm chẳng hạn. Vốn ngày xưa rất nhẹ nhàng, là cách người dân đóng góp, cho nhà chùa đồ thờ cúng quanh năm (trước đây không có hòm công đức la liệt như hiện nay), mỗi người giải hạn chỉ vài ngàn đồng. Nhưng bây giờ là mấy trăm ngàn đồng, có chùa ở Hà Nội phải xếp hàng để dâng sao giải hạn vì nghe nói vợ con rất nhiều quan chức đến giải hạn ở đây. Nếu gia đình các vị gương mẫu thì đã không xảy ra tình trạng bê bối như vậy.

Nguồn Văn nghệ số 28/2019


Có thể bạn quan tâm